Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Điện thoại di động ngày càng ít được dùng để … gọi điện

Đăng ngày:

Điện thoại di động ngày càng ít được dùng để … gọi điện. Thương mại điện tử đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng. Y học cổ truyền Trung Quốc liệu có hiệu quả trong điều trị ung thư ? Alzheimer : căn bệnh chưa có thuốc chữa. Ẩm thực chay sẽ « lên ngôi » trong tương lai. Trên đây là những chủ đề chính trong tạp chí Thế Giới Đó Đây ngày 24/09/2016.

Điện thoại di động được sử dụng  ngày càng nhiều cho những việc khác
Điện thoại di động được sử dụng ngày càng nhiều cho những việc khác Reuters
Quảng cáo

Vì thiếu thời gian hay vì sợ làm phiền người khác ? Cho dù lý do là gì đi chăng nữa thì nhiều nghiên cứu đã cho thấy, với ngày càng nhiều tính năng, điện thoại di dộng ngày càng ít được dùng để gọi điện. Tin nhắn được ưa chuộng hơn vì người ta cảm thấy nhắn tin kín đáo, ít phiền phức hơn cho người nhận.

Từ « điện thoại di động » giờ đây ít được dùng. Theo cách nói hài hước của nhật báo La Croix trong bài viết « Không bao giờ không mang theo điện thoại bên người » ngày 17/09/2016, thế hệ « điện thoại di động » của thế kỷ XX giờ gần như đã biến mất và chắc chỉ còn có thể tìm thấy trong một xó xỉnh nào đó tại các cửa hàng bán đồ cổ.

Ngày nay, « điện thoại di động » đã bị « điện thoại thông minh - smartphone» soán ngôi. Smartphone đã trở thành chiếc « máy tính mini thực thụ». Có chiếc smartphone trong tay, người dùng có thể kiểm tra hộp thư, truy cập facebook, tìm đường, tìm địa chỉ, tra từ điển, đặt mua vé tàu, mua hàng trên mạng internet, nghe nhạc, chơi trò chơi điện tử, xem thông tin về thời tiết, xem phim truyền hình, đọc báo, học bài hay ôn thi …

Không chỉ có vậy. Điện thoại thông minh còn có tính năng quay phim, chụp ảnh, nhắc những việc cần làm … Các phát minh liên quan tới các tính năng, ứng dụng mới cho smartphone ngày càng nhiều và phát triển nhanh. Trong tương lai, điện thoại thông minh sẽ ngày càng được sử dụng nhiều để đo huyết áp, đo insulin và đếm số bước đi trong ngày …

Nhà xã hội học Françis Jauréguiberry, giáo sư Đại học Pau, ở miền nam nước Pháp nhấn mạnh : « Điện thoại di động đã làm cuộc sống của con người trở nên thuận tiện hơn rất nhiều ». Nhưng nó cũng đang làm thay đổi mối quan hệ của con người với thế giới, với những người xung quanh, trong công việc và ngay cả với bản thân. Về mặt thời gian, nó khiến chúng ta muốn cái gì cũng phải làm ngay, có ngay lập tức. Chúng ta dường như không phân biệt nổi cái gì là « cần thiết », cái gì là « khẩn cấp ».

Giờ đây, chiếc smartphone đã trở thành « vật bất ly thân » của nhiều người. Chỉ cần quên chiếc điện thoại ở đâu đó một ngày là chúng ta sẽ nhận ra không thể sống mà không có điện thoại. Tắt điện thoại ngày càng trở nên khó khăn vì « nó khiến chúng ta lo lắng, chúng ta sợ sẽ bỏ lỡ mất điều gì đó nếu tắt điện thoại ».

Trong đời sống riêng tư cũng như trong công việc, người ta ngày càng ít chấp nhận việc liên lạc với người khác bằng điện thoại di động mà không được. Nếu ai đó không trả lời tin nhắn ngay lập tức, họ sẽ phải thanh minh, giải thích. Nhà xã hội học Françis Jauréguiberry cho biết là theo luật bất thành văn, một khi chúng ta dùng điện thoại di động, vào bất cứ lúc nào, nếu có ai đó liên lạc với chúng ta thì chúng ta phải trả lời ngay.

Không chỉ có thế, giáo sư Françis Jauréguiberry cũng tiết lộ là những nghiên cứu gần đây đã cho thấy người quen của chúng ta sẽ nghi ngờ nếu chúng ta không bật ứng dụng định vị hay nếu họ không thể « lần ra dấu vết » chúng ta qua tính năng định vị điện thoại. Việc chúng ta từ chối bật ứng dụng định vị sẽ trở thành « hành vi đáng ngờ », trong mắt người bạn đời của chúng ta chẳng hạn.

La Croix hài hước kết luận : đây quả thực là một « sự minh bạch » khiến chúng ta phải suy ngẫm.

Thương mại điện tử làm thay đổi thói quen tiêu dùng

Đối với nhiều người Pháp, thương mại điện tử đã khiến giường ngủ trở thành ... địa chỉ mua sắm. Nghe thì có vẻ lạ, nhưng theo kết quả một cuộc khảo sát Ifop thực hiện cho DigitaLBI, 20% số lần mua sắm trên mạng Internet của những người trong độ tuổi 18-34 tuổi được thực hiện khi họ đang nằm dài trên giường.

Nhật báo La Croix, ngày 12/09/2016, trong bài viết « Làm thế nào thương mại điện tử thay đổi được phương thức mua sắm ? », nhận xét : Mua hàng trên mạng đã trở thành một hoạt động quen thuộc của nhiều người. Mỗi người có một cách mua hàng trên mạng khác nhau : từ phòng ngủ hay từ phòng bếp, trước màn hình máy tính hay từ smartphone, một mình hay cùng gia đình hoặc với bạn bè cho dù ai ở nhà nấy và liên lạc qua điện thoại để bàn bạc, thậm chí là ngay trong giờ làm việc.

Hiệp hội thương mại điện tử và bán hàng từ xa của Pháp cho biết năm 2015, doanh thu trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Pháp đã tăng 15%, hơn 80% số người có nối mạng internet cho biết đã từng mua hàng trên mạng.
Bắt đầu phát triển từ cuối những năm 1990, giờ đây mua hàng trên mạng đã trở thành thói quen của nhiều người thuộc mọi lứa tuổi, đặc biệt là những người không có thời gian đi mua sắm ở cửa hàng, những người không ở gần các trung tâm thương mại hay không có phương tiện đi lại thuận lợi.

75% người dùng internet và trên 66 tuổi có kinh nghiệm mua hàng trên mạng. Thương mại điện tử giúp cho cuộc sống của họ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Y học cổ truyền Trung Quốc có hiệu quả trong điều trị ung thư ?

Mấy ngày nay, cư dân mạng Trung Quốc đang xôn xao về cái chết của nữ diễn viên trẻ xinh đẹp Hứa Đình ở tuổi 26. Cô Hứa Đình bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư và đã qua đời sau hai tháng điều trị theo các phương pháp y học cổ truyền Trung Quốc.

Từ Thượng Hải, thông tín viên RFI Angélique Forget trình bày :

« Trên các trang mạng xã hội, cả những người ủng hộ và những người phản đối y học cổ truyền Trung Quốc đều lên tiếng. Trên trang Weibo - trang Twitter của Trung Quốc, hastag « cái chết của Hứa Đình và y học cổ truyền Trung Quốc » đã lan truyền nhanh chóng. Rất nhiều cư dân mạng bình luận như sau : « Khi chúng ta biết rằng Y học hiện đại có thể chữa khỏi bệnh thì chúng ta không nên mất thời gian vào y học cổ truyền ». Có người kêu gọi : « Đây không phải người duy nhất chết vì y học cổ truyền, điều đó buộc chúng ta phản đối y học cổ truyền Trung Quốc. »

Khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, diễn viên Hứa Đình đã thông báo cho người hâm mộ về bệnh tình của cô. Cô đã từ chối phương pháp hóa trị vì hai lý do : thứ nhất, cô sợ các chi phí tốn kém, thứ hai là sợ đau. Cô đã nói : « Tôi không muốn vì phương pháp hóa trị sẽ làm tôi thay đổi nhiều đến mức tôi sẽ không còn nhận ra mình nữa, và tôi cũng không muôn tiêu tốn quá nhiều tiền ».

Thật đáng tiếc là sau hai tháng chữa trị bằng châm cứu và giác hơi, sức khỏe của cô đã suy sụp. Và cô đã buộc phải hóa trị khẩn cấp. Thế nhưng, lúc này biện pháp hóa trị không còn tác dụng.

Thông tin về cái chết của Hứa Đình lan truyền nhanh chóng trên mạng internet. Nhiều người bình luận, tranh cãi về hiệu quả của Đông Y trong điều trị ung thư tới mức bác sĩ Lý Phong của Viện Y học Trung Quốc đã viết một bài trên tờ Nhân Dân Nhật Báo để tìm cách dung hòa các ý kiến.

Theo bác sĩ Lý Phong, y học cổ truyền Trung Quốc có lẽ đã không phải phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho cô Hứa Đình vì sức đề kháng của cô quá yếu.

Ông cũng cho là lẽ ra cô Hứa Đình nên phối hợp cả hai phương pháp chữa bệnh Đông Y và Tây Y để đạt được hiệu quả tốt nhất vì Đông Y và Tây Y đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng ».

Alzheimer : căn bệnh chưa có thuốc chữa

Từ 23 năm nay, ngày 21/09 hàng năm là ngày Thế Giới về Alzheimer. Bệnh Alzheimer được bác sĩ chuyên khoa thần kinh người Đức là Alois Alzheimer phát hiện cách đây 110 năm, nhưng cho tới giờ, thế giới vẫn chưa tìm ra vaccin phòng chống hay thuốc chữa khỏi căn bệnh có liên quan tới trí nhớ và trí tuệ của người cao tuổi.

2-4% số người 65 tuổi và 15% số người trên 80 tuổi mắc bệnh Alzheimer. Theo báo cáo của tổ chức Alzheimer quốc tế, chi phí hàng năm cho những người bệnh Alzheimer lên tới 818 tỉ đô la (1% tổng sản phẩm thế giới).

Không chỉ ảnh hưởng tới người bệnh, căn bệnh Alzheimer còn ảnh hưởng tới cuộc sống của gia đình họ, đặc biệt là những người thân chịu trách nhiệm chăm sóc, thường là chồng/vợ hoặc con của người bệnh. Họ phải làm rất nhiều việc như trông coi người bệnh cả ngày và đêm, vệ sinh, tắm rửa cho người bệnh, cho họ ăn uống, làm việc nhà và cả các thủ tục hành chính liên quan tới người bệnh … Theo một cuộc điều tra, 8/10 người gánh trách nhiệm chăm sóc người thân bị bệnh Alzheimer cho biết họ gặp rất nhiều khó khăn khi vừa phải đi làm, vừa chăm sóc người bệnh.

Ẩm thực chay sẽ « lên ngôi » ?

Ăn chay được chia thành ba mức : không ăn thịt ; không ăn thịt, trứng và các sản phẩm từ sữa ; không ăn các sản phảm có nguồn gốc động vật. Theo kết quả của các nghiên cứu gần đây tại châu Âu, 12% dân Anh, 10% dân Ý, 9% dân Đức và 3% dân Pháp không ăn thịt hoặc các sản phẩm có nguồn gốc động vật.

Theo nhật báo Le Monde ngày 17/09/2016 tại Pháp, từ năm 1998 đến năm 2004, lượng thịt tiêu thụ đã giảm 10%/người/năm. Lý do : tình thương động vật, đặc biệt là sau những tiết lộ gây sốc về việc hành hạ động vật trong các lò mổ hoặc trong các khu chăn nuôi công nghiệp, ảnh hưởng từ các vụ bê bối về thực phẩm, mong muốn bảo vệ môi trường và hệ sinh thái, mong muốn có một chế độ ăn uống lành mạnh hơn. Một số người chọn ăn chay vì lý do tài chính hoặc để cho tiện. Và theo một cuộc khảo sát, số dân Pháp muốn ăn chay sắp tới sẽ tăng lên đến 10%.

Trong bối cảnh như vậy, bà Virginie Pelletier, một đầu bếp chuyên các món ăn chay khẳng định : « Ngành nhà hàng phải chuẩn bị ngay từ bây giờ, vì tương lai sẽ thuộc về thực phẩm chay ».

Trên thực tế, nhu cầu khách hàng đến ăn chay ở các nhà hàng ngày càng tăng. Chẳng hạn, ở Milan - Ý, năm 1996, chỉ có ba nhà hàng chay, hiện nay, số nhà hàng chay ở thành phố này đã tăng lên đến 300. Nhà hàng fast-food chay Hank Burger ở Paris bán được 200-300 bánh burger chay mỗi ngày trong tuần và 400 bánh burger chay vào mỗi ngày cuối tuần.

Để đáp ứng nhu cầu ăn chay ngày càng tăng của khách hàng, các nhà hàng truyền thống và các trường dạy nấu ăn buộc phải tìm cách thích nghi. Đầu bếp chay Virginie Pelletier cho biết : « Trong trí tưởng tượng của nhiều người, các món chay rất nhạt nhẽo, chẳng có mùi vị gì, cũng chẳng có nhiều món mà lựa chọn». Nhưng ẩm thực chay cũng là ẩm thực. Để thu hút khách hàng, nhiệm vụ của các đầu bếp và các nhà hàng là khiến khách hàng hiểu được là hoàn toàn có thể.vừa ăn chay, vừa được hưởng thú vui thưởng thức một bữa ăn ở nhà hàng.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.