Vào nội dung chính
THIÊN TAI

2016 : Năm nóng kỷ lục, nguy cơ xung đột gia tăng

Theo các cơ quan khoa học Mỹ, sáu tháng đầu năm 2016 phá kỷ lục nhiệt độ năm ngoái, và trở thành nửa đầu năm nóng nhất từ 1880 đến nay. Nhiệt độ Trái đất nóng lên nhanh chóng đi kèm với các biến đổi môi trường đáng sợ, đe dọa các vùng rừng taiga mênh mông của nước Nga, và kể cả các căn cứ quân sự Mỹ ven bờ biển. Một  ảnh hưởng xấu rõ rệt nhất là nguy cơ xung đột gia tăng tại nhiều quốc gia đa tộc người.

Mức tăng nhiệt độ toàn cầu tháng 4/2016.
Mức tăng nhiệt độ toàn cầu tháng 4/2016. Ảnh : NASA
Quảng cáo

Cơ quan quốc gia Hoa Kỳ về Đại dương và Khí quyển (NOAA) cho biết, trong khoảng thời gian nói trên nhiệt độ trung bình của Trái đất đã vượt 0,2°C so với năm ngoái, vượt mức độ trung bình của thế kỷ trước 1,05°C. Tháng 6/2016 là tháng nóng chưa từng được biết đến và đây cũng là tháng thứ 14 mà nhiệt độ kỷ lục của Trái đất liên tục bị vượt qua.

Còn theo giám đốc trung tâm Goddard của trung tâm NASA Mỹ, ông Gavin Schmidt, nhiệt độ trung bình sáu tháng đầu năm nay đã vượt 1,3°C so với cuối thế kỷ XIX, tức gần bằng « phương án B » (giữ nhiệt độ không tăng quá 1,5°C so với thời tiền công nghiệp), được thông qua trong Thượng đỉnh khí hậu COP21 tại Paris.

Theo chuyên gia của NASA, hiện tượng El Nino – mang dòng hải lưu nóng từ Xích đạo lan ra khắp nơi, xuất hiện năm ngoái và đang chấm dứt – chỉ góp vào khoảng 40% mức tăng nhiệt độ đầu năm nay, « 60% còn lại do các yếu tố khác, đặc biệt là việc Bắc Cực bị hâm nóng », do khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Hiện tượng Trái đất nóng lên được quan sát thấy ở mọi nơi, trước hết là trên hầu hết các đại dương, nhưng mức độ tăng đáng ngại nhất là tại Bắc Cực. Theo NASA và NOAA, diện tích băng Bắc Cực vào tháng 6 giảm mạnh nhất, ít hơn 11,4% (tương đương 1,3 triệu km²) so với mức trung bình từ năm 1981 đến 2010, và giảm 259.000 km² so với 2010, năm kỷ lục trước đó. Mùa đông năm nay, nhiệt độ nhiều nơi tại xứ sở Bắc Cực băng giá đã vượt 0°C, cao hơn đến 20°C so với nhiệt độ trung bình hàng năm.

Xung đột vũ trang gia tăng

Một trong những tác động tiêu cực rõ ràng nhất của việc Trái đất bị hâm nóng nói chung là nguy cơ tăng mạnh xung đột vũ trang tại những quốc gia đa tộc người.

Theo một nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ, công bố hôm 25/07, thì trong khoảng thời gian từ 1980 đến 2010, thời điểm bùng phát của 23% xung đột vũ trang tại 5 quốc gia đa tộc người nhất (trong đó có Syria, Afghanistan và Somalia) trùng với thời điểm xảy ra các thảm họa thiên nhiên, đặc biệt là tình trạng hạn hán. Một chuyên gia viện Postdam, Đức, giải thích : “tình trạng thiên tai không trực tiếp gây ra các xung đột, nhưng có thể làm gia tăng nguy cơ”.

Ngày 28/07, FAO – tổ chức Lương Nông của Liên Hiệp Quốc tung ra lời kêu gọi cứu trợ khẩn cấp cho 10 quốc gia, miền nam châu Phi đang bị nạn khô hạn đe dọa. Khoảng 23 triệu người châu Phi, từ Madagascar, đến Mozambic, Nam Phi, Tanzania… đang đói nặng. Còn theo một số tổ chức quốc tế khác, có đến 40 triệu bị đói tại miền Nam và miền đông châu Phi. Theo Save the Children, có đến 26,5 triệu trẻ em châu Phi bị suy dinh dưỡng, thiếu nước và bị nhiều bệnh tật đe dọa.

Theo FAO, trước mắt cần 109 triệu đô la để cung cấp khẩn cấp giống, phương tiện và phân bón để 10 nước bị hạn hán có thể tự sản xuất đủ dùng, không phụ thuộc vào cứu trợ nhân đạo. Để tái khởi động toàn bộ nền kinh tế bị tê liệt vì hạn hán, khu vực này cần đến 2,7 tỷ đô la.

Nga : Cháy rừng nghiêm trọng, chính quyền lẩn tránh

Nước Nga cũng bị nóng hạn đe dọa nghiêm trọng, nhưng chính quyền một mặt dường như không công nhận mức độ thiệt hại, mặt khác thiếu phương tiện để đối phó. Theo một đại diện của tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace, tại nhiều khu vực ở Siberi, nhân viên cứu hỏa từ chối đi dập cháy rừng vì không có lương.

Mùa hè năm nay, tại Siberi, số lượng đợt gió nóng và khô tăng vọt so với các năm trước. Gấp đến 10 lần năm ngoái, theo một giới chức chính quyền Nga.

Theo số liệu thống kê của Greenpeace và một số tổ chức bảo vệ môi trường khác, có đến gần 7 triệu hecta rừng bị cháy năm nay, gấp khoảng 10 lần so với con số chính thức.

Đại diện của Greenpeace cho biết quá trình xảy ra cháy rừng quy mô lớn thường diễn ra rất đơn giản, một đốm lửa nhỏ trong rừng không được khống chế, và nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát. Vẫn theo Greenpeace, lực lượng cứu hỏa của Nga chỉ nhận được 10% kinh phí cần thiết.

Trong khi đó, nhà chức trách Nga lên án các đánh giá của giới bảo vệ môi trường. Một phụ trách cứu hỏa địa phương thậm chí còn cho rằng, nhìn chung chỉ nên dập lửa ở những khu rừng có ảnh hưởng đến dân cư, còn lại không cần thiết.

Theo một số chuyên gia, mức độ tiêu cực của nạn cháy rừng không chỉ dừng ở diện tích bị cháy, mà còn sâu xa hơn. Tại miền bắc Siberi, lửa bén sâu vào tận gốc cây, ngăn chặn khả năng rừng tái sinh đến nhiều thế kỷ.

Mỹ : Nhiều căn cứ quân sự bị đe dọa

Nhiệt độ tăng nhanh chóng khiến hơn khoảng 100 căn cứ quân sự Mỹ bị nạn nước biển dâng cao và bão tố đe dọa. Một báo cáo của tổ chức phi chính phủ Mỹ « Union of Concerned Scientists » (UCS), công bố hôm 27/06/2016, đưa cảnh báo nói trên, dựa trên việc phân tích tình hình tại 18 căn cứ, đại diện cho các căn cứ ven bờ biển của Hoa Kỳ.

Theo báo cáo của UCS, tình hình đặc biệt đáng ngại tại bờ biển miền đông và vùng vịnh Mêhicô, bốn trong số 18 căn cứ được nghiên cứu, có thể mất từ 75% đến 95% diện tích trước cuối thế kỷ.

Báo cáo của tổ chức phi chính phủ Mỹ được công bố nhằm phê phán việc ủy ban ngân sách của Hạ Viện, do đảng Cộng Hòa kiểm soát, đã ngăn cản dự án giúp ngành quốc phòng thích nghi với biến đổi khí hậu của chính phủ.

Hàng không : Mỹ thúc đẩy đánh thuế CO2

Chính phủ Mỹ tiếp tục có các biện pháp để hạn chế biến đổi khí hậu. Hôm 22/07, ngoại trưởng Kerry thông báo Washington sẽ đẩy mạnh cuộc chiến chống khí HFC. Khí HFC thường được dùng trong máy điều hòa nhiệt độ và máy lạnh, là một loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính nghiêm trọng. Cuối 2015, 197 quốc gia ký nghị định thư Montreal đồng ý sửa đổi thỏa thuận nói trên, để giảm sản xuất và tiêu thụ khí HFC. Theo ngoại trưởng Mỹ, việc này có thể làm giảm mức tăng nhiệt độ Trái đất đến 0,5°C.

Còn ngày 25/07, Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ thông báo tạo các điều kiện cần thiết cho việc đánh thuế khí thải CO2 trong ngành hàng không. Hàng không thế giới chiếm khoảng 2% tổng lượng khí thải toàn cầu, mà khí thải do máy bay của Mỹ chiếm 29% tổng số. Ứng cử viên tổng thống đảng Dân Chủ Hillary Clinton cho biết, nếu đắc cử bà sẽ tiếp tục chính sách của tổng thống Obama, trong khi đó ứng cử viên Donald Trump hứa hẹn sẽ bãi bỏ các chính sách hạn chế biến đổi khí hậu của người tiền nhiệm.

Ngày hôm nay, Cơ quan Đại dương và Khí quyển Mỹ NOAA dự kiến sẽ công bố bản báo cáo thường niên về khí hậu toàn cầu, rất được trông đợi.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.