Vào nội dung chính
BẦU CỬ MỸ

Bầu cử tổng thống Mỹ : Đa số cử tri bị căng thẳng thần kinh

Hiếm khi, nếu không muốn nói là chưa bao giờ, một cuộc bầu cử tổng thống lại làm cho người dân Mỹ mệt mỏi như cuộc bầu tổng thống ngày 08/11/2016 này. Một phóng sự của hãng tin Pháp đã minh họa cho số liệu khô khan nêu trong bản điều tra của Hội Tâm Thần Học Mỹ (APA), theo đó hơn một nửa người Mỹ - 52% - thú nhận là cuộc bỏ phiếu lần này khiến họ bị stress, tức là căng thẳng thần kinh.

Patriot Media
Quảng cáo

AFP vẽ lên cảnh chán ngán của phần đông người Mỹ trước cuộc tranh cử tổng thống kỳ quái, tệ hại, với các chuyện xấu cá nhân bị bới móc, và chỉ mong cho sự kiện sớm kết thúc. Hơn nữa viễn ảnh bày ra trước mắt họ, nào là khủng bố, bầu cử gian lận v.v…, không có gì sáng sủa cả.

Trả lời phóng viên AFP, Judi Bloom, một nhà tâm lý học ở Santa Monica, California, giải thích là những cuộc bầu cử thường làm cho người ta bị stress nhưng chưa bao giờ bà thấy hiện tượng này ở mức độ như hiện nay.

Trong hàng tháng trời, ứng viên đảng Cộng Hòa Donald Trump đã nã pháo vào các chính sách của Barack Obama, từ bảo hiểm y tế Obamacare đến chiến tranh Syria, rồi các hiệp định tự do mậu dịch, tất cả theo Donald Trump đều « thất bại », và Hillary Clinton sẽ đưa đất nước vào « thảm họa ».

Ông Trump còn vẽ ra viễn cảnh hàng hàng lớp lớp người nhập cư lưu manh, chuyên hãm hiếp phụ nữ sẽ cố vào đất Mỹ qua đường biên giới Mêhicô, cho nên ông muốn xây một bức tường ở đấy để ngăn chận. Không chỉ kẻ lưu manh, mà còn có kẻ sát nhân khủng bố trốn trong « đám người tỵ nạn Syria » vào nước Mỹ.

Riêng nước nước Mỹ, thì phải coi chừng « gian lận bầu cử ».

Còn về phía Dân Chủ, bà Clinton cũng mô tả đối phương như một người « bất ổn định », có thể gây ra một cuộc chiến tranh hạt nhân trong một cơn tức giận, là « một con rối » trong tay Nga, và nhắc đi nhắc lại là hàng chục phụ nữ đã tố cáo bị ông tấn công tình dục – điều mà Trump luôn phủ nhận.

Bà Judi Bloom đánh giá chưa bao giờ có cuộc vận động tranh chiếc ghế tổng thống lại tiêu cực như thế, với những ứng viên không được cảm tình và tạo ra cảm giác tuyệt vọng. Judi Bloom còn cho biết bà đã nghe rất nhiều người nói muốn dọn nhà sang ở Canada.

Robert Bright, một bác sĩ tâm thần học ở Phoenix (Arizona), cho là phải đi ngược về cuộc khủng bố ngày 11/09/2001 hay cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, mới tìm thấy lại cảm nhận là « mọi sự đều đổ vỡ » như hiện nay. Ông còn nhắc đến một bệnh nhân cho biết là bà không ngủ được vì cuộc bầu cử này. Một bệnh nhân khác, bệnh rất nặng, nói đùa là như vậy khi chết đi, ông không còn phải thấy những tấm quảng cáo bầu cử tiên đoán điềm gở nữa.

Tóm lại thay vì vận động nhìn về tương lai lạc quan, như khẩu hiệu ‘yes we can’ của Obama trước đây, năm 2008, thì Donald Trump và phần nào đó Hillary Clinton, đã xoáy vào nỗi lo sợ của người Mỹ.

Ông Bright nhìn thấy người Mỹ lo ngại cho tương lai, cho vấn đề tài chính của họ, sợ bị tấn công khủng bố, sợ người bên cạnh….

Theo ông, dựa trên nghiên cứu của hội APA, người đảng Cộng Hòa lo âu nhiều hơn người đảng Dân Chủ, họ e ngại cho đủ thứ, từ chiếc ghế ở Tối Cao Pháp Viện, hiện có 4 thẩm phán bảo thủ và 4 thẩm phán cấp tiến, cho đến các chiếc ghế ở Quốc Hội, và e ngại cả nguy cơ đảng bị giải tán.

Những lời chỉ trích nhau chung quanh quan hệ với phụ nữ của ông Donald Trump hay những đòn tấn công ngược vào quan hệ của Bill Clinton, theo ông Bright, đã tạo nên không khí bất an đối với phụ nữ nói chung và đặc biệt những ai từng trải qua hoàn cảnh bị tấn công.

Các mạng xã hội và truyền thông truyền tải tin lại càng tăng thêm cảm nhận về « thế giới đến hồi sụp đổ », theo ghi nhận của bà Bloom và hội APA.

Ông Bright còn thấy là do bị lôi cuốn vào cuộc vận động tranh cử, ủng hộ ai, chỉ trích hay tán đồng, nhiều khi ảnh hưởng đến quan hệ bạn bè, láng giềng. Ông đã nghe nhiều người nói : « Tôi không ngờ là bạn bè tôi lại có óc kỳ thị, bài ngoại hoặc trọng nam khinh nữ như thế… ». Kết quả là có nhiều người đã quyết định gạt tên bạn mình ra khỏi danh sách bạn bè trên Facebook, có khi không thèm nói chuyện.

Hiệp hội APA nhắc nhở là cho dù « chuyện gì xẩy ra ngày 08/11, thì cuộc sống vẫn tiếp tục, thay vì ngồi đó bực tức, tuyệt vọng thì hãy làm cái gì đấy tích cực, tham gia hoạt động thiện nguyện hay… lao vào hoạt động chính trị ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.