Vào nội dung chính
UKRAINA : NHÀ MÁY CHERNOBYL

Ukraina khánh thành vòm bảo vệ nhà máy hạt nhân Chernobyl

Ngày 29/11/2016, sau bốn năm xây dựng, Ukraina khánh thành mái vòm phủ toàn bộ lò phản ứng số 4 của nhà máy điện nguyên tử Chernobyl. Kế hoạch ngoài sức tưởng tượng này tiêu tốn khoảng 2 tỉ euro của cộng đồng quốc tế và sẽ đảm bảo an toàn cho khu vực này trong vòng 100 năm.

Tổng thống Ukraina Petro Prochenko đọc diễn văn trong lễ tưởng niệm 30 năm thảm họa hạt nhân Chernobyl, ngày 26/04/2016.
Tổng thống Ukraina Petro Prochenko đọc diễn văn trong lễ tưởng niệm 30 năm thảm họa hạt nhân Chernobyl, ngày 26/04/2016. REUTERS/Valentyn Ogirenko
Quảng cáo

Theo thông cáo của tập đoàn Novarka (gồm hai nhà xây dựng Bouygues và Vinci), được AFP trích dẫn, bộ khung bằng thép có hình mái vòm giống như một chiếc chuông, nặng 25.000 tấn, cao 108 mét và dài 162 mét, có thể bao phủ được hết sân vận động quốc gia Pháp Stade de France hay tượng Nữ Thần Tự Do. Tuy nhiên, mái vòm này chỉ bắt đầu hoạt động từ cuối năm 2017, do các nhà xây dựng cần thời gian lắp đặt trang thiết bị.

Với tuổi thọ 100 năm, công trình này sẽ cô lập các chất phóng xạ, bảo vệ người lao động và bảo vệ « giàn giáo », được dựng ngay sau sự cố, khỏi những tác động thời tiết.

Bộ khung cũ, nặng 7.300 tấn, cấu tạo từ 400.000 m3 bê tông, được 90.000 người dựng trong vòng 206 ngày, trong điều kiện vô cùng khó khăn để cách ly lò phản ứng gặp tai nạn. Tuổi thọ của công trình được dự kiến kéo dài khoảng 20 đến 30 năm, song đã bị xuống cấp nghiêm trọng, đe dọa môi trường và người dân địa phương. Phát biểu với AFP, ông Sergui Paskevitch, thuộc Viện các vấn đề an ninh nhà máy hạt nhân của Viện Hàn Lâm Khoa Học Ukraina, cho biết chỉ một trận động đất cũng có thể khiến giàn giáo cũ này đổ sập.

Ngày 26/04/1986, vào lúc 1h30, lò phản ứng số 4 đã phát nổ trong khi đang được thử nghiệm an toàn. Trong vòng 10 ngày, thanh nhiên liệu nguyên tử đã bị đốt cháy và phát thải các chất phóng xạ vào không khí, khiến khoảng 3/4 châu Âu bị nhiễm xạ. Các nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là Nga, Ukraina, Belarus, lúc đó vẫn nằm trong khối Xô Viết. Suốt 4 năm sau đó, khoảng 600.000 người Liên Xô đã được khẩn trương điều đến khu vực Chernobyl để giải quyết hậu quả vụ nổ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.