Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - XÃ HỘI

Irina Bokova: Vai trò phụ nữ và quyền lực mềm cho Liên Hiệp Quốc

Nữ ứng viên sáng giá vào vị trí tổng thư ký Liên Hiệp Quốc vừa thua trong vòng bầu cử cuối cùng nhưng theo dự kiến sẽ giữ chức phó trong tổ chức quốc tế này. Giới bình luận lý giải các quyết định vào phút cuối liên quan đến cơ cấu tổ chức quốc gia của ứng viên, và bà Irina Bokova chỉ là ứng viên thứ hai của một nước nhỏ là Bulgari. Điều đó thể hiện rõ khả năng ngoại giao và tư tưởng chiến lược của người phụ nữ này, đặc biệt trong vị trí lãnh đạo Unesco nhiều năm qua.

Bà Irina Bokova, tổng giám đốc UNESCO
Bà Irina Bokova, tổng giám đốc UNESCO KENA BETANCUR / AFP
Quảng cáo

Vai trò phụ nữ trong các định chế quốc tế

Trong tuần này, bà Irina Bokova có bài giảng quan trọng tại Học viện kinh tế chính trị Luân Đôn về cơ cấu tổ chức của thế giới, trình bày góc nhìn của mình và các hướng giải quyết mà bà sẽ tiếp tục thực hiện. Tổng giám đốc Tổ chức Liên Hiệp Quốc về văn hóa, khoa học và giáo dục được nhiều trường đại học trao bằng tiến sĩ danh dự, và trong thời gian học ngành ngoại giao ở Nga đã quan tâm đặc biệt đến các vấn đề quốc tế mà điểm nóng lúc bấy giờ là giai đoạn chuyển đổi dân chủ ở Nam Mỹ.

Là đại diện thường trực của Bulgari ở Unesco, bà là người phụ nữ đầu tiên và đồng thời cũng là người đông Âu đầu tiên lên làm lãnh đạo tổ chức này từ năm 2009. Một năm qua, trong vai trò ứng viên vào chức tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, bà đã tham gia nhiều diễn đàn về các vấn đề quốc tế, như một bài giảng ngắn ở Viện hòa bình quốc tế IPI, mà con đường chính trị quốc tế cho phụ nữ là một trong số những câu hỏi được đặc biệt chú ý.

Bà nói : “Tôi cho rằng phụ nữ có thể cạnh tranh, cạnh tranh giữa phụ nữ với nhau và cạnh tranh với đàn ông, và phụ nữ có khả năng xử lý các vấn đề phức tạp. Tôi nhớ khi ra tranh cử vào chức tổng giám đốc Unesco có những ý kiến cho rằng trong thời buổi khó khăn và các mối quan hệ chính trị phức tạp thì cần phải có một người mạnh mẽ. Và tôi hỏi lại mạnh mẽ tức là như thế nào, cho đến khi điều đó không còn là vấn đề phải thắc mắc, rằng phụ nữ đủ mạnh mẽ và khả năng để đảm nhiệm những vị trí khó khăn.

Khi nhậm chức thì tôi tiếp tục đưa vấn đề phụ nữ trở thành điểm cần được quan tâm đặc biệt không chỉ trong cơ cấu tổ chức như trước đó mà còn cả vào nội dung dự án như là vấn đề phụ nữ và nước uống trên thế giới, hay phụ nữ và báo chí. Bên trong cơ cấu tổ chức tôi đặt mục tiêu 50% vị trí lãnh đạo dành cho phụ nữ, dần thực hiện từ bậc thấp lên cao, vì tôi tin rằng để thay đổi văn hóa cần phải thay đổi trước hết là góc nhìn và cần phải có những người phụ nữ đủ khả năng để đảm nhận vị trí lãnh đạo.

Quyền lực mềm cho Liên Hiệp Quốc

Và góc nhìn đó đã được bà Irina Bokova áp dụng để nhìn vào các vấn đề hiện nay trên thế giới cũng như chính vai trò của Liên Hiệp Quốc:

Thế giới chúng ta đang sống đầy những điều thành công như chúng ta đã biết về các phát minh khoa học, phát triển y khoa, giáo dục, và kinh tế mà năm 2015 Liên Hiệp Quốc đã vui mừng hoàn thành mục tiêu xóa đói giảm nghèo và đặt ra mục tiêu đầy tham vọng về phát triển bền vững.

Nhưng đồng thời chúng ta cũng chứng kiến mức độ thảm hại gia tăng của nhiều vấn đề như di dân và khí hậu biến đổi, và tôi cho rằng vai trò của Liên Hiệp Quốc ngày càng phải được mở rộng hơn, như một cơ cấu không thể thiếu cho đối thoại và giải quyết mâu thuẫn. Hiện đang có rất nhiều dự án và đề nghị cải tổ đối với Liên Hiệp Quốc mà đặc biệt là vai trò gìn giữ hòa bình với đích đến là năm 2025, hay vấn đề nhân quyền cho mục tiêu vào năm 2030.

Trong bối cảnh đó tôi tin rằng một số vấn đề cần phải được chú trọng xử lý đặc biệt, như là lực lượng gìn giữ hòa bình và tình trạng hiếp dâm, để giữ uy tín cho Liên Hiệp Quốc và đặc biệt là hàng ngàn binh sĩ Liên Hiệp Quốc đang làm nhiệm vụ ở các vùng khó khăn, đó là một ví dụ cụ thể. Còn nói về chiến lược thì như tôi đã nhận định Liên Hiệp Quốc là tổ chức không thể thiếu được trong bối cảnh mâu thuẫn và tranh chấp trên thế giới, còn phương pháp đối thoại đa phương là sẽ là chìa khóa.

Có lẽ những năm tháng làm việc ở Unesco đã ảnh hưởng nhiều đến viễn kiến của tôi vì tổ chức này có thể coi là quyền lực mềm của Liên Hiệp Quốc, đặt nặng việc giải quyết vấn đề bằng những biện pháp như là giáo dục, hay tăng quyền và hiểu biết cho phụ nữ, như là thành quả đạt được ở Afghanistan thông qua giáo dục để phát triển cộng đồng và gìn giữ di sản, bảo vệ danh dự và đa văn hóa, đối thoại giữa các nền văn hóa khác nhau, mà khoa học và công nghệ sẽ giúp giải quyết rất nhiều vấn đề, bên cạnh báo chí.

Tất cả những điều đó có thể khái quát bằng một khái niệm chung là danh dự của con người, là quyền con người. Cho nên, tôi tin vào nhiệm vụ phòng chống trước khi xung đột xảy ra, vào sự phát triển mà không bỏ lại ai phía sau, tức là mục tiêu mà Liên Hiệp Quốc đề ra cho năm 2030, bên cạnh cơ cấu gìn giữ hòa bình hiện có.”

Có vẻ như là các lãnh đạo thế giới vẫn còn tin hơn vào vai trò can thiệp sau cho nên trong lần bỏ phiếu mới nhất, sự ủng hộ dồn về cho cựu thủ tướng Bồ Đào Nha là ông Antonia Guterres, đồng thời cũng là người lãnh đạo Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Tị nạn. Bản thân nước chủ nhà Bulgari của bà Irina Bokova đến phút chót cũng đưa ra một ứng viên khác được các nước đông Âu ủng hộ.

Tuy nhiên, nhìn vào các hoạt động của Unesco trong thời gian qua người ta có thể thấy rằng thế giới của quyền lực mềm với những người phụ nữ làm lãnh đạo đang mở rộng và tác động rõ vào con đường phát triển trong thế kỷ 21 này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.