Vào nội dung chính
HOA KỲ - CHÂU ÂU - TƯ PHÁP

Phạt tiền doanh nghiệp : Công cụ "trấn lột" hiệu quả của Hoa Kỳ

BNP Paribas, Volkswagen, Deutsche Bank… lần lượt hứng chịu các án phạt hàng tỷ đô la của Hoa Kỳ. Các biện pháp trừng phạt kinh tế giờ là công cụ hữu hiệu cho tư pháp và cho sự thống trị của Mỹ trên thế giới. Tuần san L’Express số ra từ ngày 09-16/11/2016, trong bài viết : « Cách trấn lột tàn bạo bằng  phạt tiền kinh tế », chỉ trích chính phủ Hoa Kỳ đã có thái độ « nhất bên trọng, nhất bên khinh » khi chỉ nhắm trừng phạt vào các tập đoàn của châu Âu.

Logo ngân hàng BNP Paribas, Pháp.
Logo ngân hàng BNP Paribas, Pháp. Reuters/Charles Platiau
Quảng cáo

L’Express buồn bã đặt câu hỏi : « Giả như châu Âu cũng có được những công cụ này thì sao ? ». Một loạt các tập đoàn lớn của châu Âu đã hứng chịu những mức phạt tiền khổng lồ như ngân hàng BNP Paribas, Alstom, Crédit Agricole, Total, HSBC, Commerzbank, Deutsche Bank hay Volkswagen…

Thống trị kinh tế bằng luật là công cụ có từ lâu đời của các cường quốc, và nhất là Hoa Kỳ. Nếu diễn giải theo ngôn từ ngoại giao, đấy chính là « quyền lực mềm » cho phép chú Sam áp đặt các chuẩn mực và tiêu chuẩn của mình lên toàn thế giới. Còn nếu nói theo ngôn ngữ pháp lý, đó là một « nền tư pháp chủ nghĩa đế quốc ».

Theo L’Express, xuất phát từ đạo luật FCPA (Foreign Corrupt Practices Act) ban hành năm 1977, cho phép phạt các doanh nghiệp nào của Mỹ bị kết tội tham nhũng ở nước ngoài, Hoa Kỳ dần dần củng cố các công cụ pháp lý để mở rộng phạm vi áp dụng, chống lại cả những doanh nghiệp nước ngoài. Ví dụ như đạo luật Helms-Burton và Amato, ban hành trong những năm 1990, cấm các doanh nghiệp giao dịch thương mại với các nước bị cấm vận, và sau này là Patriot Act.

Thế nhưng, theo giới chuyên gia, bước ngoặt quan trọng nhất là sau đợt tấn công khủng bố tháng 09/2001. « Kể từ thời điểm này, Hoa Kỳ quyết định biến cuộc chiến chống tham nhũng thành một trong những vũ khí chống khủng bố », theo như giải thích của ông Stephane de Navacelle, luật sư tại New York và Paris. Về phần mình, ông Hervé Juvin cho rằng : « Các thẩm phán đã tận dụng điều đó để mở rộng các tiêu chí có liên quan đến luật của Hoa Kỳ ».

« Nhất bên trọng, nhất bên khinh »

Nhưng châu Âu chỉ trích Hoa Kỳ đã đề ra những mức tiền phạt một cách tùy tiện. Về mặt chính thức, các tiêu chí thẩm định là hợp lý và khách quan, tùy theo mức thang quy định. Nhưng trên thực tế, các cuộc thương thuyết được tiến hành bên trong hậu trường, nếu không muốn nói là mập mờ. Mà ví dụ điển hình là vụ Deutsch Bank của Đức. Từ 14 tỷ đô la như lúc ban đầu, mức tiền nộp phạt đã tụt xuống ba lần chỉ sau vài ngày thương thuyết.

Doanh nghiệp châu Âu cảm thấy bất công, bị « lép vế » so với các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Cùng là doanh nghiệp nước ngoài, nhưng tại Mỹ các doanh nghiệp châu Âu bị nộp phạt nặng, ngược lại các doanh nghiệp Mỹ tại châu Âu thì lại hưởng mức phạt nhẹ hơn. Nghĩ gì khi Volkswagen phải bị nộp phạt đến 14,7 tỷ đô la chỉ vì gian lận các thông số phát thải khí gây ô nhiễm, trong khi mà năm 2015, hãng xe General Motor của Mỹ che giấu các khiếm khuyết về túi khí (airbag) làm 124 người chết nhưng chỉ bị châu Âu phạt có 900 triệu đô la ?

Theo những người rất am hiểu về hệ thống tư pháp Hoa Kỳ, mức tiền phạt lệ thuộc rất nhiều vào thái độ « hợp tác » của các doanh nghiệp trong quá trình thương lượng. Do đó, đối với các nghị sĩ Pháp, rõ ràng có hiện tượng « nhất bên trọng, nhất bên khinh ».

Ông Pierre Lellouche, nghị sĩ thuộc đảng Les Républicains, Pháp, tác giả một báo cáo Nghị viện về tính ngoài lãnh thổ của tư pháp Mỹ đã chua chát nhận định : « Châu Âu bất lực chứng kiến một sự trấn lột thật sự có tổ chức ». Bởi vì, tính từ năm 2008, các doanh nghiệp châu Âu đã phải nộp phạt gần 20 tỷ đô la cho chính quyền Mỹ vì những cáo buộc vi phạm lệnh cấm vận hay tham nhũng quốc tế.

Nhất là với cáo buộc tham nhũng, doanh nghiệp châu Âu là những doanh nghiệp bị trừng phạt nghiêm khắc nhất, lãnh từ 10-17 án phạt, trong khi chẳng có lấy một doanh nghiệp Trung Quốc nào trong danh sách.

Giải thích về cách hành xử không công bằng này của tư pháp Mỹ, ông Eric Decéné, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp về Tình báo cho rằng : « Người Mỹ sẽ nói với bạn rằng các doanh nghiệp Trung Quốc ít có bị Mỹ hóa hơn các doanh nghiệp khác, và do đó, khó có thể áp dụng các tiêu chí có liên quan đến luật của Mỹ. Hơn nữa, họ thừa biết là chỉ cần một điều tra nhỏ cũng đủ để cho Trung Quốc đưa ra các biện pháp đáp trả tức thì ».

Vấn đề là, đối với một doanh nghiệp, chấp nhận hợp tác cũng đồng nghĩa với việc đeo ba cái án. Đó là : phải nộp phạt, chấp nhận thiết lập các chương trình tuân thủ chi phí cao và chấp nhận đặt các hoạt động của mình dưới sự giám sát của các cố vấn doanh nghiệp. Theo bà Karine Berger, từng tham gia các cuộc điều trần của ngân hàng BNP Paribas, (trong vụ bị Mỹ phạt 8,97 tỷ đô la vì đã vi phạm cấm vận của Mỹ nhắm vào Cuba, Iran và Sudan), hàng chục đại diện kiểm soát có quan hệ trực tiếp với Washington hiện đang có mặt trong nhiều cơ sở của ngân hàng Pháp.

Trong bối cảnh này căng thẳng giữa đôi bờ Đại Tây Dương hiện nay, ngày càng có nhiều tiếng nói chỉ trích cất lên. Châu Âu sẽ làm gì để bảo vệ các ngành mũi nhọn của mình ? Làm sao châu Âu có thể để bị cướp mất những thị phần trên thế giới ?

L’Express trích dẫn nhận định của ông Hervé Juvin lấy làm tiếc rằng trong những năm 1990, châu Âu đã từng phản đối các đạo luật Helms-Burton và Amado. Nhưng « ngày nay, phần đông các tập đoàn châu Âu hiện đang phải đối phó với tư pháp Mỹ, thậm chí không thèm thông báo với chính phủ nước mình ».

13/11 : Ngày định mệnh của nước Pháp

Chủ nhật 13/11/2016 đánh dấu một năm vụ khủng bố đẫm máu ở Paris giết chết 130 người. « Một năm sau, nước Pháp đã thay đổi ra sao », L’Express trên trang bìa đặt câu hỏi lớn.

Tuần báo nhắc lại sự kiện đau thương, cách nay đúng một năm. Hơn 130 người chết và 413 người bị thương trong vụ tấn công khủng bố tại Paris và vùng ngoại ô Saint-Denis. Một năm đã trôi qua, nhưng xã hội Pháp vẫn bị chao đảo.

Cuộc sống người dân Pháp giờ đã thay đổi không như trước nữa. Họ phải làm quen với cảnh thường xuyên bị khám xét người, lục soát túi sách mỗi khi đến những nơi vui chơi giải trí công cộng như bảo tàng, nhà hát, khu triển lãm, thương mại…

Trẻ con phải học cách ẩn náu trong tình huống có khủng bố xâm nhập trường học. Người lớn tập nói dối con trước câu hỏi : « Liệu khủng bố có vào trường con không hả bố ? ». Người dân Pháp cũng quen cảnh binh lính Pháp tuần tra trên đường phố, những điểm du lịch, tầu điện ngầm… Các cơ sở dịch vụ sơ cứu thao dợt tập thử nghiệm hiệu năng của các biện pháp đề phòng, xử lý tình huống…

Dù theo cánh tả hay hữu, ai cũng có chung một cảm giác. Nước Pháp giờ không còn bình yên nữa, nhưng cũng chưa hẳn đang có chiến tranh, mà là đang trong trạng thái căng thẳng.

Nhưng chính trong trạng thái đó, họ lại học được cách đối chọi với sợ hãi, học cách làm người hữu ích. Nhu cầu học sơ cứu tăng cao. Các tổ chức như Hội Chữ Thập Đỏ, Lính cứu hỏa hay Bảo vệ Dân sự phải tổ chức những ngày gọi là « Thứ bảy cứu hộ » khắp nơi trên toàn quốc.

Người Pháp chết lặng, chia rẽ không còn cách chọn nào khác để tiếp tục sống bằng cách nghiền ngẫm suy nghĩ những gì có thể hợp nhất họ lại với nhau. Đây cũng chính là chủ đề xuyên suốt trong hồ sơ phóng sự của tuần san L’Express.

Một Trung Đông bất ổn và chia rẽ

Thời sự nước Pháp cũng là chủ đề chính trên tuần san L’OBS. Tờ báo dành nhiều trang giới thiệu mục phỏng vấn cựu bộ trưởng kinh tế Pháp Emmanuel Macron về chương trình vận động tranh cử tổng thống của ông. Mục Grand Format của tuần báo, ngoài việc nói về các ứng viên tranh cử tổng thống các đảng khác, tuần báo quan tâm đến tình hình Trung Đông.

L’OBS dành hẳn 6 trang báo để giới thiệu những góc ảnh của nhiếp ảnh Paolo Pellegrin, cộng tác cho hãng Magnum. Ông đã lang thang khắp vùng Trung Đông để rồi cho thấy những hình ảnh một thế giới Ả Rập bị chia rẽ. Kể từ cuộc xâm lược Irak của Mỹ cho đến sự đi lên của Daech tại một đất nước Syria nội chiến. Những tấm ảnh của ông như là một câu chuyện kể về một thế giới đang bị những năm tháng bất ổn và khiếp hãi tàn phá nặng nề.

L’OBS tiếp tục nhìn sang Maroc. Cả nước đang hừng hực xuống đường. Bởi vì, một thanh niên bán cá đã bị một xe chở rác nghiền nát chỉ vì anh cố giữ hàng hóa của mình bị lực lượng an ninh tịch thu. Phóng sự của nhà báo Céline Lussato cho thấy người dân không còn ngần ngại đặt nghi vấn về vai trò của quốc vương như hàng tít lớn của bài viết : « Mohammed VI, chúng tôi không cần đến ngài nữa ».

Donald Trump đắc cử : Apocalypse Now

Đây chính là tít lớn trên trang bìa của tuần san Courrier International. Một cơn tai biến. Kết thúc một chiến dịch vận động tệ hại nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, ứng viên đảng Cộng Hòa cuối cùng đã thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Donald Trump chính thức trở thành vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Nhưng nhiều câu hỏi cũng được đặt ra.

Nếu như « Donald Trump là một người khó đoán » (The Washington Post), vậy liệu « Có nên chạy trốn ông ta hay không ? » (The New York Times) ; « Liệu rồi nền dân chủ Mỹ sẽ có kháng cự lại hay không ? » (Politico). Thắng lợi của ông Trump làm nổi rõ vấn đề « Bản sắc da trắng » (The New York Times). Mỹ cũng như châu Âu, bản sắc lại trở thành vấn đề trọng tâm. Nhưng việc ông Trump giành được chiến thắng này cũng có một phần trách nhiệm của giới truyền thông vì hám tiền và ham thu hút lượng thính độc giải dễ dàng. Theo một vị giáo sư Mỹ, chuyên nghiên cứu về truyền thông, các tập đoàn này cũng nên suy nghĩ lại vai trò của mình. Đã đến lúc « Ngành truyền thông phải thay đổi » (The Conversation).

Indonesia : Lấn biển chống ngập lụt, lợi bất cập hại ?

Trong lĩnh vực môi trường, Courrier International trích dịch bài viết trên tờ Kompas tại Indonesia cho hay « Jakarta gậm nhấm bờ biển ». Để có thể mở rộng hơn nữa đô thị và tìm cách chống lại hiện tượng ngập lụt, thủ đô Indonesia đang nhắm đến việc xây dựng các bờ đê và đảo nhân tạo.

Thế nhưng theo nhiều chuyên gia, các chương trình này sẽ dẫn đến việc hãm dòng chảy của 13 con sông đổ ra vịnh Jakarta. Và như vậy sẽ làm tăng lượng nồng độ lớp trầm tích, các kim loại nặng và chất thải hữu cơ trong vịnh.

Một số lượng lớn các nghiên cứu do Cơ quan thẩm định và ứng dụng công nghệ, bộ Hàng Hải và Ngư Nghiệp và Viện Công Nghệ Bandung đã được thực hiện. Tất cả đều cho thấy rõ tác hại môi trường nghiêm trọng trong việc xây dựng các đảo nhân tạo và con đê khổng lồ này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.