Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Nhà độc tài Karimov chết bất ngờ, Uzbekistan bất định

Đăng ngày:

Sau 25 năm liên tục cai trị Uzbekistan với bàn tay sắt, tổng thống Islam Karimov qua đời ngày 02/09/2016 vừa qua, ở tuổi 78, vì đứt gân máu não. Tachkent chậm trễ loan tin, nhưng lại khẩn cấp thông báo bầu tổng thống mới vào đầu tháng 12 và tuyên bố không ngả theo một liên minh quân sự nào.Tuy đứng « ngoài tầm ra-đa » của tây phương, nước cộng hoà Trung Á của Liên Xô cũ được quan tâm đặc biệt. Giới chuyên gia lý giải vì sao ?

Tổng thống Uzbekistan Islam Karimov trong cuộc hội kiến với lãnh đạo Nga tại Ufa, Nga, 10/07/2015.
Tổng thống Uzbekistan Islam Karimov trong cuộc hội kiến với lãnh đạo Nga tại Ufa, Nga, 10/07/2015. REUTERS
Quảng cáo

Nếu nhà độc tài Islam Karimov không đột ngột qua đời và nếu chính quyền Tachkent không chậm trễ trong việc loan tin, sau cả thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, có lẽ Uzbekistan, với 30 triệu dân không lên trang nhất thời sự quốc tế.

Thật ra, quốc gia Trung Á này có cùng biên giới với Afghanistan, giàu tài nguyên thiên nhiên, nằm trên con đường tơ lụa, là một địa bàn chiến lược quan trọng luôn bị Nga và Trung Quốc dòm ngó. Hoa Kỳ và châu Âu cũng một thời ve vãn nhà độc tài Islam Karimov, mượn đường tiếp vận cho đoàn quân viễn chinh NATO sang đánh Taliban tại Afghanistan.

Để gọi là « duy trì ổn định », tổng thống Islam Karimov sử dụng chiến thuật hai mặt. Trong suốt một phần tư thế kỷ cầm quyền, ông đặt người dân trong một chế độ áp bức, nhưng cùng lúc đi dây giữa Mỹ và Nga. Chính ông, vào trong cuộc trưng cầu dân ý năm 1990 đã kêu gọi người dân Uzbekistan bỏ phiếu thuận duy trì Liên Bang Xô Viết. Nhưng cũng chính ông, hai năm sau là nhà lãnh đạo Trung Á đầu tiên tuyên bố ly khai với Liên Xô.

Từ 15 năm nay, sau khi Hoa Kỳ bị khủng bố ngày 11/09/2001, Islam Karimov tuyên bố xem Hồi giáo cực đoan là kẻ thù và ký thỏa thuận hợp tác với Mỹ. Ngược lại, đối lập trong nước bị đàn áp thẳng tay.

Theo báo cáo của các tổ chức nhân quyền, vào năm 2015, trong nhà tù Uzbekistan, có ít nhất 12.000 tù nhân chính trị, với tội danh mù mờ : « phần tử cực đoan » hay « hoạt động chống Hiến pháp ». Thế nhưng, cho dù vụ thảm sát 300 người biểu tình vào ngày 13/05/2005 vẫn không được Tachkent làm sáng tỏ, vào năm 2009, Liên Hiệp Châu Âu vẫn hủy bỏ lệnh trừng phạt ban hành bốn năm trước đó và Washington duy trì quan hệ tốt với Islam Karimov (Le Monde 04/09/2016).

Tài ba của nhà độc tài Uzbekistan vừa qua đời là ông có cách « trở mặt » mà không bị trừng phạt. Phản lại cam kết với Mỹ, bất ngờ không triển hạn thời gian cho thuê căn cứ quân sự và hai lần ký thỏa thuận « đối tác » với Nga và hai lần hủy bỏ mà Putin vẫn không phản ứng.

Tuần báo Le Courrier International, ra ngày 08/09, nhận định : Washington và Matxcơva để yên cho Islam Karimov « chơi trò hai mặt » miễn là ông ta tiếp tục bảo vệ ổn định tại Uzbekistan và ngăn chận làn sóng khủng bố Hồi Giáo đe dọa cả nước Nga và Hoa Kỳ (Le Courrier International 08/09/2016).

Vì sao Uzbekistan, nằm trong vùng Trung Á xa xôi lại được các cường quốc tây phương và Nga quan tâm ? Liệu Uzbekistan thời hậu Islam Karim sẽ là địa bàn của Hồi Giáo cực đoan sao ?

Được RFI đặt câu hỏi, giáo sư địa chính trị Pierre Verluise, đại học Paris I, giám đốc trang mạng Diplo.web phân tích :

Uzbekistan nằm lọt giữa Kazakhstan ở phía bắc , Afghanistan ở phía nam và ba nước Trung Á khác là Kirghistan, Tadjikistan và Turkmenistan. Đây là một nước then chốt về địa lý nhưng cũng có nhiều tài nguyên quý giá như dầu khí và vàng… do vậy vị thế địa chiến lược rất lớn.

Uzbekistan là một chế độ độc tài. Ông Islam Karimov là một bạo chúa nhưng lại không chỉ định người kế nhiệm. Trong số các nhân vật thân cận, có chỉ huy trưởng mật vụ SNB Rustam Inoyatov, đương kim thủ tướng Shavkat Mirziyoyev và cô trưởng nữ…

Điều chắc chắn là tình hình vùng Trung Á đang căng thẳng vì những lý do nội tại và địa chính trị. Mức sống của người dân còn thấp cộng với nguy cơ Hồi giáo khủng bố chọn làm địa bàn họat động. Các chiến binh Daech đang bị thua tại Irak và Syria có thể chọn Trung Á làm hậu cứ để chờ thời cơ.

Đó là những lý do giải thích vì sao các cơ quan tình báo quốc tế, của Nga cũng như tây phương quan tâm đến tình hình Uzbekistan.

Vị trí trung tâm châu Á của Uzbekistan
Vị trí trung tâm châu Á của Uzbekistan Wikipedia

Từ năm 1997, một nhóm võ trang mang tên Phong Trào Hồi Giáo Uzbekistan bắt đầu họat động và tuyển mộ chiến binh từ các nước chung quanh. Mùa hè vừa qua, nhóm này công bố hai cuốn băng video, tuyên thệ trung thành với Daech. Theo tình báo Nga FSB, khoảng 500 chiến binh Uzbekistan đang họat động tại Irak và Syria. Ngoài nguy cơ khủng bố, Uzbekistan đứng trước một tương lai bất định mà bản chất khiếm khuyết của chế độ chính là căn nguyên. Đó cũng là những lý do làm cho các cường quốc thế giới cũng như khu vực lo ngại cho thời hậu Kamirov.

« Quốc tế cần một đầu cầu ở Trung Á do nhu cầu năng lượng và chiến lược địa chính trị. Uzbekistan nằm sát Afghanistan và trên con đường tơ lụa Âu Á. Các chính phủ Mỹ, Tây Âu, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ không có cùng quan điểm về nhân quyền. Ngay các chính phủ Tây phương, sau một thời gian công kích chế độ Kamirov đã bắt buộc nhìn nhận thực tế là tuy bạo chúa có nhiều khuyết điểm nhưng ít ra ông ta kiểm sóat được tình hình.

Giờ đây, các quốc gia Tây Âu còn có mối lo khác. Đó là không biết sau khi ông Karimov qua đời thì không biết chuyện gì sẽ xẩy ra cho Uzbekistan vì không có chuẩn bị người thay thế. Sự kiện chính quyền Tachkent chậm trễ trong việc loan tin cái chết của lãnh tụ chứng tỏ các phe phải thương lượng với nhau trong hậu trường.

Chúng ta có thể suy đóan rằng trong giai đoạn chuyển tiếp, chính quyền sẽ do ba hay bốn người điều hành. Dù sao thì thế cờ đang mở rộng với nhiều bất trắc đáng lo. »

Ngày 08/09, năm ngày sau khi an táng tổng thống qua đời, thủ tướng Shavkat Mirziyoyev lên làm tổng thống lâm thời. Chức vụ này lẽ ra phải do chủ tịch Thượng viện đảm nhiệm, nhưng ông Nigmatillia Yuldachev xin rút lui.

Trong cuộc họp báo đầu tiên vào ngày hôm sau, tổng thống lâm thời thông báo hai quyết định : 04/12 là ngày bầu cử tổng thống, ngày cuối cùng nộp đơn ứng cử là 30/09. Quyết định thứ hai là « không gia nhập bất kỳ một liên minh quân sự nào »

Phải chăng sau khi bối rối vì cái chết không người kế nghiệp của bạo chúa, Tachkent nhanh chóng muốn lật qua trang sử độc tài ? Hay trái lại, tổng thống mới, rất có thể là chính tổng thống lâm thời sẽ « được hợp thức hóa » theo mô hình do ông Kamirov để lại ? Liệu xảy ra những vụ thanh trừng đẫm máu như Kim Jong Un ở Bắc Triều Tiên để vừa củng cố vị thế vừa ngăn chận đại cường láng giềng can thiệp vào nội bộ.

« Rất có thể chỉ huy trưởng mật vụ SNB Rustam Inotatov, 72 tuổi, mang bệnh tiểu đường, không đủ sức khỏe để cầm quyền. Trong trường hợp này, ông sẽ ủng hộ thủ tướng Shavkat Mirziyoyev, 59 tuổi, một nhân vật có tiếng thân Nga.

Matxcơva có thể sử dụng lá bài Shavkat Mirziyoyev. Nga biết rõ nhân sự Trung Á vì cách nay không lâu vùng này còn là thành viên của Liên Xô cũ và thành phần chính trị Trung Á ngày nay tạm gọi là vẫn còn bị ảnh hưởng của chế độ Xô-Viết. Vấn đề rắc rối là chuyện khu vực này bị khủng bố Hồi Giáo đe dọa là có thật. Nhưng biết đâu Matxcơva sẽ khai thác nguy cơ này biến thành công cụ để can thiệp vào nội tình Uzbekistan. »

Trên báo mạng chính trị Mediapart ngày 02/09, tức là trong khi Tachkent còn giấu tin tổng thống qua đời, một chuyên gia Trung Á khác của Pháp là giáo sư Sébastien Peyrouse, dự báo : thủ tướng Shavkat Mirziyoyev, nhân vật độc tài không thua gì Karimov, đang ở thế thượng phong. Hai nhân vật chủ chốt khác là chỉ huy mật vụ Rustam Inoyatov và bộ trưởng tài chính Rustam Azimov. Cả ba người đều có quyền lợi tài chính khổng lồ trong doanh nghiệp nhà nước. Uzbekistan là một nước mà quyền lực chính trị đi đôi với « dịch vụ » có qua có lại và chồng chéo phức tạp với quyền lợi kinh tế. Nếu các phe không thỏa hiệp được với nhau thì tất cả đều thiệt hại. Đó chính là khó khăn đang chờ người kế nhiệm ông Kamirov và cũng là mầm bất ổn của Uzbekistan.

Nguy cơ chiến tranh với láng giềng

Với diện tích 447.000 cây số vuông, Uzbekistan đạt mức tăng trưởng khả quan trung bình trên 7% mỗi năm nhờ xuất khẩu vàng, đứng hàng thứ 8 trên thế giới. Bên cạnh dầu khí, xuất khẩu bông vải cũng là nguồn ngoại tệ chính. Tuy nhiên, chính sách thâm canh đã tạo ra thảm họa môi trường. Biển Aral cạn dần, mất đi 75% diện tích. Để giảm giá thành, năm 2014, chính quyền Tachkent cưỡng bách từ 2 đến 3 triệu công nhân thu hoạch bông vải, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (Le Monde 04/09).

Tình trạng thiếu nước còn đặt Ousbekistan vào thế lệ thuộc vào Tadjikistan. Cố tổng thống Karimov từng cảnh báo : nếu Tadjikistan xây đập thủy điện trên thượng nguồn thì Tachkent sẽ động binh.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.