Vào nội dung chính
HOA KỲ - BẦU CỬ

Silicon Valley cố lựa chiều theo Donald Trump

Thắng lợi bất ngờ của Donald Trump đã làm cho lĩnh vực công nghệ Hoa Kỳ rơi vào tình thế khó xử, buộc phải lựa chiều chạy theo vị tổng thống mà họ không hề muốn vì lo ngại phải hứng chịu những chính sách bất lợi.

Trụ sở Google, ngay giữa lòng Silicon Valley.
Trụ sở Google, ngay giữa lòng Silicon Valley. RFI/Thomas Bourdeau
Quảng cáo

AFP trích đăng thông điệp trên mạng xã hội Twitter của Jeff Bezos, ông chủ - sáng lập viên tập đoàn Amazon, cho thấy được sự « đổi chiều » của lĩnh vực công nghệ tại Silicon Valley : « Chúc mừng Donald Trump. Tôi bày tỏ thái độ cởi mở nhất và chúc ông thành công to lớn trong việc phụng sự đất nước ».

Thực vậy, trước khi Donald Trump đắc cử, ông chủ Amazon không ủng hộ ứng viên tổng thống của đảng Cộng Hòa và hài hước đề nghị dành cho Donald Trump một chỗ trên tên lửa Blue Origin, tên một công ty khác cũng của Bezos, đang nghiên cứu thực hiện dự án đưa người, hàng hóa lên không gian.

Ngoại trừ trường hợp của nhà đầu tư Peter Thiel, Silicon Valley đã hoàn toàn ủng hộ Hillary Clinton và không hề tính tới việc thắng cử của Donald Trump, thậm chí đôi khi còn công khai chỉ trích đó là một người không có năng lực làm tổng thống.

Giờ đây, giới chủ các tập đoàn lớn tìm cách làm dịu tình hình. Lãnh đạo Apple, Tim Cook, nhắn nhủ các nhân viên rằng « cách duy nhất để tiến về phía trước là cùng nhau tiến lên », trong lúc ông chủ Facebook Mark Zuckerberg khẳng định là « việc sáng tạo một thế giới mà chúng ta mong muốn để lại » cho các thế hệ mai sau là một nhiệm vụ còn nặng nề hơn cả một nhiệm kỳ tổng thống.

Thế nhưng, Silicon Valley đã phải trả giá cho thái độ chống Trump : lĩnh vực công nghệ là một trong những lĩnh vực hiếm hoi bị mất giá tại thị trường chứng khoán Wall Street sau cuộc bầu cử tổng thống. Hôm qua, chỉ số Dow Jones đã tăng đạt mức kỷ lục nhưng cổ phiếu của Amazon, Alphabet (Google), Apple, Facebook và Microsoft đã bị giảm từ 2 đến 4%.

Theo chuyên gia Art Hogan, thuộc Wunderlich Securities, trong lĩnh vực tư vấn, quản lý đầu tư chứng khoán, tuy không nói đến chuyện « trả thù », nhưng trong các diễn văn tranh cử của Trump, người ta không cảm nhận được thái độ thuận lợi, ủng hộ đối với các tập đoàn công nghệ. Thậm chí, Trump đã chỉ trích và đe dọa thẳng Amazon và Apple.

Chuyên gia Jack Ablin, thuộc BMO Private Bank nhận định, các công ty công nghệ là những doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều nhất từ tiến trình toàn cầu hóa và giờ đây lo ngại hứng chịu hậu quả của chính sách bảo hộ mậu dịch.

Về phần mình, giáo sư Melinda Jackson, đại học San Jose, California tỏ ra bình tĩnh hơn vì các vấn đề công nghệ không phải là mối ưu tiên hàng đầu trong chương trình tranh cử của Donald Trump. Theo chuyên gia này, Hillary Clinton dành thời gian nhiều cho Silicon Valley là nhằm tìm kiếm tiền vận động tranh cử, còn Donald Trump thì không chú trọng đến việc gặp gỡ thảo luận với các lãnh đạo của lĩnh vực này và ông ta cũng không có nhu cầu tìm kiếm tiền vận động tranh cử ở đây.

Giới quan sát cho rằng, bất chấp những chỉ trích, phát biểu không hữu hảo của Donald Trump, nhưng không thể khôi phục sự vĩ đại của nước Mỹ mà không có một lĩnh vực công nghệ hùng mạnh.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.