Vào nội dung chính
CUBA - QUỐC TANG

Cuba ban hành quốc tang cố chủ tịch Fidel Castro

Sau những chấn động đầu tiên khi được thông báo là cựu lãnh đạo cách mạng Fidel Castro qua đời, ngày hôm nay 27/11/2016, người dân Cuba chuẩn bị quốc tang kéo dài một tuần lễ với nhiều nghi lễ tưởng niệm và tiễn biệt. Không khí tại La Habana và Little Havana (Miami) không giống nhau.

Chủ tịch Fidel Castro, ngày 26/07/2006, tại Bayamo, Cuba.
Chủ tịch Fidel Castro, ngày 26/07/2006, tại Bayamo, Cuba. REUTERS/Claudia Daut
Quảng cáo

Tại Cuba, sau 50 năm cai trị độc đoán, cái chết của ông Fidel Castro tạo nên những phản ứng khác biệt trong lòng người dân Cuba. Nếu có người buồn thì cũng có người vui.

Những người dân Cuba đã di cư sang nước ngoài coi Fidel Castro là nhà độc tài thì vui mừng trước cái chết của ông. Còn ngay tại Cuba, không khí lại khác hẳn. Một nỗi buồn thực sự xâm chiếm hòn đảo, ngay cả với những người đã từng chỉ trích Fidel Castro.

Từ La Habana, thông tín viên Romane Frachon tường thuật :

« Có thể nhiều người Cuba đã trông ngóng, chờ xem các buổi tuần hành hay các buổi lễ kèm theo lời hứa hẹn thay đổi, được tổ chức ra sao. Tuy nhiên chưa có gì diễn ra cả. Ngày cuối tuần vẫn trôi qua hầu như bình thường, dưới cái nắng nóng gay gắt của vùng biển Caribê. Mỗi người một việc, ai cũng uể oải, từ người bán báo cho tới những người thợ máy.

Chỉ có một điểm khác biệt nhỏ : Từ sáng thứ Bảy, trên mọi góc phố, ai cũng thốt lên « Thành kính phân ưu! ». Nhiều người chưa biết tin thì thắc mắc : « Tại sao ? ». Khi được thông báo là Fidel (họ quen gọi Fidel Castro là Fidel) đã qua đời, họ mở to mắt ngạc nhiên và tỏ ra hoài nghi. Nhiều người nghĩ Fidel Castro phải sống được trên 100 tuổi vì ông ấy đã từng nói là bất tử.

Một cậu bé học sinh ở phố Sol, dù chưa từng được nghe những bài diễn văn dài bất tận của Fidel được phát trên truyền hình, nhưng vẫn rất xúc động. Với cậu, Fidel là một nhân vật trong những trang sách sử. Và trang sử này đã khép lại. »

Fidel Castro qua đời, dân Cuba tại Miami mở hội ăn mừng

Theo AFP, trước thông tin Fidel Castro qua đời, những người Cuba tị nạn tại Miami Hoa Kỳ vui mừng như trẩy hội. Họ không chia buồn mà trái lại chúc mừng nhau, hô vang các khẩu hiệu « Cuba tự do ! » « Tự do ! Tự do ! » trong tiếng xoong nồi, tiếng kèn, tiếng trống bập bùng, với hy vọng sẽ có những thay đổi chính trị trong tương lai. 

Nhiều người mang biểu ngữ nhỏ mang tên của Donald Trump. Tổng thống tân cử của Mỹ cam kết sẽ « làm hết sức » để góp phần đem lại « tự do » cho Cuba. Thị trưởng Miami, Tomas Regalado cho rằng « không thể trách người Cuba vui mừng trước cái chết của Fidel Castro, một nhà độc tài ». 

Bầu không khí Little Havana, « thủ đô tị nạn » Cuba, được thông tín viên Grégoire Pourtier mô tả như sau :

« Cầu mong cho Cuba được tự do ». Ở tuổi 98, bà Maria Escoba, đến sống tại Miami từ 20 năm nay, chắc chắn là người cao tuổi nhất trong lễ hội đêm nay diễn ra trên phố số 8, Calle Ocho.

Bám chặt vào thành xe lăn, bà Maria, nói ít, nhưng lại là một trong những người có lời lẽ cay độc nhất với Castro, người mà bà gọi là tên độc tài. Nhiều người khác, trẻ có, già có, lại ca hát nhảy múa để thể hiện niềm vui. Đa số có trang phục mang mầu sắc Cuba hay tự hào vẫy cờ.

Lazaro Retana nhớ lại đã vượt biển đến Miami cách đây 23 năm. « Đó là một bạo chúa đã chết. Chúng tôi không vui mừng về cái chết của một con người, mà là cái chết của một kẻ chuyên chế. Bây giờ, ở đó sẽ có tự do và thậm chí cả bầu cử ». Anh chưa bao giờ đặt chân về Cuba, nhưng vẫn thường gởi các con mang quốc tịch Mỹ về quê nhà trong các kỳ nghỉ hè.

Lazara, 14 tuổi khẳng định em rất thích đến sống ở Cuba. « Vì ông chủ tịch ư, chắc chắn là không rồi! Nhưng vì đất nước và dân tộc thì có. Ở đó rồi sẽ có thay đổi, vì bây giờ chỉ còn lại có một Castro mà thôi, và ông ấy cũng già lắm rồi. Khi ông ấy ra đi, cả hệ thống sẽ sụp đổ theo ».

Nhưng anh Elier Perez có vẻ ít lạc quan hơn. Cha mẹ của anh chạy trốn khỏi đảo quốc khi anh chưa đầy một tuổi, và anh có cảm giác đã bị tước mất bản sắc của mình. « Chúng tôi không thể giúp đỡ gì được cho đất nước, vì chế độ ở đó quá mạnh, người dân ở đó sợ hãi. Cách duy nhất để tôi có thể trở về có lẽ là đợi đến khi Cuba hoàn toàn được tự do ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.