Vào nội dung chính
CHÂU ÂU-NGA

Châu Âu bối rối trước Putin

« Châu Âu bối rối trước Putin » trong hồ sơ Syria là tựa một bài phân tích trên Le Figaro trước thềm thượng đỉnh của Liên Hiệp Châu Âu tối nay, 20/10/2016, tại Bruxelles. Bài viết dự báo : rất ít khả năng khối 28 nước đạt đồng thuận gia tăng trừng phạt Nga, do các cuộc tấn công nhắm vào thường dân tại Syria, ngoài các biện pháp đã có do việc Matxcơva can thiệp vào Ukraina.

Thủ tướng Đức Angela Merkel (T) tiếp tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 19/10/2016 tại Berlin
Thủ tướng Đức Angela Merkel (T) tiếp tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 19/10/2016 tại Berlin Reuters
Quảng cáo

Bài phân tích của Le Figaro mở đầu với một nhận xét về chiến thuật ngoại giao lựa theo chiều gió của tổng thống Nga, « khi áp lực dâng lên, Vladimir Putin chấp nhận nhân nhượng vừa đủ mức ». Trước sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, trong năm ngày gần đây, tổng thống Nga liên tục tỏ ra hòa hoãn : nối lại đối thoại với Hoa Kỳ tại Lausanne- Thụy Sĩ, nối lại đối thoại với Pháp-Đức về Ukraina – sau một năm đình chỉ, ngừng bắn tại Aleppo.

Theo Le Figaro, tối nay, thượng đỉnh châu Âu « chắc chắn sẽ lên án Nga mạnh mẽ, nhưng sẽ không đưa ra các trừng phạt mới », trừ khi có « một thay đổi bất ngờ vào phút chót », bất chấp việc cho đến Chủ nhật trước, Đức, Anh và Pháp đã liên tục đưa ra các đe dọa xiết chặt trừng phạt.

Bài phân tích của Le Figaro nhấn mạnh đến « tình thế bối rối » của châu Âu hiện nay. Chính bản thân các đợt trừng phạt nhắm vào Matxcơva trong vụ Ukraina cũng chỉ là « kết quả của một thời điểm hiếm hoi, khi toàn bộ các thành viên châu Âu đạt đồng thuận » sau một loạt biến cố lớn. Đó là vào năm 2014, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimée, hỗ trợ các hoạt động ly khai tại miền đông Ukraina và chuyến bay MH17 của hàng không Malaysia bị  tên lửa Buk do Nga sản xuất bắn hạ, khiến 298 người chết, trong đó đa số là dân Hà Lan.

Khó khăn của châu Âu là « bất cứ việc điều chỉnh theo hướng giảm nhẹ hay tăng nặng nào cũng cần phải đạt được đồng thuận tuyệt đối. Đây là một quá trình lâu dài và khó khăn, trong lúc tổng thống Nga lại có toàn quyền thay đổi cách chơi ».

Các trừng phạt hiện có đối với Nga sẽ có hiệu lực đến tháng 1/2017. Việc Matxcơva gia tăng oanh kích tại Syria đẩy lùi triển vọng giảm nhẹ các trừng phạt kinh tế đã có, cho dù nhiều nước - như Ý, Hungary, Hy Lạp hay Slovakia - muốn nối lại làm ăn với Nga như trước.

Trong bối cảnh châu Âu rất bị phân hóa trong thái độ với Nga, riêng việc duy trì các biện pháp trừng phạt đang có cũng có thể coi như là một đồng thuận có ý nghĩa tích cực tối thiểu. Le Figaro khép lại bài viết bằng nhận định mỉa mai của nhân vật số hai NATO Alexander Vershbow, cho rằng châu Âu kiên định hướng đi « ngược lại điều mà ông Putin mong đợi », và « đó là một sự ca ngợi kín đáo của một nhà ngoại giao về sự trì trệ » của châu Âu.

Syria lấn át thượng đỉnh Ukraina

Vẫn liên quan đến quan hệ châu Âu – Nga, bên cạnh Syria, vấn đề Ukraina là một điểm nóng khác. Tuy nhiên, cuộc gặp bốn bên – Đức, Pháp, Nga, Ukraina – hôm qua tại Berlin về « khủng hoảng Ukraina đã bị vấn đề Syria lấn át ».

Theo Le Figaro, tổ chức được cuộc họp này là một thành công của ngoại giao Pháp và Đức, bởi « cần phải duy trì đối thoại với nước Nga, một đối tác không thể bỏ qua trong việc giải quyết các khủng hoảng Ukraina và Syria », trong bối cảnh quan hệ giữa phương Tây và Nga đang ở mức thậm chí còn nguy hiểm hơn thời Chiến tranh Lạnh, theo nhận định của ngoại trưởng Đức. Cuộc gặp của bộ Tứ nói trên nhiều lần có nguy cơ bị hủy bỏ.

Nhân thượng đỉnh này, các lãnh đạo Pháp, Đức một lần nữa nhấn mạnh đến đòi hỏi ngừng bắn tại Aleppo.

Nghị Viện Châu Âu tìm kiếm tương lai

Châu Âu không chỉ gặp khó khăn với Nga, mà bản thân sự tồn tại của Liên Hiệp cũng đang bị thách thức, sau cuộc trưng cầu dân ý tại Anh Quốc với kết quả Brexit. « Nguy cơ tan rã của châu Âu » là điều tất cả mọi người đều nghĩ đến. Bài « Nghị Viện Châu Âu tìm kiếm tương lai châu Âu » là tựa đề bài viết của Les Echos về chủ đề này.

Nghị Viện Châu Âu họp từ ngày thứ Hai 17 đến hôm nay, 20/10, tại Strasbourg, Pháp. Hôm qua, chủ tịch Nghị Viện Martin Shultz cảnh báo công luận : « Để mặc châu Âu trong tay các thế lực mỵ dân, dân tộc chủ nghĩa là hết sức nguy hiểm. Khẩu hiệu chống nhập cư, chống châu Âu của họ là của những năm 30 của thế kỷ trước ! ».

Các nghị sĩ châu Âu đang tìm kiếm các phương án để cải tổ các định chế của khối, sau khi Anh Quốc ra đi. Một phương án gây chú ý là của một nghị sĩ cánh hữu Đức và một nghị sĩ cánh tả Ý. Phương án này ủng hộ giữ nguyên hiệp định châu Âu hiện nay, nhưng đề xuất nguyên tắc bỏ phiếu theo đa số, thay vì đồng thuận 100% về tất cả các vấn đề của Liên Hiệp. Trong tương lai Thượng Viện Châu Âu (tức Hội đồng của Liên Hiệp Châu Âu hiện nay) và Hạ Viện (tức Nghị Viện hiện nay) sẽ kiểm soát các hoạt động của Ủy Ban Châu Âu, tức chính phủ của Liên Hiệp. Bộ trưởng Tài Chính của Liên Hiệp sẽ quản lý chính sách kinh tế và tiền tệ của khối.

Theo nghị sĩ Elmar Brock, chủ trì phương án này, thì cần phải hành động mau lẹ bởi « một hiệp định mới chỉ có thể ra đời sau nhiều năm nữa, trong khi đó chủ nghĩa dân túy sẽ nhân giai đoạn chờ đợi này mà phát triển ».

Trung Quốc tăng trưởng nhờ bong bóng địa ốc và doanh nghiệp ma

Kinh tế Trung Quốc cũng là một trọng tâm khác của thời sự quốc tế. Hôm qua, cơ quan thống kê Trung Quốc công bố tỉ lệ tăng trưởng của quý 3 vừa qua, với con số 6,7%. Phụ trương kinh tế Le Figaro có bài phân tích « Tăng trưởng Trung Quốc trụ lại được là nhờ tín dụng và hậu thuẫn của Nhà nước ». Tờ báo vạch rõ : Tỉ lệ tăng trưởng không suy giảm nhiều thực ra là dựa vào việc chính phủ bơm tiền ồ ạt cho « các doanh nghiệp Nhà nước còn xác vô hồn -zombie ».

Hiện tại, giá một mét vuông nhà ở đã tăng lên 30%, và thậm chí hơn 40% tại nhiều thành phố lớn. Đối diện với tình trạng bong bóng bất động sản, chính quyền Trung Quốc đã phải có nhiều biện pháp xiết chặt, mà theo một số chuyên gia, sẽ dẫn đến cản trở tăng trưởng. Tăng trưởng mạnh dựa trên bong bóng bất động sản là một sự « tăng trưởng mong manh », như nhận định của một giáo sư kinh tế ở Bắc Kinh. Nhiều nhà quan sát dự báo bóng bóng địa ốc sớm đổ bể. Theo ngân hàng Đức Deutsche Bank, nếu giá bất động sản hiện nay trở về mức năm ngoái, các ngân hàng sẽ phải đối mặt với 560 tỉ euro nợ khó đòi. Bất động sản là chủ đề gây lo ngại nhất đối với các ngân hàng Trung Quốc, theo DBS Vickers Hongkong.

Nợ công và tư của Trung Quốc đang tăng vọt từ 151% GDP đến 250% trong khoảng 10 năm, từ 2006 đến 2015. Bên cạnh bong bóng bất động sản, một phần lớn số nợ này thuộc về các doanh nghiệp zombie của Nhà nước, sở dĩ vẫn còn tồn tại là do các nguồn tín dụng hào phóng của chính phủ. Tuy nhiên, theo các kế hoạch cải cách về cơ cấu, thì sớm hay muộn tình trạng sản xuất dư thừa, theo quán tính, của rất nhiều doanh nghiệp sẽ phải chấm dứt.

Và điều này cũng có nghĩa là mức độ tăng trưởng rất cao về danh nghĩa của Trung Quốc sẽ chấm dứt. Tuy nhiên, theo ngân hàng Natixis, chính phủ Trung Quốc sẽ còn gia tăng tín dụng từ nay đến cuối năm, để duy trì tỉ lệ tăng trưởng danh nghĩa.

GDP Trung Quốc : Cách tính đáng ngờ

Báo kinh tế Les Echos có bài giải thích “Vì sao cách đo lường GDP của Trung Quốc là đáng ngờ”? Văn phòng tư vấn kinh tế Fathom Consulting nhận định con số tăng trưởng của Trung Quốc « quá đẹp để có thể là sự thật ». Điều quá ngạc nhiên là các con số tăng trưởng được đưa ra hết sức giống với các mục tiêu của chính phủ. Con số chính thức được đưa ra quá nhanh chóng, chỉ chưa đầy ba tuần sau khi quý tài chính vừa kết thúc. Các số liệu rất phức tạp nhìn chung đã không được thẩm định một cách nghiêm túc.

Cảnh sát Pháp nổi giận

Trở lại nước Pháp, chủ đề các cuộc biểu tình của cảnh sát chiếm trang nhất nhiều nhật báo. « Hai đêm biểu tình tự phát, một lãnh đạo cảnh sát bị các nhân viên la ó phản đối là một hiện tượng xảy ra lần đầu tiên », theo Le Figaro. Tờ báo đối lập thiên hữu cho biết « vào ngày 26/10 tới, sẽ có một cuộc biểu tình do sự chủ trì của nghiệp đoàn Unité – SGP – FO. Sự bất mãn của cảnh sát hiện nay làm xáo trộn các phân biệt vốn có xưa nay giữa các phe cánh chính trị, khiến nhà cầm quyền lo ngại, đặc biệt trong bối cảnh khủng bố… và cuộc bầu cử tổng thống đang tới gần ».

Theo Le Figaro, phong trào phản đối của cảnh sát, vượt qua khuôn khổ các nghiệp đoàn, là nhằm phản ứng lại vụ tấn công bằng bom xăng hôm 08/10, khiến hai cảnh sát bị thương.

Còn Le Monde, cũng trên trang nhất, nhận định chính phủ đã không thể trấn an được cảnh sát, bởi đây là « tâm trạng giận dữ tràn bờ nói chung », như cảm tưởng của nhân viên cảnh sát, một nạn nhân trong vụ tấn công nói trên.

Báo Libération thì cho biết các nhân viên cảnh sát đã thuật lại nhiều vụ việc, với tính chất rất khác nhau, trong những tháng gần đây, khi cảnh sát trở thành mục tiêu sát hại hay bạo hành. Xã luận Libération bày tỏ nỗi thất vọng lớn trước việc bộ trưởng Nội Vụ và thủ tướng đã « không hề có một dấu hiệu nào cho thấy sự thương cảm các nạn nhân là nhân viên cảnh sát bị tấn công ».

Libération nhấn mạnh đến những khó khăn hàng ngày mà các nhân viên cảnh sát phải đối mặt, tại « những nơi mà xã hội Pháp đang rạn nứt, đang chuyển hóa, nơi hoành hành của giới tội phạm lớn và nhỏ ». Tờ báo thiên tả cũng không quên nhắc lại việc cánh hữu trước đây đã cắt giảm ồ ạt quân số của ngành nội vụ, một nguyên nhân chủ yếu của tình trạng quá tải hiện nay.

Cảnh sát là « nhiệt kế của nền dân chủ, sự phẫn nộ của giới cảnh sát không tiêu liệu điều gì tốt lành cho những tháng tới và những năm tới ». Cũng Libération lưu ý, « theo một thăm dò dư luận mới đây của Cevipof, hơn 56% cảnh sát và quân nhân dự kiến bỏ phiếu cho đảng cực hữu của Le Pen (FN) trong vòng một bầu cử tổng thống 2017 ». « Cảnh sát nổi giận, FN chờ dịp » là hàng tựa trang nhất của tờ báo.

Guillaume Légaut, người dấn thân

Nhật báo Công giáo la Croix chú ý đến sự dấn thân của ông Guillaume Légaut, người đứng đầu Liên Đoàn Quốc Gia Thể Thao Ngoài Trời UCPA, với 3.500 nhân viên và khoảng 200 nghìn thành viên. Lãnh đạo UCPA có hai năm kinh nghiệm làm công việc nhân đạo hết sức quý giá ở Niger, tại vùng nam sa mạc Sahara. Theo La Croix, sống chung với những người dân hết sức nghèo khổ này, nhà hoạt động xã hội Pháp nhận ra một điều quý giá. Đó là cho dù vô cùng khổ cực, nhưng các cộng đồng dân cư địa phương ở đây vẫn duy trì được những quan hệ hết sức gắn bó, đối với họ, « sợi dây liên hệ xã hội » có một giá trị rất lớn.

Guillaume Légaut có nhiều đóng góp cho cho CIDSA, Liên minh quốc tế vì phát triển và đoàn kết, gồm 17 hiệp hội Công Giáo châu Âu và Bắc Mỹ, hay hiệp hội kinh tế đoàn kết Finansol. Sau 7 năm làm việc với tư cách là lãnh đạo một hiệp hội hướng đạo sinh nam nữ toàn nước Pháp, Guillaume Légaut bắt đầu thử nghiệm một số hình thức hoạt động xã hội mới nhằm chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống Pháp 2017, với mục tiêu chính là khuyến khích tinh thần đoàn kết, ý thức chính trị của các công dân, nhất là giới trẻ, trước hết là với hiệp hội UCPA.

Tổng giám đốc UCPA tin tưởng, « với cuộc cách mạng kỹ thuật số hiện nay, xã hội dân sự đang nổi lên khắp nơi trên hành tinh, mọi người đang ngày càng có ý thức nắm lấy vận mệnh của mình hơn nhiều so với 10 năm trước ». Kinh nghiệm sống trong các môi trường đa văn hóa đánh thức ở Guillaume Légaut khát vọng giúp cho những người, mà ông gặp, cơ hội « sống thực với chính mình ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.