Vào nội dung chính
EU - CANADA

Châu Âu và Canada ký hiệp định tự do mậu dịch – CETA

Sau khi bị hoãn lại do Bỉ chưa sẵn sàng vì có sự phản đối của nghị viện vùng Wallonie, hôm nay, 30/10/2016, lễ ký kết hiệp định tự do mậu dịch giữa Liên Hiệp Châu Âu và Canada được tiến hành tại Bruxelles, với sự chứng kiến của thủ tướng Canada Justin Trudeau.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau (giữa), chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk (trái) và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker trước khi ký hiệp định CETA tại Bruxelles ngày 30/10/2016.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau (giữa), chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk (trái) và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker trước khi ký hiệp định CETA tại Bruxelles ngày 30/10/2016. REUTERS/Eric Vidal
Quảng cáo

Quy trình phê chuẩn văn bản này đòi hỏi nhiều thời gian, từ 18 đến 24 tháng. Bởi vì sau khi được nghị viện của 28 thành viên Liên Hiệp Châu Âu cũng như Nghị Viện Châu Âu phê chuẩn, hai bên mới có thể tiếp tục đàm phán về cơ chế trọng tài khi xẩy ra tranh chấp, đặc biệt là kiện tụng giữa các công ty đa quốc gia và Nhà nước.

Nghị viện Canada và nghị viện các tỉnh cũng phải có ý kiến vì hiệp định này làm thay đổi một số quy định trong lĩnh vực đấu thầu các dự án sử dụng ngân sách Nhà nước.

Từ Bruxelles, thông tín viên Quentin Dickinson cho biết thêm thông tin về quy trình phê chuẩn văn bản này :

Việc ký kết ngày hôm nay đánh dấu bước khởi động một giai đoạn phê chuẩn hiệp định tự do mậu dịch CETA, kéo dài trong nhiều tháng.

Do văn bản này không được coi là ưu tiên, nên tùy theo chương trình làm việc, nghị viện của từng nước sẽ quyết định thời điểm phê chuẩn và thời gian này có thể kéo dài khoảng hai năm.

Tuy nhiên, vẫn còn có hai vấn đề pháp lý chưa được giải quyết, đó là phán quyết cuối cùng của Tòa Bảo Hiến Liên bang Đức (tòa sẽ xem xét tính hợp hiến của CETA cũng như đòi phải có bảo đảm là Berlin được quyền rút khỏi hiệp định này) và ý kiến của Tòa Án Công Lý, sau khi Bỉ đề nghị xem xét CETA có phù hợp với luật pháp châu Âu hay không.

Các thẩm phán của Tòa Án Công Lý chắc chắn sẽ ra phán quyết nhanh hơn Tòa Bảo Hiến Liên Bang Đức, nhưng thời gian chuẩn bị, chờ phán quyết của tòa, rồi phê chuẩn, cũng mất ít nhất là 18 tháng. Có ít nguy cơ xẩy ra chống đối CETA ở một số nghị viện, bởi vì, trừ trường hợp của Bỉ, hầu như tất cả các chính phủ ở châu Âu có đa số ủng hộ tại nghị viện».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.