Vào nội dung chính
CẬN ĐÔNG - CHIẾN TRANH

Syria : Ngừng bắn tại Aleppo hết hạn tối nay

Chính quyền Nga tuyên bố triển hạn ngừng bắn tại đông Aleppo, Syria, để tạo điều kiện sơ tán thường dân cho đến tối nay, 22/10/2016. Theo một số chuyên gia, đây là một chiến thuật của Nga nhằm tách dân cư ra khỏi phe nổi dậy, nhằm dễ dàng chiếm lấy thành phố.

Một con đường được cho là "hành lang an toàn", do Nga thiết lập, để cho phép người dân rời khỏi các khu phố do phe nổi dậy kiểm soát tại Aleppo, 20/10/2016.
Một con đường được cho là "hành lang an toàn", do Nga thiết lập, để cho phép người dân rời khỏi các khu phố do phe nổi dậy kiểm soát tại Aleppo, 20/10/2016. REUTERS/Abdalrhman Ismail
Quảng cáo

Theo AFP, cuộc “ngừng bắn vì lý do nhân đạo” của Nga có hiệu lực từ sáng thứ Năm, 20/10, sắp kết thúc, nhưng chỉ có rất ít người dân và binh sĩ nổi dậy rời khỏi các khu phố phía đông Aleppo, theo “các hành lang” do Nga thiết lập. Giám đốc Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria cho biết : các “nhóm dân sự” từ các khu phố do chính quyền kiểm soát ở phía tây Aleppo, tuy vào được đông Aleppo, nhưng không sơ tán được những người bị thương.

Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov tố cáo phe nổi dậy dùng vũ lực hoặc đe dọa để ngăn cản việc sơ tán thường dân. Trong khi đó, một phóng viên của Le Monde có mặt tại chỗ cho biết lệnh ngừng bắn của Matxcơva được dân chúngđịa phương nhìn nhận như là một “đòn chiến tranh cân não” nhằm kích động dân thường chống lại lực lượng nổi dậy.

Hiện tại, cộng đồng quốc tế đang tiếp tục gây áp lực để Nga triển hạn ngừng bắn đến tối thứ Hai, 24/10.

Đàm phán Hoa Kỳ - Nga có một số tiến bộ

Theo Reuters tối qua, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho biết các đàm phán về ngừng bắn tại Aleppo trong tuần qua giữa Washington và Matxcơva đã có một số tiến bộ. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao John Kirby không muốn tỏ vẻ lạc quan thái quá, nhưng bày tỏ hy vọng là có thể đạt thỏa thuận về một số bất đồng trong những ngày tới.

Một mấu chốt của vấn đề là Nga muốn đẩy lực lượng thánh chiến Djabhat Fateh al Cham, tên gọi mới của Mặt Trận Al-Norsa, ra khỏi Aleppo, lực lượng mà Matxcơva coi là "khủng bố". Trong khi đó, Hoa Kỳ không muốn dân chúng phải đau khổ thêm nữa, đồng thời muốn khu vực phía đông Aleppo được hưởng một quyền tự trị nhất định.

Có bằng chứng về Damas dùng vũ khí hóa học

Vẫn liên quan đến Syria, các chuyên gia Liên Hiệp Quốc khẳng định có bằng chứng là quân đội Damas dùng vũ khí hóa học tấn công vào Qmenas ngày 16/03/2015. Cho đến nay, Hoa Kỳ, Pháp và Anh liên tục yêu cầu trừng phạt chính quyền Syria vì sử dụng vũ khí hóa học, nhưng không thành công, do bị Nga ngăn cản.

Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurdistan tại Syria

Tại Syria, trong lúc công luận tập trung vào điểm nóng phía đông Aleppo, trong ba ngày trở lại đây, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ liên tục tấn công vào lực lượng Kurdistan YPG cũng trong tỉnh Aleppo. Theo hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu, quân đội Thổ đã tiêu diệt 200 chiến binh Kurdistan. Đảng PYD của người Kurdistan và YPG, lực lượng vũ trang của tổ chức này, bị Ankara cáo buộc đã hậu thuẫn đảng ly khai PKK tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Hoa Kỳ và Nga biểu thị thái độ không đồng tình với các cuộc tấn công nói trên. PYD, được Hoa Kỳ hậu thuẫn, muốn lập một vùng tự trị tại miền bắc Syria. Đảng PYD có một văn phòng đại diện tại Nga, kể từ đầu năm 2016. 

Trong khi đó, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ hôm qua cho biết ông tin tưởng vào khả năng để Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào chiến dịch giải phóng Mossoul, Irak, hiện đang nằm trong tay tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Về phần mình, chính quyền Irak cho đến nay vẫn liên tục phản đối sự hiện diện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực miền bắc nước này.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.