Vào nội dung chính
UKRAINA/NGA : NẠN ĐÓI 1932-1933

Ukraina : Nạn đói 1932-1933 là kế hoạch « diệt chủng » của Matxcơva

Hôm qua, 26/11/2016, người dân Ukraina tưởng niệm hàng triệu nạn nhân nạn đói trong những năm 1932-1933. Tổng thống Petro Porochenko xem đó là một hành động « diệt chủng » đã được chính quyền Xô Viết lên kế hoạch nhằm đè bẹp mọi đòi hỏi độc lập của người dân Ukraina lúc bấy giờ.

Một phụ nữ đi qua trước công trình tưởng niệm các nạn nhân của nạn đói 1932-1933 ở Ukraina.
Một phụ nữ đi qua trước công trình tưởng niệm các nạn nhân của nạn đói 1932-1933 ở Ukraina. REUTERS/Gleb Garanich
Quảng cáo

Trước hàng trăm người tụ tập tại Kiev nhân lễ tưởng niệm « Holodomor » (Nạn đói lớn), tổng thống Ukraina tuyên bố :

« Tập thể hóa và trấn áp phản đối của nông dân, giết hại trí thức Ukraina và xóa bỏ Giáo hội Ukraina đã không đem lại những kết quả như Matxcơva mong muốn. Chính vì thế Holodomor đã được lên kế hoạch và được thực thi ở mức độ một cuộc diệt chủng. Mục tiêu của chế độ Xô Viết là triệt tiêu mọi khả năng tự quyết của Ukraina ».

AFP nhắc lại, vào năm 1932, chế độ Stalin đã khởi động một chiến dịch tập thể hóa cưỡng chế. Trong suốt chiến dịch này, các loại hạt giống, lúa mì, bột, rau củ và gia súc đã bị trưng thu, dồn nông dân đến nạn đói. Việc diễn giải lại nạn đói này đã bị Nga lên tiếng phản đối.

Theo các sử gia phương Tây và Ukraina, nạn đói lớn đó, do chính quyền Xô Viết cố ý gây ra, nhằm bẻ gãy mọi mầm mống đòi độc lập của Ukraina. Trong khi mỗi ngày có hàng ngàn người Ukraina chết đói, chính quyền Xô Viết đã cản trở việc cung cấp lương thực thực phẩm tại những vùng xảy ra nạn đói và tiếp tục xuất khẩu lúa mì ra nước ngoài. 

Còn theo lời kể của một nhân chứng đến dự lễ tưởng niệm tại Kiev với AFP, thì vào thời đó « người dân phải đào cả rễ cây để nấu súp, ăn cả giun đất để sống sót. Mục đích của nạn diệt chủng này là tiêu diệt dân tộc Ukraina với tư cách là một quốc gia, để buộc chúng tôi phải quên đi mình là ai và buộc chúng tôi phải thần phục chính quyền Xô Viết ».

Hiện Ukraina đang tìm cách chứng minh để Liên Hiệp Quốc nhìn nhận « nạn đói » này là một tội diệt chủng. Mối quan hệ giữa cựu thành viên Xô Viết với Nga trong những năm gần đây đã xấu hẳn đi, kể từ sau vụ tổng thống thân Nga ông Viktor Ianoukovich bị lật đổ, tiếp theo việc Matxcơva cho sáp nhập bán đảo Crimée vào lãnh thổ Nga rồi xung đột với phe ly khai thân Nga ở miền đông Ukraina làm hơn 9.500 người chết.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.