Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Âu- Mỹ : Khả năng TTIP bị khai tử ?

Đăng ngày:

Ngày 30/08/2016 Pháp chính thức đòi tạm ngưng đàm phán về Hiệp Định Đối Tác Thương Mại và Đầu Tư TTIP Xuyên Đại Tây Dương hay còn được gọi là Hiệp Định Tự Do Mậu Dịch Xuyên Đại Tây Dương TAFTA đang được Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu thương thuyết. Công luận tại hai khu vực kinh tế thịnh vượng nhất thế giới cùng chống đối tiến trình thành lập một khu vực tự do mậu dịch chung. TTIP hay TAFTA là gì và tại sao sau 14 vòng đàm phán, sáng kiến của tổng thống Barack Obama lại vấp phải sự chống đối ngày càng gay gắt cả từ phía công luận Mỹ lẫn châu Âu ?

Biểu tình phản đối Hiệp ước Đối tác Thương mại và Đầu tư Xuyên Đại Tây Dương (TTIP) tại Bruxelles, Bỉ 12/07/2016.
Biểu tình phản đối Hiệp ước Đối tác Thương mại và Đầu tư Xuyên Đại Tây Dương (TTIP) tại Bruxelles, Bỉ 12/07/2016. REUTERS/Francois Lenoir
Quảng cáo

Một phần công luận Mỹ và châu Âu quy trách nhiệm cho chính sách toàn cầu hóa mở ra từ đầu những thập niên 1980/1990 cướp đi công việc làm của hàng chục triệu người, một tầng lớp bị gạt ra ngoài con tàu tăng trưởng. Sau nhiều năm hứng chịu hậu quả của khủng hoảng tài chính và ngân hàng, tinh thần bài toàn cầu hóa càng rõ nét. Nền công nghiệp ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương bị cạnh tranh dữ dội. Lương trung bình sa sút khi bị lương rẻ của châu Á cạnh tranh. Đời sống của cả một tầng lớp trong xã hội Âu Mỹ điêu đứng khi bị mất việc làm vì các công xưởng di dời cơ sở sản xuất.

Nước Mỹ ba tháng trước bầu cử tổng thống, Pháp và Đức, hai đầu nền kinh tế nặng ký nhất trong Liên Hiệp Châu Âu, cũng sẽ tổ chức bầu cử lại vào năm 2017. Tinh thần chống toàn cầu hóa càng dâng cao. Tất cả mọi dồn nén, bức xúc như đang tập trung vào Hiệp Định Đối Tác Thương Mại và Đầu Tư Xuyên Đại Tây Dương TTIP.

Đồng hóa các chuẩn mực phi quan thuế

Năm 2013, sau khi tái đắc cử tổng thống thêm một nhiệm kỳ thứ hai, Barack Obama đề nghị cùng với Liên Hiệp Châu Âu tiến tới một khu vực tự do mậu dịch chung trên cơ sở Washington và Bruxelles cùng có chung các chuẩn mực về y tế, về an toàn, về môi trường và xã hội trong các hoạt động thương mại và đầu tư.

Nhà Trắng đặc biệt chú ý đến vế « hàng rào phi quan thuế » vì muốn cùng với châu Âu có chung một tiếng nói để làm đối trọng với nhà vô địch về xuất nhập khẩu là Trung Quốc : Mỹ muốn tránh để Trung Quốc, với số lượng hàng hóa quá lớn đang tràn ngập thị trường quốc tế, nay mai áp đặt luôn cả luật chơi trên thị trường, chẳng những về giá cả mà còn luôn cả về các tiêu chuẩn an toàn, hay lao động, xã hội.

Để thuyết phục châu Âu đồng ý thương lượng, Hoa Kỳ nêu ra những lợi thế của một thỏa thuận TTIP như là : một khi khu vực tự do mậu dịch với 820 triệu dân đi vào hoạt động, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu mỗi bên sẽ thu vào thêm được 100 tỷ đô la nhờ xóa bỏ các hạn ngạch xuất nhập khẩu và chuẩn mực phi quan thuế ; TTIP cũng sẽ là chiếc đũa thần tạo thêm 2 triệu công việc làm cho Lục địa Già.

Luật chơi đề ra ban đầu tương đối đơn giản, dựa trên hai nguyên tắc : một là giảm hạn ngạch thuế xuất nhập khẩu để thúc đẩy mậu dịch hai chiều. Hai là có chung những chuẩn mực giữa Âu và Mỹ để hàng hóa, cũng như các dịch vụ của mỗi bên dễ dàng thâm nhập vào thị trường của phía bên kia hơn.

Một thí dụ trong việc đồng hóa các chuẩn mực giữa hai bờ Đại Tây Dương dễ được chấp nhận là hiện tại đèn xe hơi bên Mỹ màu vàng, trong lúc của châu Âu là màu trắng. Vì vậy một hãng xe châu Âu cần phản sản xuất cả hai loại đèn để lắp cho xe bán trên hai thị trường Âu và Mỹ. Với TTIP thì hoặc Mỹ chịu dùng đèn trắng như châu Âu, hoặc là Liên Hiệp Châu Âu sẽ dùng đèn vàng như bên Mỹ.

Vấn đề đặt ra là hai đối tác lại không có cùng quan điểm. Tiêu biểu nhất là cuộc đọ sức từ hàng chục năm nay trên vấn đề bắp chuyển đổi gen. Người Mỹ từ lâu đã quen với bắp OGM. Pháp và châu Âu vẫn cấm ngũ cốc, lương thực chuyển đối giống.

« Hộp đen » TTIP với những gì trong đó ?

Sau 14 vòng đàm phán mở ra liên tiếp trong ba năm qua, TTIP vẫn hoàn toàn bế tắc vì rất nhiều lý do. Thứ nhất cho tới tháng 5/2016 khi tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace tiết lộ gần 250 trang nội dung vòng đàm phán thứ 13 giữa hai bờ Đại Tây Dương, công chúng mới biết được về nội dung và khác biệt quan điểm của mỗi bên. Nói cách khác, các cuộc thương lượng liên tiếp giữa Âu và Mỹ là một chiếc hộp đen mà không ai biết là có những gì trong đó.

Lý do thứ hai là từ khi vòng đàm phán đầu tiên được khởi động vào giữa năm 2013, đôi bên vẫn không giải tỏa được nỗi « ám ảnh và lo sợ » của đối phương. Trả lời đài RFI chuyên gia kinh tế Thomas Porcher, Đại học Paris 1 Sorbonne nhấn mạnh đến khả năng, mỗi bên khai thác và diễn giải thỏa thuận theo hướng của mình để áp đặt luật chơi lên đối phương :

« Trong tất cả những văn bản đàm phán, có rất nhiều từ ngữ cao siêu, đòi hỏi phải có một trình độ chuyên môn cao mới hiểu được. Nhưng thực chất thì đấy là những tài liệu ‘rỗng tuếch’. Không một thí dụ cụ thể nào được nêu lên, không một lĩnh vực nào được nêu đích danh, không một chuẩn mực cụ thể nào về y tế, về lao động, môi trường … được nhắc tới. Để rồi khi bước vào giai đoạn cuối của các vòng đàm phán, thì các bên dựa vào cái được gọi là ‘sự công nhận lẫn nhau’ để đưa ra đồng thuận.

Theo tôi, cách đàm phán đó nguy hiểm, ở chỗ : Chúng ta thừa biết sức mạnh thuộc về phía nào áp đặt được những chuẩn mực của mình với đối phương. Chúng ta gọi là những nhà ‘standard maker’. Hiện nay, tất cả các đại tập đoàn đa quốc gia đều đã có những chuẩn mực của họ và không một ai dễ gì chấp nhận thay đổi những chuẩn mực đó để đi theo người khác.

Phải công nhận là các đại tập đoàn Mỹ vừa đông lại vừa mạnh, họ lại có khả năng vận động hành lang rất cao. Tôi không tin là nhóm này dễ dàng nhượng bộ châu Âu. Điều đó có nghĩa là phía Bruxelles sẽ phải đàm phán rất gay gắt ».

Theo tài liệu được tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace công bố về cuộc đàm phán lần thứ 13 giũa Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu về TTIP tại New York, đã có rất nhiều đoạn được để trong ngoặc, tức là các bên còn sẽ tiếp tục thảo luận về có thể là thay đổi nội dung. Chính những khoảng trống đó gây lo ngại.

Phía châu Âu sợ là các nhà công nghiệp Mỹ nhân danh nguyên tắc « đồng hóa các chuẩn mực » để xuất khẩu thịt bò có chất kích thích hormone sang Pháp hay Đức, hoặc đông Âu ; xuất khẩu lúa mì chuyển đổi gen. Trước mắt Bruxelles bảo đảm là kịch bản này không xảy tới. Những tuyên bố đó không trấn an được công luận châu Âu.

"Bánh vẽ" của TTIP

Lý do thứ ba khiến công luận châu Âu muốn chôn vùi TTIP càng sớm càng tốt là do từ trước tới nay, các thống kê của Liên Hiệp Châu Âu thường vẽ ra những viễn cảnh kinh tế tươi sáng trước những kế hoạch thành lập một thị trường chung, một đại gia đình Châu Âu, một thị trường rộng lớn … Thực tế thường không được như vậy.

Thống kê của Liên Hiệp Châu Âu chỉ ra rằng với TTIP kể từ năm 2027, mỗi năm toàn khu vực sẽ thu về được thêm 119 tỷ euro (110 tỷ euro theo thống kê của phía Mỹ). Phe bài TTIP cho rằng, con số này là quá ít ỏi, không chính xác bởi vì, mức được hay thua của từng ngành nghề, không đồng đều.

Về tính thực hư của các con số được nêu ra, nhà nghiên cứu Elvire FABRY trung tâm Institut Jacques Delors, đặc trách về hồ sơ TTIP thận trọng cho rằng : Hiệp định xuyên Đại Tây Dương không đem lại phép lạ cho tăng trưởng và công việc làm tại Châu Âu :

« Điều mà chúng ta chờ đợi là TTIP sẽ là một đòn bẩy, một cú hích, giúp thương mại và việc làm của châu Âu vững mạnh hơn. Hiệp định xuyên Đại Tây Dương không là chiếc đũa thần. Cần phải hiểu, Liên Hiệp Châu Âu thương lượng với Mỹ để tiến tới một khu vực tự do mậu dịch chung sau khi đã đàm phán với Nhật Bản, nhiều nước Á Châu và tại Châu Mỹ La Tinh. Bruxelles đã kết thúc đàm phán với Canada, hiệp định song phương này sắp được phê chuẩn. Chúng ta đừng quên Liên Hiệp Châu Âu là siêu cường số 1 trên thế giới về mặt thương mại ».

Thomas Porcher đại học Paris 1-Sorbonne lưu ý khác biệt giữa thỏa thuận giữa Liên Hiệp Châu Âu và Hàn Quốc so với dự án giữa Bruxelles và Washington như sau :

« Liên Hiệp Châu Âu ký thỏa thuận về hiệp định tự do mậu dịch với Hàn Quốc, một bản thỏa thuận 1800 trang, nhưng cần lưu ý là Châu Âu và Hàn Quốc sản xuất những mặt hàng khác hẳn nhau, ngoại trừ ngành công nghiệp xe hơi. Ngược lại với Mỹ, chúng ta cùng bán và cùng nhập những mặt hàng, những dịch vụ rất tương đồng với nhau. Không có sự bổ sung nào cho nhau. Cạnh tranh giữa Âu và Mỹ trong tương lai sẽ rất khốc liệt. Tôi không nghĩ là TTIP sẽ làm phía Hoa Kỳ từ bỏ những lợi thế của họ để đi theo châu Âu.

Xét cho cùng, thử hỏi rằng TTIP giúp gì cho Châu Âu trong những mục tiêu quan trọng là đem lại đà tăng trưởng, tạo công ăn việc làm cho 18 triệu người thất nghiệp, thu hẹp bất công xã hội và chống biến đổi khí hậu ? »

Với tiết lộ của Greenpeace, Bruxelles lại càng khó ăn khó nói khi tổ chức bảo vệ môi trường này chứng minh là tại Đức, nền kinh tế số 1 trong Liên Hiệp Châu Âu, thành phần chống đối TTIP rất mạnh. Nhiều tổ chức trong xã hội dân sự tại Đức lo rằng Bruxelles đã « đầu hàng » Washington ít nhất là trong hai lĩnh vực : nông nghiệp và đầu tư.

Chưa biết tương lai khu vực tự do mậu dịch chung Âu- Mỹ đi về đâu, và dù bênh hay chống, thực tế cho thấy TTIP còn đầy gian nan : cho dù Bruxelles và Washington có đạt được đồng thuận, hiệp định chỉ chính thức có hiệu lực một khi được chính phủ toàn bộ 28 thành viên Liên Hiệp Châu Âu và sau đó là đến lượt Nghị viện châu Âu phê chuẩn. Bước thứ ba là Hiệp ước phải có được sự đồng thuận của hơn 500 triệu công dân trong Liên Hiệp Châu Âu.

Ở đây đặt ra nhiều vấn đề : trước mắt chính phủ Hy Lạp của thủ tướng cánh tả cấp tiến Alexis Tsipras báo trước là Athens sẽ « không bao giờ » bật đèn xanh cho dự án nói trên. Trở ngại thứ hai là tại Nghị viện châu Âu, phe chống TTIP có tiếng nói rất mạnh. Hơn nữa, 28 thành viên Liên Hiệp Châu Âu sẽ phải tổ chức trưng cầu dân ý hoặc đưa TTIP ra biểu quyết tại Quốc hội. Không có gì bảo đảm là hiệp định Xuyên Đại Tây Dương sẽ vượt qua được tất cả những cửa ải đó.

Nhìn sang phía Hoa Kỳ, gần như chắc chắn là chính quyền Obama sẽ không còn tồn tại khi Âu Mỹ đồng ý về TTIP. Chủ nhân Nhà Trắng trong nhiệm kỳ 4 năm sắp tới, dù là bà Hillary Clinton hay ông Donald Trump sẽ không thiết tha với Khu vực Tự do Mậu dịch Xuyên Đại Tây Dương như chính quyền mãn nhiệm của ông Barack Obama.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.