Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - ĐỨC

Trung Quốc và Đức : « Tuần trăng mật » đã qua

« Tuần trăng mật kéo dài » giữa Trung Quốc và Đức đã dừng đột ngột. Đối với Berlin, Bắc Kinh từ một đối tác kinh tế đã trở thành một một đối thủ cạnh tranh toàn cầu gay gắt. Quả thật là Trung Quốc đã làm Đức vỡ mộng. « Mối quan hệ đặc biệt » Đức - Trung, đang phát triển và từng được đánh giá cao, giờ đã không còn tốt đẹp. 

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tiếp bộ trưởng Kinh Tế Đức Sigmar Gabriel tại Bắc Kinh, ngày 01/11/2016.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tiếp bộ trưởng Kinh Tế Đức Sigmar Gabriel tại Bắc Kinh, ngày 01/11/2016. 路透社
Quảng cáo

 « Trung Quốc và Đức: Tuần trăng mật đã qua » là tiêu đề bài viết của tác giả Klaus Larres đăng ngày 16/11/2016 trên trang The Diplomat. Ông Klaus Larres là thành viên của Viện Nghiên Cứu Cao Cấp (IAS) ở Princeton, New Jersey và thành viên cao cấp tại Trung Tâm Quan Hệ Xuyên Đại Tây Dương tại Đại Học Johns Hopkins/SAIS ở Washington DC.

Bài viết nhận xét là « tuần trăng mật kéo dài » giữa Trung Quốc và Đức đã dừng đột ngột. Đối với Berlin, Bắc Kinh từ một đối tác kinh tế đã trở thành một một đối thủ cạnh tranh toàn cầu gay gắt. Chuyến thăm Trung Quốc kéo dài 5 ngày hồi đầu tháng 11/2016 của Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel đã diễn ra trong bối cảnh quan hệ kinh tế giữa Đức và Trung Quốc đang khủng hoảng. Ông Gabriel không chỉ là của Bộ trưởng Kinh tế và phó thủ tướng Đức, ông còn là chủ tịch Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và ứng cử viên của đảng cho chức thủ tướng trong cuộc bầu cử diễn ra vào cuối năm 2017.

Nếu nhìn lại, chúng ta có thể thấy chuyến công du chính thức lần thứ 9 của Thủ tướng Đức Angela Merkel tới Trung Quốc hồi tháng 06/2016 diễn ra không tốt đẹp như những lần trước đó. Quan hệ song phương đã trở nên lạnh nhạt. Mặc dù ký kết được một số thỏa thuận, nhưng hai bên vẫn còn những bất đồng trên nhiều hồ sơ.

Quả thật là Trung Quốc đã làm Đức vỡ mộng. « Mối quan hệ đặc biệt » Đức - Trung Quốc đang phát triển và được ca ngợi đã không còn tốt đẹp, ít nhất là ở tầm hoạch định chính sách và đối với các nhà công nghiệp hàng đầu. Theo Tổ Chức Hợp Tác Và Phát Triển Kinh Tế OCDE, Trung Quốc là nước công nghiệp áp dụng nhiều quy định hạn chế nhất trên thế giới đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Nếu các công ty Trung Quốc được tự do đầu tư vào phương Tây, thì các các công ty nước ngoài ở Trung quốc lại không được phép đầu tư vào các lĩnh vực ngân hàng, viễn thông, hoặc truyền thông …

Còn tại Berlin, chiến dịch đầu tư gần đây của Trung Quốc đã dẫn đến nhiều lo ngại. Trong nửa đầu năm 2016, chỉ riêng các quỹ đầu tư của Trung Quốc đã mua hơn 40 công ty Đức. Trên thực tế, 17% đầu tư của Trung Quốc ở nước ngoài kể từ năm 2010 là nhắm vào nước Đức. Trên toàn thế giới, trong 6 tháng đầu năm 2016, Trung Quốc mua được nhiều công ty nước ngoài hơn so với cả năm 2014 và đã đầu tư 72 tỷ euro vào Liên Hiệp Châu Âu, trong đó 11,3 tỷ euro được dành đầu tư vào Đức.

Các công ty công nghệ Trung Quốc có kế hoạch vươn lên thành các công ty hàng đầu thế giới trong vòng một vài năm. Trung Quốc muốn trở một trong những cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới vào năm 2049, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Rõ ràng Trung Quốc chỉ đạt được điều này bằng cách mua bí quyết công nghệ và và các công ty công nghệ cao.

Phần lớn các doanh nghiệp Đức mà Trung Quốc đã mua được là các doanh nghiệp mũi nhọn trong lĩnh vực công nghệ mới, kỹ thuật và tin học. Mùa hè năm ngoái, việc công ty Kuka của Đức rơi vào tay công ty Trung Quốc Midea, doanh nghiệp lớn nhất Trung Quốc về đồ gia dụng, đã khiến Đức lo ngại. Berlin sợ là các kiến thức công nghệ quan trọng đươc chuyển giao cho một đối thủ kinh tế ngày càng hung hăng.

Cách đây chỉ một vài tuần, chính phủ Đức đã đột ngột ngăn chặn tập đoàn Trung Quốc Fujian Grand Chip Investment Fund (FGC) mua lại một cơ sở của công ty điện tử Aixtron. Nhà nghiên cứu Klaus Larres cho biết có vẻ như tình báo CIA của Mỹ đã cảnh báo Berlin là Aixtron có liên quan tới an ninh và công nghệ quân sự quan trọng nên không thể để rơi vào tay Trung Quốc. Bộ trưởng kinh tế Đức Gabriel cũng đã không thoải mái khi Trung Quốc muốn mua công ty Ledvance chuyên sản xuất bóng đèn, một công ty con của Osram, và thậm chí là chính công ty Osram.

Đại sứ Trung Quốc tại Đức đã thể hiện lo ngại trước tình hình này. Đối với ông này, đây không phải cách cư xử hay với một đối tác. Ông lo ngại về xu hướng bảo hộ của Đức. Một ngày trước khi bộ trưởng Gabriel sang Trung Quốc, phó đại sứ Đức tại Bắc Kinh đã bị bộ Ngoại Giao Trung Quốc triệu tập đến để trả lời về vụ Aixtron và các bài viết tiêu cực về Trung Quốc trên truyền thông Đức.

Quan hệ song phương lại càng xấu đi vì ngay trước khi bộ trưởng Gabriel sang thăm Trung Quốc, Ủy Viên Châu Âu Guenter Oettinger của Đức đã xúc phạm người Trung Quốc trong một bài phát biểu tại Hamburg. Đương nhiên là các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh không hề thích thú với điều này, mặc dù ông Oettinger sau đó đã đưa ra lời xin lỗi.

Còn bản thân bộ trưởng kinh tế Đức, vài ngày trước khi lên đường sang Trung Quốc, ông đã nhắc nhở người Trung Quốc là quan hệ thương mại quốc tế phải hướng tới một « sân chơi bình đẳng » « cạnh tranh lành mạnh ». Đức và Châu Âu không chấp nhận đối tác thương mại « chơi xấu ». Ông Gabriel cũng nhắc tới thủ đoạn bán phá giá thép và nhôm của Trung Quốc cũng như các thủ đoạn xâm nhập thị trường xe hơi.

Bộ trưởng Kinh Tế Đức quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc quá hăm hở đầu tư vào châu Âu. Nước Đức sợ rằng thông qua doanh nghiệp Nhà Nước, Trung Quốc vừa chiếm giữ công nghệ, vừa đẩy mạnh quyền lực địa chính trị. Nhưng theo ông Gabriel, các mâu thuẫn phải được đề cập thẳng thắn và rõ ràng.

Bộ trưởng Sigmar Gabriel cũng cảnh báo cả hai bên không nên để xung đột kinh tế leo thang vì không bên nào được hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại. Đồng thời ông cảnh báo Trung Quốc phải thực hiện « chính sách tự do mậu dịch dựa trên sự bình đẳng và chuẩn mực xã hội ».

Nhìn vào chuyến đi của bộ trưởng kinh tế Đức, tác giả bài viết, ông Klaus Larres nhận xét là bộ trưởng Gabriel muốn cho cả người Đức và người Trung Quốc thấy là ông đủ cứng rắn để bảo vệ các lợi ích kinh tế của Đức. Theo tác giả, may mắn cho ông Gabriel là trong chuyến thăm Trung Quốc của ông lần này không có chương trình ký kết thỏa thuận kinh tế nào, vì đương nhiên là Trung Quốc đang rất giận dữ về những lời nói thẳng thắn của vị bộ trưởng Kinh Tế Đức, thậm chí, truyền thông Trung Quốc còn cố phớt lờ chuyến thăm của ông Gabriel.

Ngay trước khi máy bay chở ông Gabriel hạ cánh xuống Bắc Kinh, hai chính trị gia có tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, trong đó có một vị cố vấn quan trọng của chủ tịch Tập Cận Bình đã hủy bỏ cuộc gặp với ông Gabriel. Còn buổi trao đổi giữa hai bộ trưởng Kinh Tế của hai nước căng thẳng tới mức vị bộ trưởng kinh tế Trung Quốc đã quyết định không tham gia vào buổi họp rất quan trọng của ủy ban kinh tế - công nghiệp Đức-Trung. Ông Gabriel cũng chẳng còn cách nào khác là thông báo không đến dự họp. Trong cuộc họp này, thứ trưởng kinh tế Trung Quốc đã chỉ trích Đức đẩy mạnh bảo hộ, chống đầu tư và xu hướng toàn cầu hóa.

Nói tóm lại, một điều không thể phủ nhận là Bắc Kinh rất khó chịu trước các lời phát biểu thẳng thắn của vị bộ trưởng Đức. Nhưng không ai muốn mọi việc xấu thêm. Do Trung Quốc không muốn căng thẳng với Đức gia tăng nên cuộc họp giữa thủ tướng Lý Khắc Cường với ông Gabriel vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch. Vì dẫu sao, Trung Quốc vẫn là đối tác kinh tế lớn thứ tư của Đức. Còn Đức vẫn là thị trường quan trọng và là đối tác công nghệ của Trung Quốc.

Tại Đức, chuyến thăm Trung Quốc của bộ trưởng Sigmar Gabriel trong một chừng mực nào đó được coi là thành công. Bộ trưởng kinh tế Đức được đánh giá là « can đảm » « có khả năng chịu đựng tốt » khi giải quyết các vấn đề liên quan tới đối tác thương mại quan trọng Trung Quốc.

Tuy nhiên, còn một vấn đề chưa được truyền thông đề cập tới trước và sau chuyến đi của bộ trưởng Gabriel. Đó là chiến lược lâu dài của Đức với Trung Quốc sẽ ra sao, khi tương lai Trung Quốc sẽ sản xuất được ngày càng nhiều sản phẩm công nghệ cao ? Theo tác giả Klaus Larres, đây là một thách thức cho nước Đức. Và vấn đề này phải sớm được người Đức thảo luận để tìm giải pháp.   

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.