Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - BREXIT

Hậu Brexit, châu Âu tìm phương án B

Bruxelles và các thủ đô Châu Âu vẫn còn choáng váng vì phe Brexit thắng cuộc trưng cầu dân ý. Lần đầu tiên từ khi hình thành, Liên Hiệp Châu Âu phải đối phó với thách thức một thành viên thuộc hàng đại cường ra đi, đưa toàn khối vào một tương lai bất định. Nhưng liệu Liên Hiệp Châu Âu đã chuẩn bị kế hoạch B hay chưa ? Berlin và Paris có đủ bản lĩnh đưa toàn khối đi tới ?

Các lãnh đạo châu Âu Matteo Renzi (Ý), Angela Merkel (Đức) et François Hollande (Pháp) sẽ họp bàn về hậu Brexit. Ảnh tư liệu chụp năm 2014.
Các lãnh đạo châu Âu Matteo Renzi (Ý), Angela Merkel (Đức) et François Hollande (Pháp) sẽ họp bàn về hậu Brexit. Ảnh tư liệu chụp năm 2014. AFP PHOTO / STEFAN ROUSSEAU/POOL
Quảng cáo

Thứ Tư 29/06 tới đây, tức một tuần lễ sau khi 52% cử tri Anh bỏ phiếu đi ra, 27 thành viên còn lại mới họp thượng đỉnh tại Bruxelles. Nhưng ngay từ đầu tháng Sáu, chủ tịch nhóm sử dụng đồng tiền chung Euro gọi tắt là Eurogroupe, Jeroen Dijsselbloem đã tuyên bố rõ ràng : châu Âu không có kế hoạch ngăn chận hệ quả lây lan trong trường hợp Liên Hiệp Anh ra đi.

Trong phản ứng đầu tiên, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker khẳng định « đây không phải là bước đầu tan rã » của Liên Hiệp Châu Âu. Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk thì kêu gọi không nên « hoảng loạn ».

Không có kế hoạch B, nhưng các thủ đô Tây phương đã không ngừng tham khảo nhau từ những tuần qua. Trong tình thế dầu sôi lửa bỏng này mà tác động đầu tiên là đang làm thị trường tài chính thế giới chao đảo, mọi cặp mắt trông chờ giải pháp, hay đề nghị bắt buộc phải có từ hai lãnh đạo đầu tàu của Liên Hiệp Châu Âu là Pháp và Đức. Theo tuyên bố của giới thân cận của tổng thống Pháp François Hollande thì trong cuộc điện đàm tối Chủ nhật với thủ tướng Đức Angela Merkel, Paris và Berlin đã đồng thuận « hoàn toàn » về cách « xử lý » hậu quả Brexit. Phương cách đó là như thế nào ? Có lẽ phải chờ cuộc họp vào chiều thứ Hai tại Berlin, và có Ý tham gia, mới có thể rõ hơn.

Vấn đề là giữa Đức và Pháp, lãnh đạo mỗi nước có quan điểm trái ngược nhau về sách lược chấn hưng kinh tế. Pháp, cũng như các thành viên Nam Âu thì muốn « đầu tư kích thích tăng trưởng, hài hòa thuế vụ và phúc lợi xã hội » còn Đức và các nước Bắc Âu thì cương quyết với chủ trương đang thắng thế là « thắt lưng buộc bụng, tăng thu giảm chi ». Chính sách khắc khổ này đã gây bất bình cho một tầng lớp dân chúng, đặc biệt là Hy Lạp, Tây Ban Nha, ở Pháp và Anh chống thái độ mà họ gọi là « độc đoán » của Bruxelles trong lãnh vực tài chính, kinh tế.

Làm cách nào để dung hòa giữa hai quan điểm đối chọi này giữa Nam Âu và Bắc Âu ? Làm thế nào để dung hòa giữa các thành viên ở Đông Âu chống hiện tượng di dân nhập cư, và quan điểm cởi mở hơn ở Tây Âu ?

Trong bối cảnh này, theo giới phân tích, rất có thể Pháp và Đức sẽ tập trung vào một mẫu số chung mà mọi nước đều đồng ý : an ninh và quốc phòng. Phải chứng tỏ Liên Hiệp Châu Âu có khả năng hành động cụ thể, xác định bảo vệ một biên giới chung để trấn an người dân sợ khủng bố và nhập cư.

Tuy nhiên, tình hình có thể phức tạp hơn nhiều vì đảng cánh hữu cầm quyền tại Ba Lan, thành viên cột trụ ở Đông Âu đã lên tiếng đòi phải viết lại Hiệp Định Châu Âu, cải cách Liên Hiệp Châu Âu thành một thị trường rộng lớn, không còn « tính liên bang », trả lại Quốc Hội của mỗi thành viên vai trò quyết định, như đòi hỏi của Luân Đôn.

Vấn đề đặt ra là Liên Hiệp Châu Âu có thừa thời gian để đàm phán lại từng thỏa thuận, từng điều luật ? Dân biểu nghị viện châu Âu Daniel Cohn-Bendit, một tiếng nói « tenor », cực kỳ gắn bó với Liên Hiệp Châu Âu khẩn thiết kêu gọi ông François Hollande và bà Angela Merkel hãy nhanh chóng hành động và hành động. Việc cấp thiết đầu tiên là tránh những biện pháp nửa vời mà hãy triệu tập « đại hội toàn châu Âu » để định nghĩa lại dự án mới cho tương lai. Vị dân biểu song tịch Pháp-Đức này nhắc nhở là trong cuộc trưng cầu dân ý tại Anh, chỉ có thành phần « trên 50 tuổi » vì muốn ly hôn với Liên Hiêp Châu Âu nên cản đường tương lai của thế hệ trẻ.

Trước khi 27 thành viên còn lại gặp nhau tại Bruxelles vào thứ Tư này, cuộc họp « tiểu thượng đỉnh » giữa lãnh đạo ba nước Pháp, Đức, Ý vào tối thứ Hai 27/06 sẽ là bước đầu của một tiến trình hậu Brexit lâu dài.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.