Vào nội dung chính
Tạp chí âm nhạc

"Rhapsody Hungary": Franz Liszt và hành trình về cố hương

Đăng ngày:

Nổi tiếng với những nét chạy kỹ thuật điêu luyện, những mảng hợp âm đầy đặn, mạnh mẽ, âm vực rộng mở và giai điệu đậm màu Tzigane phóng khoáng, 19 bản Rhapsody Hungary, trong đó bản số 2, cung đô thăng thứ, là một trong số nhiều tác phẩm ưu tú của nhà soạn nhạc gốc Hungary, Franz Liszt.

Ảnh Franz Liszt do Felix Nadar chụp tháng 03/1886.
Ảnh Franz Liszt do Felix Nadar chụp tháng 03/1886. CC/Nadar
Quảng cáo

Rhapsody (từ Hy Lạp cổ rhapsôdós) dùng để chỉ người nghệ sỹ ngâm, vịnh sử thi không có nhạc đệm. Vào cuối thế kỉ thứ XVIII, người ta có đề cập đến rhapsody, là hình thức có mối liên hệ giữa thơ ca và âm nhạc. Năm 1810, đã xuất hiện những bản rhapsody viết cho đàn piano. Nhưng dưới ngòi bút ma lực của Liszt, 19 bản rhapsody thực sự là  những cuốn sử thi bằng âm nhạc vừa nên thơ, vừa đam mê, nhưng lại đòi hỏi lối trình tấu bậc thầy. 

Thiên tài âm nhạc Liszt (1811-1886) là cha đẻ của nghệ thuật dương cầm hiện đại. Những sáng tác và phong cách trình diễn piano của ông như luồng gió mới báo hiệu nền nghệ thuật của tương lai, đó là : ngôn ngữ âm nhạc biểu hiện những hình tượng thơ ca, là thủ pháp sáng tác piano theo lối giao hưởng bằng cách mô tả các nhạc cụ dàn nhạc qua việc khai thác toàn bộ âm vực của cây đàn, cũng như kĩ thuật láy rền trên một nốt, trémollo hay chạy lướt. Với lý do đó, tầm ảnh hưởng của Liszt vươn dài tới những tên tuổi lớn thuộc trường phái lãng mạn như Richard Wagner, Hector Berlioz, Camille Saint-Saëns… hay những dòng nhạc sau này như : trường phái ấn tượng, nhạc phim và âm nhạc không giọng điệu.

Sinh ra ở Hungary nhưng trải qua phần lớn cuộc đời ở nước ngoài, có lẽ vì thế nỗi nhớ nguồn cội luôn âm ỉ trong ông. Cho tới ngày trở về thăm quê hương năm 1846, đẫm mình trong những giai điệu dân gian, trái tim nhạy cảm của người nghệ sĩ không khỏi thao thức. Trong bức thư gửi người bạn Gabriel Matray, giám đốc Nhạc Viện Budapest, ông đã viết :

« Trong suốt chuyến đi của tôi ở Hungary và Transylvania (Rumani), có thể nói những giai điệu Hungary đã chảy trong dòng máu của tôi. Khi nghe nhiều ban nhạc trình tấu những giai điệu ấy (…) biết bao lần hồn tôi chuếnh choáng (…) Nó là lăng kính vạn hoa đáng khâm phục và tuyệt diệu : vẻ ảm đạm, buồn phiền, niềm đau khổ, sự tột cùng, cái thống thiết, vẻ yêu kiều, mơ mộng, sự trang nghiêm, thói bông lơn, nét sầu muộn, chán chường : tất cả đều hiện ra. Tôi cảm thấy nghĩa vụ là phải biểu đạt chất thơ sâu kín, vừa mạnh mẽ vừa tự do, vừa phong phú vừa cao nhã đó trong âm nhạc dân tộc của chúng ta (…) Minh chứng sẽ là những tác phẩm của nhiều năm làm việc, trong đó có tập mang tựa đề : Rhapsody Hungary, được chia thành 4 quyển, mỗi quyển có 10 đến 15 tờ ».

Âm điệu dân gian trong 19 bản Rhapsody

Mười chín bản Rhapsody Hungary là những khúc nhạc được cải biên và phóng tác dựa trên những âm điệu chủ đề ca múa dân gian Hungary và Tzigane. Có một thời nhà soạn nhạc thiên tài đã chịu nhiều chỉ trích nặng nề về tiêu đề này. Họ cho rằng Liszt đã có sự nhầm lẫn giữa nguồn gốc Hungary và Tzigane. Thời bấy giờ, yếu tố âm nhạc dân gian Magyar của dân tộc Hungary gần như đã biến mất. Trong thực tế, Rhapsody Hungary của Liszt có nguồn gốc Tzigane, giai điệu cả tiết tấu đều mang màu sắc Tzigane.

Thế nhưng, nếu đọc kĩ lời tựa mà Franz Liszt đã viết, tham vọng của ông có lẽ ẩn dấu sau từ rhapsody. Người đàn ông vĩ đại ấy đã nhìn xa hơn chúng ta nhầm tưởng. Theo ông, trong tương lai, sẽ thật không công bằng nếu chia tách riêng biệt hai yếu tố này, điều mà người ta đã từng làm với nó trong quá khứ. Và sau đó, người Magyar đã coi âm nhạc du mục Bohémien như một tài sản dân tộc từ lúc nào không hay.

Bản Rhapsody số 2 được sáng tác năm 1847, đề tặng László Teleki, ban đầu chỉ viết cho piano độc tấu. Tác phẩm trở nên nổi tiếng rộng khắp và biểu diễn nhiều trong các buổi hòa nhạc quý tộc. Nối tiếp thành công, Liszt cho ra đời nhanh chóng bản phối khí cho dàn nhạc với sự hợp tác của Franz Doppler và một bản khác nữa được chuyển soạn cho song tấu piano vào năm 1874.

Bằng thủ pháp đan kết xen kẽ hai vũ khúc dân gian, trên nền điệu thứ, có tempo đối lập nhau là LassanFriska, với Rhapsody Hungary số 2, Liszt đã trở thành một người kể chuyện kỳ tài qua những ngón đàn vô cùng điêu luyện vốn có của mình.

Chương I, Lassan, tốc độ chậm, bao gồm phần mở đầu, mang tính chất ngâm ngợi, ngẫu hứng. Bức họa từ từ mở ra một thế giới rực rỡ màu sắc. Hội làng náo nức, đó đây người người đàn hát, nhảy múa. Giai điệu duyên dáng đầy ắp những nốt trang điểm được chắt chiu từ các bài dân ca Hungary. Hợp âm đệm rải đều một cách chậm rãi như thể mô phỏng âm sắc của những nhạc cụ dân gian. Sau đó, chúng nhanh chóng chan hòa trong vũ khúc Lassan khá uyển chuyển và nhẹ nhàng. Có thể nói những nốt lướt, những câu chạy bán cung, lối biến tấu trên giai điệu chủ đề như vậy chỉ có thể tìm thấy duy nhất trong phong cách riêng biệt của Franz Liszt.

Chương II, Friska, tốc độ nhanh, người dự hội giờ đã đông lắm rồi. Âm nhạc ngày càng rộn rã và cuồng nhiệt hơn. Người nghệ sĩ càng chơi càng say, tốc độ và cường độ ngày một tăng dần. Tiếng đàn cymbalum xuất hiện qua những nốt nhạc rất nhanh lặp đi, lặp lại. Vũ khúc đạt đến hồi cao trào của sự cuồng nhiệt, mạnh mẽ. Cả dàn nhạc Tzigane như thể nằm gọn trong mười ngón tay bậc thầy của người nghệ sĩ, mải mê nhảy múa trên những phím đàn dương cầm.  

Điều đặc biệt và bất thường trong bản Rhapsody này là tác giả đã dành ra một khoảng trống danh dự cho người chơi tự ứng tấu, gọi là phần cadenza. Năm 1997, phần cadenza của nghệ sĩ piano Marc-André Hamelin đã được nhiều người biết đến bởi sự đặc sắc trong tính nhạc và sự trong sáng. Nhà soạn nhạc, nghệ sĩ dương cầm Sergueï Rachmaninov cũng đã viết riêng cadenza cho phần trình diễn của mình. Những nghệ sĩ khác thì tự tạo cho mình một đoạn candenza bằng cách thay đổi một vài điểm nhỏ từ bản diễn tấu gốc của Liszt, như nghệ sĩ Vladimir Horowitz tại buổi hòa nhạc năm 1953.

Hơn hai trăm năm sau, dòng Danube vẫn in bóng hình ông, người nghệ sĩ kiệt xuất của mọi thời đại, người đã đưa dân ca, dân vũ Hungary vượt biên giới ra tới đại dương âm nhạc của loài người. Tiếng dương cầm, tiếng vĩ cầm và những hợp âm của đàn cymbalum vẫn còn đây, hòa quyện với nhịp thở dân tộc, cả niềm vui và nỗi thống khổ. Âm nhạc của Franz Liszt phản chiếu chính tính cách con người Hungary : Họ hát những bài ca tươi vui khi họ buồn, và chơi những điệu nhạc u sầu khi họ hạnh phúc.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.