Vào nội dung chính
HOA KỲ - BẦU TỔNG THỐNG

Donald Trump : Ứng viên tổng thống bị coi là « người điên »

«Rối loạn nhân cách thể hiện qua việc xem thường các chuẩn mực xã hội, khó cảm nhận các cảm xúc, thiếu cảm thông với người khác và bốc đồng», « suy tôn thái quá bản thân »… Trước những nghi vấn không ngớt về sức khỏe tâm thần của ứng viên Đảng Cộng Hòa Donald Trump, Hiệp Hội Tâm Thần Học của Mỹ đã buộc phải can thiệp.

Ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa, Donald Trump tại North Carolina, Hoa Kỳ, 09/08/2016.
Ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa, Donald Trump tại North Carolina, Hoa Kỳ, 09/08/2016. REUTERS/Eric Thayer
Quảng cáo

Trong bài viết có tiêu đề « Ông Trump : ứng viên tổng thống điên rồ tới mức nhiều người coi là ông mắc bệnh tâm thần », nhật báo Libération cho biết, bằng cách bác bỏ hành xử như các chính trị gia truyền thống, có thiên hướng chửi rủa, nhục mạ và không bao giờ biết xin lỗi người khác, từ một năm nay, ông Donald Trump đã tạo cơ hội cho mọi người đặt câu hỏi về sức khỏe tâm thần của ông, và đương nhiên là về khả năng trở thành tổng thống của ông.

Bản kiến nghị « Donald Trump nguy hiểm cho đất nước » mà bà Karen Bass, nghị sĩ Dân Chủ ở California đã đưa lên mạng Internet và yêu cầu giám định tâm thần cho ứng viên đảng Động Hòa Donald Trump đã thu được 30.000 chữ ký. Nghị sĩ Karen Bass viết là ông Donald Trump « dường như tập hợp tất cả các triệu chứng rối loạn nhân cách của một người suy tôn thái quá bản thân ».

Libération cũng cho biết trong những tuần vừa qua, nhiều phóng viên và người dẫn chương trình truyền hình đã thể hiện những lo ngại về sức khỏe tâm thần của ông Donald Trump. Vấn đề này cũng đã thu hút được sự chú ý của nhiều chuyên gia y khoa và tâm thần. Chẳng hạn, giáo sư y khoa Jeffrey Flier, cựu giám đốc Khoa Y danh tiếng của đại học Havard không chỉ đánh giá ông Trump bị rối loạn nhân cách, suy tôn thái quá bản thân mà còn cho rằng con người ông Trump chính là định nghĩa cụ thể cho chứng bệnh tâm thần đó.

Trong bối cảnh này, Hiệp Hội Tâm Thần Học của Mỹ đã thấy cần thiết phải kêu gọi các thành viên Hiệp Hội hành xử có trách nhiệm. Chủ tịch Hiệp Hội muốn các chuyên gia trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần hiểu là bối cảnh bầu cử tổng thống hiện này có thể dẫn tới việc một số người muốn là các ứng viên tổng thống phải được kiểm tra tâm thần nhưng điều đó không chỉ là vô đạo đức mà còn là vô trách nhiệm.

Nhưng theo Libération, điều đó cũng không thể ngăn cản những người dẫn chương trình truyền hình, các nhà bình luận và ngay cả bản thân ông Donald Trump, qua cách hành xử của ông, tiếp tục tạo ra những suy nghĩ là ông mắc bệnh tâm thần.

Về hiện tượng Donald Trump, báo Liberation còn có xã luận nhan đề « Vỡ bong bóng », hay nói một cách khác là cái mặt nạ của Donald Trump đã rơi và làm lộ rõ bộ mặt thật của ứng viên tổng thống của đảng Cộng Hòa Mỹ.
Mở đầu, xã luận Liberation cẩn thận nhắc nhở : hãy tránh coi ước mong của mình là những gì có thật, đừng nhìn thấy một vật gì ngả nghiêng, uốn cong mà cho rằng nó sụp đổ, nói một cách nôm na, đừng quá mong ước rồi vội vàng « trông gà hóa cuốc ».

Bởi vì tuy có nhiều điểm dở, nhưng cũng phải thừa nhận Donald Trump có một phẩm chất : ông ta có khả năng, tiềm lực ; quá trình xây dựng sự nghiệp của ông ta chứng minh rõ điều này. Và bất hạnh thay là Donald Trump có đủ khả năng làm được mọi thứ, kể cả việc thay đổi tỉ lệ được lòng dân của ông ta hiện đang đi xuống. Vì còn những ba tháng nữa mới tới kỳ bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Ba tháng đôi khi là một khoảng thời gian dài.

Chính vì thế, theo Liberation, việc « cái bong bóng Donald Trump » bị nổ tung cũng làm cho chúng ta thở phào nhẹ nhõm một chút trong kỳ nghỉ hè nhan nhản những kẻ to mồm ầm ĩ, như Vladimir Putin hay Recep Erdogan. Hiện tượng ngày càng có nhiều người thuộc đảng Cộng Hòa chỉ trích, bỏ rơi Donald Trump trở nên ngoạn mục.

Các ông chủ lớn ở Anh Quốc không biêt đến khủng hoảng

Trên lĩnh vực kinh tế, Le Monde nhận định bất chấp các vụ tai tiếng, sự thay đổi đường lối chính trị, các chính sách điều tiết kinh tế mới, sự tức tối ngày càng tăng của các cổ đông thì lương của các ông chủ lớn ở Anh Quốc vẫn ngày càng cao.

Trong bài viết có nhan đề « Các ông chủ lớn ở Anh Quốc không biêt đến khủng hoảng », Le Monde cho biết vào năm 2015, lương của các tổng giám đốc của các công ty của FTSE 100 - chỉ số chứng khoán chính, đã tăng 10% so với năm 2014. Theo báo cáo năm ra ngày 08/08/2016 của Trung Tâm Thu Nhập Cao của Anh Quốc, thu nhập trung bình của những người này đã tăng lên đến 5,5 triệu bảng Anh (6,5 triệu euro). Con số này đã tăng thêm 1/3 so với năm 2010.

Hơn nữa, Le Monde lại nhận định, sự chênh lệch về lương của các ông chủ lớn với người làm công ăn lương trong các công ty này cũng ngày càng tăng. Năm 1998, lương của một ông chủ lớn ở Anh Quốc cao gấp 47 lần mức lương trung bình của nhân viên. Đến năm 2015, mức chênh lệch này là 140 lần.

Nhưng Le Monde cũng cho biết, mức chênh lệch lương cũng tăng giữa những ông chủ lớn này cũng ngày càng tăng. Trong khi lương của đa số những người này giữ ở mức ổn định vào năm 2015, thì một số ít người đã bỏ túi cả một gia tài khổng lồ. Chẳng hạn như ông Martin Sorrell, chủ hãng quảng cáo hàng đầu thế giới WPP, dẫn đầu danh sách với mức lương đạt 70,50 triệu bảng Anh vào năm 2015. Các ông chủ của tập đoàn bất động sản Berkeley Group đứng ở vị trí thứ hai với mức lương 23,3 triệu bảng.

Trước thực trạng này, từ một thập kỷ nay, chính quyền Anh Quốc đã thử áp đặt các quy định mới cho phép các cổ đông có quyền cho ý kiến tham khảo để hạn chế mức lương quá cao của các lãnh đạo công ty. Nhưng cũng chẳng ăn thua gì, vì ý kiến của họ chỉ mang tính tham khảo.

Đề tài này cũng gây nhiều tranh cãi về chính trị. Vì cho dù tỉ lệ thất nghiệp ở nước Anh là thấp nhưng từ năm 2007 tới nay, khả năng mua sắm của người dân đã giảm đi 10%. Trong số các nước thành viên của Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế, chỉ có Hy Lạp là từng chịu mức sụt giảm cao như vậy.

Ý thức được về vấn đề này, bà Theresa May, ngay trước khi trở thành thủ tướng Anh, đã chỉ trích sự tồn tại một khoảng cách vô lý và ngày càng tăng giữa lương của giới chủ và lương của nhân viên. Bà đã kêu gọi cải cách trong việc điều hành các công ty để bắt buộc có đại diện của người làm công ăn lương trong hội đồng công ty. Và bà muốn lá phiếu của các cổ đông về vấn đề lương của các ông chủ có tính quyết định chứ không còn chỉ mang tính tham khảo như trước đây.

Nhưng Le Monde cũng cho biết, ông Stern, giám đốc nhóm tư vấn cho chính quyền nước Anh tỏ ra thận trọng khi nói là những điều mà bà Theresa May đã phát biểu là chính xác nhưng điều quan trọng là làm thế nào cho hiệu quả vì chính sách điều hành các công ty có cả một lịch sử lâu dài và không phải lúc nào cũng diễn ra thuận lợi.

Cuộc chiến chống SIDA tại Nga bị điện Kremlin kìm hãm

Trên lĩnh vực y tế, trong bài viết có tiêu đề «Tại Nga, cuộc chiến chống SIDA, con tin của điện Kremlin », Le Monde nhận định vì thiếu các chương trình phòng ngừa và giáo dục, dịch bệnh SIDA tiếp tục lây lan rất mạnh.

Tại Nga, có hơn 1 triệu người dương tính với virút HIV. Nhưng tình hình đã trở nên đặc biệt trầm trọng. Le Monde cho biết, vào tháng 07/2016, Liên Hợp Quốc đánh giá Nga đã trở thành trung tâm của dịch bệnh SIDA. Khác với các nước khác, bệnh SIDA tiếp tục lây lan mạnh ở Nga. Năm 2014, có thêm 90.000 người mắc bệnh. Năm 2015, lại có thêm 100.000 người mắc bệnh. Những người có quan hệ tình dục khác giới mắc bệnh SIDA nhiều hơn những người quan hệ đồng tính. Điều này trái ngược lại so với tình hình chung. Mặt khác, 57% những người mới mắc bệnh là người nghiện hút.

Tuy nhiên, các tổ chức phi chính phủ về phòng chống SIDA lại gặp nhiều khó khăn khi hoạt động tại Nga vì không được nhà nước hỗ trợ tài chính như ở các nước khác. Thêm vào đó, vì bị coi là tổ chức của nước ngoài nên nhiều tổ chức phi chính phủ bị cấm hoạt động tại Nga.

Trong khi đó, chính quyền bảo thủ Nga thì lại coi là các chiến dịch tuyên truyền về dịch bệnh SIDA chỉ nhằm phục vụ chiến lược quảng cáo của các công ty kinh doanh bao cao su và kích thích trẻ vị thành viên và giới trẻ quan hệ tình dục sớm. Nga thậm chí còn cho là các số liệu về các ca nhiễm HIV là yếu tố trong cuộc chiến thông tin chống lại nước Nga, hay là một điều không có thật mà phương Tây sử dụng để bôi nhọ nước Nga.

Người dân Pháp dành 5% ngân sách gia đình cho các kỳ nghỉ

Trong bài viết « Người dân Pháp dành 5% ngân sách gia đình cho các kỳ nghỉ », nhật báo kinh tế Les Echos cho biết, số tiền người Pháp chi cho các kỳ nghỉ ít hơn các chi phí cho giao thông, ăn uống và giải trí nhưng lại nhiều hơn các chi phí cho quần áo và chăm sóc sức khỏe. Ngày càng có nhiều người Pháp đi du lịch. Năm 2016, 62% dân Pháp có kỳ nghỉ kéo dài hơn 4 đêm so với con số 59% vào năm 2001. Để tiết kiệm chi phí, 75% dân Pháp ưu tiên các hình thức ở trọ không mất tiền như ở nhờ nhà người thân, bạn bè hoặc ở nhà nghỉ riêng của mình. Do các kỳ nghỉ ở nước ngoài đắt gấp đôi các kỳ nghỉ trong nước nên 72% dân Pháp ưu tiên đi nghỉ ngay tại nước Pháp. Sự chênh lệch giữa các hộ gia đình cũng khá lớn : chỉ có 39% số hộ gia đình có thu nhập thấp so với 86% các hộ gia đình có thu nhập cao được đi nghỉ.

Trang nhất các báo Pháp

Nhật báo Le Monde chú ý đến tình hình chiến sự ở Syria khi chạy tít « Điều đang diễn ra ở Aleppo », cho biết cuộc tấn công của phe nổi dậy ở Aleppo đã cho phép phe này mở một con đường dẫn tới trung tâm thành phố hiện đang bị chính phủ Syria và liên quân Nga kiểm soát. Phiến quân Hồi giáo Mặt Trận Al-Nosra, nay đổi tên thành Fatah Al-Cham đã giữ vai trò quan trọng khi đáp lại lời kêu gọi chi viện cho phe nổi dậy ôn hòa. Đối đầu với Nhà Nước Hồi Giáo tự xưng, cách đây vài ngày, nhóm Fatah Al-Cham đã tuyên bố cắt đứt liên hệ với nhóm Al-Qaida. Gồm 10.000 thành viên, phiến quân Hồi Giáo đã sử dụng phương pháp tấn công tự sát và nhắm tới chức thủ lĩnh Hồi Giáo. Le Monde dẫn lời Đài Quan Sát Nhân Quyền cho biết cuộc xung đột kéo dài 5 năm tại Syria đã khiến 290.000 người thiệt mạng.

Quan tâm tới luật lao động tại Pháp, nhật báo kinh tế Les Echos chạy tựa trang nhất : « Tạo công ăn việc làm : Ảo tưởng trong luật lao động », cho biết các nhà kinh tế Pháp, mặc dù có nhìn nhận các các bước tiến trong cải cách, nhưng vẫn không tin tưởng là luật lao động mới sẽ có tác động tích cực tới việc tạo công ăn việc làm.

Cũng chú ý tới thời sự Pháp, Le Figaro chạy tựa trang nhất : «Nhà tù, thủ tướng Valls đối mặt với những tổn thất do cựu bộ trưởng tư pháp Taubira để lại », cho biết thủ tướng Pháp hứa là vào mùa thu tới ông sẽ ra kế hoạch xây thêm các nhà tù tại Pháp. Lưu tâm đến nỗi lo mùa màng thất bát của nông dân Pháp, nhật báo công giáo La Croix chạy tựa trang nhất : « Mùa hè đen tối của nông dân trồng ngũ cốc ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.