Vào nội dung chính
HOA KỲ - LIÊN HIỆP CHÂU ÂU

Merkel không muốn đơn độc "giữ gìn" giá trị tự do dân chủ

Chuyến công du châu Âu cuối cùng của tổng thống Mỹ mãn nhiệm Barack Obama chiếm trọng tâm trên các trang báo chí Pháp ngày 18/11/2016. Việc chọn Athens và nhất là Berlin để « nói từ biệt châu Âu », được giới quan sát cho rằng ông Obama muốn thủ tướng Đức tiếp tục « gìn giữ » các giá trị dân chủ phương Tây trước đà đi lên của chủ nghĩa dân túy. Câu hỏi đặt ra: Liệu rằng bà Angela Merkel có muốn đảm nhận trọng trách này hay không?

Tổng thống Mỹ Barack Obama (T) và thủ tướng Đức Angela Merkel trong buổi họp báo chung tại Berlin 17/11/2016.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (T) và thủ tướng Đức Angela Merkel trong buổi họp báo chung tại Berlin 17/11/2016. REUTERS/Kevin Lamarque
Quảng cáo

Hầu hết các báo Pháp đều có chung một nhận định, việc chọn Đức là nơi để « từ biệt » các lãnh đạo châu Âu là một quyết định mang tính biểu tượng. Vì sao chỉ có hai điểm đến này thôi mà không là Paris, hay Luân Đôn, đồng minh truyền thống của Washington ? Đó là vì hai thủ đô này đã « đối nghịch nhau dữ dội trong suốt những năm gần đây ».

Barack Obama muốn nhắc lại « tầm quan trọng của thách thức đang đè nặng lên sự thống nhất của toàn châu Âu », theo như phân tích của bà Almut Moller, giám đốc văn phòng European Council on Foreign Realations đóng tại Berlin với báo Le Monde. Giải thích cho sự chọn lựa này, Le Figaro đưa ra một luận điểm khác cho rằng theo quan điểm của ông Obama, Athens là cái nôi của nền dân chủ và Berlin là chiến lũy của châu Âu.

Đối với tổng thống Mỹ mãn nhiệm, Berlin mới chính là trung tâm của châu Âu và ông có thể « trông cậy vào Merkel để ngăn chặn chủ nghĩa dân túy », là hàng tít lớn trên trang nhất của Le Figaro. Bởi vì bà mới chính là « đối tác tuyệt hảo » nhất, là « đồng minh thân cận nhất trong suốt 8 năm làm tổng thống Mỹ » (Le Monde) và chỉ có thủ tướng Đức mới có thể « giữ gìn được những giá trị tự do của phương Tây ».

Angela Merkel là một người có đức tính « bền bỉ » và sẵn sàng đấu tranh cho những « giá trị của phương Tây », những đức tính mà ông Obama đã ca ngợi khi trả lời phỏng vấn tờ báo Đức Spiegel và ARD tại Đức. Trái với tuyên bố ca tụng thắng lợi của Donald Trump, bà cũng cứng rắn nhắc lại « những giá trị cơ bản » hình thành nền tảng cho mối quan hệ Mỹ - Đức. Những lời lẽ rất được giới báo chí tán thưởng cho rằng bà là người « xứng đáng » nhất trong số các lãnh đạo châu Âu và kêu gọi bà cầm lấy ngọn đuốc bảo vệ các giá trị dân chủ phổ quát.

Đối mặt với một vị tổng thống Mỹ vừa đắc cử gây lo ngại, chỉ có « Angela Merkel là chống Trump », như tựa bài nhận định trên Libération. Vì sao ? Le Figaro cho rằng giữa bà Merkel và ông Trump có nhiều điểm đối lập. Ông Trump là tỷ phú, trong khi bà Merkel vẫn phải tự tay xách giỏ đi chợ. Ông Trump bốc đồng, bà Merkel điềm tĩnh. Một người khó đoán, người khác lại chính xác khoa học. Ông Trump la ó người tị nạn hay người Hồi Giáo, bà ấy lại là « thủ tướng của người tị nạn ».

Đức nắm quyền lãnh đạo châu Âu ?

Câu hỏi đặt ra : Phải chăng đã đến lúc Đức nắm giữ vai trò lãnh đạo tại châu Âu hay chưa ? Le Figaro và Le Monde có cùng quan điểm cho rằng « chưa chắc ». Đối với Berlin, « một vai trò lãnh đạo chỉ có thể có với các đối tác » như cảnh báo của ông Volker Perthes với Le Figaro.

Cho dù cuộc khủng hoảng Ukraina là cơ hội để Angela Merkel nắm lấy vai trò quyết định, nhưng nước Đức lại không có các phương tiện ngoại giao và quân sự để gây sức ép hàng đầu trong quan hệ quốc tế như khủng hoảng Syria cho thấy. Đức chưa thể nâng ngân sách quốc phòng lên 2% GDP như đòi hỏi của các đối tác trong khối Liên Minh Bắc Đại Tây Dương.

Do đó, cho dù ông « Barack Obama có đưa ra một cảm giác muốn thủ tướng ĐỨc tiếp lấy vai trò bảo vệ thế giới tự do và dân chủ, chưa chắc gì bà Merkel thật sự muốn đảm nhận vai trò này », theo như quan sát của nhà nghiên cứu Alexandra de Hoop Scheffer trên Le Monde.

Nếu như Le Fiagro cho là việc lãnh đạo bốn nước Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha phải tề tựu về Đức để hội đàm lần cuối với ông Obama cho thấy vai trò trung tâm của Berlin tại châu Âu, thì Le Monde nghĩ rằng « Điều đó chứng tỏ bà Merkel không muốn đơn độc mang ngọn đuốc bảo vệ nền dân chủ đang trong giai đoạn khó khăn hiện nay ». 

Duy có một điều có lẽ La Figaro có lý, đó là việc ông Obama chọn Đức để nói lời giã biệt với châu Âu làm nổi rõ một điểm « Với Washington, Angela Merkel đã làm lu mờ François Hollande ».

Châu Âu ngơ ngác do Hoa Kỳ đổi hướng

Báo Le Monde tiếp tục bình luận về những tác động của việc Donald Trump thắng cử. Trong bài « Châu Âu ngơ ngác do Mỹ đổi hướng », tờ báo nhấn mạnh, mô hình của châu Âu bị đe dọa vì hai đối tác thương mại hàng đầu thế giới, tức Mỹ và Trung Quốc, chủ trương giảm bớt mở cửa, bảo vệ các lợi ích quốc gia nhằm chống lại những tác động tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa.

Theo tờ báo, một trong những lý do giải thích vì sao các nhà quan sát không dự báo được thắng lợi của ông Donald Trump, đó là việc một bộ phận tầng lớp trung lưu đã bác bỏ tiến trình toàn cầu hóa. Có một thực tế hiển nhiên là việc Trung Quốc nổi lên như một đối tác thương mại quan trọng, đặc biệt kể từ khi Bắc Kinh gia nhập tổ chức Thương Mại Thế Giới, năm 2001, đã gây chấn động mạnh mà đến giờ người ta mới đánh giá được một vài hậu quả.

Tác động tiêu cực của tiến trình toàn cầu hóa thể rõ tại hai quốc gia gần như thống trị thương mại thế giới. Tại Hoa Kỳ, việc giá cả nguyên nhiên liệu trên thế giới giảm, tình trạng các doanh nghiệp di dời ra nước ngoài đã làm cho mức lương nhân công bị đình trệ, nợ gia tăng vì hỗ trợ nhu cầu, năng suất lao động trong nhiều lĩnh vực giảm và hàng triệu người thất nghiệp. Thậm chí, các chuyên gia kinh tế nói bối cảnh kinh tế đình đốn trong nhiều năm và nguy cơ thoái lạm. Một bộ phận tầng lớp trung lưu có cảm giác bị bỏ rơi và bị rơi xuống tầng lớp nghèo.

Còn tại Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế ở mức trên 10% trong nhiều năm đã làm giàu cho tầng lớp trung lưu, thế nhưng nước này vẫn còn tới 13% dân số sống trong cảnh rất nghèo khó. Chênh lệch giàu nghèo gia tăng.

Chính trong bối cảnh đó mà lãnh đạo Trung Quốc và ban lãnh đạo mới tại Hoa Kỳ tin tưởng rằng cần phải chú trọng đến thị trường nội địa, áp dụng bảo hộ mậu dịch ở một mức độ nào đó và Nhà nước cần can thiệp để vực dậy một số ngành nghề ; các biện pháp này sẽ giúp làm giảm sự bất bình của người dân.

Do vậy, theo báo Le Monde, châu Âu bị mất phương hướng. Các phát biểu trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống tại Mỹ càng gây lo ngại hơn. Ngoài nguy cơ xem xét lại, thậm chí bác bỏ các thỏa thuận tự do thương mại với các nước châu Á, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch của Hoa Kỳ sẽ làm suy giảm trao đổi thương mại thế giới và gây ra hậu quả tiêu cực đối với tăng trưởng của châu Âu. Việc thay đổi chiến lược kinh tế của Mỹ còn có thể đi kèm với chính sách « tự cô lập » của Hoa Kỳ trên phương diện ngoại giao.

Các chỉ trích mạnh mẽ nhắm vào chính quyền sắp tới tại Mỹ phản ánh mối lo ngại là cái thế giới hiện nay đang dần dần biến mất. Bởi vì, kể từ sau đệ nhị thế chiến cho đến nay, nhờ có mối quan hệ ưu tiên với Hoa Kỳ mà châu Âu đã có thể khẳng định ảnh hưởng và lập trường của mình đối với phần còn lại của thế giới.

Ấy vậy mà trên lĩnh vực kinh tế, Donnald Trump lại có quan điểm trái ngược hẳn với lãnh đạo các nước trong khu vực đồng euro : giảm thuế ồ ạt, tăng chi tiêu công. Về ngoại giao, chính quyền sắp tới tại Mỹ chủ trương có quan hệ mang tính « xây dựng » với Matxcơva, trong lúc châu Âu và Nga đang có nhiều bất đồng, căng thẳng, đặc biệt trong hồ sơ Syria, Ukraina. Trong trao đổi thương mại quốc tế, việc từ bỏ đàm phán về các thỏa thuận tự do mậu dịch giữa Mỹ và phần còn lại của thế giới sẽ tạo thêm sức mạnh cho phe tố cáo châu Âu ký kết các hiệp định thương mại bất bình đẳng với những nước nghèo.

Nói tóm lại, các tuyên bố của Donald Trump đe dọa mô hình hiện nay của giới lãnh đạo các nước châu Âu, theo đó, tự do mậu dịch là yếu tố tạo ra sự phồn thịnh của các quốc gia, duy trì kỷ luật ngân sách, coi ngoại giao thương mại là yếu tố mở rộng ảnh hưởng địa chính trị.

Các cam kết của Donald Trump còn thể hiện xu hướng quay trở lại mô hình Nhà nước - Quốc gia mà các lãnh đạo châu Âu không hề muốn vì hai lý do :

Trước tiên là không một nước châu Âu đơn lẻ nào có thể có sức nặng chính trị và kinh tế khi đối mặt với những nước lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga. Lý do thứ hai là chiến lược « mạnh ai nấy đi » sẽ dẫn đến tình trạng nhiều nước ở Trung và Đông Âu củng cố quan hệ song phương với Hoa Kỳ và điều này làm suy yếu ảnh hưởng của Pháp và Đức.

Tại Ấn Độ, thủ tướng Modi sai lầm khi quyết định phi tiền tệ hóa ?

Thời sự châu Á khá hiếm hoi trên các báo Pháp. Libération và La Croix quan tâm đến việc thủ tướng Ấn Độ bất ngờ ra quyết định phi tiền tệ hóa các tờ giấy bạc có mệnh giá lớn để chống tham nhũng. Vấn đề là gần 90% giao dịch thương mại thường nhật của nền kinh tế lại được thanh toán bằng tiền mặt. Quyết định này đã làm tê liệt các hoạt động kinh tế của đất nước. Có thể nói là « Chiến dịch chống tham nhũng tại Ấn Độ biến thành hỗn loạn » (tựa của La Croix). Và đó còn là « Sai lầm lớn trong cuộc săn đồng rupi tại Ấn Độ », nhận định của Libération.

Vì sao Nga rút ra khỏi CPI ?

Le Monde trích dẫn giải thích của Matxcơva cho rằng định chế này thiếu tính độc lập. Thông cáo của bộ Ngoại Giao cho rằng : « Nước Nga không thể thờ ơ trước thái độ của CPI đối với vụ việc 08/2008 ».

Hồi tháng Giêng năm 2016, CPI thông báo mở một điều tra về những tội ác phạm phải vào năm 2008. Chưởng lý CPI quyết định trong trước mắt không điều tra về cái chết của các binh sĩ Nga, mà phía Matxcơva đang tiến hành, và chỉ tập trung vào những tội ác nhắm vào các dân quân Nam Ossetia và các lực lượng Nga.

Tuy nhiên, theo Le Monde, sở dĩ Nga có quyết định trên là vì Matxcơva đang bị nhắm đến trong một cuộc kiểm tra sơ bộ - bước đầu tiên để mở điều tra về Ukraina. Theo giám đốc Amnesty International tại Nga, Serguei Nikitine, Nga ra quyết định này « chỉ vài giờ sau khi chưởng lý CPI tuyên bố tình hình trên lãnh thổ Crimee và Sebastopol có thể hình thành một xung đột vũ trang quốc tế giữa Nga và Ukraina ».

Le Monde nhắc lại trước Nga đã có ba nước châu Phi lên tiếng rút khỏi định chế này vì cho rằng có tình trạng « nhất bên trọng, nhất bên khinh ». Một sự thật mà chưởng lý CPI cũng công nhận nhưng kêu gọi các quốc gia đừng rút mà tiến hành cải cách định chế.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.