Vào nội dung chính
MỸ - KINH TẾ

Vực dậy kinh tế Mỹ, Obama chưa hoàn thành nhiệm vụ

Tăng trưởng thì có, nhưng thu nhập của các hộ gia đình Mỹ giảm sụt so với thời điểm 2001. Điểm lại chính sách kinh tế sau 8 năm Barack Obama cầm quyền, Le Figaro đánh giá ông chưa hoàn thành nhiệm vụ trong mục tiêu vực dậy kinh tế Hoa Kỳ. Thế nhưng, với Les Echos, "Obama giỏi hơn Bill Clinton".

Tổng thống Mỹ, Barack Obama, nhân dịp lễ khánh thành bảo tàng về cộng đồng người Mỹ gốc Châu Phi.
Tổng thống Mỹ, Barack Obama, nhân dịp lễ khánh thành bảo tàng về cộng đồng người Mỹ gốc Châu Phi. REUTERS/Joshua Roberts
Quảng cáo

Bước vào Nhà Trắng tháng 01/2009 khi kinh tế Mỹ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất từ những năm 1930. Trong 8 năm qua, nhờ mạnh dạn tăng ngân sách, cộng thêm với chính sách "tiền rẻ", khi lãi suất chỉ đạo của Ngân Hàng Trung Ương được giữ ở mức gần như số không, Hoa Kỳ đã thoát nạn.

Ngành ngân hàng và công nghệ xe hơi thoát hiểm, thậm chí là đã vươn dậy không thua gì thời kỳ tiền khủng hoảng, năm 2007. Tỷ lệ tăng trưởng của kinh tế Hoa Kỳ đạt hơn 3%, thị trường lao động khởi sắc trở lại. Năm 2015, lần đầu tiên kể từ 2008, tỷ lệ người nghèo ở Mỹ giảm sụt.

Đó là những điểm son trong chính sách kinh tế của tổng thống Obama. Không ai ngạc nhiên khi thấy vào những tháng cuối cùng ở cương vị chủ nhân Nhà Trắng, vị tổng thống da đen đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ vẫn được hơn 52% người dân mến mộ.

Nhưng bên cạnh đó, theo thông tín viên của tờ Le Figaro, Pierre Yves Dugua, tổng thống Barack Obama không có chiếc đũa thần đem lại phép lạ cho nước Mỹ.

Trong thời gian từ 2007 đến 2013, mức lương của người lao động vẫn giậm chân tại chỗ. Thu nhập trung bình của các hộ gia đình Mỹ năm 2015 tính ra còn thấp hơn so với hồi 2001. Chính vì vậy, ứng cử viên đảng Cộng Hòa, Donald Trump, đã không ngừng ve vãn tầng lớp này.

Hillary Clinton, thắng lợi cận kề

Nhật báo kinh tế Les Echos, trong phụ trang ngày cuối tuần, điểm lại “Những năm tháng Obama làm thay đổi bộ mặt của nước Mỹ”. Tờ báo so sánh : về thành tích kinh tế, ông Barack Obama “giỏi hơn cựu tổng thống Bill Clinton, phu quân của ứng cử viên đảng Dân Chủ, Hillary”.

Cũng Les Echos lưu ý độc giả : 10 ngày trước bầu cử, “Hillary Clinton trước thềm Nhà Trắng”, dù vậy, bà vẫn ráo riết tiếp tục chương trình vận động, lá phiếu của cộng đồng người da đen và người Mỹ nói tiếng Tây Ban Nha mang tính “quyết định” trong cuộc bầu cử ngày 08/11/2016.

Tập Cận Bình “càng ngày càng mạnh”

Chuyển từ châu Mỹ sang châu Á, tờ La Croix trở lại với Hội Nghị Trung Ương 6 Đảng Cộng Sản Trung Quốc vừa bế mạc. Tổng bí thư Tập Cận Bình được tôn vinh là “hạt nhân” của Đảng. Vinh dự này tới nay chỉ được dành cho Mao Trạch Đông.

Trong mắt tác giả bài báo, Dorian Malovic, từ ngữ “hạt nhân” dành cho ông Tập Cận Bình, được gắn liền với ý tưởng “quyền lực được tập trung trong tay một người” và điều này mặc nhiên phủ nhận nguyên tắc “phân chia quyền lực”, “đặt Đảng trong tay một tập thể” từng được ông Đặng Tiểu Bình đề xuất năm 1978. Sự quá đà của Cách Mạng Văn Hóa (1966-1976) là động cơ thúc đẩy ông Đặng Tiểu Bình đưa ra đường lối nói trên.

Vẫn theo tác giả bài báo, khi được công nhận là yếu tố “hạt nhân” của Đảng, coi như ông Tập Cận Bình sẽ giữ chức lãnh đạo một cách “vô hạn định”.

Một chi tiết đáng chú ý : theo một cuộc “thăm dò dư luận”, cụm từ thăm dò dư luận được La Croix để trong ngoặc kép, được báo chí chính thức Bắc Kinh công bố, đa số công luận Trung Quốc cho rằng “để trở thành một quốc gia hùng mạnh, đất nước họ cần có một vị lãnh tụ đóng vai trò trung tâm” như Mao xưa kia.

Hội Đồng Lập Pháp Hồng Kông bị tê liệt

15 ngày sau khi khai mạc, tinh thần bài Bắc Kinh vẫn làm tê liệt các hoạt động của tân Hội Đồng Lập Pháp Hồng Kông. Phóng viên tờ Le Monde nhắc lại, 2 trong số 7 dân biểu thuộc cánh dân chủ vẫn chưa tuyên thệ.

Du Huệ Trinh (Yau Wai Ching ) và Lương Tụng Hằng (Baggio Leung) đã khoác lên mình cờ Hồng Kông với dòng chữ “Hồng Kông không phải là Trung Quốc” và cả hai khẳng định “điều này có khác gì khi ta nói quả táo là táo, quả cam làm cam, quả cam không phải là quả táo”.

Một vị dân biểu khác, La Quán Thông (Nathan Law) cách nay vài ngày, khi làm lễ tuyên thệ đã đọc một đoạn phát biểu của vị anh hùng Ấn Độ Mahatma Gandhi nhấn mạnh đến quyền tự định đoạt tương lai của mỗi dân tộc.
Tác giả bài báo trên Le Monde ghi nhận "phe thân Bắc Kinh đang rất bực tức trước thái độ của một số các nghị viên trẻ Hồng Kông và phe này quyết tâm không để cho một thiểu số đó được tham gia vào các hoạt động chính trị của đặc khu hành chính này".

Mossoul, địa ngục trần gian

Trang nhất hai tờ La Croix và Le Figaro cùng dành để nói về Mossoul thành phố lớn thứ nhì tại Irak sắp được giải phóng khỏi tay quân thánh chiến Hồi Giáo. Nhưng trước mắt, Mossoul thực sự là “địa ngục” trần gian.

Một số nhân chứng chạy thoát khỏi Mossoul kể lại “địa ngục trong tay Daech”, đây cũng là hàng tựa lớn trên Le Figaro. Biết là đang lao vào một trận chiến bất tương xứng, giữa một bên là vài ngàn chiến binh và bên kia là lực lượng liên quân quốc tế, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo “không còn gì để mất”. Do vậy, Daech đang lao vào một cuộc “tự sát”, như ghi nhận của phóng viên báo Libération.

Có điều, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đang lôi kéo theo vào cõi chết biết bao nhiêu là thường dân vô tội, như nhận định của La Croix : Daech lấy “dân làm bia đỡ đạn”. Trong bài phóng sự dài, tờ báo cho thấy “Daech đang chuẩn bị gieo rắc kinh hoàng tại Mossoul”. Điều đáng ghê sợ hơn cả, là quân thánh chiến Hồi Giáo dùng thường dân Mossoul “như một thứ vũ khí để tự vệ”. Lấy dân làm bia đỡ đạn là điều mà bài xã luận Le Figaro gọi là “vũ khí của những kẻ hèn hạ”.

CETA được khai thông vào giờ chót.

Nhìn đến phần thời sự kinh tế, sự kiện được các tờ báo quan tâm là cuối cùng, vào trưa ngày 27/10/2016, nghị viện cấp vùng Wallonie - Bỉ, bật đèn xanh cho chính quyền trung ương ký kết hiệp định tự do mậu dịch CETA giữa Liên Hiệp Châu Âu với Canada.

Để châu Âu và Canada có thể chính thức ký kết hiệp định này, cần phải có đồng thuận của 28 nước thành viên - trong đó có Bỉ, nhưng Bruxelles đã "bó tay" trong suốt tuần qua trước sự chống đối của 1 trong số 7 chính quyền cấp địa phương.

“CETA : vùng Wallonie, do dự trước sự hoài nghi và lý chí” là dòng tựa của Libération. Nhưng đó là một sự đồng ý “có điều kiện”. Ở trang trong, thông tín viên tờ báo tại Bruxelles giải thích rõ : vùng Wallonie đồng ý để Bruxelles ký kết vào văn bản nói trên, nhưng sau đó hiệp ước tự do mậu dịch còn phải được từng thành viên Liên Hiệp Châu Âu phê chuẩn. Lãnh đạo vùng Wallonie, Paul Magnette, chưa đồng ý để Bruxelles “vĩnh viễn phê chuẩn” CETA.

Les Echos nói tới “tương lai đầy bất trắc” của hiệp định thương mại giữa châu Âu và Canada, bởi vì khi đi sâu vào chi tiết, đồng thuận của chính phủ cấp vùng Wallonie bao gồm nhiều “điều khoản khá mập mờ”.

Có điều như tờ báo ghi nhận, việc vùng Wallonie nói tiếng Pháp của vương quốc Bỉ, một đất nước cũng rất nhỏ bé trong Liên Hiệp Châu Âu, đã buộc các lãnh đạo Bruxelles và Ottawa phải hoãn lễ ký kết hiệp định CETA cũng đủ cho thấy sức “kháng cự” và thái độ “hoài nghi” của một phần công luận châu Âu trước những hứa hẹn về một hiệp định tự do mậu dịch. Điều mà Denis Tersen, nguyên chánh văn phòng bộ Thương Mại Pháp gọi là “Tradexit”, chữ ghép từ Trade - thương mại và Exit - đi ra.

Mạng xã hội Vi Bác qua mặt Twitter ?

Twitter vừa thông báo sa thải 9% nhân viên (350 người), với hy vọng không còn bị thua lỗ kể từ năm tới. Sau 10 năm đi vào hoạt động, tập đoàn này chưa bao giờ có lời. Mạng Vi Bác (Weibo) của Trung Quốc đang “lên như diều gặp gió”.

Phần trang nói về công nghệ high-tech của Les Echo ghi nhận : Twitter rất được giới truyền thông và những nhân vật nổi tiếng ưa chuộng, nhưng không được sử dụng một cách đại chúng như các mạng xã hội khác. Với 317 triệu người sử dụng, Twitter bị Instagram (500 triệu tài khoản) và nhất là Facebook (1,7 tỷ người đăng ký) bỏ xa lại phía sau.

Trong khi đó mạng Vi Bác của Trung Quốc, đã trông thấy số người sử dụng tăng thêm một phần ba trong một năm trở lại đây. Được thành lập vào năm 2009, tức ba năm sau Twitter, nhưng giờ đây, trên thị trường chứng khoán New York, Twitter và Vi Bác đang ngang ngửa với nhau. Trị giá chứng khoán của Vi Bác là 10,8 tỷ đô la ; của Twitter là 12 tỷ rưỡi. Đáng nói hơn cả mới chỉ tháng 4/2014, mạng xã hội Mỹ đáng giá gần 27 tỷ, trong lúc Vi Bác tham gia sàn chứng khoán New York với trị giá chưa đầy 4 tỷ.

Về mặt “marketing” Vi Bác đã hơn hẳn Twitter. Trong một năm qua, thu nhập nhờ tiền quảng cáo của mạng xã hội Trung Quốc tăng 45%. Ngày càng có nhiều ngôi sao của làng giải trí Mỹ mở tài khoản trên mạng xã hội Vi Bác. Trong số này phải kể tới nam tài tử điện ảnh Leonardo DiCaprio hay nữ hoàng của dòng nhạc Pop, Madonna.

Với câu chào hỏi xã giao “Good Morning China, I’m Leonardo DiCaprio” cũng đủ để diễn viên người Mỹ này chinh phục thêm được 1,2 triệu người hâm mộ trong vỏn vẹn 48 giờ ! Mạng Vi Bác hoạt động “hiệu quả đến nỗi ngay cả ông Già Nô-en cũng có chương mục riêng” !

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.