Vào nội dung chính
QUỐC TẾ- NGA

Putin thêm bạn bớt thù

Tổng thống Philippines coi Vladimir Putin là “thần tượng”. Với Donald Trump, ông Putin là một đối tác đáng tin cậy của Hoa Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ càng mạnh tay đàn áp đối lập chừng nào, quan hệ  giữa Ankara và Matxcơva, vốn nguội lạnh, sẽ chỉ càng thêm nồng thắm. Ông Putin lại sắp có thêm bạn mới nếu như tháng 5/2017, François Fillon hay Marine Le Pen đắc cử tổng thống Pháp.

Tổng thống Nga V.Putin nâng ly vì có thêm bạn mới ?
Tổng thống Nga V.Putin nâng ly vì có thêm bạn mới ? REUTERS/Sergei Karpukhin
Quảng cáo

Tại thượng đỉnh Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế APEC-Lima, trong cuộc tiếp xúc đầu tiên với Vladimir Putin, ông Duterte không bỏ lỡ cơ hội tỏ lòng ngưỡng mộ tổng thống Nga, ca ngợi chủ nhân điện Kremlin là “một nhà lãnh đạo có tầm cỡ” và nếu như Nga và Trung Quốc thành lập một trật tự mới trên thế giới, thì Philippines sẵn sàng đi theo đường Matxcơva và Bắc Kinh.

Buổi làm việc song phương giữa hai lãnh đạo Philippines và Nga ở Lima đã kéo dài trong 45 phút. Trong khi đó Vladimir Putin và Barack Obama chỉ có đúng 4 phút để từ giã, như thể Nga và Mỹ không còn gì để nói với nhau, cho dù Matxcơva và Washington cần phối hợp để giải quyết từ khủng hoảng Syria hay Ukraina đến hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Trump : “Putin có bản lĩnh hơn Obama”

Cử tri Mỹ vừa giúp Vladimir Putin nhổ đi một cái gai : người sắp lên thay thế Barack Obama không phải là cựu ngoại trưởng Hillary Clinton mà lại là ông vua địa ốc Donald Trump. Với tổng thống Nga, Trump là một người “thông minh và tài ba”. Còn trong nhãn quan của tổng thống Mỹ tương lai, thì Vladimir Putin “có tài lãnh đạo và có bản lĩnh hơn hẳn Barack Obama”.

Hạ Viện Duma của Nga đã đón nhận tin ông Trump đắc cử bằng một tràng pháo tay. Mọi người chờ đợi, với tính thực dụng vốn có, tổng thống Trump sẽ nhanh chóng xóa bỏ cấm vận trừng phạt Nga can thiệp vào Ukraina. Đơn giản là vì những biện pháp trừng phạt đó có hại cho các doanh nghiệp Mỹ.

Dù vậy, theo nhiều chuyên gia về quan hệ Mỹ -Nga, còn quá sớm để kết luận rằng Matxcơva và Washington chóng cải thiện quan hệ dưới thời tổng thống Donald Trump. Chính Vladimir Putin sau khi gửi điện chúc mừng Donald Trump đã hai lần thổ lộ với các cộng tác viên thân cận rằng  con đường còn dài để Nga -Mỹ xích lại gần nhau.

Pháp sắp là một người bạn mới của Nga ?

Cuối tuần này, cánh hữu ở Pháp bỏ phiếu chọn người đại diện cho đảng Những Người Cộng Hòa –LR ra tranh cử tổng thống vào năm 2017. Ứng viên đang dẫn đầu cuộc đua là cựu thủ tướng François Fillon, một người nổi tiếng thân Nga. Ở vòng một, François Fillon đã bất ngờ loại cựu tổng thống Nicola Sarkozy và bỏ xa đối thủ Alain Juppé. Báo chí Matxcơva hài lòng trước việc “một người bạn của nước Nga” có triển vọng trở thành tổng thống Pháp tương lai. Tổng thống Putin nóng lòng hợp tác với Fillon, một chính trị gia “chuyên nghiệp”.

Số là ứng cử viên của đảng LR này luôn chủ trương “tái cân bằng” quan hệ giữa Paris và Matxcơva. Trên hồ sơ Syria, cựu thủ tướng Pháp cho rằng không cần thiết phải loại bỏ tổng thống Bachar Al Assad ra khỏi bàn cờ chính trị của Damas. Đây cũng là lập trường của Nga.

Quan điểm của ứng cử viên Fillon và thiện cảm mà Putin dành cho ứng viên này khiến báo giới nêu lên khả năng Nga “hậu thuẫn” cho cuộc đua vào điện Elysée của ông François Fillon.

Trên bàn cờ chính trị Pháp, sau khi đảng Mặt Trận Quốc Gia –FN của bà Marine Le Pen thân Nga, nhất là khi đảng này được một ngân hàng Nga “tạo điều kiện tài chính” để tham gia vận động tranh cử tổng thống 2017, đến lượt “con ngựa về ngược của đảng LR” được hậu thuẫn của điện Kremlin ?

Sức thu hút của Vladimir Putin với các nền dân chủ Tây Âu

Trong một bài bình luận, tạp chí kinh tế Challenges giải thích vì sao Vladimir Putin có sức thu hút với các nền dân chủ Tây Âu. Tác giả bài viết Bernard Guetta nêu ra những lý do như sau : thứ nhất ông Putin còn trẻ, khỏe và lại thích “phô trương cơ bắp”, hiểu theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.

Vladimir Putin luôn chủ trương lãnh đạo đất nước với đường lối cứng rắn, và ông cũng đã khai thác tinh thần dân tộc chủ nghĩa để huy động đông đảo quần chúng. Mô hình cứng rắn, nếu không nói là độc tài về chính trị, nhưng lại cởi mở cho kinh tế đó, đang trở nên hấp dẫn tại các nền dân chủ đang mất hướng đi.

Thứ hai là về mặt xã hội, nước Nga của Vladimir Putin dựa vào Giáo Hội Chính Thống Giáo, vào những giá trị đạo đức truyền thống và bảo thủ. Matxcơva đã tuyên chiến với những tổ chức bảo vệ người đồng tính, thu hẹp vai trò của phụ nữ trong “xó bếp”. Mô hình xã hội đó của nước Nga đang trở nên hấp dẫn đối với một phần công luận tại các nước phương Tây chống hôn nhân đồng tính, chống phá thai, và trông thấy thế thượng phong của nam giới trong xã hội, ở công sở và ngay cả trong gia đình … bị phụ nữ đe dọa.

Phải chăng vì vậy mà từ Âu sang Á, từ tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đến lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan, từ một người ít kinh nghiệm chính trị như tổng thống tân cử Hoa Kỳ Donald Trump đến các chính trị gia lão luyện như cựu thủ tướng Pháp François Fillon hay lãnh đạo đảng cực hữu của Pháp, bà Marine Le Pen đều nhìn thấy ở Vladimir Putin một người bạn lý tưởng ?

 

 

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.