Vào nội dung chính
HOA KỲ -BẦU CỬ

Đã đến lúc Donald Trump và Hillary Clinton mặt đối mặt

Hôm nay, chủ đề được các nhật báo Pháp quan tâm nhất là cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton và Donald Trump. Nhật báo Les Echos miêu tả không khí nước Mỹ qua tựa : « Clinton-Trump : cuộc đấu tay đôi khấy động cả nước Mỹ ». Tựa trang nhất của Le Figaro chỉ gồm ba chữ ngắn gọn « Mặt đối mặt ». Nhật báo Libération thì kêu gọi «Trump-Clinton : hãy chiến đấu đi ». Le Monde chạy tựa trang nhất : « Cuộc tranh luận mang tính quyết định đầu tiên giữa Trump và Clinton ».

Cảnh chuẩn bị cho cuộc tranh luận giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ tối 26/09/2016, tại Hofstra University, New York.
Cảnh chuẩn bị cho cuộc tranh luận giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ tối 26/09/2016, tại Hofstra University, New York. Drew Angerer/Getty Images/AFP
Quảng cáo

La Libération đã dành bài viết dài để giới thiệu tổng quát buổi tranh luận giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ là Hillary Clinton và Donald Trump. Đây là buổi tranh luận « tay đôi » đầu tiên giữa hai ứng viên, được truyền hình trực tiếp trên tất cả các kênh truyền hình lớn của Mỹ, bắt đầu vào lúc 21h tối nay 26/09/2016 và kéo dài 90 phút. Theo ước tính, sẽ có hàng trăm triệu khán giả truyền hình theo dõi chương trình này tại Mỹ.

Người điều khiển chương trình là ông Lester Holt, 57 tuổi, người dẫn chương trình của NBC Nightly News. Cách đây vài ngày, ông Trump và bà Clinton đã ký một thỏa thuận mật, cam kết tuân thủ các quy định cụ thể của chương trình. Hai ứng viên bị cấm mang theo điện thoại, các thiết bị điện tử hỗ trợ, các tấm bảng, biểu đồ. Họ chỉ được phép mang theo các bản ghi chép trên giấy, bằng bút chì hoặc bút bi.

Buổi tranh luận liên quan tới ba chủ đề. Mỗi chủ đề gồm hai câu hỏi. Cuộc tranh luận tối nay tại Mỹ liên quan tới chính sách đối nội, ba chủ đề cụ thể là « Quản lý tại Mỹ, phát triển thịnh vượng và đảm bảo an ninh ». Mỗi ứng viên có hai phút trả lời, sau đó họ có quyền tranh luận về các câu trả lời của đối thủ.

La Libération chơi chữ, nhận định là « Cuộc tranh luận giữa Clinton và Trump : cú va chạm giữa những điều trái ngược ». Trong khi bà Hillary Clinton đã giảm các buổi meeting để dành thời gian chuẩn bị với ê-kíp cố vấn thì ông Donald Trump thậm chí đã tuyên bố ông không cần chuẩn bị gì cả. Nếu ông Trump có thể gây nhạc nhiên với tính cách khó lường cố hữu thì với tính cách thận trọng và kinh nghiệm của bà Clinton, chẳng ai nghĩ bà Clinton sẽ làm điều gì đó gây ngạc nhiên cho khán giả.

Còn Le Monde gọi cuộc tranh luận giữa hai ứng viên là cuộc tranh luận có tính rủi ro cao cho ứng viên đảng Dân Chủ. Theo Le Monde, tính cách khó lường của ứng viên cộng hòa Donald Trump sẽ là điều bất lợi cho bà Clinton. Chính bà Clinton đã thừa nhận : « Tôi không biết ông Trump sẽ thể hiện thế nào. Có thể ông ấy sẽ cố làm ra vẻ có phong thái của một tổng thống, với một tác phong nghiêm trang, điều mà đến giờ ông ấy vẫn chưa thể hiện. Cũng có thể ông ấy sẽ tiếp tục chửi bới và cố ghi điểm».

Còn ông Donald Trump thì trấn an dư luận hôm thứ Năm tuần trước : « Tôi sẽ giữ thái độ tôn trọng, và nếu bà ấy cũng thế thì mọi chuyện sẽ diễn ra tốt đẹp thôi » . Trong khi bà Clinton chỉ di chuyển có hai lần trong tuần qua để giữ sức cho cuộc tranh luận thì ông Trump liên tục có các buổi meeting, gặp gỡ những người « sùng bái » ông tuyệt đối.

Cho dù bà Clinton đã 5 lần tranh luận trực tiếp với thượng nghĩ sĩ Bernie Sanders trong vòng sơ cử của đảng Dân Chủ năm nay và năm 2008, bà đã 6 lần tranh cử với ông Obama, người sau này trở thành tổng thống Mỹ. Nhưng chắc chắn, ứng viên đảng Cộng Hòa sẽ tìm đủ mọi lý lẽ, dù là nhỏ nhất, để khẳng định mình. Ông thường xuyên khẳng định đối thủ của ông không dai sức, không đủ khỏe để đảm đương vai trò của một tổng thống. Hôm thứ Ba tuần trước, ông đã chế giễu Clinton : « Bà Hillary Clinton lại nghỉ phép. Bà ấy cần nghỉ ngơi. Hãy ngủ ngon, Hillary nhé. Chúng ta sẽ gặp nhau tại buổi tranh luận ».

Những người dưới 30 tuổi đề cao sự thoải mái trong công việc

Nhật báo công giáo Le Figaro trích dẫn một báo cáo mới đây của tổ chức Quan Sát Gia Đình Và Doanh Nghiệp cho biết « những người dưới 30 tuổi đề cao sự thoải mái trong công việc ».

Theo một cuộc thăm dò ý kiến của các chủ doanh nghiệp và giám đốc nhân sự của các công ty có trên 50 nhân viên do Viavoice thực hiện cho La Maison bleue và Le Figaro, 74% đánh giá người làm công ăn lương ngày càng đòi hỏi doanh nghiệp lắng nghe và quan tâm đến nguyện vọng của họ. Chỉ có 61% khẳng định là người làm công ăn lương ngày càng yêu cầu « được trả lương cao ».

50% số chủ doanh nghiệp và giám đốc nhân sự được hỏi đánh giá là ngày càng khó để người làm công ăn lương muốn gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. 51% thừa nhận gặp khó khăn trong việc thu hút nhân tài.

Một nhận định khác là những lao động trẻ tuổi không muốn gắn bó cả đời với một doanh nghiệp. Họ đòi hỏi có sự mềm dẻo, linh hoạt về giờ giấc làm việc. Ngay trong buổi phóng vấn xin việc, họ cũng không ngần ngại đặt vấn đề về sự thoải mái trong công việc, nhà trẻ cho con cái, số ngày nghỉ RTT, lương hưu hay khả năng làm việc từ xa.

36% số người lao động dưới 30 tuổi đề cao các điều kiện cho phép họ dung hòa đời sống gia đình và sự nghiệp. 31% quan tâm tới tiền ăn trưa và đi nghỉ mà công ty cho. 29% đề cao việc có xe công vụ và phòng làm việc riêng.

Buôn lậu tê giác ở Nam Phi : Ngoài tầm kiểm soát của pháp luật

Trong bài viết có tiêu đề : «Tê giác : tiến trình buôn lậu ngoài vòng kiểm soát », nhật báo Le Monde nhận định nạn buôn lậu sừng tê giác đang đe dọa loài động vật quý hiếm này. Năm 1900, ở châu Phi có 850.000 con tê giác, tới năm 2016, con số này giảm xuống còn 25.000 con.

Mặc dù công tác bảo vệ tê giác ở Nam Phi đã được tăng cường, nhưng nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác từ các nước châu Á quá nhiều, việc buôn lậu mang lại lợi nhuận quá cao nên những kẻ săn bắn tê giác trái phép ngày càng đông. Họ săn bắn tê giác theo cùng một phương thức : lẻn vào các khu bảo tồn thiên nhiên vào ban đêm, nhất là những đêm trăng sáng, đi theo nhóm 3-4 người, vũ khí thô sơ, có khi đi chân trần, một khẩu súng hơi giảm thanh để bắn tê giác, một các rìu hoặc một cao dao rựa để chặt sừng tê giác và điện thoại di động để liên lạc với tòng phạm đang đợi bên ngoài.

Những kẻ săn trộm tê giác bán cho trung gian 1kg sừng tê giác với giá 5.000-6.000 euro. Nhưng tại các nước châu Á như Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc, ở chợ đen, sừng tê giác được bán với giá 50.000 euro/kg, đắt hơn cả vàng và ma túy. Người châu Á tin rằng sừng tê giác là một vị thuốc tốt, có giá trị trong điều trị bệnh ung thư và cải thiện sinh lý ở nam giới. Nhưng điều này chưa được khoa học chứng minh. Các tác phẩm nghệ thuật được chế tác từ sừng tê giác cũng thể hiện sự giàu sang.

Pin, điểm yếu của các nhà sản xuất điện thoại smartphone

Trong bài viết có tiêu đề « Pin, cái thứ đáng ghét nhất trong mắt các nhà sản xuất smartphone », Le Figaro nhận xét pin là bộ phận nhỏ nằm ẩn bên trong lớp vỏ điện thoại nhưng hay được nhắc tới và hiện đang là tâm điểm mọi sự chú ý, nhất là sau khi chính nó mang lại cho hãng Samsung phiền toái lớn nhất trong lịch sử hãng này : thu hồi 2.5 triệu điện thoại Galaxy Note 7.

Điều đau đớn hơn nữa với Samsung là vào hồi đầu tháng 8, Galaxy Note 7 đã được xếp hạng là chiếc smartphone có thời lượng sử dụng pin lâu nhất. Le Figaro nhận xét chỉ vì viên pin mà «con át chủ bài » của Samsung đã biến thành «một thảm họa của ngành công nghiệp ».

Đằng sau biến cố này ẩn giấu những ván đặt cược khổng lồ. Đối với người dùng, điểm quan trọng nhất của một chiếc smartphone là thời lượng sử dụng pin và chất lượng bộ phận chụp ảnh. Thế nhưng, Le Figaro cho biết là điều oái oăm là tầm quan trọng của chúng trong mắt khách hàng lại tỉ lệ nghịch với chi phí sản xuất các linh kiện này.

Pin smartphone giữ vai trò quan trọng nhất đối với sự an toàn của người dùng và kế hoạch marketing của hãng nhưng chi phí sản xuất lại rất thấp, chẳng hạn, theo các chuyên gia phân tích Công ty phân tích và dữ liệu công nghiệp toàn cầu IHS, chi phí sản xuất pin iPhone 7 chỉ là 2.5 đô la so với 43 đô la chi phí sản xuất màn hình.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.