Vào nội dung chính
KHÍ HẬU

Khí hậu : Các đảo quốc Thái Bình Dương kêu gọi quốc tế trợ lực

Trong ngày cuối Diễn đàn thường niên các đảo quốc Thái Bình Dương (PIF/Pacific Islands Forum), 10/09/2016, tại Micronesia, lãnh đạo nhiều nước thành viên đã kêu gọi quốc tế khẩn trương hỗ trợ để đối phó với Biến đổi khí hậu do khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đặc biệt là tạo điều kiện tiếp cận với Quỹ Xanh của Liên Hiệp Quốc.

"Những ngày cuối cùng của (quần đảo) Tuvalu" (2005) phim của Arte. Năm 2002, Tuvalu - quốc gia hơn 10.000 dân - từng có ý định kiện Mỹ và Úc (2 nước không phê chuẩn Nghị định thư Kyoto) ra Tòa án quốc tế, với tư cách thủ phạm của Biến đổi khí hậu.
"Những ngày cuối cùng của (quần đảo) Tuvalu" (2005) phim của Arte. Năm 2002, Tuvalu - quốc gia hơn 10.000 dân - từng có ý định kiện Mỹ và Úc (2 nước không phê chuẩn Nghị định thư Kyoto) ra Tòa án quốc tế, với tư cách thủ phạm của Biến đổi khí hậu. Arte
Quảng cáo

Thủ tướng quần đảo Cook, ông Henry Puna, khẩn thiết kêu cứu : « Biển đang nuốt đất. Cảnh tượng thay đổi rất nhanh chóng ». Ông yêu cầu để cho các đảo Thái Bình Dương được tạo điều kiện dễ dàng sử dụng Quỹ Xanh. Quỹ Xanh là một cơ chế do Liên Hiệp Quốc lập ra để trợ giúp các nước đang phát triển đối phó với Biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, nhiều quốc đảo nhỏ bé không có đủ nguồn nhân lực để tiếp cận với quỹ này.

Theo thủ tướng quần đảo Samoa, Sailele Malielegaoi, các hậu quả của Biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục trầm trọng hơn. Ông nhận xét : « Bão tố sẽ thường xuyên hơn, điều đó là chắc chắn. Để đối phó, cư dân chúng tôi ở đây cần nước dự trữ, năng lượng và internet. Bởi vì khi thảm họa xảy ra, rõ ràng bạn phải có khả năng liên lạc được với bên ngoài ».

Hồi năm ngoái, theo giới quan sát, nhóm các nước PIF đã có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy thông qua Thỏa thuận lịch sử về khí hậu tại Paris, với việc 195 quốc gia cam kết cùng phấn đấu để giữ nhiệt độ Trái đất tăng không quá 2°C so với thời tiền công nghiệp, mức tăng không quá 1,5°C cũng được chính thức đưa vào văn bản như một mục tiêu phấn đấu cao hơn. Theo các nhà khoa học, vượt quá mức nhiệt độ này, xã hội loài người sẽ không còn đủ khả năng thích ứng được với mức độ biến đổi của môi trường, như mực nước biển dâng cao, hay các diễn biến bất thường về khí hậu, như bão tố, khô hạn... 

Diễn đàn thường niên các đảo quốc Thái Bình Dương (PIF) bao gồm 16 thành viên chính thức, là các quốc gia độc lập, và hai vùng lãnh thổ Pháp, Polynésie và Nouvelle Calédonie (Tân Đảo), vừa được kết nạp. Ngoài Úc và New Zealand, đa số kinh tế các nước PIF ở trong tình trạng kém phát triển.

Tị nạn vì Biến đổi khí hậu, trước hết do nước biển dâng cao, là thách thức đè nặng lên các đảo quốc nhỏ bé nam Thái Bình Dương, từng được coi là những thiên đường trên hạ giới. Theo điều tra Global Estimates của Hội Đồng về Người Tị Nạn của Na Uy, tính trong bảy năm (2008-2014), các đảo nhỏ chịu thiệt hại do thiên tai gấp ba lần so với mức trung bình của thế giới. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.