Vào nội dung chính
HOA KỲ - LIÊN HIỆP QUỐC

LHQ kêu gọi nỗ lực hướng đến loại bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt

Hôm qua 23/08/2016, tại một hội nghị mở rộng của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ở New York về “cấm phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt”, tổng thư ký Ban Ki-moon kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực để tiến tới loại bỏ hoàn toàn các vũ khí hủy diệt hàng loạt. Ông Ban Ki-moon cũng đặc biệt nhấn mạnh đến nguy cơ tổ chức khủng bố có được vũ khí hủy diệt hàng loạt là rất lớn và quốc tế hiện chưa sẵn sàng để đối phó. Lo ngại càng lớn hơn, khi nền ngoại giao truyền thống đã thất bại trong vấn đề cấm phổ biến vũ khí hạt nhân, mà các thách thức hiện nay dường như còn lớn hơn trước rất nhiều.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc  Ban Ki-moon trong một cuộc họp báo tại Vienna, Áo, ngày 26/04/2016.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon trong một cuộc họp báo tại Vienna, Áo, ngày 26/04/2016. ©REUTERS/Heinz-Peter Bader
Quảng cáo

Về lý do cần loại bỏ hoàn toàn các vũ khí hủy diệt hàng loạt, tổng thư ký Ban Ki-moon giải thích : " Tôi kêu gọi tất các quốc gia tập trung vào một sự thực cơ bản sau đây. Đó là con đường chắc chắn duy nhất để ngăn chặn nguy cơ hủy diệt về con người và về môi trường của các vũ khí hủy diệt, đó là dứt khoát loại bỏ chúng hoàn toàn, một lần cho mãi mãi ".

Từ New York, thông tín viên Grégoire Pourtier cho biết thêm chi tiết :

" Mối đe dọa hạt nhân là chủ đề của nghị quyết đầu tiên của Liên Hiệp Quốc năm 1946, tuy nhiên vấn đề này hiện vẫn là chuyện thời sự. Tổng thư ký Ban Ki-moon từng coi đây là một trong các mục tiêu hàng đầu, nhưng nhiệm kỳ thứ hai của ông Ban Ki-moon đã kết thúc với một kết quả đáng thất vọng.

Chắc chắn là, từ đó đến nay có một nghị quyết quan trọng từng được thông qua vào năm 2009, tuy nhiên hiệp ước cấm hoàn toàn các vụ thử hạt nhân cho đến nay vẫn chưa có hiệu lực, cho dù ra đời đã được 20 năm. Hơn nữa, tổng thư ký Ban Ki-moon lo ngại là vũ khí hạt nhân không còn là hiểm họa lớn duy nhất và không chỉ riêng các quốc gia mới có thể sở hữu được loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này.

Tổng thư ký Ban Ki-moon nhấn mạnh : “Bối cảnh chiến lược toàn cầu hiện nay là hết sức khó lường và nguy hiểm hơn bao giờ hết. Tiến bộ công nghệ khiến cho các phương tiện sản xuất và các phương pháp chuyển giao vũ khí hạt nhân, hóa học, sinh học, phóng xạ ngày càng trở nên rẻ hơn và ít phức tạp hơn. Hiện nay, nhiều thế lực phi nhà nước và đầy hận thù đang rất muốn có được vũ khí hóa học, sinh học và hạt nhân, với mục tiêu thảm sát thường dân’’.

Liên Hiệp Quốc đặc biệt lo ngại hình thức khủng bố mới này, với việc tri thức khoa học kỹ thuật được phổ biến dễ dàng qua mạng internet. Hôm qua, 23/08, một chuyên gia của Cảnh Sát Hình Sự Quốc Tế Interpol đã tiết lộ, vào năm 2014, một tài liệu về phát triển vũ khí hóa học đã nằm trong tay một nhà vật lý Tunisia, thân cận với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Tổng thư ký Ban Ki-moon cũng công nhận : Cộng đồng quốc tế hiện tại chưa sẵn sàng để đối phó với một cuộc tấn công sinh học quy mô lớn ".

Trong bài phát biểu của mình, ông Ban Ki-moon cũng nhấn mạnh là cộng đồng quốc tế hiện đang chờ đợi Hội Đồng Bảo An thực hiện vai trò lãnh đạo trong lĩnh vực này, đưa ra các phương tiện cần thiết để thực thi nghị quyết 1887 về ngăn ngừa phổ biến vũ khí hạt nhân, cổ vũ giải trừ vũ khí hạt nhân, hướng đến một thế giới không vũ khí hạt nhân. Nghị quyết đã được các thành viên Hội Đồng Bảo An nhất trí thông qua năm 2009.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.