Vào nội dung chính
ANH QUỐC - THỦ TƯỚNG

Dư luận Anh dè dặt chờ thủ tướng mới nhậm chức

Hãng AFP đưa tin, ngày mai 13/07/16, bà Theresa May sẽ trở thành Thủ Tướng Anh Quốc sau khi đối thủ của bà là bà Andrea Leadsom đưa ra một quyết định gây ngạc nhiên là rút khỏi cuộc đua vào vị trí Thủ tướng.Bà Theresa May đã hứa là sẽ đàm phán với Liên hiệp châu Âu để đạt được thỏa thuận hậu Brexit có lợi nhất cho nước Anh.  

Bà Theresa May trước văn phòng thủ tướng Anh, 10 Downing Street, Luân Đôn, 12/07/2016
Bà Theresa May trước văn phòng thủ tướng Anh, 10 Downing Street, Luân Đôn, 12/07/2016
Quảng cáo

Hôm qua 11/07/16, đứng trước Phủ Thủ tướng ở số 10 phố Downing, Thủ tướng Anh David Cameron, người sẽ từ chức sau sự kiện Brexit, đã tuyên bố « Tối thứ Tư chúng ta sẽ có Tân Thủ tướng tại Tòa nhà phía sau lưng tôi ». Ông cho biết thêm là ngày mai, 13/07/16, ông sẽ đệ đơn từ chức lên Nữ hoàng Elisabeth II sau phiên chất vấn trước Quốc Hội và ông sẽ tiến cử bà Theresa May làm người kế nhiệm vị trí Thủ tướng.

Bà Theresa May sẽ trở thành nữ Thủ tướng thứ hai của Anh Quốc, sau bà Margaret Thatcher (1979-1990). Trong tuyên bố công khai đầu tiên sau khi Thủ tướng David Cameron thông báo về việc bổ nhiệm bà vào vị trí thủ tướng, bà Theresa May đã khẳng định muốn Anh Quốc đạt được một thỏa thuận có lợi nhất về việc rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu và Anh Quốc sẽ có một vai trò mới trên thế giới.

Việc bổ nhiệm Tân Thủ tướng Anh diễn ra sớm hơn dự kiến do bà Andrea Leadsom, người ủng hộ Brexit, vào sáng hôm qua 11/07 đã quyết định rút lui khỏi cuộc đua. Quyết định này được đưa ra sau khi bà Andrea Leadsom bị chỉ trích nặng nề về việc khai gian lý lịch và đặc biệt sau khi bà nói là đối thủ Theresa May sẽ không lãnh đạo đất nước tốt bằng bà với lý do là bà Theresa May không có con.

Tình hình nước Anh xoay chuyển vô cùng nhanh chóng trong vòng vài ngày qua, vì theo dự kiến thì lẽ ra đến tận cuối tháng Chín người ta mới biết ai lên làm thủ tướng. Từ Luân Đôn, thông tín viên Lê Hải giải thích thêm.

Lê Hải : Sau ngày thủ tướng David Cameron thông báo kết quả cuộc trưng cầu dân ý về Liên Hiệp Châu Âu và tuyên bố sẽ rút lui để nhường lại vị trí lãnh đạo cho người khác, thì trong số các nghị sĩ đương chức của đảng Bảo Thủ có 5 người ra ứng cử vào vị trí này. Sau đó là các vòng bỏ phiếu trong nội bộ các nghị sĩ quốc hội. Đến cuối tuần trước thì còn lại hai ứng viên để sắp tới đây 300.000 đảng viên các cấp của đảng Bảo thủ sẽ bỏ phiếu để chọn ra chủ tịch đảng mới để người đó lên làm thủ tướng. Đến thời điểm đó thì người ta tin chắc là nước Anh sẽ có một người phụ nữ lên làm thủ tướng bởi vì cả hai ứng viên cuối cùng đều là phụ nữ. Thế nhưng bà Andrea Leadsom lại có một câu bình luận được báo chí chạy trên trang nhất rằng bà giỏi hơn vì đã làm mẹ. Điều này đã khiến dư luận chỉ trích thái độ không hay khi ám chỉ đến việc đối thủ chính trị không có con. Đến hôm qua thì bà Leadsom tuyên bố rút lui và ngay lập tức thủ tướng David Cameron thông báo sẽ chính thức từ chức trong phiên chất vấn thủ tướng hàng tuần vào thứ Tư này, tức là ngày mai,13/07/2016. Sau đó, ông sẽ nhanh chóng hoàn tất mọi thủ tục để chuyển giao quyền lực. Về mặt nghi thức, thì sau phiên họp, ông Cameron sẽ vào cung điện Buckingham để gặp Nữ hoàng và từ chức, rồi bàn giao tòa nhà thủ tướng ở số 10 Downing Street lại cho người mới. Tương tự vậy, bà Theresa May sẽ vào gặp Nữ hoàng để nhận nhiệm vụ thủ tướng, rồi dọn vào tòa nhà số 10 Downing Street để ở và làm việc. Nếu mọi chuyện suôn sẻ thì tầm giờ này ngày mai là nước Anh đã có một thủ tướng mới, và cũng là lần thứ hai có một người phụ nữ làm thủ tướng.

RFI : Thời của bà Thatcher làm thủ tướng nước Anh đã làm thay đổi bộ mặt nước Anh, và cùng tổng thống Reagan của Mỹ tạo ra nhiều thay đổi trên thế giới. Như vậy nếu so sánh với Thatcher, hay thủ tướng Đức Merkel, thì bà thủ tướng mới của nước Anh sẽ ra sao?

Lê Hải : Mấy ngày qua trên truyền hình người ta bắt đầu quay các góc của bà Theresa May giống như là những góc quay nổi tiếng quen thuộc gắn với tên tuổi của bà Margaret Thatcher. Và có vẻ như là bà May cũng bắt đầu sửa kiểu tóc và dáng điệu có phần nào giống với bà thủ tướng nổi tiếng khi xưa. Thực ra thì từ sau ngày lên giữ chức vụ bộ trưởng nội vụ từ năm 2010 cho đến nay, bà đã thay đổi nhiều về trang phục và tác phong. Trước đó, bà là người khá sành điệu về thời trang và nổi tiếng với kiểu ăn mặt lòe loẹt đơn giản của giới bình dân. Có thời gian bà cũng giữ chức bộ trưởng chuyên trách các vấn đề phụ nữ; khi đó thì kiểu ăn mặc này cũng được coi là khá phù hợp. Nhưng cuối cùng thì bà đã ngồi lại chiếc ghế bộ nội vụ lâu nhất trong tất cả các đời bộ trưởng trong lịch sử nước Anh. Người ta bắt đầu thấy hình ảnh của một bà bộ trưởng thuộc loại cứng, sẵn sàng có những bước đi mới để giải quyết các vấn đề di dân, di trú, không sợ chỉ trích từ trong nước hay rào cản ở nước ngoài để trục xuất cho xong những đối tượng cần đưa ra khỏi nước Anh. Trong vài năm trở lại đây và mới bắt đầu từ 01/07 vừa qua, luật nhập cư liên tục được thắt lại và đó là kết quả đàm phán với rất nhiều đối tác nước ngoài, cũng như là dàn xếp với các tổ chức phi chính phủ và nhân quyền. Tính ra thì người phụ nữ này đã có một bề dày kinh nghiệm đáng kể. Ngoài 19 năm làm nghị sĩ quốc hội còn có 8 năm làm dân biểu trong chính quyền địa phương, phụ trách giáo dục. Trước đó bà cũng làm việc 6 năm trong Ngân hàng trung ương, và 12 năm làm việc cho cơ quan tài chính chuyên về công nợ quốc tế. Như vậy, điểm khác biệt so với Margaret Thatcher là bà Theresa May cho đến giờ không xây dựng một chủ thuyết chính trị nào rõ ràng. Nhưng nếu xét qua tấm bằng đại học Oxford của bà trong ngành Địa lý nhân văn, thì có thể thấy rằng việc nhanh chóng lập ra một chủ thuyết mới để dẫn dắt đảng Bảo thủ và nước Anh trong những ngày tới không phải là điều gì quá khó khăn đối với người phụ nữ này.

RFI : Dư luận quan tâm nhiều tới các cuộc tranh cãi về lãnh đạo của nước Anh cuối cùng cũng là vì để biết xem nước Anh sẽ rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu như thế nào. Vậy thì khi nào họ sẽ chính thức đệ đơn li dị?

Lê Hải : Trên lý thuyết thì bà Theresa May có thể thông báo ngay trong diễn văn nhậm chức vào tối mai, nhưng một cách chính thức thì có lẽ sớm nhất phải là thứ Tư tuần sau, 20/07/2016, bà mới trình bày cụ thể trong phiên chất vấn thủ tướng hàng tuần đầu tiên của bà, sau khi đã lập đủ nội các và trình làng ở hàng ghế trước trong quốc hội. Sau đó thì bà sẽ gặp các lãnh đạo của Liên Hiệp Châu Âu trong vai trò thủ tướng và rồi người ta mới có lộ trình cụ thể. Cũng cần phải nhắc thêm rằng bà May là người bỏ phiếu muốn nước Anh ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu. Mặc dù bà tuyên bố sẽ thể theo ý nguyện của dân chúng là rút nước Anh ra khỏi tư cách thành viên Liên Hiệp Châu Âu, nhưng có thể thấy con đường đi của bà sẽ là giữ lại những gì có thể giữ để mối liên lạc giữa Anh quốc và châu Âu vẫn còn tiếp tục suôn sẻ, đặc biệt là tư cách trong khối kinh tế chung. Bản thân bà đã tháp tùng thủ tướng David Cameron trong các chuyến đàm phán về cải tổ Liên Hiệp Châu Âu cho nên có lẽ hiện nay, bà là người nắm rõ tình hình nhất để chèo lái con thuyền nước Anh trong giai đoạn này. Dư luận ban đầu từ phía các đối tác có vẻ tốt, vì họ nhận xét bà là người chơi cứng trong đàm phán, nhưng không phải là người khó chơi trong quan hệ, cho nên có thể hi vọng là quá trình ly thân và ly dị của nước Anh với Liên Hiệp Châu Âu sẽ không nặng nề và các bên sẽ không bị thiệt hại đến mức phải khó chịu vì có thể đàm phán qua lại với nhau. Tuy nhiên, với những biến động vô cùng bất ngờ chỉ trong vòng vài tuần qua, thật khó có thể đoán trước được tình hình trong những ngày tới sẽ như thế nào.

RFI : Như vậy tình hình chính trị của nước Anh hôm nay có khó đoán lắm không? Liệu ngày mai có thể nào bà Theresa May sẽ không lên làm thủ tướng?

Lê Hải : Đó cũng là một khả năng, dù vô cùng nhỏ nhưng không thể loại trừ hoàn toàn. Chúng ta cần nhớ rằng con đường đưa bà Theresa May lên làm thủ tướng không hề thông qua lá phiếu của trên dưới 300.000 đảng viên của đảng Bảo thủ từ khắp mọi miền đất nước. Để giúp quí vị thính giả hiểu hơn về qui chế chính trị ở nước Anh, thì mỗi ứng viên khi ra tranh cử dân biểu địa phương bằng tư cách đảng thì cần phải ra điều trần trước hội đồng đảng viên ở cấp địa phương và phải được đa số phiếu thông qua thì mới được đảng viên chịu khó đi vận động phiếu cho bản thân mình. Thường thì mỗi một ghế ứng viên địa phương có khoảng vài chục ứng viên kiểu như vậy. Khi lên cấp ứng viên tranh cử vào nghị sĩ quốc hội thì con số người đăng ký có thể lên đến vài trăm người, rồi loại dần cho đến khi chỉ còn lại vài người để vào phỏng vấn trực tiếp, như trường hợp của bà Theresa May vào năm 1997. Tương tự như vậy, khi ứng cử vào chức chủ tịch đảng thì các vòng xét duyệt càng gắt gao hơn, mà bên trong nội bộ đảng Bảo thủ còn nhiều phe phái khác nhau. Ví dụ như nguyên đô trưởng Luân Đôn là ông Boris Johnson mới cách đây không lâu vẫn còn là nhân vật số hai trong đảng, mà nay kín tiếng chứ không có nghĩa là đã hết các nước cờ chính trị. Chỉ cần một nhân vật nổi cộm trong đảng ra tuyên bố phản đối là mọi chuyện sẽ được xét lại, ví dụ như trong kỳ đại hội đảng toàn quốc vào tháng Chín tới đây. Tuy nhiên, hiện bây giờ có lẽ còn quá sớm để bàn đến những chuyện như vậy, và dư luận đang rất quan tâm đến việc chuyển giao quyền lực vào ngày mai, và phản ứng của thị trường cũng như là các lãnh đạo trên thế giới mà đặc biệt là từ các nước Liên Hiệp Châu Âu trong ngày kia. Đó cũng chính là không khí chung trên báo chí nước Anh trong ngày hôm nay, dồn bài bình luận lại cho sáng thứ Năm tuần này.

08:02

Thông tín viên Lê Hải từ Luân Đôn

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.