Vào nội dung chính
NGA - HOA KỲ

Quan hệ Nga-Mỹ thời hậu Obama : Lợi bất cập hại đối với Putin

Tổng thống Mỹ Obama và đồng nhiệm Nga Putin đã có một cuộc tiếp xúc ngắn ngủi cuối tuần qua nhân thượng đỉnh APEC tại Lima, thủ đô Peru. Có lẽ đó sẽ là một cuộc gặp cuối cùng giữa hai vị tổng thống, vì ông Obama đang chuẩn bị bàn giao quyền hành cho ông Donald Trump. Quan hệ Mỹ-Nga rất căng thẳng trong nhiệm kỳ của Obama, và Matxcơva đã công khai mong muốn chiến thắng của Donald Trump.

Một người đàn ông đang chụp một bức tranh trên tường của một nhà hàng vẽ cảnh Donald Trump và ông Vladimir Putin đang hôn nhau, ngày 13/05/2016.
Một người đàn ông đang chụp một bức tranh trên tường của một nhà hàng vẽ cảnh Donald Trump và ông Vladimir Putin đang hôn nhau, ngày 13/05/2016. Petras Malukas / AFP
Quảng cáo

Với ông Trump ở Nhà Trắng, liệu quan hệ Nga-Mỹ có tốt đẹp hơn hay không ? Từ Matxcơva, thông tín viên Muriel Pomponne phân tích :

« Đối với Andrei Kortunov, tổng giám đốc Hội Đồng Nga về các vấn đề quốc tế, chiến thắng của Donald Trump phù hợp với thế giới quan của Nga, một thế giới manh mún, nguy hiểm, rời xa toàn cầu hóa và các tư tưởng tự do, một thế giới của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và chủ nghĩa dân tộc.

Quan điểm chung nói trên có thể tạo điều kiện cho đối thoại giữa Nga và Mỹ, nhất là khi lịch sử gần đây cho thấy rằng Matxcơva luôn luôn dễ làm việc với đảng Cộng Hòa hơn là đảng Dân Chủ.

Tuy nhiên, tính cách của Donald Trump và Vladimir Putin có thể là cản lực. Theo Andrei Kortunov : « Khi ta có hai lãnh đạo rất mạnh mẽ, rất tự tin, rất nam tính, một cuộc đối đầu có thể trở nên rất nguy hiểm, nhất là khi một trong hai người lại thiếu kinh nghiệm đối ngoại ».

Ngoài ra, khoảng trống hiện thời nơi ông Trump có thể được lấp đầy bằng các lực lượng cực hữu mà Matxcơva không biết.

Sau cùng, Trump chủ trương một nước Mỹ vĩ đại, nhưng lại khước từ sự lãnh đạo của Mỹ, và điều này không nhất thiết là một điều tốt cho Nga. Andrei Kortunov nhận định : « Có nói gì về Mỹ chăng nữa, thì trong một chừng mực nào đó, sự lãnh đạo của Hoa Kỳ có lợi cho mọi nước, kể cả Nga. Lấy ví dụ về sự hiện diện của Mỹ tại Afghanistan, đó là một điều có lợi nước Nga ; ý chí tự do hóa nền tài chính toàn cầu cũng là một điều quan trọng cho tất cả các nền kinh tế mới nổi ».

Nếu ông Trump làm cho nước Mỹ co cụm lại theo kiểu dân tộc chủ nghĩa, điều đó sẽ tác hại đến kinh tế toàn cầu và tình hình ổn định quốc tế, và do đó ảnh hưởng đến các lợi ích của Nga. »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.