Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Angela Merkel, lãnh đạo nước Đức và thế giới tự do ?

Đăng ngày:

Trong cuộc họp báo ngày 20/11/2016 tại Berlin, thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết bà sẽ ra tranh cử nhiệm kỳ thứ tư nhân bầu cử Quốc hội vào năm tới. Sau 11 năm cầm quyền, bà hãnh diện được 55% dân chúng mong muốn tiếp tục lãnh đạo. Công luận bên kia bờ Đại Tây Dương cũng tin tưởng. 

Thủ tướng Đức Angela Merkel trong một hội nghị tại Berlin ngày 06/10/2016.
Thủ tướng Đức Angela Merkel trong một hội nghị tại Berlin ngày 06/10/2016. © REUTERS/Fabrizio Bensch
Quảng cáo

Trong bối cảnh châu Âu đối đầu với nhiều bất trắc và khủng hoảng, bên trong lẫn bên ngoài biên giới, Angela Merkel được đa số dân Đức xem là biểu tượng của ổn định. Tại Hoa Kỳ, một phần công luận Mỹ lo ngại chính sách co cụm của Donald Trump đã trao cho bà nhiệm vụ « lãnh đạo Thế Giới Tự Do », một danh hiệu đã chìm vào quên lãng từ khi Liên Xô sụp đổ.

Trong khi đó thì đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo của Đức bị chia rẽ vì chính sách đón tiếp di dân ồ ạt. Nước Đức còn là nạn nhân của phong trào cực hữu, bài ngoại, co cụm từ khi tiếp nhận một triệu tị nạn này.

Giáo sư Michèle Weinachter, đại học khoa học chính trị Sciences Po Saint Germain en Lhaye, chuyên gia về nước Đức hiện đại, phân tích căn nguyên nguồn cội. Cuộc phỏng vấn do chương trình « Décriptage » của RFI tiếng Pháp thực hiện.

Tại sao dân Đức vẫn còn ủng hộ bà Angela Merkel sau 11 năm cầm quyền ?

Tình hình kinh tế là yếu tố cơ bản nhất. 75% dân Đức hài lòng với tình hình hinh tế quốc gia. Trong 11 năm qua, tỷ lệ thất nghiệp giảm đến 50% chỉ còn 5,8%. Chúng ta không nên quên rằng là 10 năm trước, Cộng Hoà Liên Bang Đức rơi xuống tận cùng đáy vực. Tất cả châu Âu đều nói Đức là con bệnh của châu lục. Bà Angela Merkel trong nỗ lực đưa nước Đức đi lên đã có những thành công và thất bại. Nhưng với 75% dân chúng hài lòng thỏa mãn thì yếu tố kinh tế đóng vai trò rất quan trọng.

Thứ đến, Angela Merkel được dân chúng xem là một nhà lãnh đạo vững chắc và giàu kinh nghiệm. Trong một thế giới nhiều bất trắc thì hình ảnh một nhà lãnh đạo vững vàng, mang lại thành quả kinh tế thì phải được dân tín nhiệm.

Nhưng phải nói rõ là từ nay cho đến năm sau sẽ có nhiều thay đổi ai biết được ngày mai ra sao. Nếu bầu cử diễn ra vào ngày mai thì chắc chắn Angela Merkel lại chiến thắng vẻ vang nhưng năm tới thì khó đóan. Tuy nhiên, có nhiều khả năng liên minh cầm quyền CDU và SPD sẽ được bầu lại. Đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo sẽ tiếp tục cùng với đảng Dân Chủ Xã Hội điều hành nước Đức.

Kinh tế phất lên nhưng nước Đức không tránh được ảnh hưởng của cực hữu, cơn ác mộng của một dân tộc từng bị Hitler lôi vào thế chiến. Đây là thất bại của Angela Merkel ?

Chúng ta có thể nói như thế nhưng cũng phải tương đối hóa vấn đề. Đảng AFD bài ngoại thành lập năm 2012, qua năm sau giành được gần 5% phiếu, không đủ điều kiện để vào Quốc hội liên bang, nhưng kết quả như thế là khá tốt cho một tổ chức mới. Lúc đó, AFD chỉ là một phong trào chống châu Âu và lý do kinh tế là nguyên nhân chính.

Thế rồi, sau đó có một cuộc « đảo chính » trong nội bộ. Phe cực hữu lật đổ sáng lập viên chủ tịch và từ đó các luận điểm cực đoan, kỳ thị chủng tộc bắt đầu được tung ra không khác chi khẩu hiệu của nhóm tân phát-xít NPD. Theo thăm dò ý kiến ngày 12/11/2016 thì AFD được 12% cử tri tín nhiệm. Đây là một tỷ lệ cao trong chính trường Đức nhưng so với uy thế của các tổ chức cực hữu khác tại châu Âu thì có thấm gì.

Tuy nhiên, điều nguy hiểm là cực hữu Đức rất thô bạo. Do vậy, bà Angela Merkel đã báo trước là chiến dịch vận động tranh cử vào năm 2017 sẽ được lèo lái với một « thái độ dân chủ ». Tuyên bố này rất quan trọng vì Angela Merkel không để cho các chính trị gia cực đoan lôi kéo tranh luận chính trị vào võ đài mị dân.

Bối cảnh chính trị khó khăn không riêng gì cho nước Đức mà nó xảy ra trên toàn cầu : khủng hoảng vùng euro, Anh Quốc rút chân khỏi châu Âu, Donald Trump vào Nhà Trắng… đây là những bất trắc đặc biệt đối với Berlin vì kinh tế Đức là kinh tế mở. Nếu Mỹ co cụm, phong trào cực hữu co cụm ở châu Âu cũng thừa thế bùng lên thì Đức rất mệt.

Trăm dâu đổ đầu tằm ? Bà Angela Merkel bị nhiều nhà chính trị châu Âu và đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo Đức chỉ trích phạm sai lầm trong chính sách nhân đạo tiếp đón di dân tị nạn. Phe cực hữu tố bà mở cửa cho khủng bố trà trộn xâm nhập nước Đức. Hư thực ra sao ?

Bà Angela Merkel không tuyên bố mở cửa biên giới đón tất cả mọi di dân tị nạn. Thế nhưng chính những người trong đảng lại công kích bà kịch liệt. Trong khi đó thì đảng Dân Chủ Xã Hội và nhiều đảng đối lập trong đó có đảng cực tả, đảng Xanh bảo vệ môi trường ủng hộ các biện pháp nhân đạo của thủ tướng. Tình hình lúc đó phải nói là « khẩn cấp ».

Vào ngày 15/08/2015, bộ Nội Vụ báo động đang có hơn 800.000 tị nạn đang tiến về biên giới nước Đức. Đoàn người mượn con đường Balkan mỗi ngày mỗi đông. Thế mà thủ tướng Hungari, Viktor Orban để cho di dân tị nạn lâm vào hoàn cảnh cực kỳ bất nhân.

Bà Angela Merkel lớn lên trong chế độ độc tài Đông Đức nên bà rất ghét hàng rào kẽm gai và tường chận. Do vậy, không phải bà tuyên bố mở toang biên giới cho di dân mà chính xác là « không nên đóng cửa trước thảm cảnh nhân đạo và cần đối xử với người bất hạnh sao cho xứng đáng với tình người ».

Angela Merkel đạt thành quả đáng khen vì trong nước, bà thực hiện một chính sách nhập cư rất năng nổ, ổn định đời sống của một triệu di dân, siết chặt luật di trú và bên ngoài biên giới châu Âu, bà thuyết phục được Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác tiếp đón nạn nhân chiến cuộc Syria ».

                                                    Thay thế vai trò nước Mỹ của Donald Trump ?

Ngày 20/11/2016, khi thông báo quyết định ra tranh cử nhiệm kỳ thứ tư vào năm 2017, thủ tướng Đức nhấn mạnh một mình bà không thể bảo vệ an ninh cho cả châu Âu mà phải có nhiều người hợp tác. Biện pháp hiệu quả nhất để củng cố nền an ninh chung là nước Đức và thế giới cần phải rộng mở chứ không thể co cụm mạnh ai nấy lo thân.

Lời tuyên bố khiêm tốn này của bà Angela Merkel được xem là thông điệp vừa để khuyến cáo tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump, vừa đáp lại lời khen của báo chí Mỹ, điển hình là New York Times, xem nữ thủ tướng Đức từ nay là người thay thế Hoa Kỳ lãnh đạo « Thế Giới Tự Do ».

Vì lý do gì, bối cảnh quốc tế hay bản lĩnh con người, mà công luận Mỹ đặt tin tưởng vào một nhà chính trị châu Âu.
Từ Washington nhà báo Phạm Trần tóm lược quan điểm báo chí Mỹ :

Đây là lập trường của nhiều tờ báo Mỹ. Không riêng gì New York Times. New York Times nhìn thấy những thành tích của bà Angela merkel sau 11 năm cầm quyền có lập trường cứng rắn đối với Putin … khi chúc mừng ông Trump, bà Merkel cảnh giác là sự hợp tác giữa Đức và Hoa Kỳ đặt trên tiêu chuẩn cơ bản không thay đổi đó là dân chủ, tự do và tôn trọng nhân phẩm con người.

Đó cũng là nguyên lý cơ bản của châu Âu, của Mỹ nói chung và của Đức nói riêng. Trong khi người ta lo âu vì những lời tuyên bố của ông Trump lúc tranh cử có thể gây mếch lòng, làm đồng minh cật ruột của Mỹ không còn giữ vững một khối như từ trước đến bây giờ. Đó là lý do tại sao người ta nhìn thấy bà Merkel là ngọn đuốc đứng vững chèo lái lý tưởng tự do dân chủ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.