Vào nội dung chính
UZBEKISTAN

Chuyển quyền ở Uzbekistan : Một thử thách đối với cả Trung Á

Sau cái chết của tổng thống Islam Karimov, trị vì tại Uzbekistan trong suốt 27 năm, phải chăng quốc gia vùng Trung Á này sắp phải trải qua một thời kỳ chuyển tiếp quyền hành đầy bất định ? Đối với các nhà phân tích, thời kỳ quá độ này sẽ là một thử thách, không chỉ đối với Ouzbekistan mà cho cả vùng Trung Á, đều nằm dưới quyền cai trị của những lãnh đạo độc đoán, trong bối cảnh Hồi Giáo cực đoan vươn lên mạnh mẽ.

Ông  Islam Karimov trong một cuộc tiếp xúc  với tổng thống Nga Vladimir Putin, tại Ufa, Nga, ngày 10/07/2015
Ông Islam Karimov trong một cuộc tiếp xúc với tổng thống Nga Vladimir Putin, tại Ufa, Nga, ngày 10/07/2015 REUTERS
Quảng cáo

Tổng thống Uzbekistan Islam Karimov, 78 tuổi, qua đời ngày 02/09/2016 vì xuất huyết não, là một lãnh đạo từ thời Liên Xô cũ, đã trụ lại vị trí lãnh đạo tối cao của đất nước sau khi Uzbekistan được độc lập năm 1991, và liên tục được bầu lại những lần sau, tiếp tục cầm cương nước Hồi Giáo Trung Á này cho đến khi qua đời.

Chế độ ở Uzbekistan là một chế độ chuyên chế, thiếu minh bạch, và sự ra đi gần như đột ngột của người dù sao đã đảm bảo sự ổn định của đất nước này suốt hơn 1/4 thế kỷ - tuy là nhờ mạnh tay đàn áp đối lập như nhiều người tố cáo - cũng gây lo ngại. Ai sẽ lên nắm quyền hành và sẽ là nhân vật ra sao ?

Nỗi lo ngại lại càng cao khi Uzbekistan lại có một vị trí địa dư chiến lược là giáp giới với Afghanistan, nơi mà Nga, Trung Quốc và các nước phương Tây đang tranh giành ảnh hưởng. Đối với người dân, theo hãng tin Pháp AFP, câu hỏi ám ảnh là « liệu lãnh đạo mới có thể tiếp tục dẫn dắt đất nước đi trên con đường trù phú như ông Karimov hay không ? »

Hiện giờ thì chủ tịch Thượng viện, Nigmatilla Iouldachev, đảm trách công việc điều hành cho đến khi tổ chức bầu cử trong 3 tháng tới đây, nhưng giới phân tích không chút nghi ngờ là một người thân cận của ông Karimov sẽ được chọn và bầu lên với tỷ lệ phiếu áp đảo như vị cố tổng thống.

Nhân vật được xem là có nhiều triển vọng là thủ tướng Chavkat Mirzioïev, 58 tuổi, trưởng ban tang lễ, nhưng vai trò của lãnh đạo sừng sỏ của ngành an ninh, của đương kim bộ trưởng Tài Chính, thậm chí của gia đình ông Karimov thì chưa được biết rõ.

Tuy nhiên theo phân tích của Scott Radnitz, một chuyên gia Đại học Washington, thì sác xuất đấu đá nội bộ tại Uzbekistan rất thấp, « chỉ vì tầng lớp « ưu tú » tại đấy đã được hưởng nhiều quyền lợi trong chế độ hiện hành cho nên họ đều muốn mọi chuyện diễn ra một cách êm đẹp ». Nhưng chuyên gia này cũng phải công nhận là do chế đô Uzbekistan khép kín, thiếu minh bạch, cho nên khó có thể tiên liệu những gì sẽ xẩy ra.

Những vấn đề đặt ra cho Uzbekistan trong thời kỳ chuyển tiếp này cũng là vấn đề chung cho vùng Trung Á mà chuẩn mực là các chế độ chuyên chính.

Ở phía bắc Uzbekistan là Kazakhstan với những mỏ dầu hỏa rộng lớn. Đây là nước mà cũng không thấy được rõ ai là người lên thay thế nhà lãnh đạo từ thời Cộng Sản, tổng thống Nursultan Nazarbaïev, 76 tuổi.

Một ví dụ có thể nhắc đến là Turkmenistan, nơi mà ông Saparmourat Niazov, một vị tổng thống khó lường, chết năm 2006, được thay thế một cách êm thấm bằng Gurbanguly Berdymukhamedov, người đang lãnh đạo hiện nay bằng bàn tay sắt, kiểm soát chặt chẽ truyền thông và xã hội dân sự.

Alexandre Baunov, thuộc trung tâm Carnegie, Matxcơva, nhận định một cách hóm hỉnh : « Sự ổn định tại các láng giềng của Uzbekistan tùy thuộc vào huyết áp của các vị tổng thống ». Một cách nghiêm chỉnh hơn, ông Baunov cho là « chắc chắn là thay đổi sẽ đến với Uzbekistan cũng như tại vùng Trung Á. Điều chưa rõ là thay đổi như thế nào, hình thức chuyển giao quyền lực ra sao. »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.