Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Mỹ : Tổng thống Trump và những thách thức kinh tế

Đăng ngày:

Các sàn chứng khoán trên thế giới vững tâm trước tin ông Donald Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ. Ý định giảm thuế doanh nghiệp, hỗ trợ ngành công nghệ dầu khí, đầu tư vào cơ sở hạ tầng trấn an các doanh nhân trên thế giới. Với tổng thống Trump, nợ công của Mỹ sẽ tăng cao.

Tổng thống tân cử Donald Trump.
Tổng thống tân cử Donald Trump. REUTERS/Mike Segar
Quảng cáo

Riêng về chính sách thương mại, ứng cử viên Donald Trump chủ trương bảo hộ nhưng như đánh giá của chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa từ Hoa Kỳ, “là con người khôn ngoan, biết thỏa hiệp và mặc cả », tổng thống Trump sẽ “chẳng dại gì mở ra một cuộc chiến tranh thương mại” với Trung Quốc hay bất kỳ một quốc gia nào khác.

Giảm thuế doanh nghiệp, tăng chi tiêu công cộng

Trong chương trình vận động tranh cử của ứng viên tổng thống đảng Cộng Hòa, Donald Trump không được mạch lạc như của đối thủ đảng Dân Chủ là Hillary Clinton. Chương kinh tế không là một ngoại lệ.

Dù vậy nhà tỷ phú New York không vòng vo khi đề nghị : giảm thuế cho các doanh nghiệ đang từ 35 % xuống còn 15 % ; hỗ trợ mảng công nghệ dầu khí và tăng các khoản chi tiêu công cộng, qua các chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng. Đó cũng chính là một trong những lý do khiến chỉ số chứng khoán trên thế giới đã khá ổn định sau thắng lợi bất ngờ của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 08/11/2016.

Chỉ riêng trong lĩnh vực kinh tế, ứng cử viên tổng thống Donald Trump hứa hẹn những gì ? Tổng thống Trump thực hiện được đến đâu những cam kết đó ? Người kế nhiệm Barack Obama liệu sẽ có thuyết phục được Quốc Hội lưỡng viện Hoa Kỳ tăng thêm ngân sách của chính quyền Liên bang, để nợ công đang từ 77 % GDP tăng lên hơn 100 % ? Hứa hẹn đóng cửa biên giới, trục xuất người nhập cư để bảo vệ công ăn việc làm cho các công dân Mỹ liệu sẽ được chính quyền sắp tới của ông Donald Trump áp dụng, khi người nhập cư vừa là một nguồn lực lao động cần thiết cho một nền kinh tế đang trên đà bị lão hóa, vừa là một nguồn tiêu thụ, động cơ chính của cỗ xe kinh tế đồ sộ như Hoa Kỳ ?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa tại California, phân tích về những thách thức lớn chờ đợi tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ.

Từ « chương trình » đến « hành động »

Nguyễn Xuân Nghĩa : Khi tranh cử tổng thống, mục đích yêu cầu của các ứng cử viên chỉ là làm sao thắng cử. Mọi đề nghị hay chương trình hành động đều đưa ra trong mục tiêu đó với ít nhiều tính chất mị dân, cho nên có giá trị thực tế rất thấp và khó áp dụng khi đắc cử.

Tổng thống Hoa Kỳ không có toàn quyền như lãnh đạo của các nước dân chủ Tây phương, nhất là về nội chính và kinh tế, mà phải thỏa hiệp với Quốc hội, với một định chế độc lập là Ngân hàng Trung ương và cũng bị các thị trường quốc tế chi phối.

Về kinh tế, ông Trump đề nghị cả hai loại biện pháp ngân sách là giảm thuế và tăng chi cho các dự án xây dựng hạ tầng để kích thích tăng trưởng và còn chủ trương giải tỏa hệ thống kiểm soát khắt khe được thiết lập từ sau vụ khủng hoảng 2008 để khuyến khích tiểu doanh nghiệp đầu tư và tạo thêm việc làm.

Về nhu cầu tạo thêm việc làm, ông Trump cũng yêu cầu các doanh nghiệp đầu tư ngược về Mỹ thay vì xuất cảng công việc làm ra ngoài.

Bây giờ, nhờ đảng Cộng Hòa vẫn giữ đa số tại cả Hạ viện lẫn Thượng viện, những đề nghị thực tiễn và ôn hòa nhất của ông đều có hy vọng áp dụng và thật ra chẳng khác chương trình cải cách của dân biểu Cộng Hòa Paul Ryan, Chủ tịch Hạ viện.

Các đề nghị quá đáng và mị dân thì khó vượt rào Quốc Hội và ông Trump là người đầu tiên biết rõ điều ấy.

Trái với ngôn từ và dáng vẻ cực đoan thô lỗ lẫn cách nhìn lệch lạc của truyền thông thiên tả như nằm trong kén, Donald Trump là con người khôn ngoan, biết thỏa hiệp và mặc cả. Kết quả thì việc giảm thuế và giải tỏa kiểm soát có hy vọng kích thích sản xuất, các dự án hạ tầng thì còn mất nhiều năm thiết kế và thực hiện, chứ việc tăng chi quốc phòng mỗi năm 60 tỷ thì sớm có tác dụng hơn.

Vì vậy, các thị trường chứng khoán đều lạc quan tăng giá trong mấy ngày liền. Nhưng hậu quả lâu dài là nạn bội chi ngân sách mà chưa ai nói tới.

Bảo hộ và nguy cơ chiến tranh thương mại ?

Nguyễn Xuân Nghĩa : Một sự thật mà thế giới không nói ra là khi kinh tế trì trệ, mọi quốc gia đều tìm cách kích thích kinh tế của mình trên lưng các nước khác. Nôm na là can thiệp vào luồng trao đổi mậu dịch, cụ thể là các Ngân hàng Trung ương Nhật, Âu Châu và nhiều nước hạ lãi suất tới sàn, thậm chí đến số âm để hàng bán rẻ hơn và làm hàng nhập trở thành đắt hơn.

Đồng thời, các nước Tây phương đều đả kích Trung Quốc bán thép quá rẻ ra ngoài. Vì vậy, khi tranh cử, cả hai ứng cử viên Dân Chủ lẫn Cộng Hòa đều có luận điệu bảo hộ mậu dịch, bác bỏ Hiệp ước Xuyên Thái Bình Dương và còn thi đua bảo hộ để hốt phiếu.

Trong thực tế thì chính quyền Trump chẳng dễ gì hay dại gì mà tăng thuế nhập nội trên hàng Trung Quốc tới mấy chục phần năm vì lợi bất cập hại. Là doanh gia, ông biết quy luật ấy. Là tổng thống, ông biết thêm rằng Hoa Kỳ có hệ thống luật lệ và cam kết từ Tổ Chức Thương Mại Thế giới WTO nên đại sứ Thương Mại và bộ trưởng Thương Mại do ông bổ nhiệm sẽ được chỉ thị trả đũa mạnh mẽ hơn chính quyền Barack Obama khi Bắc Kinh phá giá hoặc lũng đoạn hối đoái để tăng xuất cảng. Cũng cần nói thêm rằng kinh tế Hoa Kỳ không lệ thuộc nặng vào xuất khẩu như Đức, Hàn Quốc hay Trung Quốc, cho nên thật ra nước Mỹ vẫn giữ thế mạnh.

Lao động nhập cư và những đóng góp cho kinh tế Mỹ ?

Nguyễn Xuân Nghĩa : Chủ trương của ông Trump về di dân có hai động lực : an ninh với di dân từ Trung Đông vì nguy cơ khủng bố và động lực kinh tế với di dân từ Nam Mỹ qua ngả Mexico.

Hồ sơ di dân của Mỹ sở dĩ rối bù vì các doanh nghiệp muốn tuyển di dân lậu để trả lương rẻ mà làm sụp mức lương của dân bản địa và gây thiệt hại cho công nhân viên. Nhờ ông Trump « to miệng » người ta có thể hạn chế việc này và điều ấy có lợi cho công nhân hơn là cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên nhìn trên toàn cảnh thì số di dân từ Mễ đã giảm dần từ một chục năm nay vì yêu cầu xây cất suy sụp tại Mỹ sau vụ bể bóng thị trường địa ốc năm 2006. Các hộ gia đình Mễ cũng bớt lẻn qua Mỹ kiếm tiền gửi về nhà và giờ đây khi kinh tế Mexico đã có hướng khả quan hơn thì nhiều người Mễ cũng hồi hương.

Thứ nữa, chính quyền Obama đã lặng lẽ cho trục xuất nhiều di dân bất hợp pháp mà chẳng dám nói ra.

Nhưng ông Trump vẫn làm ầm chuyện đó với bức tường xây tại biên giới để tranh thủ cử tri. Tuần này ông còn dọa trục xuất vài triệu dân nhập cư trái phép. Tôi nghĩ bức tường của ông sẽ chỉ là cái hàng rào, xuất phát từ chánh sách kiểm soát biên giới đã có sẵn, và quyết định thanh lọc di dân của ông sẽ không có ảnh hưởng kinh tế đáng ngại.

Thứ nhất, dân Mỹ dù thất nghiệp cũng chẳng muốn làm một số công việc nặng nhọc nên vẫn cần di dân nghèo từ miền Nam. Thứ hai, việc cải cách chính sách di dân từ phía Cộng Hòa có thể hướng tới việc tiếp nhận di dân qua ngả chính thức mà thiên về mục tiêu kinh tế hơn là nhân đạo, tức là dễ dãi nhận vào những người có tay nghề hơn là để đoàn tụ các gia đình đã nhập cư trái phép.

Quan hệ Donald Trump với Wall Street

Nguyễn Xuân Nghĩa : Vì là tỷ phú, ông Trump không sợ tài phiệt mà cũng chẳng cần tài phiệt yểm trợ - nhiều khi bất chính - như trường hợp đầy tai tiếng của bà Hillary Clinton. Ông lại đứng về cánh tả, mạnh miệng đả kích giới chính trị cấu kết với các đại gia Wall Street.

Donald Trump còn giành phiếu của thành phần lao động có cảm tình với tinh thần xã hội chủ nghĩa của thượng nghị sĩ Bernie Sanders phía cực tả. Bây giờ, khi nhậm chức tổng thống, ông Trump vẫn cần tới kiến thức kinh doanh của giới tài phiệt trong nội các nhưng dễ mang tiếng là bị họ mua chuộc.

Tuy nhiên, ông Trump thắng cử là nhờ làn sóng nổi giận của người dân và đã hứa sẽ ra luật lệ ngăn cấm nạn vận động, mua chuộc hay hối mại quyền thế. Cho nên, không chỉ chúng ta mà báo chí và đối lập sẽ theo dõi kỹ lời hứa đó.

Riêng tôi thì nghĩ ngược, Donald Trump là tiêu biểu cho phản ứng nổi dậy chống giới thượng lưu giàu có, là điều thường xảy ra trong nền dân chủ Mỹ. Nghịch lý làm nhiều người bị bất ngờ là ông cũng thuộc vào thành phần giàu có. Lạc quan thì ta có thể nói rằng Donald Trump không lao vào chính trường để kiếm tiền, như quá nhiều người khác.

Nếu như giới tài chính ở Wall Street, các nhà đầu tư của Mỹ và trên thế giới tương đối an tâm về chính sách kinh tế của tổng thống tân cử Donald Trump, thì ngược lại, các tập đoàn trong ngành phát triển năng ượng xanh, đang lo ngại.

Bản thân ông Trump và các cộng tác viên của chủ nhân tương lai Nhà Trắng bác bỏ những nghiên cứu về hiện tượng trái đất bị hâm nóng. Chủ nhân tương lai của Nhà Trắng từng tuyên bố sẽ làm sống lại công nghệ năng lượng than và các loại năng lượng hóa thạch. Nếu như Hoa Kỳ lùi bước trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu thì cầm chắc là Trung Quốc và những nền kinh tế gây ô nhiễm khác trên hành tinh sẽ chẳng dại gì tiên phong trong lĩnh vực này. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.