Vào nội dung chính
NGA - THỂ THAO - CHÍNH TRỊ

Thể thao : Công cụ tuyên truyền của tổng thống Putin

Mặc dù có những phát giác nghiêm trọng về một hệ thống sử dụng doping có tổ chức ở quy mô chính phủ và nhiều lời kêu gọi loại Nga ra khỏi Olympic Rio 2016, cuối cùng vụ bê bối cấp Nhà nước của thể thao Nga đã được cởi nút nhẹ nhàng bằng quyết định của Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế ( CIO) không kỷ luật tập thể vận động viên Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin, một người luôn coi thể thao như là một công cụ tuyên truyền cho sức mạnh quốc gia, có thể thở phào nhẹ nhõm.

Tổng thống Nga Vladimir Putin với các võ sĩ Judo, môn thể thao sở trường của ông, tại Sotchi, ngày 11/11/2015
Tổng thống Nga Vladimir Putin với các võ sĩ Judo, môn thể thao sở trường của ông, tại Sotchi, ngày 11/11/2015 REUTERS/Aleksey Druzhinin/RIA Novosti/Kremlin
Quảng cáo

Từ khi vụ bê bối vỡ lở cho đến khi có quyết định của CIO, tổng thống Putin cố gắng kiềm chế phản ứng, chỉ đưa ra những tuyên bố theo kiểu chủ trương  như : doping « không có chỗ trong thể thao ». Tuy nhiên, giới quan sát có thể nhận thấy vụ việc lần này là một đòn nặng nề đánh vào tham vọng của tổng thống Putin muốn đưa nước Nga trở thành cường quốc thể thao số 1 thế giới.

Ông Konstantin Kalatchev, nhà phân tích chính trị Nga nhận định : « Dưới thời Putin, uy thế của đất nước không chỉ được đo bằng số lượng tên lửa, đầu đạn, máy bay xe tăng mà còn cả số lượng các huy chương, những chiến thắng hay danh hiệu vô địch giành được ». Theo chuyên gia Kalatchev thì với ông Putin, người Nga phải tìm lại niềm tự hào mà thể thao đã mang lại cho họ dưới thời Liên Xô.

Thể thao : Từ đam mê cá nhân

Bản thân là người hâm mộ thể thao, có đai đẳng cao nhất trong môn judo, chơi khúc côn cầu trên băng, không ít lần xuất hiện mình trần vạm vỡ của một nhà thể thao, ông Putin trên cương vị người đứng đầu quốc gia chăm chút xây dựng cho mình hình ảnh của một vận động viên. Với tổng thống Putin, thể thao luôn nhân tố quan trọng trong việc gây dựng hình ảnh của một nước Nga hùng cường.

Từ khi bước lên vũ đài chính trị cách đây 17 năm, ông Putin luôn coi thể thao là công cụ để tạo nên sức mạnh cá nhân. Ngay từ tháng Giêng năm 2000, khi nhân vật không mấy ai biết đến này được Boris Eltsine tiến cử kế thừa quyền lực, Vladimir Putin đã xuất hiện với những hình ảnh phố trương cơ bắp và thể hiện tài năng của một võ sĩ Judo. Mục đích để chứng minh ông sẽ không phải là một vị nguyên thủ ốm yếu mà là một tổng thống năng động mạnh mẽ.

Thể thao chiếm một vị trí quan trong trong sinh hoạt cá nhân của Putin. Những người thân cận với tổng thống Nga cho biết mỗi ngày ông dành 2 giờ để luyện cơ bắp. Trong tất cả các tư dinh của tổng thống đều có phòng luyện tập thể thao với đầy đủ các loại trang thiết bị cần thiết. Trong số những người thân cận của Putin, có rất đông các vận động viên, những tên tuổi nổi tiếng trong là thể thao. Một trong hai cô con gái của ông là Ekaterina là nhà vô địch Dance Sport. Theo báo chí Nga thì người phụ nữ chung sống với ông Putin hiện nay là cựu vô địch Olympic môn thể dục dụng cụ Alina Kabaeva.

Thể thao : Đến công cụ quảng bá chính trị hữu hiệu

Thể thao không chỉ chiếm một phần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày mà còn được ông Putin thường xuyên xử dụng như là công cụ quảng bá chính trị. Năm 2000, khi tiễn đoàn thể thao Nga đi dự Thế vận hội mùa hè Sydney, tổng thống Putin tuyên bố : « Chiến thắng trong thể thao có tác dụng đoàn kết dân tộc nhiều hơn cả trăm khẩu hiệu chính trị ».

Ông tham gia tất cả các cuộc trình diễn thể thao lớn tại Nga và thường xuất hiện bên cạnh các nhà vô địch mà ông rất ngưỡng mộ và họ cũng là người được ông dành cho nhiều ân sủng, giống như dưới thời Xô Viết cũ. Mỗi khi chỉ số uy tín trong dân của ông bị sụt giảm, người ta thường thấy, truyền thông đưa những hình ảnh Putin mình trần cưỡi ngựa, Putin đi trượt tuyết, trượt băng, chơi khúc côn cầu hay putin trong bộ đồ lặn giữa biển khơi….

Năm 2007, tổng thống Putin không ngần ngại đích thân sang tận Guatemala đọc một bài diễn văn bằng tiếng Anh trước các thành viên của Ủy Ban Olympic Quốc Tế để thuyết phục bỏ phiếu cho thành phố Sotchi đăng cai Thế vận hội mùa đông 2014.

Chuyến đi của ông đã thành công. Sotchi được đăng cai Olympic mùa đông 2014. Đích thân tổng thống Putin chỉ đạo giám sát và ông không tiếc tiền của Nhà nước để chuẩn bị cho kỳ thế vận hội hoành tráng nhất, cũng tốn kém nhất.

Trước sự kiện Sotchi, năm 2010, đang trên đà trở lại vị trí cường quốc thể thao, Nga được trao quyền tổ chức Cúp bóng đá Thế giới World Cup 2018. Nước Nga lại trở thành một công trường xây dựng khổng lồ. Tổng thống Putin một lần nữa chỉ đạo huy động mọi nguồn lực tài chính cho sự kiện thể thao tầm thế giới này bất chấp nước Nga bắt đầu lâm vào khủng hoảng kinh tế.

Ông Evgueni Sliousarenko, phó giám đốc trang mạng thể thao Championat.com nhận định : « Như dưới thời Liên Xô, thể thao được sử dụng vì những lý do chính trị đối nội. Vào thời điểm này là để củng cố tinh thần ái quốc, đẩy cao uy tín của chính quyền trong nước ».

Các chuyên gia cũng nhận thấy, vụ bê bối sử dụng doping có tổ chức lần này tuy nhiên không ảnh hưởng đến uy tín của tổng thống Putin ở trong nước. Bởi vì, theo họ, hiện nay rất đông người Nga tin rằng những cáo buộc vừa rồi với thể thao Nga là nằm trong âm mưu của phương Tây muốn làm mất ổn định nước Nga, làm tổn hại hình ảnh của nước Nga trên trường quốc tế.

Tất nhiên các nhà chính trị Nga ở Kremlin cũng có cùng nhìn nhận vụ bê bối doping này mang động cơ chính trị. Cho dù tất cả họ đều hiểu rằng tổng thống Nga cũng là người đã không ít lần dùng thể thao như là một công cụ tuyên truyền chính trị.

Đến lúc này, đoàn thể thao Nga tiếp tục lên đường tới Rio tuy lực lượng vận động viên đỉnh cao đã bị hao hụt đi nhiều bởi phải qua « sàng lọc » của các liên đoàn quốc tế các bộ môn thể thao. Trong buổi lễ tiễn đoàn thể thao Nga đi dự Olympic Rio 2016, ngày 27/07 tại Matxcơva, tổng thống Nga tuyên bố việc thiếu vắng nhiều vận động viên đỉnh cao của Nga tại Rio sẽ khiến cho các cuộc so tài ở Olympic 2016 kém hấp dẫn đi nhiều và không có được hương vị chiến thắng thực sự. Một tuyên bố có vẻ chừng mực của lãnh đạo Nga nhưng cũng không giấu được ngậm ngùi thất bại.

Đoàn thể thao Nga đến Rio 2016 với lực lượng hao hụt 

Hôm Chủ nhật vừa qua, sau bản báo cáo McLaren của Cơ quan chống Doping Thế giới khẳng định tình trạng sử dụng doping có tổ chức được sự hỗ trợ của chính phủ trong thể thao Nga, Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế đã phải nhanh chóng ra quyết định. CIO đẩy trách nhiệm cho các liên đoàn thể thao quốc tế sàng lọc những vận động viên sạch của Nga được quyền tham dự thế vận hội mùa hè Rio 2016, với những tiêu chí của CIO : Không có tiền sử dùng doping, không bị nêu tên trong bản báo cáo McLaren và có kết quả kiểm tra chống doping một cách rõ ràng và tin cậy, tức được thực hiện bên ngoài nước Nga.

Ngay sau đó hơn một chục liên đoàn quốc tế của các bộ môn thể thao liên quan đã tiến hành sàng lọc và công bố danh sách các vận động viên Nga không đủ tiêu chuẩn dự Rio 2016. Tổng số đã có hơn 100 vận động viên Nga bị cấm. Đoàn Nga đến lúc này chỉ còn lại 279 vận động viên đủ điều kiện đến Brazil thi đấu và họ đang lần lượt tới Rio.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.