Vào nội dung chính
MỸ - BẦU CỬ

Donald Trump, anh hề độc tài !

Donald Trump là một diễn viên ảo thuật đường phố thô thiển và phân biệt chủng tộc. Đây là hình ảnh về ứng viên đảng Cộng Hòa trong con mắt nhà văn Mỹ Jerome Charyn, tác giả cuốn I Am Abraham (Tôi là Abraham, NXB Hardcover, 2014) và được nhật báo Le Monde đăng trong mục “Tranh luận & Phân tích” ngày 19/10/2016.

Ứng viên tranh cử tổng thống của đảng Cộng Hòa, Donald Trump, trong cuộc vận động tại Grand Junction, bang Colorado, ngày 18/10/2016.
Ứng viên tranh cử tổng thống của đảng Cộng Hòa, Donald Trump, trong cuộc vận động tại Grand Junction, bang Colorado, ngày 18/10/2016. REUTERS/Jonathan Ernst
Quảng cáo

Theo nhà văn Mỹ, tỉ phú bất động sản đã biến cuộc tranh cử tổng thống Mỹ thành lễ hội hóa trang, trong đó những người ủng hộ ông, “da trắng thuộc tầng lớp trung lưu”, đang tái diễn cuộc chiến giai cấp trên toàn nước Mỹ, như thời Nội Chiến cách đây hơn 150 năm.

Trừ một số trường hợp đặc biệt do tài năng hay khát vọng chiến thắng, như vị tổng thống da mầu đầu tiên và một số người da đen nổi tiếng trong lĩnh vực thể thao hay âm nhạc, cộng động người Mỹ gốc Phi đa số vẫn thuộc thành phần nghèo, thiếu giáo dục và sống trong những “khu biệt cư” của họ. Người Mỹ trung lưu da trắng giữ khoảng cách với cộng đồng này nhờ những biểu hiện ngày càng tinh xảo hơn của cuộc chiến giai cấp trong thế kỷ XXI.

Chính trong bối cảnh này xuất hiện một Donald Trump, lường gạt, phân biệt chủng tộc, nói dối “toàn tập”, ghét phụ nữ và là tỉ phú đang phá sản. Ông làm hài lòng một bộ phận cử tri da trắng : những người có cùng quan điểm coi thường phụ nữ, coi họ là những món đồ chơi tình dục, những người cho rằng xã hội sẽ tốt hơn nếu người Mỹ gốc Phi, kể cả gia đình Obama, bỗng biến mất. Biện pháp gần đầy nhất của nhà tỉ phú bất động sản là cấm người da đen vào các tòa nhà do ông sở hữu.

Tờ New York Times từng đánh giá Donald Trump là người “không đủ năng lực”. Thế nhưng, trong vòng sơ loại, không một ứng viên nào của đảng Cộng Hòa có đủ sức để cản đường tiến của đối thủ có ánh mắt ang ác và thường cười nhếch mép. Trong suốt chiến dịch vận động tranh cử, ông kích động bạo lực và ẩu đả. Ông sinh ở quận Queens, New York, nhưng nhà văn Mỹ lại tưởng như ông Donald Trump là một nhân vật miền Tây hoang dã, từ lời nói như tiếng súng đến việc ông sẵn sàng đấm vào mặt một người phản đối trong các cuộc mít-tinh hay cho rằng nên phạt đứa bé bỗng nhiên bật khóc trong một buổi vận động. Ông tuôn hàng loạt lời dối trá, thay đổi diễn văn tùy theo hoàn cảnh.

Mọi việc diễn ra suôn sẻ, như có chiếc đũa thần, đối với ứng viên Cộng Hòa cho đến buổi tranh luận tay đôi đầu tiên với đối thủ đảng Dân Chủ Hillary Clinton. Không được phép dùng những lời lẽ “ma thuật” trước đó để tự vệ, nên ông cựa quậy, cau có, hút miếng nước và bàn tay run run. Rồi ông trở nên quàu quạu, trách người dẫn chương trình, rồi quay sang trách đối thủ Dân Chủ đến mức bà Clinton phải thốt lên : “Tôi có cảm giác là đến cuối buổi, tôi sẽ bị buộc là thủ phạm của tất cả những việc chưa từng xảy ra”.

Ông Trump tố cáo bà Clinton là “kẻ nói dối” và biệt danh này vẫn đeo đẳng bà cho đến giờ. Những bài diễn văn của ông được hình thành từ luận điểm của những người ghét phụ nữ - những người sẽ không bao giờ bầu cho bất kỳ một phụ nữ nào vào vị trí tổng thống. Đây chính là một trong những yếu tố mà người ta không đánh giá hay giải thích được trong kết quả các cuộc thăm dò.

Dù đa số những người đàn ông da trắng trên 40 tuổi không phải là người phân biệt giới tính. Tuy nhiên vẫn còn những trường hợp hãn hữu và họ hài lòng ẩn trong thế giới khiêu khích của Trump, với những luận điệu quá khích về những phụ nữ ngực lép, người Mỹ gốc Phi luôn gây rối, người Mỹ la tinh là kẻ cắp, người theo đạo Hồi chuyên đánh bom, trong khi tổng thống Obama chỉ thích thu mình trong phòng Bầu Dục và đi chơi golf.

Bầu cử tổng thống Mỹ: Thời khắc quyết định

Tối 19/10/2016, hai ứng viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton và Donald Trump sẽ có cuộc tranh luận lần thứ ba, cũng là buổi cuối cùng, tập trung vào vấn đề ngân sách. Sau loạt tai tiếng về những lời bình luận hạ thấp phụ nữ, ứng viên đảng Cộng Hòa mất tỉ lệ ủng hộ một cách rõ rệt, từ nữ giới đến cộng đồng Thiên Chúa giáo.

Trang nhất và mục hồ sơ của nhật báo công giáo La Croix nhấn mạnh đến việc “Cử tri Thiên Chúa giáo nghiêng về bà Clinton” dù vẫn dè chừng chương trình của ứng viên Dân Chủ. Đây là điều dễ hiểu sau những vụ tai tiếng hạ thấp phụ nữ và hàng loạt vụ tố cáo ông Trump quấy rối tình dục phụ nữ. Thế nhưng, tương lai chính trị Hoa Kỳ có vẻ bi đát trong con mắt của một cử tri, được La Croix trích dẫn : “Hillary Clinton không trung thực, còn Donald Trump không đủ tư cách về mặt đạo đức để điều hành đất nước. Tôi mất hẳn niềm tin vào hệ thống chính trị”.

Le Figaro nhận định buổi tranh luận tối nay là “Cơ hội cuối cùng cho Donald Trump”. Riêng nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm đến “Khoảng cách lớn trong các dự án thuế khoá” của hai ứng viên. Tờ báo cũng cho rằng “Trump dường như không thể rút ngắn được sự cách biệt với bà Clinton”.

Mosul: Tổng tấn công chiếm lại cứ địa của Daech

Cuộc phản công chiếm lại Mosul, thành phố lớn thứ hai của Irak, do một liên quân hỗn hợp cùng nhau thực hiện, tiếp tục là chủ đề được quan tâm trên các nhật báo Pháp. Theo bài xã luận của Le Monde, cuộc chiến này có thể đánh dấu một bước ngoặt quyết định trong cuộc chiến chống Hồi Giáo cực đoan.

Vẫn theo bài viết, dù mỗi một lực lượng tham gia liên quân hỗn hợp trên đều theo đuổi mục tiêu riêng, nhưng đã cùng phối hợp để tấn công vào thành phố lớn thứ hai của Irak : quân đội, cảnh sát và hiến binh Irak được lực lượng đặc biệt Mỹ điều phối, đã tấn công từ phía nam. Họ cũng được hỗ trợ ở tuyến sau nhờ lực lượng dân quân Irak theo hệ phái Shia do Iran hậu thuẫn.

Tấn công từ phía đông là lực lượng người Kurdistan Irak đồng hành cùng với dân quân Ả Rập địa phương theo hệ phái Suni, cả hai đều được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. Đặc phái viên của Libération có mặt tại chiến tuyến thì nhận định, “Tại phía đông thành phố Mosul, lực lượng peshmerga (dân quân Kurdistan Irak) đã hoàn thành nhiệm vụ”, với sự yểm trợ của chiến đấu cơ của liên quân quốc tế, do Hoa Kỳ dẫn đầu, và được huy động theo yêu cầu của chính quyền Bagdad.

La Croix thì quan tâm đến việc Thổ Nhĩ Kỳ tham chiến để bảo vệ lợi ích với dòng tựa : “Thổ Nhĩ Kỳ muốn giữ vị trí tại Mosul”. Thực vậy, Ankara có một doanh trại được thành lập từ cuối năm 2015 tại Bachika, đông bắc Mosul, với mục đích, theo Thổ Nhĩ Kỳ, là huấn luyện lực lượng dân quân theo hệ phái Suni để chiếm lại căn cứ của Daech tại Irak.

Trên trang nhất của Le Monde là hình ảnh “Golden Division”, lực lượng đặc biệt của Irak, tập trung tại Tal Aswad, cách Mosul chừng 12 km. Thành phố có khoảng 3.000 đến 5.000 quân thánh chiến của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đang cố thủ cùng với hơn 1,5 triệu dân bị kẹt tại đây. Thế nhưng, theo thông tin của Le Figaro, “Lực lượng Irak đụng phải những kẻ đánh bom tự sát của Daech” để đối phó với lực lượng hùng hậu của liên quân quốc tế.

Trước “một cuộc chiến khó khăn”, theo dự đoán của tổng thống Mỹ Barack Obama, Les Echos cho biết “Pháp muốn chuẩn bị thời hậu chiến tại Mosul”. Một cuộc họp bộ trưởng sẽ diễn ra ngày mại tại Paris với ba ưu tiên chính : bảo vệ thường dân tại Mosul và các làng lân cận, hỗ trợ nhân đạo và ổn định thành phố và các vùng được giải phóng khỏi tay Daech.

Lượng khách du lịch giảm tại Paris và Côte d’Azur đe dọa việc làm

Ngành du lịch Pháp là chủ đề trên trang nhất và chuyên trang “Kinh tế” của Le Monde với nhận định : “Lượng khách du lịch giảm tại Paris và Côte d’Azur đang đe dọa việc làm”.

Chiếm đến 7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Pháp, ngành du lịch đang trải qua giai đoạn khủng hoảng chưa từng có, khiến tỉ lệ thất nghiệp tăng từ tháng Tám vừa qua. Chỉ còn một tháng nữa sẽ diễn ra cuộc hội thảo thường niên của ngành du lịch, các nhà hoạt động trong lĩnh vực này yêu cầu chính phủ tăng thêm khoản hỗ trợ, trước đó đã được hứa 10 triệu euro.

Tỉ lệ các phòng khách sạn được đặt tại Paris đã giảm thêm 9,3 điểm, có nghĩa là trong vòng 8 tháng đầu năm, chỉ có 70% số phòng là có người đặt. Tình hình tại các khách sạn hạng sang còn thê thảm hơn, giảm 35%. Một số khách sạn đã tính đến giải pháp “tình nguyện nghỉ việc”.

Hai khu vực quan trọng, Paris và vùng Côte d’Azur, bị tác động mạnh mẽ nhất, trước khi xảy ra khủng bố. Tuy nhiên, ông chủ của khách sạn nổi tiếng George-V lạc quan cho rằng “năm 2017 có thể sẽ khả quan hơn” với hy vọng không xảy ra khủng bố.

Hiện tượng trầm cảm ở trẻ em Pháp

Trên lĩnh vực xã hội, nhật báo công giáo La Croix đề cập đến hiện tượng trầm cảm ở trẻ em, thường không được đánh giá đúng mức và không được đề cập.

Tại Pháp, năm 2010, khoảng 2,1 đến 3,4% trẻ em dưới 12 tuổi bị trầm cảm. Đối với các bậc phụ huynh, rất khó nhận ra được con mình bị trầm cảm hay chỉ bị chán chường trong thời gian ngắn. Theo bác sĩ tâm lý nhi đồng, Patrice Huerre, những biểu hiện có thể giúp nhận ra được là “các em thường trở nên tăng động vì khó miêu tả thành lời những gì cảm thấy”, hay có các triệu chứng như đau bụng, đau đầu lặp lại nhiều lần, chán ăn, gầy đi hoặc béo lên, khó ngủ hay tỏ thái độ tức giận.

Theo lời khuyên của bài báo, các bậc phụ huynh nên đưa con đến các bác sĩ chuyên khoa. Khi người lớn bị trầm cảm, họ được nghỉ làm, nhưng các em nhỏ, vì không được phát hiện, nên vẫn phải đi học. Chính vì thế, nhà trường cần đóng vai trò phòng ngừa và chú ý. Hiện tại Pháp, ngày càng có nhiều khóa đào tạo cho giáo viên để giúp họ nhanh chóng nhận ra được những dấu hiệu trầm cảm ở học sinh.

Trang nhất các nhật báo

Thời sự nước Pháp được đề cập trên trang nhất của Le Monde là ngành du lịch với số lượng khách sụt giảm, có nguy cơ dẫn đến tăng tỉ lệ thất nghiệp, hay cảnh sát biểu tình thể hiện bất bình trước tình trạng bạo lực mà họ là nạn nhân trên Le Figaro. Còn Les Echos thì lo ngại trước việc thêm năm nhà máy điện nguyên tử Pháp bị tạm ngừng hoạt động để kiểm tra lượng carbone của một số thành phần, sau khi phát hiện mức độ quá cao tại một số lò phản ứng đã ngừng hoạt động.

Thời sự quốc tế được chú ý là kỷ niệm một năm thủ tướng Trudeau lên điều hành chính phủ Canada và tiếp tục nhận được sự ủng hộ của người dân trên nhật báo Libération. Riêng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ được đề cập trên hầu hết các mặt báo.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.