Vào nội dung chính
LIÊN HIỆP CHÂU ÂU- BREXIT-SYRIA

Syria và Brexit, trọng tâm thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu

Liên Hiệp Châu Âu họp thượng đỉnh tại Bruxelles tối ngày 20/10/2016 với ba hồ sơ chính : Syria, Brexit và hiệp định tự do mậu dịch với Canada.

Nữ thủ tướng Anh T.May lần đầu tiên dự thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu. Ảnh ngày 20/10/206.
Nữ thủ tướng Anh T.May lần đầu tiên dự thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu. Ảnh ngày 20/10/206. Reuters
Quảng cáo

Về hồ sơ Syria, theo một bản dự thảo thỏa thuận mà hãng tin AFP có được, các lãnh đạo châu Âu sẽ nêu lên vai trò của Nga trong các cuộc doanh kích vào thành phố Aleppo, dự trù “mọi phương án, kể cả ban hành thêm các biện pháp trừng phạt” nhắm vào những cá nhân và những tổ chức “yểm trợ cho chế độ Bachar al-Assad”.

Ngày 17/10/2016, ngoại trưởng Liên Hiệp Châu Âu cũng đã đề cập đến khả năng ban hành những biện pháp trừng phạt mới, đồng thời nêu lên vấn đề tiếp tục thu thập các bằng chứng để đưa những người có trách nhiệm trong vụ oanh kích vào Aleppo ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế vì “tội ác chiến tranh”.

Thượng đỉnh Bruxelles là lần đầu tiên tân thủ tướng Anh Theresa May tham dự. Bà có nhiệm vụ thực hiện kế hoạch đưa nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu sau khi đa số dân Anh bỏ phiếu ủng hộ Brexit.

Thủ tướng Theresa May trên nguyên tắc sẽ tái khẳng định quyết tâm khởi động điều 50 của Hiệp ước Lisboa trước cuối tháng 3/2017, mở đầu các cuộc đàm phán đưa nước Anh ra khỏi khối này. Đây là lịch trình được các lãnh đạo châu Âu khác hoan nghênh, vì họ vẫn yêu cầu Luân Đôn nhanh chóng ra khỏi Liên Hiệp.

Nhưng bà Theresa May đã gây phản ứng bất bình từ 27 quốc gia thành viên kia khi vẫn đòi kiểm soát nhập cư đối với các công dân Liên Hiệp Châu Âu. Đối với các đối tác châu Âu, đề nghị này đi ngược lại với nguyên tắc tự do đi lại của khối này.

Một hồ sơ khác cũng đang làm nhức đầu các lãnh đạo châu Âu đó là hiệp định tự do mậu dịch Liên Hiệp Châu Âu – Canada (CETA). Bất chấp các áp lực, vùng Wallonie nói tiếng Pháp của vương quốc Bỉ đến hôm qua, 19/10/2016, vẫn từ chối chấp thuận cho chính phủ ký hiệp định gây tranh cãi này. Ủy Ban Châu Âu đã gia hạn cho Bỉ đến ngày 21/10/2016 phải thông qua hiệp định CETA.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.