Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Phong trào “5 Sao” Ý : Khi xã hội dân sự trở thành thế lực chính trị

Đăng ngày:

Trong những năm gần đây, tại châu Âu, nhiều phong trào chính trị - xã hội vốn nằm ở ngoại vi của hệ thống chính trị truyền thống đang ngày càng trở nên hấp dẫn với đại chúng. Lãnh đạo đảng cực hữu Áo chỉ thiếu ít phiếu là giành được ghế tổng thống, Hy Lạp đang nằm dưới quyền điều hành của liên minh cánh tả “triệt để”. Còn tại Pháp, lãnh đạo đảng cực hữu được coi như nắm chắc vé vòng hai cuộc tranh cử tổng thống 2017. Một hiện tượng đặc biệt khác là một số phong trào xã hội dân sự, tuy mới hình thành trong vài năm trở lại, đã mau chóng khẳng định vị trí hàng đầu trong đấu trường chính trị. Tiêu biểu là hai phong trào "5 Sao" ở Ý và "Những Người Phẫn Nộ" tại Tây Ban Nha (1), với đảng Podemos nổi lên từ phong trào này. Vì sao các phong trào xã hội dân sự nói trên lại thu được  thành công chính trị bất ngờ như vậy ?

Ứng viên Phong trào 5 Sao Virginia Raggi, vừa đắc cử thị trưởng Roma.
Ứng viên Phong trào 5 Sao Virginia Raggi, vừa đắc cử thị trưởng Roma. REUTERS/Remo Casilli
Quảng cáo

Hôm chủ nhật 19/06/2016 vừa qua, cử tri Ý đã đi bỏ phiếu (vòng hai) để bầu hội đồng quản trị và thị trưởng của 126 đơn vị hành chính địa phương tỉnh, thành, huyện, xã. Sự kiện được coi là nổi bật nhất trong kỳ bầu cử lần này là “Phong trào 5 Sao” (Movimento 5 stelleM5S) (2), một lực lượng chính trị phi đảng phái đã giành được nhiều đơn vị hành chính, trong đó có hai thành phố lớn, thủ đô Roma và thành phố công nghệ Torino. Điều đặc biệt bất ngờ là nữ ứng cử viên Phong trào 5 Sao, doanh nhân trẻ Chiara Appendino, sinh năm 1984, đã giành chiến thắng, trước đối thủ là thị trưởng mãn nhiệm, thuộc đảng Dân Chủ cầm quyền, rất có uy tín và Torino được đánh giá là đã được điều hành khá tốt bởi ê kíp lãnh đạo mãn nhiệm.

Phần chính của tạp chí Tiêu điểm thời sự hôm nay dành để giải mã về thành công của phong trào Năm Sao tại Ý, với phần phân tích của thông tín viên Huê Đăng từ Roma.

RFI : Những lý do chính nào đã khiến phong trào dân sự 5 Sao thắng cử ? 

Huê Đăng :  “Phong trào 5 sao” vốn là một phong trào xã hội dân sự, do diễn viên hài Beppe Grillo sáng lập ở Ý vào năm 2008 trong lúc nước Ý nói riêng, Tây Âu nói chung, đang bắt đầu lao đao với khủng hoảng kinh tế tài chính. Đầu tiên được xem như là một phong trào phản đối tự phát chống lại các “thế lực kinh tế” đang nắm các nguồn lực sản xuất và tài chính đang có khuynh hướng đổ hết tất cả các hệ lụy khủng hoảng tài chính lên đầu người dân, tạo ra khó khăn trong đời sống, mất công ăn việc làm, bất bình đẳng ngày càng gia tăng trong xã hội. Dĩ nhiên là khi lên tiếng chỉ trích các “thế lực kinh tế” thì “Phong trào 5 Sao” cũng lên tiếng công kích các lực lượng chính trị đảng phái truyền thống, tả cũng như hữu, phe đa số cũng như phe đối lập trong Quốc hội, vì đã có trách nhiệm “thông đồng, ăn chịu, chia chác” quyền lực chính trị và nguồn lực tài chính kinh tế với các “tập đoàn kinh tế”. Những chỉ trích đó của “Phong trào 5 sao” cũng có thể có cơ sở, chỉ cần xem những vụ tham nhũng hối lộ vẫn thường hay xảy ra ở Ý, nhưng cũng lý do này cũng chỉ đúng đến một mức độ nào đó thôi.

Vấn đề thực ra có thể còn trầm trọng hơn (mà lần lần vào những năm sau đó công luận mới khám phá ra), đó là sự “sơ cứng, tê liệt” của mô hình đảng phái truyền thống trước những biến động và thay đổi tận gốc rễ của nền chính trị xã hội và của hệ thống kinh tế, trong nước cũng như trên thế giới. Lần lần đông đảo cử tri, không phân biệt ý thức hệ, không phân biệt là cử tri “thường trực” của đảng phái nào, không phân biệt tuổi tác, thành phần xã hội, cảm thấy “chính trị” đang lần lần bỏ rơi họ. Trước những khó khăn trong đời sống như phúc lợi xã hội bị cắt xén, tăng trưởng kinh tế sản xuất giảm sút mạnh đưa đến tình hình thất nghiệp gia tăng, nhất là thất nghiệp trong giới trẻ, bên cạnh đó là tình hình an ninh, nhất là ở các khu ngoại ô, ngày càng khó khăn, cộng thêm gánh nặng tài chính và xã hội trước sự kiện nhập cư bất hợp pháp từ các khu vực Bắc Phi lên các đảo miền nam Ý. Các đảng phái không mấy khi đưa ra được những biện pháp cụ thể để giải quyết vấn đề, thường thì chỉ là những biện pháp mang tính “cứu cấp” để ít nhiều xoa dịu ngay lúc đó những tình hình nghiêm trọng có thể gây ra những hệ lụy an ninh, chính trị - xã hội, nhưng không có khả năng đưa ra những chiến lược tầm xa để có thể đối phó với các vấn đề một cách có hệ thống.

Bên cạnh đó, chính sách thắt lưng buộc bụng của Liên Hiệp Châu Âu do Đức đề xướng đã làm cho đời sống kinh tế của người dân ở Ý gặp nhiều khó khăn. Ở Ý lại thêm tệ nạn tham nhũng hối lộ tràn lan, gần như là mỗi công trình xây dựng do nhà nước đề xướng đều là những cơ hội để các đảng phái, tả cũng như hữu, chia chác ngân quỷ và nhất là đội giá để có thể thỏa mãn các yêu cầu “tham nhũng và hối lộ” của các quan chức nhà nước ở các ban bệ của chính phủ. Ngoài các đảng phái chính trị tham nhũng hối lộ còn có sự “hợp tác” giữa chính trị với các băng đảng mafia, hay tệ hơn nữa là chính các băng đảng mafia đã lần lần thâm nhập được vào cơ chế Nhà nước và từ đó đã có những hoạt động nhằm gây sức ép đối với giới chính trị trong quá trình chia chác nguồn lực tài chính của Nhà nước trong mỗi công trình xây dựng ở mọi cấp bực.

Tất cả những bất cập vừa kể trên, hầu như được phanh phui trong khoảng non một thập niên gần đây, tức là nhân lúc có khủng hoảng kinh tế tài chính 2008, và từ đó những bất công xã hội, những tệ nạn tham nhũng hối lộ, những khó khăn kinh tế của đại bộ phận cử tri, đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho sự phát triển của một phong trào dân sự xã hội chủ yếu là chống lại “đẳng cấp chính trị thối nát”, bài xích tất cả những gì gọi là ràng buộc luật lệ nhà nước (mà họ coi như bất bình đẳng), muốn phá vỡ tất cả cơ chế tận gốc rễ, để tiến tới một cuộc “cách mạng đổi đời”. Nói chung là cử tri muốn “đoạn tuyệt” với quá khứ.

Và khi cử tri không còn tìm thấy ở các đảng phái chính trị “truyền thống” bất cứ một giải pháp nào thì họ phải tự đi tìm một chỗ dựa “chính trị” mới, đáp ứng được những nguyện vọng trước mắt của cử tri. Và đó là “Phong trào 5 Sao”.

RFI : Chiến lược chinh phục cử tri của Phong trào 5 Sao ?

Huê Đăng : Trong suốt mấy năm nay, ngoài những khẩu hiệu đã đảo bài xích chính trị, chống lại các đảng phái truyền thống và chỉ trích những tệ nạn tham nhũng hối lộ, “Phong trào 5 Sao” chưa hề đưa ra được một chiến lược cho thấy họ sẽ xây dựng lại Nhà nước như thế nào nếu họ nắm được quyền bính. Nhưng cốt lõi của việc 5 Sao "đại thắng" lại đến từ những khiếm khuyết của các đảng phái chính trị khác. Nó giống như anh thắng trận không phải nhờ vào tinh thần chiến đấu quyết liệt của anh, mà vì bên phía địch thủ tất cả mọi việc đã tự nó bị phân hủy vì những mâu thuẫn của chính nó, do đó khi “Phong trào 5 Sao” cho nổ súng tấn công thì chỉ thấy thành lũy đã bỏ ngỏ, đồng không nhà trống.

Chỉ cần nghe các buổi nói chuyện của các ứng cử viên của “Phong trào 5 Sao” trong thời gian tranh cử vừa qua là thấy. Thông thường khi tranh cử, ứng cử viên đều ráng nhấn mạnh đến “khả năng” của mình trong cách vận hành một đơn vị hành chính, và nhất là “phô trương” tối đa những kinh nghiệm làm việc trong các cơ chế nhà nước hay của các tập đoàn kinh tế tài chính lớn, một số cử tri cũng không quên cho thấy khả năng “đối thoại” của mình với các thành phần trong xã hội như các đảng phái đối lập, các cơ sở kinh tế sản xuất, các tập đoàn tài chính … như để thuyết phục cử tri rằng họ có đủ điều kiện để giải quyết những vấn đề quản trị một đơn vị hành chính trong mọi tình huống. Nhưng đối với “5 Sao” thì ngược lại, phong trào này đã tạo ra được một thứ ảo tưởng rằng “trong sạch” đồng nghĩa với “thiếu kinh nghiệm hoạt động”, “tiết trinh” được xem như là một thứ “lá chắn” để ngăn ngừa mọi cám dỗ tham nhũng hối lộ.

RFI : Triển vọng của Phong trào 5 Sao ?

Huê Đăng : Có thể nói rằng cuộc bầu cử đơn vị hành chính địa phương hôm chủ nhật vừa rồi là một bước nhảy vọt về mặt chính trị của “Phong trào 5 Sao”. Đây là lần đầu tiên “Phong trào 5 Sao” phải bắt đầu thay đổi cách vận hành đường lối chính trị: Không thể tiếp tục cư xử như một phong trào dân sự xã hội bài xích chính trị, mà sẽ phải chấp nhận “làm chính trị”. Từ một phong trào chủ yếu chủ là phê phán, chỉ trích, đả phá, hăm dọa kiểu “em chả, em chả”, kể từ hôm nay, nếu “Phong trào 5 Sao” không muốn đốt ra tro bụi trong thời gian thật ngắn cái thành quả “đại thắng mùa hè” vừa rồi, thì chỉ còn cách là chấp nhận thách thức lăn mình vào việc đi tìm các giải pháp xây dựng thay cho các khẩu hiệu đả đảo rẻ tiền.

Dĩ nhiên cũng có thể hình dung ra được là các “thế lực kinh tế tài chính” ở Roma, cũng như ở Torino, vốn đã từng quen “ăn chia” với các lực lượng đảng phái chính trị cầm quyền, sẽ không thụ động đợi “Phong trào 5 Sao” ra chiêu trước. Rất có thể trong những ngày sắp tới sẽ có những buổi gặp gỡ kín đáo, một quan hệ để “thử lửa” nhau, một thứ “hiệp thương”, các thế lực kinh tế tài chính thì hy vọng sẽ tiếp tục đường của mình đi xưa nay, sẽ có khả năng “thuyết phục” được “Phong trào 5 Sao” hợp tác.

Phía “Phong trào 5 Sao” cũng sẽ phải cẩn trọng từng bước trước những thử thách mới: Cái “trinh tiết” mà phong trào vẫn tự hào từ trước đến nay … bây giờ sẽ không còn được xem như là một thứ "bảo đảm" cho sự trong sạch nữa. Giống như một cô gái đã về nhà chồng rồi thì bây giờ cũng không thể nào tiếp tục đi khoe với hàng xóm là … còn “trinh tiết”, ngược lại “Phong trào 5 Sao” phải có đủ khả năng hóa thân thành một bà nội trợ giỏi để vận hành các công việc hằng ngày trong gia đình.

“Phong trào 5 sao” sẽ thành công ? Điều này có lẽ phải đợi một thời gian tới mới biết rõ.

Trong khi đó các đảng phái truyền thống, nhất là đảng Dân Chủ cũng đang phải rà soát lại chính mô hình tổ chức nhân sự và hoạt động của mình để bám sát theo thực tế từng ngày của cử tri. Bằng không, dù “Phong trào 5 Sao” có thành công hay thất bại trong quá trình quản trị các thành phố nơi họ thắng cử, thì chính các đảng phái truyền thống đã tự mình phân hủy chính mình.

***

Nhìn sang Tây Ban Nha, sự trỗi dậy lạ lùng của đảng cánh tả cấp tiến Podemos, ra đời chỉ mới từ đầu năm 2014, là một hiện tượng đáng chú ý khác. Cũng như phong trào xã hội dân sự 5 Sao, và nhiều đảng phái chính trị dân túy khác, Podemos (tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “chúng ta có thể”) thu hút được sự ủng hộ của đông đảo cử tri, thất vọng với các đảng phái chính trị truyền thống, nhờ ở cương lĩnh “chống hệ thống”. Không chỉ tầng lớp dân nghèo mới đi theo Podemos, mà cả một bộ phận lớn giới tiểu thương và doanh nhân nhỏ. Podemos đã trở thành một trong ba đảng phái chính trị hàng đầu Tây Ban Nha, sau cuộc bầu cử Quốc Hội cuối năm ngoái 2015.

Khác với phong trào 5 Sao không đứng về phía cánh tả, hay cánh hữu chính trị truyền thống, đảng Podemos dựa hẳn vào một số nền tảng ý thức hệ của cánh tả, đặc biệt các di sản tư tưởng của Karl Marx, của lý thuyết gia chính trị cộng sản Ý Antonio Gramsci và đặc biệt là nhà tư tưởng Achentina Ernesto Laclau, được đánh giá là thuộc trường phái hậu-mác xít. Theo nhà sử học Pháp Christophe Barret (3), chuyên gia về phong trào này, với việc trở thành một đảng phái chính trị tranh cử trên nghị trường, Podemos không còn có thể tự nhận là đại diện duy nhất cho lợi ích của toàn thể dân chúng, như khi còn là một phong trào dân sự. Một khi trở thành đảng phái chính trị nắm quyền, dù ở cấp địa phương hay cấp quốc gia, cả Podemos và phong trào 5 Sao đều đứng trước thách thức phải có một cương lĩnh, một tổ chức, và uy tín của họ phải được đánh giá thông qua các hành động quản trị xã hội cụ thể, chứ không còn chỉ đơn thuần dựa trên nỗi thất vọng, bất mãn phổ biến của dân chúng, chống lại giai tầng chính trị nắm quyền nói chung.

Bên cạnh thách thức nói trên, các phong trào dân sự châu Âu, dù bắt đầu tham gia vào chính trường, cũng đứng trước một thách thức chung: Đó là đòi hỏi phải cải tổ cấp bách các định chế dân chủ, vốn dựa trên các nguyên tắc dân chủ đại diện hình thành từ cách nay đã hơn hai thế kỷ. Theo một số chuyên gia (4), nền dân chủ đương đại cần phải được sáng tạo lại, mà điều then chốt là toàn bộ quá trình ra quyết định, việc thực thi quyền lực nói chung phải được đặt dưới sự kiểm soát của các công dân.

----

(1) Xem "Gần 1 triệu người "phẫn nộ" biểu tình trên thế giới", RFI 16/10/2011.

(2) Biểu tượng "5 Sao" của Phong trào 5 Sao được dùng để chỉ chủ trương hoạt động của phong trào trong năm lĩnh vực chính, "nước", "môi trường", "giao thông", "phát triển bền vững" và "năng lượng". 

(3) Christophe Barret trả lời phỏng vấn trang mạng điểm sách Pháp Nonfiction.fr, ngày 01/03/2016. 

(4) Nhà chính trị học Pháp Pierre Rosanvallon nói đến một cuộc cách mạng dân chủ lớn (“une grande révolution démocratique”), tuần báo L'Express, tuần 08-14/06/2016. 

Ý : Sự phá sản của mô hình chính trị truyền thống

Điển hình là trường hợp thất cử của đảng Dân Chủ ở thành phố Torino, một thành phố gần như liên tục được các lực lượng trung tả quản trị khá tốt trong suốt gần hai thập niên trở lại đây. Khác với trường hợp của thủ đô Roma, ban quản trị Torino chưa hề bị tai tiếng vì những xì-căng-đan tham nhũng hối lộ. Ở thành phố này đảng Dân Chủ không hề có những đấu đá nội bộ quyết liệt đến độ, như đã phải “cưỡng bức” thị trưởng  Roma Ignazio Marino (thuộc đảng Dân Chủ) từ chức. Ban quản trị thành phố Torino cũng đã khá thành công trong việc cố gắng khắc phục những khó khăn ngân sách và kinh tế do chính sách cắt xén ngân quỹ đến từ phía chính phủ trung ương trong những năm gần đây… Vậy mà đảng Dân Chủ vẫn thất cử trước “Phong trào 5 Sao”. Điều này minh chứng thêm là không cần đến các xì-căng-đan tham nhũng hối lộ, mà chỉ cần sự “sơ cứng, tê liệt” của đảng, những gương mặt lãnh đạo đảng đã trở thành một thứ “đẳng cấp” già nua, không biết thích ứng, là cũng đủ khiến cử tri muốn “đoạn tuyệt” với mô hình đảng phái truyền thống.

Cái mô hình đảng phái dựa trên những cơ cấu tổ chức ban bệ từ trung ương đến địa phương, dựa trên các khuôn mẫu để chọn lựa nhân sự đảng dựa theo sự phân chia quyền lực ngay giữa các nhóm trong nội bộ đảng, dựa trên sự kiểm soát được địa bàn hoạt động, dựa trên sự ban bố lợi ích địa phương mà mỗi đảng có khả năng mang về cho cử tri của mình (thí dụ như giành được ngân quỹ phát triển xây dựng cho địa phương, xây dựng những cơ sở kinh tế mang tính phát triển địa phương để thu nhận lao động, tạo công ăn việc làm cho chính cử tri của mình …), tất cả những thứ đó đã khiến cho quyền lợi của đa số cử tri cùng “đồng hành” với quyền lợi của đảng phái từ gần nửa thế kỷ nay, kể từ thời tái kiến thiết đất nước sau Đệ nhị thế chiến.

Ở Ý, người ta gọi đó là thời “bò sữa béo tốt” (vacca grassa). Từ thời tái kiến thiết đất nước sau chiến tranh, bắt đầu vào cuối những thập niên 40 (với chương trình viện trợ nổi tiếng của kế hoạch Marshall của Mỹ dành cho Châu Âu) cho đến cuối những thập niên 90, nước Ý phát triển vù vù, phần thì nhờ vào viện trợ Mỹ, phần thì chưa có những biện pháp kiểm soát ngân sách nhà nước, phần thì thời đó học thuyết phát triển kinh tế thông qua đầu tư nhà nước của nhà kinh tế người Anh là John Maynard Keynes đang là chủ đạo nên các chính phủ Tây Âu, và nhất là Ý đã bơm tiền ào ạt vào các công trình xây dựng hạ tầng cơ sở và các cơ sở sản xuất quốc doanh, tạo ra công ăn việc làm dễ dãi và thu nhập bền vững. Đó là thời phát triển kinh tế huy hoàng của Tây Âu nói chung, của Ý nói riêng. Nên sự đồng thuận giữa cử tri và các đảng phái chính trị là điều tất yếu, kiểu có thực thì vực được đạo.

Nhưng tất cả đều bắt đầu chao đảo vào những năm đầu của thiên niên kỷ 2000. Trước nhất là sự kết thúc Chiến tranh Lạnh đã khiến vị trí quân sự quan trọng của Ý trong Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) bắt đầu bị giảm: Ý không còn là “hàng không mẫu hạm thiên nhiên” (vì Ý là một bán đảo nằm lọt vào giữa biển Địa Trung Hải) của NATO, và cũng không còn là căn cứ hải quân quan trọng của hạm đội VI Mỹ, từ đó, các viện trợ của Mỹ dành cho Ý dưới nhiều hình thức cũng bắt đầu thuyên giảm. Nhiều cơ sở quân sự của NATO ở Ý cũng bắt đầu giải thể, làm mất công ăn việc làm cho rất nhiều người Ý trong các hoạt động hậu cần cho các căn cứ quân sự nói trên.

Song song đó là Liên Minh Châu Âu (UE) cũng bắt đầu đưa ra những quyết định phá bỏ các vị trí độc tôn quốc doanh của các nước thành viên, thí dụ như trong khu vực hàng không, giao thông, đưa ra những quyết định cho phép tự do cạnh tranh thương mãi giữa các nước thành viên, phá bỏ các chính sách “bế quan tỏa cảng” thông qua chính sách thuế nhập khẩu. Thế là các “thông lệ” mà các đảng phái truyền thống trước đây vẫn dùng để bảo đảm sự đồng thuận của cử tri cũng bị nghiêm cấm: thí dụ như bơm tiền bù lỗ cho các công trình hay cơ sở sản xuất kinh tế để tiếp tục giữ được công ăn việc làm cho cử tri, điển hình là trường hợp tập đoàn sản xuất xe hơi FIAT của Ý, trong suốt gần nửa thế kỷ sống nhờ vào chính sách bảo vệ thị trường nội địa của Ý và nhờ vào những bù lỗ do chính chính quyền trung ương bơm tiền để tiếp tục giữ được sự đồng thuận với các công đoàn.

Trước khi vào khu vực euro, Ý có đồng tiền riêng của mình là đồng lire, do đó mỗi khi có vấn đề xuất khẩu là Ý cứ cho phá giá đồng lire một cách vô tội vạ để thúc đẩy xuất khẩu (dù rằng hệ lụy là giá nhập khẩu như dầu khí gia tăng đáng sợ). Khi tất cả những “thủ thuật” này không còn áp dụng được thì nước Ý phải đối đầu với những khó khăn mà trước đây các chính phủ trung ương không hề lo nghĩ.

Đến thời kỳ kinh tế toàn cầu, sự tự do giao lưu hàng hóa trên khắp thế giới, nhất là khi có sự “hội nhập” vào kinh tế sản xuất của Trung Quốc, đã khiến mô hình kinh tế tài chính và kinh tế sản xuất thay đổi tận gốc rễ; Các nhà doanh nghiệp chỉ nhắm vào hai chỉ số quan trọng trong sản xuất, là giá lao động và các luật lệ bảo vệ lao động và môi trường ở các khu vực trên thế giới, nơi nào lao động rẻ và các luật lệ về bảo vệ lao động và môi trường ít nghiêm khắc (hay thậm chí hoàn toàn không áp dụng) thì các doanh nghiệp lập tức cho di dời cơ sở sản xuất sang những khu vực đó (chủ yếu là ở các nước Châu Á, Châu Phi, Nam Mỹ) để hạ giá thành rồi đem thành phẩm về thị trường Tây Âu để tiêu thụ, với kết quả là tăng lợi nhuận, nhưng với hệ lụy là các cơ sở sản xuất ở khu vực Tây Âu tiếp tục bị giải thể, khiến cử tri mất công ăn việc làm, con số thất nghiệp gia tăng.

Tất cả những “bất cập” nói trên, khách quan cũng như chủ quan, đã khiến cho đời sống của cử tri Ý ngày càng khốn đốn, họ chỉ còn biết phẫn uất, căm giận, và chỉ muốn “tàn phá” tất cả với hy vọng là sẽ có thể xây dựng lại một xã hội công bằng hơn, nhân bản hơn. Và trong khi chờ đợi “cách mạng” thì cử tri tạm thời phải chấp nhận “tự sướng” với những phong trào dân sự phi-đảng phái như “Phong trào 5 Sao”.

Huê Đăng/RFI

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.