Vào nội dung chính
ANH

Anh : Thủ lĩnh Brexit Boris Johnson trở thành ngoại trưởng

Ba tuần sau cú sốc « Brexit », cựu bộ trưởng Nội Vụ Theresa May chính thức nhậm chức thủ tướng Anh ngày 13/07/2016, sau khi người tiền nhiệm David Cameron từ chức. Điều gây bất ngờ hơn cả là bà Theresa May đã bổ nhiệm người đứng đầu phong trào ủng hộ « Brexit » làm ngoại trưởng.

Tân bộ trưởng Ngoại  Giao Boris Johnson phát biểu tại trụ sở bộ, Luân Đôn, 14/07/2016.
Tân bộ trưởng Ngoại Giao Boris Johnson phát biểu tại trụ sở bộ, Luân Đôn, 14/07/2016. REUTERS / Andrew Matthews/Pool
Quảng cáo

Tân thủ tướng Anh, 59 tuổi, đã thành lập nội các mới, cùng với một bộ chuyên trách về « Brexit » với người đứng đầu là ông David Davis. Vị dân biểu hoài nghi châu Âu này sẽ chịu trách nhiệm đàm phán việc Anh rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Cựu ngoại trưởng Anh Philip Hammond thay thế ông George Osborne tại bộ Tài Chính. Thế nhưng, điều gây bất ngờ hơn cả là bà Theresa May đã bổ nhiệm cựu đô trưởng Luân Đôn Boris Johnson, người đứng đầu phong trào ủng hộ « Brexit », vào vị trí ngoại trưởng Anh.

Từ Luân Đôn, thông tín viên RFI Muriel Delcroix giải thích :

"Sự trở lại của ông Boris Johnson đã gây ngạc nhiên và dẫn đến nhiều lời bình luận khác nhau trên các nhật báo Anh, như dòng tựa : « Thế giới thân mến… Chúng tôi lấy làm tiếc » trên tờ Daily Mirror với hình ảnh cựu đô trưởng Luân Đôn đội mũ bảo hiểm màu xanh dương, hai tay cầm quốc kỳ Anh và treo lửng lơ trên một dây cáp ; bức hình giờ lan truyền khắp thế giới.

Thế nhưng, nếu nhật báo cánh tả Anh than phiền, vì thấy với quyết định bổ nhiệm này « uy tín của nước Anh chỉ còn treo trên một sợi dây », thì nhật báo Daily Mail, lại hoan hỉ vì có « một chính phủ bảo thủ táo bạo mới » và chạy tựa trên trang nhất « Boris tái xuất ! ».

Về phần mình, tờ Telegraph nhận thấy sự nỗ lực từ phía tân thủ tướng trong việc trấn an những người đã bỏ phiếu ủng hộ « Brexit » với việc bổ nhiệm hai chính trị gia ủng hộ Anh rời Liên Hiệp Châu Âu : ông David Davis trở thành bộ trưởng Đàm Phán « Brexit » và ông Liam Fox, trong cương vị bộ trưởng Thương Mại Quốc Tế.

Cuối cùng, tờ Guardian công nhận nỗ lực của bà Theresa May trong bài diễn văn nhấn mạnh trọng tâm vào các vấn đề công lý xã hội và một nền kinh tế cho tất cả mọi người. Thế nhưng, dòng tựa của bài xã luận : « Tân thủ tướng, vẫn cùng vấn đề » đã tóm tắt ngắn gọn những trở ngại đang đợi bà Theresa May, như tình trạng thâm hụt ngân sách nghiêm trọng, đa số tại nghị viện rất hạn chế và một vấn đề nhức nhối : « Brexit » và các cuộc đàm phán để rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu".

Hãng tin AFP cho biết, ngay sau khi chính phủ mới của Anh được thành lập, tổng thống Pháp François Hollande đã gọi điện chúc mừng tân thủ tướng Theresa May, tối ngày 13/07/2016, đồng thời nhắc lại mong muốn các cuộc đàm phán về việc Anh rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu « cần được xúc tiến nhanh nhất có thể được ».

Trong khi đó, thủ tướng Đức Angela Merkel, ngày 14/07, cho biết đã mời đồng nhiệm Anh tới Berlin để hội đàm, song bà không đưa ra bất kỳ bình luận nào về việc bổ nhiệm tân bộ trưởng ngoại giao Anh.

Tuy nhiên, trong cuộc điện đàm với hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức vào tối cùng ngày nhậm chức, bà Theresa May cho biết Anh cần thời gian để bắt đầu các cuộc thương lượng « Brexit ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.