Vào nội dung chính
NGA - CHÂU ÂU

Putin: Người kiến tạo các nhà lãnh đạo?

Từ thắng lợi của Brexit cho đến chiến thắng của Donald Trump, cũng như việc ông François Fillon bất ngờ dẫn đầu vòng một bầu cử sơ bộ trong cánh hữu, cả thế giới như đang nối đuôi đi theo tổng thống Nga, có vẻ được xem như là một nhân vật mới mạnh mẽ mang tầm cỡ quốc tế. Liberation số ra ngày 25/11/2016, trên trang nhất với tấm ảnh ông Putin đang nháy mắt đặt câu hỏi lớn: « Putin: Nhà kiến tạo ra các lãnh đạo ? »

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thượng đỉnh APEC, Lima, Peru, ngày 19/11/2016.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thượng đỉnh APEC, Lima, Peru, ngày 19/11/2016. REUTERS/Mariana Bazo
Quảng cáo

Nhật báo cánh tả trong bài viết đề tựa « Putin chinh phục phương Tây » dành hai trang báo lớn để phân tích về hiện tượng « thần tượng » Putin. Tại một số nước phương Tây và một số quốc gia hậu Xô Viết, các thế lực thân nga bắt đầu trỗi dậy. Điện Kremlin cảm thấy khoái trá về việc người dân Anh quốc chọn Brexit ; người dân Hà Lan bỏ phiếu chống thỏa thuận liên kết giữa Liên Hiệp Châu Âu với Ukraina ; Donald Trump nắm trong tay chìa khóa cửa Nhà Trắng ; cựu thủ tướng Pháp François Fillon có nhiều cơ may vào điện Elysée hay như việc nước Moldavi chọn Igor Dodon và Bulgari chọn Roumen Radev làm tổng thống, những người chủ trương xích lại gần với Nga….

« Thần tượng Putin »

Câu hỏi đặt ra : Vậy ông Putin có vai trò gì, trực tiếp hay gián tiếp, thực tế hay là ảo ảnh, trong các kỳ bỏ phiếu đó và trong làn sóng « ủng hộ Putin » dường như đang đổ ập xuống phương Tây ?

Theo Libération, hiện không có bằng chứng xác thực cho thấy Nga can dự vào tiến trình bầu cử ở nhiều nước phương Tây. Nhưng Kremlin đã huy động mọi phương tiện, những công cụ hiệu quả nhất như các cố vấn, trung tâm văn hóa và các phương tiện tài trợ khác cho các đảng chính trị cực hữu… Mục đích là để bảo vệ các lợi ích của Nga, làm mê hoặc công luận phương Tây, làm cho họ thấm nhuần các quan điểm của Nga, và qua đó tác động lên các lịch trình bầu cử.

Libération trích dẫn phân tích của Maxime Audinet, nhà nghiên cứu trường đại học Paris - Ouest, cho rằng Nga không chỉ chơi lá bài « quyền lực mềm kinh điển. Chính sách đối ngoại công của Nga là tấn công, chính sách này thực thi việc tạo ra một cảm giác thân Nga bằng cách dựa vào một tập hợp các giá trị tương thích với các lợi ích của Nga, bằng cách chơi lá bài về chủ quyền lãnh thổ, chống tự do hóa, bài Mỹ và hoài nghi châu Âu ».

Về điểm này, tướng Petr Pavel, chủ tịch ủy ban quân sự của NATO, khi trả lời phỏng vấn báo Le Monde cũng có cùng quan điểm với Libération. Ông cho rằng đây là mối bận tâm chính. Cùng với sự phát triển của công nghệ, Nga sẽ sử dụng từ những biện pháp hợp pháp cho đến cả phương tiện « mờ ám » trong các chiến dịch tuyên truyền hòng tác động lên các cuộc bầu cử sắp tới tại Pháp hay Đức chẳng hạn, giống như những gì đã xảy ra tại Hoa Kỳ.

Miền đất màu mỡ

Nước Nga cũng nắm bắt được nhu cầu có một lãnh đạo mạnh mẽ tại các nước phương Tây trước sự yếu kém của các lãnh đạo. Chính nhu cầu đó đang trở thành vùng đất màu mỡ cho các hoạt động tuyên truyền của Nga. Người ta đang chứng kiến một sự đảo chiều toàn diện. Yếu tố cấp tiến đang bị thay thế bằng một sự co cụm bản sắc, tính đại diện dân chủ trong tình trạng khủng hoảng, khoảng cách giữa người dân và tầng lớp lãnh đạo ngày càng lớn.

Trong bầu không khí vỡ mộng đó, tổng thống Nga Vladimir Putin mặc nhiên là hiện thân cho người bảo hộ ; người bảo vệ các giá trị truyền thống ; nhà lãnh đạo quyết đoán - sẵn sàng hành động ở bất cứ nơi nào châu Âu khựng lại ; người sẵn sàng dấn thân quân sự chống lại cái xấu xa tuyệt đối mà đại diện là quân khủng bố Hồi Giáo cực đoan ; là người dám thách thức trật tự thế giới và sự bá quyền của Hoa Kỳ và không ngần ngại dùng đến vũ lực để bảo vệ các lợi ích của mình.

Chế độ chuyên chế

Thế nhưng, những ai ủng hộ Putin mấy ai biết rõ sự thật về ông. Họ ngưỡng mộ sự quyết đoán của Putin trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia và dân tộc, nhưng lại không biết rằng chính ông là người thiết lập chế độ độc tài tại Matxcơva, trấn áp các tiếng nói đối lập và sách nhiễu những người chỉ trích quá mạnh mẽ. Trong 15 năm cầm quyền, ông cũng không tài nào vực dậy, cũng như đa dạng hóa nền kinh tế, vốn chỉ dựa vào xuất khẩu dầu khí, trong khi đất nước đang bị tham nhũng gậm nhấm và bị nhấn chìm trong khủng hoảng kinh tế và xã hội.

Sức mạnh quân sự : Vũ khí đối ngoại của Nga với NATO

Liên quan đến quan hệ NATO và Nga, nhật báo Le Monde đăng bài phỏng vấn tướng Petr Pavel, chủ tịch tiểu ban quân sự của NATO, phân tích các chiến lược của khối Liên Minh Bắc Đại Tây Dương đối với Nga, được đưa ra trong Diễn đàn Quốc tế về An ninh, diễn ra từ ngày 18-20/11/2016 tại Halifax, Canada.

Trả lời cho câu hỏi liệu Matxcơva có thừa dịp chuyển giao quyền lực tại Hoa Kỳ để trắc nghiệm NATO hay không, ông Petr Pavel cho rằng việc Nga liên tục tăng cường năng lực quân sự và sự hiện diện, kể cả đội tầu ngầm, là nhằm muốn chứng tỏ Nga có một sức mạnh quân sự cần được tôn trọng, và uy lực này được sử dụng cho mục tiêu chính sách đối ngoại, trở lại chính trường quốc tế.

Do đó, việc triển khai tổ hợp hàng không mẫu hạm Kouznetsov ngoài khơi Syria lại không cho thấy một ý đồ thù nghịch, mà là một năng lực toàn diện của Nga và phương tiện để tiến hành các chiến dịch độc lập một khi được quyết định.

Ông Petr Pavel không tin rằng mục tiêu đối ngoại của Nga vào lúc này là phá hủy hình ảnh một tác nhân có tính chất xây dựng mà Nga đang đưa ra trước thế giới. Nếu như lợi ích của Nga là trở thành một tác nhân toàn cầu nghiêm túc, mọi hành động gây hấn trong suốt giai đoạn chuyển tiếp này có lẽ sẽ đi ngược với mục tiêu trên.

Tuy nhiên, việc Nga tăng cường sự hiện diện trong vùng biển Địa Trung Hải, có rủi ro gây ra các sự cố với các đội quân của NATO đang là một thách thức cho khối liên minh này. Do đó, Nga và Mỹ đang phối hợp với nhau để tránh xảy ra các sự cố. Đây cũng chính là điều khối NATO đang cố gắng thực hiện ở cấp độ chính trị cũng như là quân sự, trong đó đặt ưu tiên cho việc giảm rủi ro và minh bạch.

Đức tăng ngân sách quốc phòng cho « bằng chị bằng em »

Thắng lợi của Donald Trump gây lo ngại cho nước Đức và khối NATO. Berlin lo lắng cho mối quan hệ bấp bênh giữa đôi bờ Đại Tây Dương, thủ tướng Đức Angela Merkel thứ Tư 23/11/2016 cho rằng nước Đức phải tăng đôi ngân sách quốc phòng. Đây là chủ đề thời sự quốc tế chính trên nhật báo Le Monde.

Mức chi cho quốc phòng hiện nay của Đức là 34 tỷ euro/năm, tức chiếm khoảng 1,2% GDP, đứng hàng thứ 16 trong tổng số 28 nước thành viên thuộc khối NATO. Tuy nhiên, thủ tướng Đức cũng thừa nhận tăng đôi ngân sách quốc phòng trong ngắn hạn là một mục tiêu khó thực hiện. Nhưng bà nhấn mạnh rằng Đức nên chứng tỏ là « có nhắm đến mục tiêu này và muốn đạt được ».

Giới chuyên gia đánh giá thông báo trên của bà Merkel là « một tín hiệu chính trị rất mạnh ». Và « đây là cách Berlin khẳng định sự khả tín của mình đối với Washington. »

Fillon - Juppé : Chủ đề trọng tâm trên báo Pháp

Báo chí Pháp tập trung mổ xẻ về cuộc tranh luận truyền hình giữa hai ứng cử viên lọt vào vòng hai bầu cử sơ bộ chọn người đại diện cánh hữu tranh cử tổng thống Pháp năm 2017 diễn ra vào tối hôm qua. Với nhật báo Le Parisien, cuộc tranh luận này là « khô cằn và căng thẳng ». Bất chấp cái bắt tay « lạnh lẽo » giữa hai ứng viên như ghi nhận của tờ báo Paris, tờ báo thiên hữu Le Figaro trên trang nhất cho rằng đã đến lúc « làm hòa ».

Nói vậy, nhưng Le Figaro cũng đánh giá  Alain Juppé « khó có thể thay đổi tình thế đã được áp đặt ngay từ vòng một ». Rằng ông François Fillon đang chiếm « ưu thế » do « đã làm chủ tình thế » trong suốt cuộc tranh luận « trước đối thủ » cũng như « trước các ký giả ». 

Nhật báo công giáo La Croix, vào thời khắc quyết định cho cử tri cánh hữu, quyết định so sánh « từng dự án một giữa hai đối thủ Juppé và Fillon » để giúp độc giả hiểu được nội dung các chương trình vận động của đôi bên.

Liên quan đến ông François Fillon, Libération nhắc lại rằng người mà Le Figaro cho là « thắng thế » chưa bao giờ giấu giếm « cảm tình của ông » dành cho Putin. Ông Fillon luôn cho rằng cả hai có cùng sở thích về những môn « thể thao cảm giác mạnh » và tỏ thiện chí muốn « liên kết » với Nga.

Mang thai hộ cũng toàn cầu hóa

Toàn cầu hóa không chỉ dành cho thương mại. Mang thai hộ giờ cũng đã « vượt ra khỏi biên giới » như hàng tựa trên Le Monde. Hiện tượng toàn cầu hóa mang thai hộ không ngừng tiến triển. Mỗi một dân tộc có một điểm đến ưa thích. Người Úc đến Thái Lan, người Israel chọn Nepal, hay người Pháp chạy qua Ukraina.

Nhưng tại Pháp đây lại là chủ đề cấm kỵ. Các ứng viên tranh chức ứng cử tổng thống cho năm 2017 của đảng cánh hữu lần lượt đưa ra các đề xuất như xiết chặt trừng phạt những ai dựa vào giải pháp mang thai hộ (François Fillon) hoặc từ chối cho đăng ký hộ tịch cho những đứa trẻ sinh từ mang thai hộ (Alain Juppé).

Trong bối cảnh này, Viện Nghiên cứu Dân số Quốc gia kết hợp cùng Trường Cao đẳng Khoa học Xã hội đã chứng tỏ một sự táo bạo khi tổ chức một cuộc thuyết trình khoa học đầu tiên về chủ đề này tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở Paris, trong hai ngày 17-18/11/2016.

Thiếu niên « dễ bị các thông tin sai lệch trên mạng đánh lừa »

Trên đây là cảnh báo của Le Monde. Theo một nghiên cứu do đại học Stanford (California) công bố ngày thứ Ba 22/11/2016, thiếu niên và thanh niên trẻ gần như chưa có khả năng phân biệt thật và sai về các thông tin sai lệch loan truyền trên mạng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.