Vào nội dung chính
NGA - SYRIA - QUÂN SỰ

Tàu sân bay Nga tiến về Địa Trung Hải, NATO lo ngại

Trong lúc chiến sự tạm ngưng tại Aleppo, sau quyết định ngừng oanh kích của Matxcơva, tối 20/10/2016, tổng thư ký khối NATO bày tỏ lo ngại về việc một đội tàu chiến của Nga thuộc hạm đội Biển Bắc, gồm tám chiến hạm, đang tiến về Địa Trung Hải.

Tàu sân bay Admiral Kuznetsov của Nga đi qua đảo Andoya của Na Uy trong vùng biển quốc tế trên đường tới Địa Trung Hải. Ảnh chụp của Lực lượng vũ trang Na Uy ngày 17/10/2016.
Tàu sân bay Admiral Kuznetsov của Nga đi qua đảo Andoya của Na Uy trong vùng biển quốc tế trên đường tới Địa Trung Hải. Ảnh chụp của Lực lượng vũ trang Na Uy ngày 17/10/2016. STR / forsvaret / AFP
Quảng cáo

Theo tổng thư ký NATO Jens Stoelberg, “điều khiến chúng tôi bận tâm là chiến hạm này có thể sẽ được sử dụng để tham gia chiến dịch quân sự tại Syria, tăng cường các cuộc tấn công vào Aleppo từ trên không”. Một phát ngôn viên của Hải Quân Anh Quốc cho biết đội tàu chiến nói trên đang di chuyển tại khu vực ngoài khơi bờ biển nước Anh.

Tham gia đội tàu này có tàu sân bay duy nhất của Nga Amiral Kuznetsov cùng một số tàu chống ngầm. Trên tàu sân bay, có nhiều máy bay chiến đấu Mig-29 và trực thăng tấn công. Cách nay vài tuần, bộ trưởng Quốc Phòng Nga đã thông báo về ý định triển khai tàu sân bay tại Địa Trung Hải.

Theo một giới chức ẩn danh của NATO, việc triển khai lực lượng nói trên “gây ngờ vực”, vào lúc Matxcơva khẳng định đang tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc chiến tại Syria.

Trong khi đó, cũng trong đêm qua, Liên Hiệp Châu Âu ra thông báo cực lực lên án Nga tấn công vào thường dân tại thành phố Aleppo, nhưng không đưa ra thêm các trừng phạt mới.

Thông tín viên Anastasia Beccio tường trình từ Bruxelles :

"Trong thông cáo được công bố trong đêm, châu Âu cực lực lên án Nga tham gia vào cuộc tấn công của chính quyền Damas nhắm vào thành phố Aleppo. Tuy nhiên, văn bản này không nêu ra khả năng trừng phạt Matxcơva, vì đã hậu thuẫn cho Damas, như trong dự định ban đầu.

Thông cáo chỉ nêu ra việc Liên Hiệp Châu Âu đang ‘‘xem xét mọi biện pháp" nếu cuộc thảm sát tiếp diễn. Nếu oanh kích tiếp diễn, dân thường bị giết hại, trước hết đối tượng trừng phạt sẽ là chính quyền Syria, theo nhận định của tổng thống Pháp. Vẫn theo tổng thống Pháp, Matxcơva cũng sẽ có thể bị trừng phạt, nếu oanh kích tiếp tục, nhưng hiện tại Nga đang chấp nhận ngừng bắn.

Vào lúc khai mạc thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu, sau cuộc hội đàm hết sức căng thẳng với tổng thống Nga tại Berlin, thủ tướng Đức và tổng thống Pháp đã đe dọa có các biện pháp trừng phạt mới đối với Matxcơva. Tuy nhiên, giải pháp này đã không nhận được sự đồng thuận của một số thành viên Liên Hiệp Châu Âu : Hungary phản đối.

Nước Ý đang khó khăn với các biện pháp trừng phạt của châu Âu và trả đũa của Nga. Tối qua (20/10), thủ tướng Ý Matteo Renzi cho biết không ủng hộ việc thông cáo nêu rõ khả năng mở rộng trừng phạt Nga. Ý kiến này rốt cuộc đã được tiếp thu. Theo thủ tướng Đức Angela Merkel, điều quan trọng là khối 28 nước đoàn kết trong vấn đề này".

Về tình hình tại chỗ, cuộc ngừng bắn cho cứu trợ nhân đạo vào Aleppo có hiệu lực từ sáng 20/10, sẽ kéo dài tới đến tối thứ Bảy, theo thông tin mới nhất từ Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, dường như có rất ít dân thường và chiến binh nổi dậy sử dụng các hành lang nhân đạo, do Nga ấn định, để sơ tán khỏi khu vực này. Liên Hiệp Quốc thông báo cuộc sơ tán những người bị thương ra khỏi các khu phố bị vây hãm được lên kế hoạch vào ngày 21/10 đã bị hoãn lại, vì lý do an ninh. Theo tổng thư ký NATO, thời hạn ngừng bắn nói trên là quá ít ỏi.

Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền tố cáo "các tội ác tầm cỡ lịch sử" đang xảy ra tại Syria, đặc biệt tại Aleppo. Theo tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, gần 200 người chết và 5.000 người bị thương tại Aleppo trong một tháng oanh kích vừa qua.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.