Vào nội dung chính
NAM CỰC - MÔI TRƯỜNG

Quốc tế lập khu bảo tồn biển lớn nhất thế giới tại Nam Cực

Sau nhiều năm thương lượng hết sức cam go, 25 thành viên Ủy Ban Bảo Tồn Động Thực Vật Biển Nam Cực (CCAMLR) đã nhất trí thành lập khu vực biển được bảo vệ (AMP) rộng hơn 1,55 triệu km² tại Nam Cực. Đây được coi là khu vực bảo tồn trên đại dương lớn nhất thế giới cho đến nay.

Chim cánh cụt gần trạm Dumont d'Urville của Pháp ở Nam Cực. Ảnh chụp ngày 23/01/2010.
Chim cánh cụt gần trạm Dumont d'Urville của Pháp ở Nam Cực. Ảnh chụp ngày 23/01/2010. REUTERS/Pauline Askin
Quảng cáo

AFP cho biết, theo thỏa thuận đạt được ngày 28/10/2016, tại Hobart, đảo Tasmania (Úc), các hoạt động đánh bắt hải sản tại 1,12 triệu km² của khu bảo tồn trên biển Ross, nằm ở phía đông nam Nam Cực (rộng bằng khoảng một phần ba Biển Đông) sẽ bị cấm chỉ hoàn toàn. Dự án lập vùng bảo tồn nói trên do Hoa Kỳ và New Zealand chủ trương.

Theo ngoại trưởng New Zealand, thỏa thuận đã có một số điều chỉnh theo hướng nới rộng, để cho phép đạt được đồng thuận của 25 thành viên, nhưng “đường ranh giới của không gian biển được bảo vệ này là không thay đổi” so với đề nghị ban đầu.

Trong hội nghị nói trên của 25 thành viên ủy ban bảo vệ Nam Cực, đề xuất của Pháp - đại diện cho Liên Hiệp Châu Âu - và Úc về việc lập một vùng biển bảo tồn khác với diện tích 1 triệu km² tại phía đông Nam Cực, đã chưa được thông qua, vì lý do thời gian hạn chế.

Các thương thuyết về khu bảo tồn biển Ross căng thẳng đến phút cuối. Nga là nước cuối cùng phản đối dự thảo lập khu bảo tồn tại biển Ross, do vấn đề quyền đánh cá và một số lý do địa chính trị khác. Tuy nhiên, cuối cùng, Matxcơva, với tư cách là chủ tịch luân phiên của CCALMR, đã tạo điều kiện cho việc thông qua thỏa thuận lịch sử này. Năm 2015, sau nhiều năm chần chừ, Trung Quốc cũng quyết định ủng hộ dự thảo.

Nam Cực - chiếm khoảng 15% diện tích bề mặt đại dương - là nơi sinh sống của nhiều hệ sinh thái đặc biệt, với hơn 10.000 loài sinh vật chỉ duy nhất có ở đây. Một phần lớn trong số đó không bị các hoạt động ngư nghiệp hay hàng hải tác động đến.

Ý thức được sức khỏe của đại dương đang lâm nguy, các nỗ lực bảo vệ biển gia tăng gấp bội trong thời gian gần đây. Tổng thống Mỹ, hồi tháng 08/2016, tuyên bố tăng gấp bốn lần diện tích khu bảo tồn biển quốc gia Papahanaumokuakea tại Hawaii, Thái Bình Dương, với tổng diện tích 1,51 triệu km², đứng thứ hai thế giới sau khu bảo tồn vừa được quyết định thành lập tại Nam Cực.

Ủy ban CCALMR, đi vào hoạt động từ năm 1982, là một phần của Hiệp ước Nam Cực có hiệu lực từ năm 1961, được hơn 50 nước tham gia. Theo ông Kenneth Keith, cựu thẩm phán Tòa Án Công Lý Quốc Tế (ICJ), người New Zealand, các nước tranh chấp ở Biển Đông, có thể tham khảo những bài học thành công của Hiệp ước Nam Cực.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.