Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Chiến tranh lạnh Mỹ-Nga theo chiến lược Putin

Đăng ngày:

Mỹ-Nga bước vào vòng xoáy khẩu chiến và leo thang trả đũa. Hai cuộc khủng hoảng, Ukraina và Syria, đã làm quan hệ Washington - Matxcơva trở lại thời xung khắc hận thù của hậu bán thế kỷ 20. Tiến trình « tái khởi động cải thiện bang giao », sáng kiến của tổng thống Barack Obama khi nhậm chức vào năm 2009 bị chôn vùi. Nước Nga của Vladimir Putin theo đuổi một mục tiêu khác với tất cả phương tiện từ ngoại giao, quân sự đến tuyên truyền và tin tặc.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Nga Yars RS-24 tham gia duyệt binh, kỷ niệm 71 năm chiến thắng phát xít Đức, Matxcơva, 07/05/2016.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Nga Yars RS-24 tham gia duyệt binh, kỷ niệm 71 năm chiến thắng phát xít Đức, Matxcơva, 07/05/2016. REUTERS/Grigory Dukor
Quảng cáo

Trả lời phỏng vấn hãng tin Nga Ria Novosti ngày 10/10, lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô cũ Mikhail Gorbachev cảnh báo : thế giới đang tiến đến « vùng báo động đỏ » một cách nguy hiểm.

Quan hệ giữa hai siêu cường nguyên tử suy thoái đột ngột trong tuần lễ vừa qua. Chen giữa những trận đấu khẩu gay gắt là một số động thái ăn miếng trả miếng làm cho mối quan hệ Mỹ-Nga đã căng thẳng từ nhiều tháng qua trở nên đáng lo hơn. Trước tiên, ngày thứ hai 03/10, Washington tuyên bố « mất hết kiên nhẫn » và quyết định ngưng đối thoại với Matxcơva về hồ sơ Syria vì « không còn gì để nói với một đối tác đã mất hết uy tín ». Vài giờ trước đó, tổng thống Vladimir Putin xóa sạch những thành quả mong manh thông qua hợp tác ngoại giao : đình chỉ thi hành hiệp định năm 2010 giới hạn trữ lượng plutonium. Điện Kremlin cho rằng phía Mỹ không thực tâm thi hành hiệp định này và trong bối cảnh căng thẳng hiện nay, thỏa thuận 2010 không còn giá trị.

Ngày thứ tư 05/10, tổng thống Nga kêu gọi các tân đại biểu ở Hạ viện Douma phải dồn hết nỗ lực thực hiện « nhiệm vụ lịch sử » làm cho nước Nga « hùng mạnh » « bảo vệ vị thế của quốc gia trên trường quốc tế ».

Những động thái này, theo ngoại trưởng Nga là nhắm vào « nước Mỹ ».

Matxcơva còn đưa ra một loạt điều kiện nếu Washington, một ngày nào đó, muốn mở lại đàm phán : Hoa Kỳ phải rút hết lực lượng bố trí tại ba nước Baltic trong khuôn khổ kế hoạch của NATO, chấm dứt các biện pháp trừng phạt nước Nga sau vụ sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina. Thêm vào đó là Mỹ phải bồi thường những thiệt hại kinh tế, tài chính hệ quả chính sách cấm vận này. Điều kiện của Nga bị xem là « thiếu thực tế » « phi lý ». Lẽ nào Mỹ bồi thường những thiệt hại do chính sách trả đũa lại Tây phương của Matxcơva gây ra cho Nga ?

Bình luận về « thông điệp » của Nga, chuyên gia Alexei Arbatov, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Quốc tế ở Matxcơva, cho rằng « đây chỉ là chuyện đùa vì chẳng có ai tin là Mỹ sẽ chấp thuận ».

Danh sách bất đồng đối đầu Nga-Mỹ đã rất dài : gây bất ổn định tại Ukraina, chiếm lấy Crimée, nỗ lực làm thay đổi trật tự tại Châu Âu, cơ sở an ninh của toàn châu lục từ sau Đệ nhị Thế chiến, máy bay dân dụng của Malaysia trúng hỏa tiễn năm 2014, máy bay quân sự Nga liên tục xâm phạm không phận tây Âu …

Còn đối với Nga thì sự kiện NATO tăng cường quân đội ở biên giới đông Âu, kế hoạch lá chắn chống tên lửa, các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga từ khi xảy ra khủng hoảng Ukraina và giờ đây có thêm hồ sơ Syria, là những biện pháp thiếu thân thiện.

Xung khắc với Mỹ chỉ là mặt nổi của tảng băng sơn. Tổng thống Nga nghi ngờ đằng sau mỗi cuộc khủng hoảng, Ukraina hay Syria, đều có bàn tay của Hoa Kỳ thúc đẩy một cuộc « cách mạng màu » để vùng ảnh hưởng của Nga mỗi ngày mỗi thu nhỏ lại.

Trên thực tế, Vladimir Putin ôm giấc mộng rất lớn : đẩy lùi biên giới của NATO, gây chia rẽ trong nội bộ châu Âu, giành lại vùng ảnh hưởng của Liên Xô cũ. Giới quân sự châu Âu không dấu quan ngại : quan hệ với Nga trở thành tồi tệ. Còn bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter xem nước Nga của Putin nguy hiểm hơn Liên Xô của Stalin và Kroutchev (Le Figaro 06/10/2016). 

Trong một diễn tiến mới nhất, bộ quốc phòng Nga tiết lộ đang « cân nhắc lợi hại » mở lại căn cứ quân sự tại Việt Nam và Cuba (Reuteurs 07/10). 

Triệt hạ Hillary Clinton …..

Để nới rộng ảnh hưởng, Matxcơva không tiết kiệm phương tiện tìm cách vô hiệu hóa các nhân vật khắc tinh cản đường như Hillary Clinton và Angela Merkel.

Trong bài « Căng thẳng cao độ trong quan hệ Mỹ-Nga », Le Monde 09/10 nhận định Hoa Kỳ đã tiến thêm một bước : tố cáo đích danh Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ để làm thay đổi tương quan lực lượng giữa hai ứng cử viên hiện đang bất lợi cho Donald Trump và ngầm đe dọa sẽ tăng cường trừng phạt Nga và chế độ Damas nếu không ngưng oanh kích Aleppo.

Chính quyền Obama bỏ thái độ dè dặt cố hữu, buộc tội Nga là thủ phạm xâm nhập hệ thống điện toán của đảng Dân Chủ, đánh cắp 20.000 e-mail của đảng cánh tả, xâm nhập vào hệ thống điện toán một số tiểu bang để đánh cắp bảng danh sách cử tri. Theo nhà phân tích Dmitri Alperovitch, chuyên gia công ty an ninh mạng tư nhân CrowdStrike, tổng thống Nga có mối hận với bà Hillary Clinton. Cựu ngoại trưởng Mỹ bị xem là người khuyến khích phong trào đối lập Nga trong mùa đông 2011-2012. Mục đích thứ hai là đánh phá vào sinh hoạt chính trị Mỹ (Le Figaro 06/10/2016).

Trong cuộc họp báo kỷ niệm 10 năm thành lập mạng Wikileak, nhà sáng lập Julian Assange, hiện đang lưu vong trong sứ quán Ecuador ở Luân Đôn cho biết sẽ công bố thêm trong những ngày tới những e-mail có hại cho bà Hillary Clinton.

Khác với đảng Dân Chủ và ứng cử viên Hillary Clinton, cho đến nay Nhà Trắng vẫn từ chối cáo buộc điện Kremlin là thủ phạm cho dù bị quốc hội gây sức ép. Nhưng giờ đây tình thế đã đổi khác.

Một chi tiết : tin tặc không xóa hết dấu tích của Cozy Bear, cánh tay mặt của mật vụ FSB Nga trong chiến tranh vi tính .

……và Angela Merkel

Trước khi bức tường Berlin sụp đổ, Tây Đức nằm ở tuyến đầu trong cuộc chiến tranh lạnh « Tự Do-Cộng Sản ».

Trong chiến lược của Nga nhằm phân hóa các nước Tây phương, Hillary Clinton không phải là nữ chính trị gia duy nhất bị Matxcơva xem là nguy hiểm. Đương kim thủ tướng Đức Angela Markel cũng nằm trong tầm nhắm (Le Figaro 06/10). Trong quan điểm của Matxcơva, nước Đức của bà Angela Merkel lãnh đạo những đợt trừng phạt kinh tế, tài chính nước Nga. Nghiêm trọng hơn nữa là quân đội Đức gửi lực lượng sang Lit-va (Lituanie) tuần tra biên giới. Nga xem đây là một hành động « xâm phạm vùng ảnh hưởng truyền thống ». Trong tháng 8, bộ tư lệnh quân đội Đức hai lần bị tin tặc tấn công. Một e-mail giả danh gửi từ tổng hành dinh NATO bị phát hiện và lộ xuất xứ là nhóm APT28, cũng là cánh tay vi tính của cảnh sát liên bang Nga FSB. Theo cơ quan an ninh mạng của Đức BSI, tin tặc cũng không tìm cách xóa hết dấu tích, như là muốn nhắn gửi với Berlin là họ chẳng sợ trả đũa .

Câu hỏi đặt ra là « tin tặc » muốn gì và liệu Đức có sợ hay không ?

Dân biểu Karl-George Wellmann, đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo, nằm trong sổ bìa đen của Nga, từng sống trong thời kỳ Tây Berlin bị 400.000 quân Liên-xô và Đông Đức bao vây, lý giải : « Đây là một thủ đoạn hù dọa vào thời điểm còn một năm Đức bầu lại quốc hội liên bang. Một cuộc chiến tranh cân não vụng về không đạt được kết quả. Kinh tế Nga đang gặp rất nhiều khó khăn còn chính quyền bị kẹt trong ngõ cụt. Chúng tôi có thể bị lãnh một cú đấm bất ngờ nhưng nền dân chủ Đức rất vững chắc còn nước Nga bị chậm trễ đến 30 năm từ kinh tế đến công nghệ ».

Cơ quan Bảo Vệ Hiến Pháp Đức BfV (an ninh quốc nội ) trong một bản báo cáo lưu ý : Mật vụ Nga gia tăng hoạt động tại Đức với mục tiêu gây chia rẽ trong xã hội bằng chiến thuật loan tin thất thiệt. Điển hình là họ tung tin đồn một bé gái 13 tuổi gốc Nga bị ba người tị nạn Trung Đông bắt cóc hãm hiếp hồi Giáng sinh 2015. Một hiệp hội mang tên « Nghị hội quốc tế người Đức gốc Nga » tổ chức hàng loạt cuộc biểu tình trước phủ thủ tướng cho đến những thành phố xa xôi nhất. Cho đến nay, ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov vẫn tiếp tục loan tải câu chuyện thất thiệt này trên mạng internet. Đảng AfD bài ngoại tại Đức cũng « tiếp vận » tin đồn này. Matxcơva và phe cực hữu tại Đức có cùng mục tiêu là ngăn cản thủ tướng Angela Merkel và đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo tái đắc cử ( Le Figaro 06/10/2016).

« Phải đổi cách ứng xử với Putin »

Bình luận về lời tự thú của ngoại trưởng Mỹ John Kerry, sau khi ông tuyên bố « bất lực » trên hồ sơ Syria, một chuyên gia xin giấu tên giải thích : « Người Mỹ không nhận ra kịp tương quan lực lượng đã thay đổi. Không thể nói chuyện với Nga như với một quốc gia tây phương. Không nên tỏ ra lịch sự hay lễ độ mà phải biết cứng rắn, phải đấm vào hạ bộ của họ ».

Ngày 11/10/2016 vừa qua, trong một động thái mới có thể xem là chuẩn bị tinh thần, Hiệp Hội Nhà Văn Nga và Uy ban điều tra tư pháp của Nga ký « một thỏa thuận hợp tác » để « nâng cao tinh thần yêu nước của thanh thiếu niên chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh (trong tương lai) càng ngày càng gia tăng trong tâm hồn giới trẻ » (AFP).

Sự kiện này phải được hiểu như thế nào ? Chuẩn bị chiến tranh nóng hay định hướng công luận trong nước vì lo sợ phản kháng ?

Trong bài phân tích « Nga lên điểm, Mỹ mất điểm », nhà báo Alain Frachon trên Le Monde ngày 06/10 lạc quan : Xem vậy mà không phải vậy. Nhận định bi quan của truyền thông tây phương cho Nga mạnh hơn Mỹ là « không thực tế ». Tương lai nước Nga của Putin, lệ thuộc vào dầu khí, rất vô vọng : « kinh tế suy thoái, sức mua của người dân suy giảm, thất nghiệp tăng thêm 3 triệu người trong năm 2015 ». Vì diệu võ dương oai chống ảnh hưởng Tây phương, các nhà chiến lược của Matxcơva đã đẩy Ukraina và Gruzia xa dần ảnh hưởng Nga.

Quan hệ Pháp-Nga cũng đóng băng

Quyết định của tổng thống Vladimir Putin hủy bỏ chuyến viếng thăm Paris, khánh thành một nhà thờ Chính Thống Giáo gần tháp Eiffel dự kiến vào ngày 19/10 cho thấy chiến lược xuyên suốt của Nga. Khi biết rằng tổng thống Pháp đặt điều kiện « phải nói chuyện Syria » « truy tố những kẻ vi phạm tội ác chiến tranh » thì điện Kremlin thông báo tổng thống Nga không sang Pháp nhưng « sẽ đối thọai » khi tổng thống François Hollande « cảm thấy thoải mái ».

Thứ bảy tuần trước, tại Hội Đồng Bảo An, Nga đã phủ quyết một dự thảo nghị quyết của Pháp yêu cầu chấm dứt oanh kích Aleppo.

Nga buộc Mỹ trả giá cao cho ván cờ chiến lược

Nhìn từ quan điểm của Nga, nhà báo Karine Bechet-Golovko, trên mạng Comité Valmy (lấy tên của một tổ kháng chiến Pháp chống Đức Quốc xã), thuộc xu hướng bài Liên Hiệp Châu Âu , nhận định « ngọn gió buốt giá này là do Mỹ gây ra và đã đạt được mục đích ». Tác giả cho rằng Nga buộc treo giá cao trong các cuộc thương lượng vì tình hình địa chiến lược đã thay đổi tận gốc. Xung khắc Mỹ-Nga đã « chính thức » bước vào trận thế chiến lược. Giải pháp chung cuộc chỉ đến khi có « một bên chiến thắng hay một bên nhượng bộ ».

Một số nhà bình luận Pháp cho rằng trên mọi hồ sơ từ khủng hoảng Ukraina, chiến tranh Syria cho đến nhân quyền tại Nga, tổng thống Putin dường như ít khi chấp nhận nhượng bộ. Ông chỉ « tránh đối đầu trực diện » với Tây phương nhưng nắm trong tay đầy đủ phương tiện, từ quân sự cho đến quyền phủ quyết tại Hội Đồng Bảo An, để thực hiện mục tiêu của mình cho dù đơn độc.

Phe ly khai ở miền đông Ukraina tiếp tục được Nga hỗ trợ, thành phố Aleppo của Syria tiếp tục bị oanh kích. Người dân Nga cũng bị bắt làm con tin, trả giá rất nặng do tây phương trừng phạt chính quyền Nga.

Nhờ vào vũ khí Nga, tổng thống Syria Bachar al Assad tự cho là sẽ chiến thắng bằng giải pháp quân sự. Nhưng sau đó thì sao khi mà Matxcơva và Damas đã bị tố cáo phạm « tội ác chiến tranh » ? Liệu "bộ tộc" Allaoui của tổng thống Bachar al Assad, chiếm vỏn vẹn 12% dân số Syria, có đủ sức bám lấy đặc quyền chính trị đời đời ?

Ván cờ chiến tranh lạnh tiếp diễn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.