Vào nội dung chính
HOA KỲ - BẦU CỬ TỔNG THỐNG

Donald Trump hưởng lợi từ tâm lý chống Obama của người Mỹ da trắng

“Tâm lý tức giận, chống lại ông Obama đã tạo ra ứng viên Donald Trump” là nhận định của nhật báo Libération trong số ra ngày 12/08/2016. Hai năm trước đây, trong các cuộc thăm dò ý kiến về các ứng viên tiềm năng của Đảng Cộng Hòa, ông Donald Trump đã vươn lên dẫn điểm “nhanh như tên bắn”.

Ứng viên tổng thống Donald Trump và Hillary Clinton
Ứng viên tổng thống Donald Trump và Hillary Clinton RFI/ REUTERS/Mike Segar/Whitney Curtis
Quảng cáo

Sau tám năm cầm quyền của tổng thống George W. Bush, với các cuộc chiến tại Irak và Afghanistan, ý nghĩ là người dân Mỹ có thể bầu một người da màu lên làm tổng thống Mỹ đã tạo ra những điều tuyệt vời. Ông Hector Tobar, tác giả bài viết “Tâm lý hận thù, chống Obama của tầng lớp công nhân da trắng đã hỗ trợ chiến dịch tranh cử của Donald Trump” đăng trên nhật báo Libération, cho biết là một người da màu, khi tổng thống Obama đắc cử, ông đã coi đó là một kỳ tích và cảm thấy được an ủi.

Thế nhưng, tám năm sau khi ông Obama được bầu làm tổng thống, nước Mỹ đã “kiệt quệ, mất phương hướng và bị chia rẽ”. Trong thời gian Obama nắm quyền, bất bình đẳng về thu nhập và các mâu thuẫn xã hội ngày càng tăng.

ở Los Angeles, thành phố đông dân thứ hai nước Mỹ, từ năm 2008 đến năm 2016, giá nhà đã tăng 61%, vượt quá khả năng của phần lớn người lao động. Trong bốn năm qua, số người vô gia cư đã tăng thêm 19%. Đây cũng là xu hướng chung tại phần lớn các thành phố khác của Mỹ. Thêm vào đó là các vụ cảnh sát hành hung, giết hại người da màu, dẫn đến các phong trào chống kỳ thị sắc tộc và vụ sát hại cảnh sát tại Dallas, bang Texas thời gian gần đây.

Phe Cộng Hòa đã cáo buộc ông Obama chia rẽ đất nước, nhưng họ đã nhầm. Những gì xảy ra tại Mỹ trong tám năm qua là hệ quả của 40 năm phát triển trước đó. Từ những năm 1970-1980, phe bảo thủ đã tìm cách phá vỡ nhà nước xã hội - dân chủ mà các đảng cánh tả đã dày công xây dựng. Chính sách tấn công tội phạm và hỗ trợ xã hội chẳng qua chỉ nhằm che giấu cuộc đấu chống lại người da màu ngày càng tự tin và đang vươn lên nắm quyền.

Các chính trị gia bảo thủ đã lợi dụng nỗi sợ của người da trắng trước phong trào đòi bình quyền cho người da màu. Họ đã thuyết phục các cử tri da trắng ủng hộ các chính sách mới về thuế khóa có lợi cho người giàu, cắt giảm quyền của các nghiệp đoàn, các quỹ dành cho giáo dục công… Trên thực tế, tổng thống Obama, cũng như những người tiền nhiệm, không thể ngừng cuộc đấu này.

Những người Mỹ da trắng đã rất hài lòng khi ông Obama tái đắc cử năm 2012. Nhiều người hy vọng thái độ “rộng lượng” của họ khi bỏ phiếu ủng hộ ông Obama sẽ gột rửa những tội lỗi của thế hệ đi trước với người da màu. Nhưng Libération nhận định, "lòng tốt và vị tha không thể mang lại thịnh vượng". Có lẽ chính vì lẽ đó mà những người ủng hộ ông Donald Trump đã quyết định quẳng lòng vị tha đi. Họ sinh ra trong một đất nước mà quyền lực và mọi khả năng đều là vô hạn.

Thế nhưng, mọi điều tốt đẹp đã tan biến. Chẳng hạn, giờ đây chẳng còn chuyện mua nhà ở ngoại ô với giá rẻ, học trường công lập với chất lượng tốt, mua xăng giá rẻ, mua thuốc lá bị đánh thuế ít. Chuyện không có bằng tú tài mà lại vẫn mua được nhà ở ngoại ô với bể bơi là điều không thể. Giờ đây cũng không còn chuyện bôi nhọ các nền văn hóa khác ở nơi công cộng mà không bị phản đối. Những mất mát này khiến nhiều người tức giận. Bà Hillary Clinton, những người thuộc phe Dân Chủ, những người da màu hay những người ủng hộ họ đều bị quy tội đã tạo ra hệ thống chính trị mà ông Trump cáo buộc là “gian lận”.

Tác giả bài viết nhận định “kỷ nguyên” cầm quyền của ông Obama là giai đoạn ngày càng có nhiều nghịch lý. Chẳng hạn, chính phủ của ông đã trở nên khoan dung về văn hóa nhưng lại bị cáo buộc phân biệt chủng tộc. Chính phủ cải cách hệ thống chăm sóc sức khỏe, cho phép hàng triệu người được hưởng dịch vụ chăm sóc y tế, nhưng lại không thể kiểm soát các vụ giết người hàng loạt mà nạn nhân là các học sinh tiểu học, những người đi lễ nhà thờ hay những người đồng tính.

Một số ít người da trắng tự cho là nước Mỹ là do người da trắng gây dựng nên và để phục vụ người da trắng, còn người la-tinh, người da đen hay người châu Á chỉ là khách mời. Nhưng đương nhiên là họ đã nhầm: nước Mỹ, ngay từ khi được thành lập, đã là một đất nước đa sắc tộc và đa văn hóa.

Tuy nhiên, Libération cho rằng, phần lớn người dân Mỹ vẫn tin vào sức mạnh của lòng bao dung, vị tha. Họ hiểu là sự đa dạng về sắc tộc và văn hóa đã tạo nên sức mạnh của Hoa Kỳ. Họ tự hào đã bầu một người da màu, con trai của một người nhập cư gốc Phi, lên làm tổng thống. Vì thế, tác giả bài viết tin là họ sẽ đánh bại Donald Trump.

Ngày càng có nhiều di dân chết trên biển Địa Trung Hải

Mặc dù các biện pháp kiểm tra, giám sát và cứu nạn trên biển Địa Trung Hải đều đã được tăng cường và số các chuyến tàu chở di dân không tăng, nhưng từ tháng 01/2016 tới nay, số người chết trên vùng biển từ Lybia sang Ý vẫn không hề suy giảm.

Trong bài viết có tiêu đề : “Vẫn có thêm nhiều người chết trên biển Địa Trung Hải”, nhật báo công giáo La Croix gọi đó là “một nghịch lý đau xót trong mùa hè này”. Ít nhất 2.700 người đã chết khi tìm cách vượt biển từ Lybia sang Ý: so với cùng kỳ năm ngoái, con số này đã tăng thêm 1.000 người.

Đối với phát ngôn viên của Tổ Chức Di Cư Quốc Tế, “đây là một nghịch lý rất khó giải thích”. Vì trên thực tế, với sự phối hợp của Trung Tâm Cứu Hộ Biển, công tác giám sát và cứu nạn trên vùng biển từ Lybia sang Ý đã được tăng cường. Thêm vào đó, Hải Quân Ý cũng được sự hỗ trợ của chương trình tuần tra và cứu nạn trên biển của lực lượng kiểm soát biên giới châu Âu Frontex. Ngoài ra, họ được tăng cường nhờ chiến dịch Sophia và năm tàu của các tổ chức phi chính phủ để ngăn chặn các chuyến tàu chở người nhập cư trái phép, cũng như làm nhiệm vụ cứu nạn trên biển.

Theo La Croix, vấn đề nằm ở chỗ, do không còn nhiều tàu gỗ, các chủ tàu đã chuyển sang sử dụng xuồng vỏ nhựa giống như các xuồng nhựa bơm hơi thường thấy trên các bãi biển. Theo quy định, những con xuồng vỏ nhựa dày chưa đến 1cm này có khả năng chở 30 người nhưng trên thực tế, chúng thường chở tới 120 người. Hơn nữa, động cơ xuồng nhỏ và xăng thường không đủ để xuồng cập bờ.

Berlin đề xuất tước quốc tịch Đức của những kẻ khủng bố

Sau một loạt vụ tấn công xảy ra trong thời gian qua, Berlin đã đề xuất các biện pháp an ninh mới. Những kẻ Hồi Giáo cực đoan mang hai quốc tịch có thể bị tước quốc tịch Đức.

Trong bài viết có tựa đề « Khủng bố : đến lượt Berlin tính đến việc tước quốc tịch », Les Echos cho biết, các cơ quan mật vụ của Đức  đã xác định không dưới 820 kẻ Hồi Giáo cực đoan đã gia nhập đội quân của Tổ Chức Nhà Nước Hồi Giáo ở Syria và Irak. Gần 1/3 số người này đã trở về Đức và có thể gây nguy hiểm cho nước này.

Les Echos nhận định kế hoạch cải cách an ninh của bộ trưởng Nội Vụ Đức bao gồm các biện pháp giúp người tị nạn hòa nhập xã hội tốt hơn nhưng cũng nhằm phát hiện sớm hơn các dấu hiệu cực đoan hóa và các dấu hiệu tâm lý bất thường vì không chỉ hồi giáo cực đoan mà cả những bất thường về tâm lý cũng có thể dẫn đến các tội ác.

Kế hoạch an ninh mới này cũng đề xuất nhiều biện pháp khác như tăng cường sĩ số cảnh sát, đầu tư vào các công nghệ nhận diện khuôn mặt, thành lập một đơn vị chống tội ác và khủng bố trên mạng internet, quy tụ và đặt các lực lượng phản ứng đặc biệt khi xảy ra tấn công dưới sự lãnh đạo của một cơ quan duy nhất, cấm mạng che mặt tại nơi công cộng.

Nhiều công ty Đức cấm nhân viên chơi Pokemon Go

Trong bài viết với tựa đề : «Volkswagen cấm trò chơi Pokemon Go ở các dây chuyền lắp xe hơi», tuần báo kinh tế Les Echos cho biết hãng xe hơi của Đức đã giải thích với các nhân viên rằng việc công nhân chơi Pokemon Go khi đang làm việc sẽ khiến họ mất tập trung, dẫn đến các tai nạn lao động.

Les Echos viết : « Huýt sáo khi đang làm việc thì còn có thể, chứ chơi Pokemon Go trong nhà máy thì là đi quá giới hạn rồi ». Hơn nữa, việc bật chức năng định vị của điện thoại di động khi chơi Pokemon Go có thể làm rò rỉ thông tin mật ra bên ngoài. Volkswagen còn cấm các nhân viên tải trò chơi Pokemon Go bằng điện thoại di động của công ty vốn chỉ phục vụ cho mục đích công việc.

Les Echos cũng cho biết Volkswagen không phải là công ty đầu tiên ở Đức cấm trò chơi này. Nhiều công ty, chẳng hạn như Bosh, Bask, Evonik, Thyssen Kruptt, đã nhắc nhở nhân viên là bất cứ trò chơi nào cài đặt trên điện thoại di động cũng đều không phù hợp với các quy định về an toàn của công ty. Công ty Daimler thì không cấm, nhưng đề nghị nhân viên không chơi Pokemon Go trong giờ làm việc. Theo quy định, caméra trên điện thoại di động bị cấm sử dụng tại các nhà máy sản xuất, mà không dùng caméra thì trò chơi này đâu còn gì hấp dẫn.

Trang nhất các báo Pháp

Vụ hỏa hoạn đang hoành hành tại phía bắc thành phố Marseille, miền nam nước Pháp, tiếp tục được cập nhật trên trang nhất của Les Echos. Nhật báo kinh tế đánh giá đây là « một trong những trận hỏa hoạn nghiêm trọng nhất từ 20 năm nay ».

Cũng giống Les Echos, trang nhất của Le Monde quan tâm đến việc cựu tổng thống Pháp Sarkozy nối lại tranh luận về « quyền nơi sinh ». Cả hai nhật báo có cùng quan điểm rằng chỉ còn hai tuần nữa là đến hạn chót để cựu tổng thống Pháp tuyên bố có ra tranh cử tại cuộc bầu cử sơ bộ trong nội bộ đảng Những Người Cộng Hòa hay không. Ông Nicolas Sarkozy muốn bắt đầu chiến dịch vận động tranh cử với chủ đề « bản sắc dân tộc », an ninh và đấu tranh chống Hồi Giáo cực đoan.

Theo nhận định của Le Monde, từ 25 năm nay, các cuộc tranh luận về « quyền nơi sinh » và điều kiện được nhập quốc tịch Pháp gây chia rẽ cả cánh hữu lẫn cánh tả. Trong khi đó, tại Đức, một phần cánh hữu bắt đầu muốn thắt chặt an ninh và xem xét lại trường hợp hai quốc tịch.

Trang nhất của hai nhật báo La Croix và Le Figaro thì quan tâm đến tình trạng nhập cư tại châu Âu. Theo nhận định của nhật báo công giáo La Croix, « Tại Ý, người nhập cư rơi vào ngõ cụt » do các biện pháp kiểm soát được tăng cường tại biên giới với Pháp, Thụy Sĩ và Áo nên người nhập cư buộc phải dừng lại ở Ý. Còn Le Figaro phản tình trạng tại Calais, miền bắc nước Pháp, nơi người nhập cư tập trung để tìm cách vượt biển Manche để sang Anh. Tờ báo cho biết : « Người nhập cư, Calais lại bên bờ quá tải ». Với số người nhập cư trái phép không ngừng tăng tại đây (khoảng 7.000 người), cảnh sát Pháp báo động tình trạng quá tải và lo ngại nguy cơ khủng bố.

Riêng Libération đề cập chủ đề lịch sử trên trang nhất với hàng tựa lớn : « Liệu có phải xét xử những kẻ theo chủ nghĩa quốc xã cuối cùng hay không ? ». Hiện vẫn còn khoảng 100 người còn sống. Việc tiếp tục truy xét họ và kết tội họ vẫn chia rẽ các nhà sử học.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.