Vào nội dung chính
NGA - HOA KỲ - BẦU CỬ

Trump và Putin, cặp bài trùng

Đây là nhận định của Frederic Autran, thông tín viên của tờ Libération, tại Washington trong số báo ra ngày 25/11/2016. Trong số tất cả các nước trên thế giới, dường như Nga là quốc gia hài lòng nhất về thắng lợi của Donald Trump, với hy vọng hâm nóng lại mối quan hệ song phương có lợi cho Matxcơva.

Áp phích ảnh tổng thống Mỹ tân cử Donald Trump và tổng thống Nga Vladimir Putin, tại Danilovgrad, Montenegro, ngày 16/11/2016.
Áp phích ảnh tổng thống Mỹ tân cử Donald Trump và tổng thống Nga Vladimir Putin, tại Danilovgrad, Montenegro, ngày 16/11/2016. REUTERS/Stevo Vasiljevic
Quảng cáo

Cũng có thể đó là nước duy nhất. Vào giữa tháng 10/2016, vài tuần trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ, viện Gallup đã hỏi gần 50 ngàn công dân thuộc 45 nước bầu chọn Hillary Clinton hay Donald Trump. Ở khắp nơi, ứng viên của đảng Dân Chủ đều giành thắng lợi áp đảo, trừ tại Nga. Tại đây, nhà tỷ phú đã dẫn đầu, vượt đối thủ hơn 20 điểm.

Nếu như tại Nga, triển vọng thời kỳ Trump làm tổng thống có sức « quyến rũ » hơn là gây lo ngại, đó là bởi vì nhiều người coi đây là một cơ hội sưởi ấm mối quan hệ giá lạnh giữa Matxcơva và Washington, vốn xuống rất thấp kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh. Vả lại, ngày 14/11, sau cuộc điện đàm đầu tiên, Vladimir Putin và Donald Trump cũng không nói điều gì khác.

Theo điện Kremlin, hai nhà lãnh đạo « có cùng nhận định không mấy hài lòng về tình trạng mối quan hệ Nga-Mỹ và cả hai cùng tuyên bố sẽ làm việc tích cực với nhau để bình thường hóa quan hệ giữa hai nước ». Về phần mình, nhóm cộng sự của tổng thống Mỹ tương lai đã nhấn mạnh đến quyết tâm của Trump xây dựng « mối quan hệ mạnh mẽ và bền vững với Nga và với nhân dân Nga ».

Phải chăng nhà tỷ phú phần nào phải chịu ơn Matxcơva về thắng lợi của mình ? Không thể khẳng định được điều này một cách chắc chắn và nếu nghĩ như vậy thì dường như lại quá coi trọng ảnh hưởng của Putin. Thế nhưng, có một điều chắc chắn : từ trước đến nay, chưa bao giờ bóng ma nước Nga lại ám ảnh chiến dịch tổng thống Mỹ, một đối thủ lớn của nước Nga, đến như vậy. Donald Trump –không hề che giấu sự kính nể và một số người còn nói đến sự ngưỡng mộ - đã có những phát biểu tốt đẹp dành cho Vladimir Putin.

Donald Trump đã thường xuyên nhấn mạnh, « ông ta (Putin) là một nhà lãnh đạo tốt hơn tổng thống của chúng ta », và đề cao hình ảnh toàn trị của chủ nhân điện Kremlin để chỉ trích những điểm được cho là yếu kém của Barack Obama. Rồi còn có những hành động tấn công của tin tặc Nga đánh cắp thư điện tử của đảng Dân Chủ và của John Podesta, lãnh đạo chiến dịch vận động tranh cử của Hillary Clinton, và sau đó bị WikiLeaks tung lên mạng. 

Đầu tháng 10/2016, các cơ quan tình báo Mỹ đã cáo buộc chính phủ Nga đứng sau các vụ tấn công tin học và tìm cách can thiệp vào tiến trình bầu cử tại Mỹ. Trong một thông cáo hiếm thấy, các cơ quan tình báo liên bang nhấn mạnh : « Do quy mô và mức độ nhậy cảm của các ý đồ, chúng tôi nghĩ rằng chỉ có những quan chức cao cấp của Nga mới có thể cho phép những hoạt động này ».

« Chuyện tầm phào »

Bất chấp những kết luận của tình báo Mỹ, mà Nga coi là « chuyện tào lao, tầm phào », Trump đã từ chối thừa nhận vai trò của Matxcơva trong các vụ tin tặc này. Đối với một số người, sự chối bỏ này lại càng làm tăng thêm nghi ngờ về mối quan hệ bí mật giữa chính phủ Nga và chiến dịch tranh cử của Trump. Vả lại, ngay sau khi nhà tỷ phú đắc cử, thứ trưởng ngoại giao Nga Sergeui Ryabkov thừa nhận là đã có những « tiếp xúc » với nhóm cộng sự của Trump trong thời gian vận động tranh cử.

Ông Ryabkov nói : « Đương nhiên, chúng tôi quen biết phần lớn những người trong nhóm thân cận của ông Trump ». Phát ngôn viên của Trump đã kiên quyết bác bỏ những phát biểu này. Dẫu sao, thì cũng có những nghi ngờ đối với Paul Manafort, phụ trách chiến dịch vận động tranh cử của ứng viên đảng Cộng Hòa trong khoảng thời gian từ tháng Sáu đến tháng Tám và đặc biệt là có liên quan đến các nhóm thế lực Ukraina thân Nga.

Cũng như trên nhiều hồ sơ khác, tiên đoán chính sách của Trump đối với Nga chỉ là một sự diễn dịch, ngoại suy. Cuộc gặp đầu tiên của Trump với Putin, cho dù ở Matxcơva hay Washington, sẽ được theo dõi rất chặt. Về phía Nga, người ta đang mường tượng ra điều mà Kremlin hy vọng có được từ phía tân chính quyền Mỹ : trước tiên là bãi bỏ cấm vận kinh tế đối với Nga, kể từ sau vụ sáp nhập Crimée.

Nếu Trump lao theo hướng đó, thì sự đồng thuận vốn mong manh giữa châu Âu và Mỹ trên hồ sơ này chắc chắn sẽ tan vỡ. Cũng trong hồ sơ Ukraina, liệu vị tổng thống tương lai của nước Mỹ có thể đi xa đến mức chính thức thừa nhận việc sáp nhập Crimée vào Nga hay không ? Dù thế nào đi chăng nữa thì hồi tháng Bẩy vừa qua, Trump đã tuyên bố : « Theo những gì mà tôi nghe thấy, thì người dân Crimée mong muốn thuộc về nước Nga ».

Mariya Omelicheva, giáo sư khoa học chính trị tại đại học Kansas dự báo, « chính phủ Trump chắc sẽ giảm mức độ ủng hộ Ukraina, Gruzia và các nước cộng hòa hậu Xô Viết khác, điều này sẽ giúp cho Nga được tự do hơn trong việc theo đuổi bảo vệ các lợi ích quốc gia của mình tại những quốc gia này. Bãi bỏ trừng phạt giáng vào Nga do sáp nhập Crimée và liên tục ủng hộ phiến quân ở miền đông Ukraina, sẽ là phần thưởng quý nhất đối với Nga ».

« Những khác biệt tinh tế »

Trong vấn đề Syria, Trump đã nhiều lần tuyên bố mong muốn hợp tác nhiều hơn nữa với Matxcơva để chống lại các lực lượng thánh chiến của Nhà nước Hồi giáo có hiệu quả hơn. Trump trấn an là có một « kế hoạch bí mật » đối với khu vực này, nhưng không cho biết thêm chi tiết. Tuy vậy, ông lại hàm ý rằng phe đối lập ôn hòa Syria, được chính quyền Obama ủng hộ, không nằm trong kế hoạch nói trên. Gần đây, trên Wall Street Journal, ông nói : « Chúng ta ủng hộ phe nổi dậy chống lại chế độ Syria nhưng chúng ta không hề biết họ là ai ».

Việc xích lại gần Nga mà Trump chủ trương, nếu điều này được khẳng định, có thể làm dấy lên những rối loạn trong phe Cộng Hòa, bởi vì nhiều người – kể cả phó tổng thống Mike Pence – rất phàn nàn về thái độ của Matxcơva ở Đông Âu và Syria. Việc gia tăng hợp tác chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa các trao đổi quân sự và thông tin tình báo và đây là điều mà nhiều quan chức của bộ Quốc Phòng Mỹ phản đối mạnh mẽ.

Ngoài ra, Max Boot, thuộc Hội đồng Đối ngoại, một tổ chức tư vấn chuyên về chính sách đối ngoại, chỉ trích trò chơi hai mặt của Matxcơva. Ông nói, các vụ tấn công vào Aleppo « cho thấy là Nga có ý định tiêu diệt phe nổi dậy Syria hơn là chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo, bởi vì Matxcơva cho rằng phe nổi dậy ôn hòa cũng là một mối đe dọa nghiêm trọng hơn đối với Bachar Al Assad. Thế nhưng, đối với vị tổng thống đắc cử (Donald Trump) chắc là không có những khác biệt tinh tế này ».

Có một điều chắc chắn : Trump sẽ không phải là vị tổng thống Mỹ đầu tiên tìm cách tạo ra một xung khí mới cho quan hệ Mỹ-Nga. Trước ông ta, George W Bush và Barack Obama – với ý định tái khởi động – đã hồ hởi tiến hành nhưng không thành. Các nỗ lực của họ đã tiêu tan do Nga xâm lược Gruzia vào năm 2008, rồi Ukraina năm 2014. Nếu xẩy ra một cuộc xâm lược thứ ba trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, có thể Donald Trump sẽ không phật ý.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.