Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Ngân hàng Ý, « mắt xích yếu » của Châu Âu

Đăng ngày:

Với 360 tỷ euro nợ khó đòi, 55 % trong số đó có mức độ « rủi ro cao », ngành ngân hàng Ý bên bờ vực thẳm. Roma chạy đua với thời gian để cứu nguy lĩnh vực ngân hàng. Quy định mới về luật ngân hàng của Châu Âu gây thêm khó khăn cho chính phủ Ý.

Logo của ngân hàng Ý Monte dei Paschi di Siena
Logo của ngân hàng Ý Monte dei Paschi di Siena Reuters/Giampiero Sposito
Quảng cáo

Mùa hè 2016, giới lãnh đạo Châu Âu khó có thể an tâm đi nghỉ mát. Chưa đo lường được hết tác hại của Brexit, Bruxelles đã phải chuẩn bị tinh thần đối phó với một cuộc khủng hoảng ngân hàng ngấp nghé đe dọa nước Ý. Toàn bộ ngành tài chính của Châu Âu liệu có nguy cơ đương đầu với một cơn bão lớn ?

Ngày 29/07/2016 kết quả cuộc trắc nghiệm về khả năng đối phó với khủng hoảng kinh tế và tài chính, stress test, của 51 nhà băng thuộc Eurozone cho thấy, hai tập đoàn hàng đầu của Ý bị coi là « không an toàn » : Monte dei Paschi di Siena (BMPS) đội sổ và bị cho là « yếu kém nhất » trong số 13 tập đoàn ngân hàng của Châu Âu có tỷ lệ vốn cơ bản dưới ngưỡng tối thiểu 7 %. UniCredit, tập đoàn ngân hàng số 1 của Ý cũng có tên trong danh sách 13 ngân hàng gây lo ngại.

Cuộc trắc nghiệm của Châu Âu dựa trên một số tiêu chuẩn như là tỷ lệ vốn cơ bản của một ngân hàng ; khả năng nhanh chóng huy động vốn ; chất lượng tài sản - bao gồm cả vốn và tín dụng ; mức độ rủi ro của tín dụng khả năng đối phó với những biến động như khủng hoảng bất động sản, hay kinh tế suy thoái.

Ý, mối lo ngại của Châu Âu

Trong trường hợp của Ý, kết quả stress test nói trên không khiến ai ngạc nhiên. Đang nắm giữ 360 tỷ euro nợ xấu, tương đương với 22 % GDP của nền kinh tế thứ 3 trong khối euro (sau Đức và Pháp), ngành tài chính Ý đang là « một quả bom nổ chậm ». Từ Paris đến Berlin, từ Bruxelles đến Roma đều hồi hộp theo dõi hồ sơ này.

Như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế nhận xét : nước Ý của thủ tướng Matteo Renzi đang là « mắt xích yếu kém » của Liên Hiệp Châu Âu.

Những người bi quan nhất không loại trừ kịch bản khủng hoảng ngân hàng làm tiêu tan hy vọng tăng trưởng của Ý. Hay tệ hơn nữa là Ý rơi lâm vào kịch bản tương tự như Hy Lạp. Trước mắt 17 % tín dụng của Ý thuộc diện nợ xấu. Tỷ lệ này ở Hy Lạp là 47 %. Nhưng theo thứ tự, tại Pháp và Đức nợ khó đòi chiếm 4 % và 2 % trên tổng số nợ của các ngân hàng.

Đáng quan ngại hơn cả là có tới 200 trên tổng số 360 tỷ nợ xấu của ngân hàng Ý lại do tư nhân nắm giữ. Điều đó có nghĩa là nếu như các con nợ không thanh toán được số tiền nói trên, thì toàn dân Ý sẽ bị tác động

Đây chính là lý do vì sao, từ nhiều tháng qua, cổ phiếu của các ngân hàng Ý trong trạng thái « rơi tự do ». Chỉ số ngân hàng trên thị trường Milano mất giá hơn 30 % kể từ ngày 23/06/2016 khi đa số dân Anh đòi ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Tính từ đầu năm tới nay thì chỉ số này giảm 57 %. Chỉ riêng cổ phiếu của Monte dei Paschi di Siena, đã mất giá đến 80 % trong sáu tháng đầu năm.

Nguy cơ « đổ dàn »

Là tập đoàn ngân hàng lớn thứ ba trên toàn quốc, được sáng lập từ năm 1472, ngân hàng Monte dei Paschi di Siena đang nắm trong tay 47 tỷ euro nợ khó đòi. Trong Liên Hiệp Châu Âu không một tập đoàn tài chính nào lại có khoản nợ xấu lớn như vậy. Vì đâu tập đoàn ngân hàng lâu đời nhất trên thế giới nên nông nỗi này ? Ngõ thoát hiểm nào cho BMPS ?

Để trả lời cho câu hỏi thứ nhất, trước hết cần nhìn chung vào ngành ngân hàng Ý.

Ý là nơi có nhiều ngân hàng vào bậc nhất trên thế giới, với gần 700 ngân hàng lớn nhỏ đủ cỡ. Với sự cạnh tranh lớn như vậy, nhiều ngân hàng đã liều lĩnh cho vay mà không đòi hỏi quá nhiều bảo đảm. Nhìn vào tỷ lệ nợ khó đòi của BMPS giới kiểm toán giật mình nhận thấy rằng, có tới 34,6 % các khoản tín dụng Monte dei Paschi di Siena đã cấp, là nợ xấu.

Thứ hai là 70 % nợ xấu của các ngân hàng do đã cấp cho các doanh nghiệp cỡ vừa và nhỏ. Thế rồi để giảm bớt mức độ rủi ro, chính các ngân hàng đã « bán lại » nợ xấu cho tư nhân.

Nói một cách dễ hiểu, các hộ gia đình Ý phần lớn là những « chủ nợ » của bản thân các ngân hàng. Cuối năm 2015, hơn 10.000 nhà đầu tư cò con đã mất đứt một phần các khoản tiết kiệm sau khi 4 ngân hàng tuyên bố phá sản, cho dù chính phủ đã bơm thêm 430 triệu euro để tăng vốn cho 4 ngần hàng mất khả năng thanh toán.

Vậy trong trường hợp của BMPS nếu không đòi được 47 tỷ euro nợ khó đòi thì chính các hộ gia đình sẽ  là những nạn nhân đầu tiên.

Còn đối với giới tiểu thương, nếu tình hình kinh tế Ý tiếp tục sa sút, thì viễn cảnh phải « khất » hay « quỵt nợ » lại thêm cận kể.

Roma đang bó tay

Tình huống chồng chéo đó cho thấy, bài toán còn nan giải hơn gấp bội, nếu như ngành ngân hàng mất hẳn 200 trên tổng số 360 tỷ nợ khó đòi. Kịch bản đó là lưỡi gươm Damoclès, là mối đe dọa thường trực treo lơ lửng trên đầu nước Ý.

Từ 2012 đến 2014, GDP Ý tăng trưởng ở số âm. Năm ngoái, nước Ý sau một loạt các biện pháp cải tổ cộng thêm hai yếu tố thuận lợi là đồng euro mạnh, và giá dầu cực thấp, tổng sản phẩm nội địa đã tăng trở lại, nhưng tăng ở mức rất khiêm tốn là 0,4 %.

Theo các dự báo, trong trường hợp khả quan nhất, tăng trưởng của Ý trong tài khóa 2016 sẽ là 0,9 %, tức là một mức còn quá mong manh để chính phủ Ý có thể can thiệp hòng cứu nguy một tập đoàn ngân hàng nào lâm nạn.

Nói cách khác nếu một ngân hàng bị đe doa phá sản, chính phủ Ý bắt buộc phải ra tay tránh để khủng hoảng từ ngành tài chính ngân hàng lan sang địa hạt xã hội. Nhưng do còn nợ nần chồng chất, nợ công của Roma tương đương với 130 % GDP- lại không có tăng trưởng, Roma không có phương tiện để dập tắt ngọn lửa trong trường hợp phải đối mặt với hỏa hoạn.

Khi thần hỏa đang cận kề với Monte dei Paschi di Siena, nội các của thủ tướng Matteo Renzi biết là cần rót thêm 40 tỷ cho ngân hàng này nhưng bài toán không đơn giản. Nhất là khi Bruxelles vừa thay đổi luật chơi : từ tháng 1/2016 Ngân hàng trung ương Châu Âu và Cơ quan giám sát các hoạt động của ngành ngân hàng trong Liên Hiệp quy định, trong trường hợp một ngân hàng mất khả năng huy động vốn để tiếp tục hoạt động, thì trước hết các cổ đông của tập đoàn tài chính đó phải tiếp sức cho ngân hàng này.

Kế tới là những thân chủ ủy thác trên 100.000 euro phải can thiệp. Chỉ ở giai đoạn ba, tức là sau khi hai chiếc phao thoát hiểm đầu tiên đều hỏng cả, thì khi đó chính phủ mới lấy thuế của dân để tăng vốn cho ngân hàng bị nạn.

Với luật mới của Liên Hiệp Châu Âu, trước sau gì gánh nặng đó cũng bị đùn đẩy cho tư nhân. Đây là một tin xấu cho thủ tướng Matteo Renzi vào lúc Roma chuẩn bị tổ chức trưng cầu dân ý về dự án cải Hiến pháp Ý. Có điều, thủ tướng Renzi lại xem đây là một đợt trắc nghiệm cho những bước kế tiếp trên sự nghiệp chính trị của ông. Matteo Renzi báo trước ông sẽ từ chức nếu đa số cử tri bác bỏ kế hoạch cải tổ do ông đề xuất.

Nói tóm lại, vào thời điểm này, thủ tướng Ý không thể tuân thủ luật mới về ngân hàng của Châu Âu.

Theo phân tích của giáo sư Giuseppe Taranto, đại học Roma, Bruxelles cần linh hoạt trong chính sách quản lý ngân hàng, tránh để những khó khăn của Ý lan rộng tới các đối tác Châu Âu :

« Những quy định của Liên minh ngân hàng Châu Âu cần được áp dụng một cách thận trọng và Châu Âu cần tỏ thái độ thực tiễn trên hồ sơ này. Những vấn đề mà ngành ngân hàng Ý đang phải đối mặt không khoanh vùng trên quốc gia này mà còn liên hệ đến các đối tác khác trong Liên Hiệp, với những mức độ khác nhau. Kể cả ngành ngân hàng của Đức cũng bị ảnh hưởng. Ở đây tôi muốn nói tới những sản phẩm tài chính phái sinh (derivatives) mà tất cả các ngân hàng đều đang nắm giữ.

Đặc biệt, chúng ta đừng quên là hai ngân hàng lớn của Đức là Commerzbank và Deutshcebank cùng đang khiến các nhà đầu tư lo ngại, vì vốn cơ bản của cả hai tập đoàn này đang giảm sút. Thêm vào đó ngành ngân hàng Châu Âu còn phải hứng chịu tác động sau Brexit ».

Thử thách đầu tiên của Liên minh ngân hàng Châu Âu

Vậy thì giải pháp nào cho Roma, cho ngân hàng Monte dei Paschi di Siena ?

Bruxelles ý thức được rằng, bất ổn chính trị tại Ý nếu như thủ tướng Renzi phải từ chức sau cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 10 sắp tới, thì nền kinh tế thứ ba của khu vực đồng euro sẽ trở thành mục tiêu tấn công của giới đầu cơ.

Thêm vào đó đe dọa ngân hàng BMPS phá sản có thể đẩy toàn bộ khu vực tài chính của Ý vào cảnh ‘tức nước vỡ bờ’. Khi đó thì hệ thống ngân hàng của toàn khối Châu Âu không được nguyên vẹn. Kịch bản đen tối của trận đại hồng thủy tài chính năm 2008 có thể tái diễn, khi mà các ngân hàng trên thế giới đều có những khoản giao dịch chồng chéo với nhau.

Chính vì vậy các giới chức ngân hàng châu Âu đã rất thận trọng khi thông báo kết quả stress test vừa qua, và dường như chỉ khuyến cáo hai tập đoàn ngân hàng Ý trong số 5 ngân hàng bị kiểm tra.

Ngoài ra, Châu Âu luôn nhấn mạnh rằng trong trường hợp ngoại lệ, một nhà nước vẫn có quyền hỗ trợ các tập đoàn ngân hàng yếu kém.

Về phía Roma, nhà nước huy động quỹ đầu tư công cộng Atlante hỗ trợ ngân hàng BMPS qua cơn nguy biến. Hướng đi này đang tiến triển tốt và gần như là đã được Bruxelles đồng thuận với điều kiện Châu Âu đòi ngân hàng Monte dei Paschi di Siena phải nhanh chóng “giải tỏa” các khoản nợ khó đòi, ít nhất là bán lại hơn 9 tỷ nợ xấu từ nay cho tới năm 2018.

Nhưng dẫu sao ca đặc biệt của ngân hàng BMPS không là một trường hợp riêng lẻ tiêu biểu cho sự yếu kém của hệ thống ngân hàng Ý.

Ngay cả trong kịch bản tối ưu, liệu có dễ để bán lại một phần 360 tỷ nợ xấu của các ngân hàng ở bên kia núi Alpes hay không ? Đó còn là một ẩn số đối với cả thủ tướng Matteo Renzi lẫn các nhà lãnh đạo Châu Âu. Những khó khăn ngành ngân hàng Ý đang phải đối mặt là thử thách đầu tiên của Liên minh ngân hàng Châu Âu được thành lập vào năm 2012 được lập ra để làm lá chắn chống khủng hoảng tài chính.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.