Vào nội dung chính
THỔ NHĨ KỲ - KHỦNG BỐ

Đánh bom sân bay Istanbul: khủng bố từ Kavkaz tới

Theo một quan chức cao cấp Thổ Nhĩ Kỳ, những kẻ khủng bố tấn công vào sân bay Istanbul hôm 28/06/2016 dường như mang quốc tịch Nga, Uzbekistan và Kirghizistan.

Ba kẻ khủng bố đi vào sân bay Istanbul Thổ Nhĩ Kỳ ngày 28/06/2016. (Ảnh chụp lại từ truyền hình Trung Quốc CCTV)
Ba kẻ khủng bố đi vào sân bay Istanbul Thổ Nhĩ Kỳ ngày 28/06/2016. (Ảnh chụp lại từ truyền hình Trung Quốc CCTV) Haberturk Newspaper/Handout via REUTERS TV
Quảng cáo

Một tờ báo của Thổ Nhĩ Kỳ nói tới một người Nga gốc Tchetchenia, các nguồn tin khác nêu giả thuyết đó là người Daghestan. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, thì đó là một người Nga gốc vùng bắc Kavkaz.

Các thông tin này chưa được khẳng định một cách chính thức. Nhưng quả thực là khu vực Trung Á và vùng Kavkaz là hai nơi cung cấp nhiều chiến binh cho tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.

Từ Matxcơva, thông tin viên Muriel Pomponne giải thích :

« Cùng với tiếng Anh và Ả Rập, tiếng Nga là một trong những ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất trong hàng ngũ tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Bởi vì trong tổ chức này có rất nhiều các công dân Nga và các nước Trung Á - trước đây thuộc Liên Xô. Tổng thống Vladimir Putin nêu ra con số 7000, nhưng đa số các chuyên gia thẩm định là có từ 4 đến 5000 chiến binh thánh chiến nói tiếng Nga. Việc trừ khử các chiến binh này là một trong những mục tiêu công khai của chiến dịch can thiệp quân sự của Nga vào Syria.

Trong một thời gian dài, các chiến binh người Daghestan và Tchetchenia đều nằm trong một phong trào địa phương mang tên Tiểu vương quốc Hồi Giáo Kavkaz. Tuy nhiên, do bị lực lượng an ninh Nga truy lùng tấn công, tổ chức này bị nhiều tổn thất nặng nề và năm ngoái, lãnh đạo của Tiểu vương quốc Hồi Giáo Kavkaz đã tuyên bố đi theo, ủng hộ tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.

Tháng 12 năm 2015, lần đầu tiên, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tự nhận trách nhiệm về một vụ khủng bố ở Daghestan.

Tại Trung Á, các nhóm Hồi giáo cực đoan vẫn luôn luôn hiện diện trong thung lũng Fergana, ở vùng cận đông Uzbekistan, trong khu vực biên giới chung với Tadjikistan và Kirghizistan, một vùng rất nghèo khổ, lọt thỏm giữa nhiều dãy núi. Các lực lượng Hồi giáo Salafite thuộc phong trào Hizbut-Tahrir hiện diện tại đây. Một bộ phận dân chúng, bị chính quyền bỏ mặc, đã dần dần nghe theo các tuyên truyền của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.