Vào nội dung chính
NHÂN QUYỀN - CRIMEE

LHQ lên án các vi phạm nhân quyền ở Crimée

Trong một nghị quyết được thông qua hôm qua, 15/11/2016, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lên án những vi phạm nhân quyền tại Crimée, kể từ khi vùng này bị sáp nhập vào Nga năm 2014.

Người Tatar biểu tình bày tỏ thái độ trước cuộc trưng cầu dân ý, được tổ chức sau khi Nga sát nhập bán đảo Crimée của Ukraina, tháng 3/2014.
Người Tatar biểu tình bày tỏ thái độ trước cuộc trưng cầu dân ý, được tổ chức sau khi Nga sát nhập bán đảo Crimée của Ukraina, tháng 3/2014. sergey dmitriev/RFI
Quảng cáo

Nghị quyết, do Ukraina đệ trình, với sự ủng hộ của 40 quốc gia, trong đó có Anh, Pháp, Mỹ, đã được thông qua với 73 phiếu thuận, 23 phiếu chống và 76 nước không bỏ phiếu, trên tổng thống 193 quốc gia thành viên Đại hội đồng.

Nước Nga, cùng với Trung Quốc, Syria, Bắc Triều Tiên, Ấn Độ, Nam Phi, Serbia và Venezuela nằm trong số các quốc gia bỏ phiếu chống. Nhiều nước châu Mỹ Latinh và châu Phi đã không bỏ phiếu.

Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lên án các hành động sách nhiễu, các biện pháp và cách hành xử mang tính kỳ thị của chính quyền Nga ở Crimée đối với người dân vùng này, đặc biệt là người Tatar. Nghị quyết yêu cầu Matxcơva thi hành tất cả những biện pháp cần thiết để chấm dứt các vụ vi phạm nhân quyền nói trên.

Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ còn yêu cầu Nga hợp tác với Cao ủy Nhân quyền LHQ và để cho các chuyên viên của Cao ủy đến điều tra ở Crimée.

Tuy nhiên, quan chức đặc trách về nhân quyền của bộ Ngoại giao Nga Anatoly Vicktorov hôm qua đã khẳng định rằng nghị quyết nói trên không phản ánh tình hình thật sự ở Crimée. Ông Vicktorov chỉ trích các nhà ngoại giao LHQ “lãng phí thời gian để thảo luận về những tài liệu tuyên truyền vô bổ, thay vì tiến hành một cuộc thảo luận sâu rộng về các vấn đề chính trị liên quan đến việc thúc đẩy nhân quyền.”

Trong khi đó, hôm qua, trong cuộc điện đàm với tổng thống tân cử Donald Trump, tổng thống Ukraina Petro Porochenko đã kêu gọi sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, để giúp Ukraina chống lại sự “xâm lược” của Nga và giúp tiến hành các cải tổ quan trọng ở Ukraina.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.