Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Hy Lạp, cổng vào Liên Hiệp Châu Âu của Trung Quốc

Đăng ngày:

Vào lúc Liên Hiệp Châu Âu tính toán với Athens từng xu, Trung Quốc dễ dàng tung hàng trăm triệu nếu không muốn nói là bạc tỷ, để mua lại nhiều cơ sở của Hy Lạp. Ngoài những mục đích kinh tế, đầu tư vào Hy Lạp còn bao hàm cả những ý đồ chiến lược, bởi quốc gia này là cánh cổng mở ra Châu Âu, Địa Trung Hải, Biển Đen và cả Trung Đông.

Thủ tướng Hy Lạp A.Tsipras (trái) và chủ tịch COSCO Hứa Lập Vinh (Xu Lirong) trước lễ ký kết về cảng Pirée. Ảnh ngày 08/04/2016.
Thủ tướng Hy Lạp A.Tsipras (trái) và chủ tịch COSCO Hứa Lập Vinh (Xu Lirong) trước lễ ký kết về cảng Pirée. Ảnh ngày 08/04/2016. REUTERS/Andrea Bonetti
Quảng cáo

Một năm sau cuộc trưng cầu dân ý tháng 7/2015, với kết quả hơn 61 % cử tri nói « không » với các kế hoạch hỗ trợ Athens của quốc tế, Hy Lạp vẫn phải tiếp tục chính sách khắc khổ để nhận thêm được kế hoạch giúp đỡ thứ ba, trị giá 86 tỷ euro trong 3 năm.

Trong lúc bộ ba các nhà tài trợ của Athens (Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu, Liên Hiệp Châu Âu và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế) liên tục đòi Hy Lạp thông qua nhiều kế hoạch cắt giảm chi tiêu, đe dọa trừng phạt Athens nếu không hoàn thành mục tiêu giảm nợ công và bội chi ngân sách, thủ tướng Alexis Tsipras bị các đối tác Châu Âu dồn đến chân tường, thì cũng lãnh đạo đảng Syriza là thượng khách của Bắc Kinh trong vòng công du Trung Quốc mùa hè năm nay.

Đơn giản là vì trong mắt Trung Quốc, hơn bao gờ hết, lúc này là thời điểm thuận lợi để đặt địa bàn trên xứ sở của nữ thần Athena. Hy Lạp, một chặng dừng trên con đường quốc tế hóa của các doanh nghiệp Trung Quốc, là một trạm nghỉ trên lộ trình của con đường tơ lụa thế kỷ 21.

Tượng nhà hiền triết Socrate, tại thủ đô Athens.
Tượng nhà hiền triết Socrate, tại thủ đô Athens. Reuters

Thêm một cửa ngõ nối liền Á- Âu

Từ năm 2005, tức là trước khi Hy Lạp bị đẩy vào một cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế vô tiền khoáng hậu, Trung Quốc đã nhắm tới quê hương của nhà hiền triết Aristote. Năm 2006 tập đoàn viễn thông Hoa Vi đã liên kết với đối tác Hy Lạp OTE.

Tháng 10/2010 khi cơn bão tiền tệ thổi tới Hy Lạp, nhân chuyến công du quốc gia vùng Địa Trung Hải này, thủ tướng Ôn Gia Bảo và đồng nhiệm Georges Papandreou đã ký hơn một chục hợp đồng kinh tế trong rất nhièu các lĩnh vực, từ giao thông đến năng lượng, viễn thông, xây dựng ...

Viếng thăm Athens khi đó, lãnh đạo Trung Quốc đã không ngần ngại xem Hy Lạp là đối tác « đáng tin cậy nhất của Bắc Kinh trong Liên Hiệp Châu Âu ».

Tháng 6/2014 công du Hy Lạp trong ba ngày, thủ tướng Lý Khắc Cường chính thức ký kết 19 hợp đồng với Athens, tổng trị giá 3,4 tỷ euro. Bắc Kinh không còn che giấu tham vọng hiện diện tại Hy Lạp một cách lâu dài.

Tăng tốc đầu tư

Theo thống kê của Phòng Thương Mại Trung Quốc tại Athens năm 1972, tổng trao đổi mậu dịch hai chiều đạt được ngưỡng 1 triệu đô la. Phải đợi bốn mươi năm sau, con số này được nhân lên gấp bốn. Nhưng chỉ riêng trong quý 1/2012, tổng trao đổi mậu dịch song phương tăng 250 % so với cùng thời kỳ một năm trước đó. Riêng trong lĩnh vực công nghiêp, vốn đầu tư của Trung Quốc vào Hy Lạp được nhân lên gấp 1.000 lần trong vỏn vẹn bốn năm từ 2006 đến 2010.

Hiện thời, 67 % hải cảng Pirée thuộc về COSCO sau khi tập đoàn vận tài đường biển Trung Quốc này chi ra 368,5 triệu euro để trùng tu và nâng cấp cảng lớn nhất của Hy Lạp, trả thêm 410 triệu cho chính phủ Athens để Pirée trở thành địa bàn hoạt động của COSCO ở Địa Trung Hải.

Ngoài mục đích đưa hàng Trung Quốc vào Châu Âu qua ngả Pirée, COSCO đang hướng tới việc mở những tuyến đường du lịch trên biển phục vụ nhu cầu tham quan Châu Âu ngày càng lớn của người dân Trung Quốc và cả một tầng lớp trung lưu của Châu Á muốn tham quan đền cổ Parthénon.

Trả lời đài RFI giáo sư kinh tế Mary Françoise Renard, đại học Clermont- Ferrand, nhấn mạnh đến tầm mức quan trọng của việc bán lại cảng Pirée cho tập đoàn COSCO trong chiến lược của Bắc Kinh và Athens :

« Lợi ích đầu tiên là Trung Quốc coi Hy Lạp như cửa ngõ mở ra thị trường Châu Âu. Từ năm 2008 Trung Quốc đã tham gia vào việc quản lý Pirée, hải cảng lớn nhất của Hy Lạp. Thế rồi sự hiện diện của Trung Quốc ngày càng lớn, cho đến lúc tập đoàn COSCO bỏ ra hơn 368 triệu để làm chủ cảng này.

Với cảng Pirée, Trung Quốc bắt rễ vào Châu Âu, đồng thời hàng hóa của Trung Quốc được đưa thẳng đến vùng Địa Trung Hải để từ đó được phân phối đi khắp nơi trên châu lục này.

Còn với Hy Lạp, chuyển nhượng lại cảng Pirée cho đối tác Trung Quốc cũng là tính toán có lợi, bởi vì, chẳng những Athens đang cần vốn, mà Hy Lạp còn cần xuất khẩu bông vải, đá hoa và nhất là rượu sang Trung Quốc.

Thêm vào đó, nếu chúng ta nhìn đến con đường tơ lụa thế kỷ 21 của Trung Quốc, Hy Lạp là một địa điểm then chốt cho dù nước Ý mới là trạm chính của kế hoạch này trong vùng Địa Trung Hải. Chiến lược « nhất lộ nhất đới » của Bắc Kinh bao gồm cả một tuyến đường bộ và đường thủy ».

Hy Lạp, chặng dừng trên con đường Tơ lụa thế kỷ 21

Vào thời điểm khủng hoảng Hy Lạp lên đến đỉnh cao, năm 2011 Bắc Kinh khi đó đầu tư gần 540 triệu euro vào nhiều lĩnh vực kinh tế của một quốc gia đang bên bờ vực thẳm và bị đe dọa phải bước ra khỏi khối euro.

Với sức mạnh của đồng tiền, Trung Quốc đã mua lại từ hải cảng, đến phi trường, từ các doanh nghiệp đến những nông trại của Hy Lạp và giờ đây hai tập đoàn lớn của Trung Quốc là Shenzhen Airport và Friedmann Pacific Asset Management cùng đang nhòm ngó đến phi trường quốc tế ở ngay thủ đô Athens cũng như 37 sân bay nhỏ khác.
Trên bộ, không một nhà đầu tư nào lại quan tâm đến mạng lưới đường sắt của Hy Lạp như các tập đoàn Trung Quốc.

Một cách ngắn gọn, có thể nói là Trung Quốc đang thâu tóm cả 3 phương tiện giao thông chính trên bộ, trên biển và trên không của Hy Lạp ; hiện diện trong rất nhiều lĩnh vực từ ngân hàng đến điện lực, từ công nghệ viễn thông đến ngành đóng tàu, du lịch, hay năng lượng tái tạo …

Vô hình chung Trung Quốc đã dễ dàng chen chân vào Hy Lạp với sự đồng thuận gián tiếp của Châu Âu khi Bruxelles và các nhà tài trợ ráo riết đòi Athens đẩy mạnh các dự án tư hữu hóa từ cơ sở hạ tầng đến những lĩnh vực mang tính chiến lược. Tập đoàn quốc gia phân phối nước ngọt của Hy Lạp đã được các nhà đầu tư Trung Quốc mua lại.

Trung quốc "mua" một thành viên NATO và Liên Hiệp Châu Âu

Trong thỏa thuận giữa Athens và các chủ nợ được thông qua cách nay một năm, ba nhà tài trợ cho Hy Lạp đã yêu cầu nội các của thủ tướng Tsipras mở rộng các lĩnh vực kinh tế cho tư nhân để nhanh chóng thu về 6,4 tỷ euro trước cuối năm 2017.

Hy Lạp càng bị các chủ nợ dồn vào chân tường thì lại càng là mục tiêu dễ đạt được để phục vụ tham vọng thâm nhập vào châu Âu của Bắc Kinh. Theo sát nút Trung Quốc để luôn sẵn sàng « hỗ trợ » Hy Lạp là Nga.

Tổng thống Vladimir Putin công du Hy Lạp cuối tháng 5/2016 trong bối cảnh Liên Hiệp Châu Âu trừng phạt Matxcơva can thiệp vào Ukraina. Tại Athens, chủ nhân điện Kremlin và đã ký kết với chính phủ Athens một loạt thỏa thuận hợp tác, bao gồm từ khoa học đến kinh tế trong đó có cả dự án xây dựng một đường ống dân khí đốt để đưa năng lượng của Nga vào châu Âu, mà chặng đầu tiên là Hy Lạp, thành viên Liên Hiệp Châu Âu và Liên Minh Bắc Đại Tây Dương.

Với Hy Lạp, Bruxelles quá tập trung vào vế kinh tế mà dường như xao nhãng trước những tính toán về địa chính trị. Liên Hiệp Châu Âu như tạm quên rằng, kinh tế và quan hệ quốc tế là hai lĩnh vực thường gắn liền với nhau như hai mặt của một đồng tiền.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.