Vào nội dung chính
KHÍ HẬU

Nghị Viện châu Âu phê chuẩn Thỏa thuận khí hậu

Ngày 04/10/2016, Nghị Viện châu Âu đã bỏ phiếu phê chuẩn Thỏa thuận Paris về hạn chế Biến đổi khí hậu với 610 phiếu thuận và 38 phiếu chống. Quyết định rất được trông đợi của châu Âu mở đường cho việc Thỏa thuận Paris có hiệu lực ngay trước thềm thượng đỉnh khí hậu COP 22 tại Maroc, khai mạc ngày 07/11.

Pixabay
Quảng cáo

Theo quy định, Thỏa thuận Paris - nhằm giới hạn nhiệt độ Trái đất tăng không quá 2°C so với thời tiền công nghiệp - sẽ có hiệu lực sau khi được sự phê chuẩn của ít nhất 55 quốc gia (điều kiện thứ nhất) chịu trách nhiệm ít nhất 55% lượng khí thải (điều kiện thứ hai). Cho đến nay, mới chỉ có điều kiện thứ nhất được thỏa mãn, với việc 62 quốc gia - với 51,89% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính – chính thức phê chuẩn Thỏa thuận (theo số liệu của UNFCCC – Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu).

Thỏa thuận Paris sẽ có hiệu lực, một khi Liên Hiệp Châu Âu, với khoảng 12% lượng khí thải, hoàn thành thủ tục phê chuẩn. Như vậy, việc châu Âu phê chuẩn Thỏa thuận mang ý nghĩa biểu tượng cao, « một bước đi nhỏ của châu Âu, nhưng là một bước đi dài của nhân loại » như bình luận của một báo Pháp.

Sau thủ tục tại Nghị Viện, việc phê chuẩn sẽ được Hội Đồng Châu Âu khẩn cấp thông qua, để Liên Hiệp Châu Âu – cùng với bảy quốc gia thành viên đã hoàn thành thủ tục phê chuẩn ở cấp quốc gia – kịp đệ trình quyết định phê chuẩn chính thức lên Liên Hiệp Quốc vào ngày 07/10/2016.

Bảy quốc gia thành viên châu Âu đã phê chuẩn COP 21 là các nước Hungary, Pháp, Slovakia, Áo, Malta, Đức và Bồ Đào Nha. Các nước này chịu trách nhiệm khoảng 5% lượng khí thải toàn cầu.

Khác với 195 thành viên còn lại, các quốc gia châu Âu tham gia Thỏa thuận Paris về khí hậu với tư cách là một khối. Phê chuẩn ở cấp quốc gia châu Âu chỉ có hiệu lực, một khi cam kết chung của toàn khối được thông qua.

Sau khi được thông qua tại COP 21 Paris tháng 12/2015, Thỏa thuận về hạn chế Biến đổi khí hậu đã được 175 nước ký kết hồi tháng 4/2016, tại New York. Tuy nhiên, giai đoạn phê chuẩn kéo dài khiến nhiều người nghi ngờ về khả năng Thỏa thuận Paris sẽ có hiệu lực ngay trong năm nay, như dự kiến.

Chủ tịch Nghị Viện Châu Âu Shulz phê chuẩn thỏa thuận Paris COP21, với sự chứng kiến của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon, (hai phải sang), Strasbourg, 04/10/2016.
Chủ tịch Nghị Viện Châu Âu Shulz phê chuẩn thỏa thuận Paris COP21, với sự chứng kiến của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon, (hai phải sang), Strasbourg, 04/10/2016. REUTERS/Vincent Kessler

Lo ngại phần nào được giải tỏa với việc Mỹ và Trung Quốc (hai quốc gia chịu trách nhiệm gần 40% lượng khí thải toàn cầu, Mỹ 17,89% và Trung Quốc 20,09%) cùng phê chuẩn hồi đầu tháng 9. Ngày 02/10, đến lượt Ấn Độ - quốc gia phát thải đứng hàng thứ ba (4%). Bây giờ đến lượt châu Âu, và tiếp theo châu Âu là Canada với 1,8% khí thải cũng cam kết sớm phê chuẩn.

Bước tiếp theo của Thỏa thuận Paris  là gì ?

Với Thỏa thuận Paris, cộng đồng quốc tế hy vọng các cam kết giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 2°C, thậm chí ở mức 1,5°C so với thời tiền công nghiệp. Sau khi Thỏa thuận có hiệu lực, câu hỏi đặt ra : bước tiếp theo sẽ là gì ?

Việc cải cách thị trường các bon, giảm trợ giá năng lượng hóa thạch và thúc đẩy tiết kiệm năng lượng là các hướng ưu tiên. Để thực thi các cam kết, chính phủ Canada chẳng hạn dự kiến sẽ áp đặt một sắc thuế các-bon kể từ năm 2018, để đáp ứng các đòi hỏi của Thỏa thuận. Thuế các bon sẽ là 10 đô la Canada (tương đương 6,8 euro) năm 2018, và sẽ tăng lên 50 đô la canada năm 2022. Về phần Ấn Độ, New Delhi có chính sách tăng gấp hơn 10 lần công suất điện mặt trời hiện nay lên mức 100 gigawatt vào năm 2022.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà hoạt động môi trường, việc phê chuẩn Thỏa thuận là chưa đủ, các quốc gia phải nỗ lực hơn nữa trong việc điều chỉnh chính sách. Cụ thể là, theo mạng lưới Action Climat France, các chính phủ phải « từ bỏ hoàn toàn mọi dự án mới gắn với năng lượng hoá thạch và tăng tường phát triển các năng lượng tái tạo ». Đối với châu Âu, theo Quỹ Nicolas Hulot, nếu chỉ tiết kiệm năng lượng ở mức 27% (như cam kết của châu Âu), như Thỏa thuận Paris, nhiệt độ Trái đất sẽ tăng hơn 3°C, vì vậy phải tăng mức tiết kiệm lên 40%.

Phải nỗ lực gấp bội mới kịp

Ít tuần trước khi Thỏa thuận COP 21 có hiệu lực, giới chuyên gia về khí hậu quốc tế phát ra một loạt tín hiệu hối thúc hành động khẩn cấp.

Ngày 29/09/2016, một thông báo của nhóm 7 chuyên gia hàng đầu thế giới (dài 7 trang) khẳng định « cần tăng đôi, gấp ba nỗ lực » mới có thể giữ được mức nhiệt độ như Thỏa thuận đề ra. Thông báo nói trên khẳng định ngay ở những năm đầu thập niên 2030, nhiệt độ Trái đất có thể sẽ đạt mức tăng 1,5°C. Và mức 2°C sẽ đến vào năm 2050, cho dù các nước thực hiện đúng các cam kết.

Theo các chuyên gia, thuộc nhóm GIEC (nhóm chuyên gia liên chính phủ về Biến đổi khí hậu), phải giảm từ 40 đến 70% lượng khí thải trong khoảng thời gian từ 2010-2050, và lượng khí thải toàn cầu phải là ở mức zero từ đây đến 2060-2075, mới đủ để giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 2°C. Điều vô cùng khó khăn, khi chúng ta biết có đến 82% năng lượng toàn cầu hiện nay là từ các năng lượng hóa thạch.

Theo cựu chủ tịch GIEC Robert Watson, người phát ngôn của nhóm, Trái đất đang « bị hâm nóng với tốc độ nhanh hơn dự kiến ». Theo Cơ quan Khí tượng Quốc tế, năm 2015, nhiệt độ trung bình Trái đất đã nóng hơn 1°C so thời tiền công nghiệp, trong khi năm 2012 chỉ mới tăng hơn 0,85°C. Nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan gắn với việc Trái đất bị hâm nóng, như khô hạn, cháy rừng, lụt, bão, tăng gấp đôi so với năm 1990, theo các chuyên gia.

Bên cạnh việc Thỏa thuận vắng mặt một cơ chế mang tính bắt buộc, việc có đến 80% các nước phụ thuộc vào hỗ trợ tài chính và trợ giúp kỹ thuật từ các nước giàu nhất là trở ngại lớn cho việc thực thi các cam kết. Một lo ngại lớn khác của các chuyên gia là việc Hoa Kỳ rời bỏ các cam kết, nếu Donald Trump – vốn là người phủ nhận Biến đổi khí hậu - đắc cử và, nếu Lưỡng viện Hoa Kỳ vẫn do đối lập kiểm soát, cho dù Hilarry Clinton chiến thắng.

Theo giáo sư Watson, cánh Cộng Hòa vẫn có tư tưởng phủ nhận Thỏa thuận Paris, để có thể tiếp tục sản xuất và xuất khẩu than, và điều này sẽ tạo ra một ảnh hưởng dây chuyền, khiến nhiều nước khác cũng từ bỏ cam kết.

Gần 400 khoa học gia lên án ứng cử viên Trump

Sự kiện được công luận quốc tế chú ý là bức thư ngỏ ngày 22/09 (được công bố trên trang responsablescientists.org), của 375 nhà khoa học, trong đó có 30 giải Nobel, lên án lập trường của ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump. Hồi đầu năm nay, ứng cử viên Trump tuyên bố sẽ « chôn vùi » Thỏa thuận Paris, nếu ông đắc cử.

Lá thư khẳng định Thỏa thuận này là « một bước đi đầu tiên khiêm tốn, nhưng có ý nghĩa lịch sử, và rất quan trọng để hướng đến việc quản lý hệ thống khí hậu Trái đất một cách sáng suốt ». Lập trường của ông Trump, một khi đắc cử tổng thống, sẽ có « những hệ lụy nghiêm trọng và lâu dài đối với khí hậu trên hành tinh và uy tín quốc tế của nước Mỹ ». Dù sao, theo các nhà quan sát, quyết định của tân tổng thống Mỹ khó đảo ngược tình thế chung, nếu thỏa thuận Paris có hiệu lực trước ngày nhậm chức tháng Giêng 2017.

Con cháu phải chi hàng trăm nghìn tỉ đô la để hút CO2

Trước thái độ bảo thủ của một bộ phận chính giới Mỹ, hôm nay, 04/10/2016, nhà khí hậu học nổi tiếng người Mỹ James Hansen, cùng một số đồng nghiệp, một lần nữa lên tiếng, khi giới thiệu một nghiên cứu mới nhất : « Gánh nặng đối với giới trẻ : Giảm CO2 là mệnh lệnh ».

James Hansen báo động : Nếu thế hệ hiện tại không nỗ lực trong việc giảm khí thải, thì các thế hệ tương lai sẽ buộc phải dùng giải pháp hút khí CO2 từ khí quyển với một cái giá khủng khiếp, « từ 104 nghìn tỉ đến 570 nghìn tỉ đô la ».

Năm 2015, nhà khí hậu học James Hansen – cùng với 21 người trẻ Mỹ từ 8 đến 19 tuổi – đã kiện chính quyền Liên bang Hoa Kỳ ra tòa, vì tội « không hành động đủ để chống lại Biến đổi khí hậu, với hệ quả là không bảo vệ được các tài sản công như không khí và nước sạch ». Hôm 08/04/2016, tiểu bang Orgeon đã thụ lý đơn kiện.

Giữa tháng 11 tới, tòa án tiểu bang Orgeon sẽ ra phán quyết. Nhà khí hậu học James Hansen hy vọng « các thẩm phán sẽ ít bị ảnh hưởng bởi các lobby dầu mỏ và than đá ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.