Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - MỸ

Donald Trump rút khỏi kinh doanh, xung đột lợi ích có hết?

Tổng thống tân cử Hoa Kỳ muốn chấm dứt các dị nghị xung quanh khối tài sản khổng lồ của ông có thể gây xung đột lợi ích khi bước vào Nhà trắng. Hôm qua, 30/11/2016, Donald Trump thông báo sẽ rút khỏi đế chế bất động sản của mình Trump Organization.

Tòa cao ốc Trump International tại Las Vegas.
Tòa cao ốc Trump International tại Las Vegas. REUTERS/David Becker
Quảng cáo

Từ tổng hành dinh Trump Tower ở Manhattan, nhà tài phiệt bất động sản qua Twitter thông báo ngày 15 /12 ông sẽ có « cuộc họp báo quan trọng » với sự hiện diện của các con. Theo như nội dung thông báo thì cuộc họp báo này sẽ đề cập đến việc ông rút khỏi hoạt động làm ăn để « tập trung toàn diện vào lãnh đạo đất nước và để trả lại cho nước Mỹ sự vĩ đại ».

Ông Trump cũng giải thích thêm : « Trên cương vị tổng thống, tôi cảm thấy không có xung đột lợi ích nào với công việc kinh doanh của mình » đồng thời ông khẳng định đang soạn thảo các văn bản pháp lý để ông « rút toàn bộ hoạt động quản lý …. Vì làm tổng thống là nhiệm vụ còn quan trọng hơn ! »

Ngay sau khi ông chủ của một đế chế kinh doanh có chi nhánh ở khắp thế giới đắc cử tổng thống Mỹ, nhiều câu hỏi về khả năng xung đột lợi ích đã được gợi ra. Những tuần qua, nhà tài phiệt bất động sản đã đánh tiếng cho biết ông sẽ lập một blind trust, tức là một cơ cấu tài chính được giao cho một lãnh đạo độc lập, chịu trách nhiệm quyết định hoạt động của những cơ sở làm ăn của ông Trump trong nhiệm kỳ tổng thống.

Trong quá khứ, giải pháp này đã được một số tổng thống Mỹ áp dụng. Tuy nhiên với trường hợp của ông Trump, giải pháp này không thuyết phục được dư luận, nhất là khi ông khẳng định cơ quan tài chính độc lập nói trên sẽ là do các con của ông nắm.

Theo nhiều chuyên gia, điều đó không giải quyết được vấn đề xung đột lợi ích. Ba người con của ông, Ivanka, Eric và Donald Jr đều từng là những cố vấn thân cận của ông trong chiến dịch tranh cử, nay tiếp tục đóng vai trò tích cực trong việc chọn lựa lãnh đạo bộ máy chính quyền Trump.

Các luật sư chuyên về các vấn đề đạo đức chính quyền, Norman Eisen của tổng thống Barack Obama và Richard Painter, dưới thời tổng thống George W.Bush, đã kêu gọi tân tổng thống cắt tất cả các mối liên hệ với công việc kinh doanh nếu không, thế nào cũng xảy ra xung đột lợi ích riêng với lợi ích chung.

Theo hai luật sư trên, chỉ có một giải pháp triệt để giải quyết được vấn đề, đó là bán toàn bộ cổ phần tài sản của ông Trump, đem tiền đặt vào một blind trust được quản lý một cách độc lập thực sự. Vấn đề còn lại là làm sao ông Trump có thể chấp nhận như vậy.

Trump, trường hợp chưa có tiền lệ

Cho dù về mặt luật pháp, không có gì cấm cản một tổng thống Hoa Kỳ điều hành hay duy trì các mối quan hệ làm ăn với các công ty riêng, nhưng trường hợp của ông Trump là chưa từng có, bởi khối lượng tài sản của ông quá lớn, phạm vi hoạt động của đế chế Trump quá rộng, ở khắp thế giới.

Trump Organization trên thực tế cũng là một con nợ của nhiều ngân hàng nước ngoài lớn từng có vấn đề với chính quyền Obama. Đế chế Trump có liên hệ với những đại tập đoàn thân cận với các chính phủ nước ngoài. Tập đoàn của Trump đã kết nối các mối quan hệ đối tác với những nhà thầu bất động sản để xây dựng khách sạn, sân golf, khu cao ốc văn phòng. Các đối tác này luôn gắn thương hiệu Trump để thu nhập như là một quảng cáo.

Một số trong các đối tác làm ăn như vậy của Trump Organization lại thường có quan hệ chặt chẽ với chính quyền địa phương. Tập đoàn của Trump hoạt động ở hơn hai chục quốc gia, trải khắp các châu lục, thuộc đủ loại chế độ chính trị khác nhau, trong đó có những nước như Azerbaidjan, Ấn Độ, Ả Rập Xê Út hay Thổ Nhĩ Kỳ.

Tranh luận gần đây nhất liên quan đến chính nước Mỹ và tòa nhà Trump International Hotel, vừa khánh thành tại Washington, cách Nhà Trắng có vài bước chân. Hợp đồng thuê đất ký năm 2013, giữa Trump Organization và cơ quan quản lý tài sản Nhà nước Liên bang có quy định : « Không một thành viên Quốc hội hay lãnh đạo dân cử (….) được phép giữ cổ phần hay tham gia vào hợp đồng này hay thu lợi từ hợp đồng ».  Theo các chuyên gia Mỹ, như vậy khi lên làm tổng thống, trên thực tế Donald Trump vừa là người đi thuê và cũng là chủ thuê mảnh đất trên. Nguy cơ xung đột lợi ích có thể gọi là nhãn tiền.

Các dân biểu tiểu Ban Tư Pháp Hạ viện mới đây đã gửi thư lên chủ tịch Ủy ban Bob Goodlatte, bày tỏ ngại khả năng các chính phủ hoặc công ty nước ngoài có thể can thiệp vào chính sách của nước Mỹ bằng việc, chẳng hạn như « tạo những điều kiện làm ăn thuận lợi hơn cho các công ty của Trump để gây áp lực ảnh hưởng với chính sách của chính quyền Trump ».

Trong khi chờ đợi ông Donald Trump làm sáng tỏ vấn đề trong cuộc họp báo ngày 15/12 tới, CNN đã tiến hành một thăm dò dư luận và cho công bố hôm 22/11, theo đó 59% người Mỹ cho rằng đề nghị của ông Trump trao quyền lãnh đạo công ty của mình cho các con để tránh xung đột lợi ích sẽ không giải quyết được gì.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.