Vào nội dung chính
XUNG ĐỘT - SYRIA

Syria : Những lính đánh thuê Nga ra khỏi bóng tối

Đó là tựa bài phóng sự điều tra trên Le Figaro về những lính đánh thuê chuyên nghiệp, xuất thân từ trong quân đội Nga, dày dạn kinh nghiệm trận mạc ở các địa hình khó khăn nhất. Từ nhiều tháng qua, họ bí mật đến Syria tham chiến, hợp tác chặt chẽ với quân đội Nga và quân chính phủ Damas.

Tại một khu phố tây nam Aleppo, 02/08/2016
Tại một khu phố tây nam Aleppo, 02/08/2016 REUTERS/Abdalrhman Ismail/File Photo
Quảng cáo

Tác giả bài phóng sự đã gặp một nhân chứng trong cuộc tên là Vitaly, bí danh Prizer, 44 tuổi. Thời gian trong ngũ, Vitaly đã chiến đấu trong lực lượng đặc nhiệm trực thuộc cơ quan phản gián Nga FSB. Sau khi rời quân đội Nga, anh tiếp tục cuộc đời binh nghiệp thứ 2 của mình trên cương vị lính đánh thuê. Vitaly đã đến chiến đấu ở Irak, trong vịnh Aden, ở Ấn Độ Dương, trong nhiều nhiệm vụ khác nhau theo từng hợp đồng.

Theo tác giả bài viết, người đàn ông bí mật này là một trong số hàng nghìn chiến binh Nga vô hình được thuê bởi một số công ty quân sự tư nhân ở Nga được gọi là các "Tcheveka" mà quy chế hoạt động vẫn còn chưa rõ. Ảnh hưởng cũng như số lượng của các các công ty này tăng theo tỷ lệ với mức độ can dự của Matxcơva vào các cuộc xung đột ở nước ngoài. Vai trò của họ trước giới hạn trong cuộc chiến chống hải tạc, nhưng phạm vi hoạt động giờ đã mở rộng khắp nơi từ Trung Đông sang châu Phi. Gần đây hoạt động của các chiến binh này đã được ghi nhận trong vùng đông nam Ukraina, nơi có một phần nằm dưới sự kiểm soát của quân ly khai thân Nga.

Bài phóng sự cho biết, tại Syria, chỉ có các nhân viên tình báo quân đội Nga, những sĩ quan huấn luyện hay phi công mới chính thức tham chiến bên cạnh quân đội của chế độ Bachar al Assad, nhưng từ nhiều tháng nay, nhiều lính của một nhóm có tên gọi « Wagner » đã bí mật tiến hành các chiến dịch quân sự trên bộ và họ cộng tác chặt với quân đội Nga.

Đội quân do một nhà tài phiệt Nga cung cấp tài chính này có thể đã tham gia giải phóng thành phố Palmyra. Nhiều lính của nhóm này có thể đã thiệt mạng trên chiến trường Syria. Theo thông tin của trang mạng Fontanka.ru, Wagner dường như nằm dưới sự chỉ huy của cựu sĩ quan tình báo quân đội Nga, Dmitri Outkine. Một chi tiết khác cho thấy, nhóm quân này còn trực thuộc một đơn vị đặc biệt của tình báo Nga, có căn cứ ở miền nam nước Nga.

Bài phóng sự dẫn lời ông Alexandre Kharamtchikhin, chuyên gia Viện phân tích chính trị quân sự Nga giải thích : « Về mặt chính thức, Nga có thể nói họ không tham gia vào các chiến dịch trên bộ tại Syria. Nếu các cộng tác viên của những công ty trên bị thiệt mạng, thì đó không phải chuyện của quân đội và việc đó không gây tai tiếng nào trên truyền thông ».

Một chi tiết khác được bài viết tiết lộ đó là các công ty Tcheveka có thể trả mức lương lên tới 80 nghìn đô la mỗi tháng cho một cựu đại tá. Trong điều kiện như vậy, các công ty có thể tuyển dụng cả nghìn người trong một tháng.

Nguy cơ phát triển bừa bãi của lĩnh vực này đã khiến hai nghị sĩ Nga dưới sự chỉ đạo của Kremlin, năm 2013, đề xuất luật quản lý các công ty kinh doanh lính đánh thuê. Ở Nga người ta lo ngại các đội quân tư nhân do các nhà tài phiệt bỏ tiền nuôi dưỡng này nổi lên giống như ở đông nam Ukraina.

Philippines : Tổng thống Duterte thực hiện lời hứa

Liên quan đến châu Á, đặc phái viên của nhật báo Libération có bài viết dài về tình hình hình Philippines dưới thời tổng thống Rodrigo Duterte với tựa đề đang chú ý : « Tại manila, « thời của những kẻ giết người ».
Điều gì đang diễn ra tại Philippines từ khi ông Duterte lên nắm quyền tổng thống ? Theo tác giả bài viết : « Gần 3300 vụ hành quyết trong 3 tháng, không cần đến bằng chứng hay xét xử, tổng thống Rodrigo Duterte không định dừng lại ở đó. Danh sách tìm diệt của ông sẽ còn kéo dài thêm nhằm vào người tiêu thụ ma túy, tình nghi buôn bán ma túy trong đó kể cả trẻ em… ». 

Đặc phái viên của Libération mô tả cảnh tượng đáng sợ : « Mỗi ngày ở Philippines trên các báo, các trang mạng, người ta đều có thể bắt gặp các thông tin nơi này, nơi kia hàng chục người bị bắn hạ với những tên tuổi cụ thể. Người thì bị tiêu diệt trong cuộc đọ súng với cảnh sát, kẻ thì bị bắn chết ngay giữa thủ đô Manila, trên đảo Mindanao hay Naga bởi những ''hung thủ không rõ danh tính'' ».

« Những hình ảnh thi thể đẫm máu, nằm co quắp trên mặt đường nhựa, một phần thân thể phơi trần. Đó là những hình ảnh minh họa cho cuộc chiến bẩn thỉu chống ma túy đang lan tràn khắp Philippines từ khi ông Rodrigo Duterte nhậm chức hôm 30/6 ».

Tác giả viết : « Trong chiến dịch tranh cử, Duterte đã hứa hẹn một nhiệm kỳ tổng thống đẫm máu với mục tiêu là tiêu diệt 100 nghìn tội phạm… Ông ta thậm chí còn tuyên bố sẵn sàng giết chết con mình nếu chúng dùng ma túy. Các cử tri đã bầu cho ông hẳn sẽ thỏa mãn, ông ta đang bắt đầu thực hiện lời hứa của mình ».
Mới đây ông Duterte còn tuyên bố sẽ kéo dài thêm 6 tháng chiến dịch làm sạch đất nước. Jose manuel Diokno, một trong những luật sư nổi tiếng ở Philppines nhận định, đó mới chỉ là khúc dạo đầu cho việc thắt chặt các quyền con người
.

Chiến dịch bàn tay sắt của Duterte không chỉ nhằm vào những tội phạm ma túy mà còn để răn đe, thanh lọc những người chống đối ông ta. Một thẩm phán bị đe dọa vì bị chụp mũ là « luật sư của bọn buôn ma túy » sau khi người này đã dám chỉ trích Duterte trên Facebook.

Tại Philippines đang bao trùm không khí sợ hãi, không biết cuộc chiến nhân danh chống ma túy không có giới hạn của Duterte rồi sẽ đi về đâu.

Trung Quốc diễu võ dương oai dọa Nhật ?

Vẫn liên quan đến châu Á, nhật báo Le Monde trở lại sự kiện hôm 25/9 vừa qua Trung Quốc đưa hàng chục máy bay diễn tập mượn hành lang bay quốc tế giữa hai đảo Miyako và Okinawa của Nhật Bản. Tờ báo đánh giá hành động này là « Cuộc biểu dương sức mạnh của không quân Trung Quốc ».

Theo Le Monde, cuộc diễu võ giương oai của Trung Quốc tiến hành sau khi Tokyo tỏ lập trường về Biển Đông và thông báo tăng cường sức mạnh quân sự trong vùng này và hứa hẹn tiến hành hoạt động quân sự chung với những nước Đông Nam Á đang phải đối mặt với những đòi hỏi chủ quyền biển đảo của Trung Quốc.

Tờ báo dẫn nhận định của Giáo sư June Teufel Dreyer, thuộc Đại học Miami : « Thời điểm cuộc diễn tập thực tế là lời đáp trả điều mà Bắc Kinh coi là sự khiêu khích của Nhật Bản như việc : tham gia vào các hoạt động của hải quân Mỹ ở Biển Đông, bất chấp cảnh báo của Bắc Kinh cho là Nhật không phải bên liên quan trong các tranh chấp ở Biển Đông ».

Le Monde nhận thấy, Nhật dù gì cũng lo ngại về tuyến đường chủ yếu để tiếp dầu khí từ Trung Đông. Tokyo đã rõ ràng đứng về phía các nước đang đối mặt với các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc, đặc biệt với Philippines, Việt Nam, hai nước mà Nhật đã cung cấp tàu tuần duyên. Hơn nữa Nhật cũng là nước ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế La Haye phủ nhận các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Giáo sư Dreyer nhận định : « Chính phủ Trung Quốc rõ ràng đang muốn lập ra một chuẩn mực mới theo đó các hoạt động quân sự kiểu như trên sẽ trở nên thường lệ, điều mà trước đây vốn rất bất thường …. Người ta có thể sẽ thấy các hoạt động như vậy ngày cà diễn ra gần hơn với lãnh thổ Nhật bao gồm cả vùng phòng không (ADIZ) của nước này ».

Bầu cử tổng thống Mỹ : Clinton mới chỉ thắng một hiệp

Về thời sự Quốc tế, các báo Pháp ra hôm nay hầu hết đều dành một phần trang nhất cho cuộc tranh luận đầu tiên trên truyền hình tối ngày 26/9 giữa hai ứng cử viên tổng thống Mỹ : Donald Trump và Hillary Clinton. Nhận định chung của các báo là ưu thế nghiêng về ứng viên đảng Dân Chủ, người đã tỏ rõ kinh nghiệm chính trường và sự linh hoạt trong tranh luận.

Nhật báo le Monde chạy tựa lớn trang nhất : "Hoa Kỳ : Ưu thế Clinton". Xã luận của tờ báo lấy tiêu đề « Kinh nghiệm đối mặt với sự thiếu mạch lạc » viết : « Người ta đã thấy bà ta loạng choạng vì khó ở hôm 11/9. Hai tuần sau, đó là một Hillary Clinton khỏe mạnh, rõ ràng là đã bình phục hoàn toàn, đối mặt với Donald Trump, tối thứ Hai, trong cuộc tranh luận đầu tiên giữa các ứng viên tổng thống trên truyền hình ».

Theo tiêu chí cổ điển của các cuộc tranh luận giữa các ứng viên tranh củ tổng thống Mỹ, thì bà Hillary Clinton đã chiếm ưu thế hơn ông Donald Trump trong việc nắm bắt được các chủ đề đặt ra. Nhưng điều quan trọng là những tiêu chí cổ điển đó có thuyết phục được những cử tri còn đang lưỡng lự chưa biết bỏ phiếu cho ai. Con số này chiếm khoảng 20% cử tri Mỹ. Theo le Monde, trong bối cảnh của cử tri Mỹ hiện nay thì thắng Donald Trump ở tranh luận chưa phải là bảo đảm thuyết phục được những cử tri còn lưỡng lự này.

Trong khi đó Le Figaro nhận định đây « Clinton thắng thắng ở hiệp đầu nhưng không phải cả trận». Vẫn còn hai cuộc đối mặt ngày 9 và 19/10 cộng với một cuộc tranh luận của hai liên danh phó tổng thống vào ngày 4/10. Theo le Figaro, Trump sẽ không được hai lần phạm cùng một sai lầm.

Chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ không thể tóm tắt trong màn kịch truyền hình này. Còn 6 tuần nữa và nhiều chuyện có thể đến, điều chỉ có thể nói lúc này là Donald Trump đã bỏ lỡ cơ hội để chứng tỏ mình có tầm vóc của một tổng thống nước Mỹ hùng mạnh.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.