Vào nội dung chính
ANH - BREXIT-QUỐC TẾ

Anh Quốc trưng cầu dân ý « đi hay ở lại » châu Âu

Hôm nay 23/06/2016, hơn 46 triệu cử tri Anh Quốc đã ghi tên tham gia cuộc trưng cầu dân ý lịch sử, đồng ý hay chống lại đề nghị rời Liên Hiệp Châu Âu. Quyết định ngày hôm nay sẽ cho biết khế ước « hôn nhân có tính toán » giữa Liên Hiệp Châu Âu và quốc đảo vào năm 1973 sẽ được triển hạn hay không. Cho đến giờ phút cuối cùng, tỷ lệ hai phe vẫn ngang ngửa nhau sau một chiến dịch vận động với nhiều bi kịch.

Ảnh mẫu lá phiếu bầu được sử dụng cho ngày trưng cầu dân ý 23/06/2016.
Ảnh mẫu lá phiếu bầu được sử dụng cho ngày trưng cầu dân ý 23/06/2016. REUTERS/Russell Boyce
Quảng cáo

Từ Luân Đôn, thông tín viên Lê Hải nhận định chính trường nước Anh đã thay đổi rất nhiều trong những ngày qua.

"Từ 7 giờ sáng đã có một số người ghé vào phòng trưng cầu dân ý để bỏ phiếu trên đường đi làm, và tiếp theo đó là các số liệu sơ bộ về tình hình bỏ phiếu của các công ty thăm dò dư luận, đưa ra bức tranh toàn cảnh về thái độ của nước Anh đối với tư cách thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu.

Tùy theo thời điểm trong ngày, tức là tùy theo lứa tuổi hay công việc, giới tính và bản sắc văn hóa của mỗi lá phiếu mà quyết định đi hay ở sẽ chao đảo qua lại. Theo đánh giá của giới quan sát, diễn biến sẽ vô cùng hào hứng. Phòng phiếu sẽ mở cửa đến tận 10 giờ đêm, tức là người lao động không chỉ có thể bỏ phiếu trên đường đi làm về, mà thậm chí còn đủ thời giờ ăn tối và tán gẫu với bạn bè hay xem TV rồi mới ra đường bỏ phiếu. Do đó có nhiều người sẽ đưa ra quyết định vào phút chót, khiến cho kết quả có thể đảo chiều một cách vô cùng bất ngờ.

Cho tới thời điểm này thì các khảo sát thống kê cho thấy có khoảng 5% người không đi bầu, 11% chưa có quyết định gì, và trong số những người nói sẽ đi bầu thì 51% muốn ở lại với EU, so với 49% người muốn ra, một sự chênh lệch hầu như là không đáng kể. Do vậy, nhiều khả năng là khi phòng phiếu đóng cửa lúc 4h sáng theo giờ Việt Nam, thì có nơi vẫn sẽ phải tiếp tục mở cửa để giải quyết cho hết số người đến xếp hàng vào giờ chót, và kết quả kiểm phiếu có khi sẽ phải đếm lại bằng tay thật kỹ lưỡng từng lá phiếu một.

Đa số các nhà báo theo dõi cuộc trưng cầu dân ý lần này đều chuẩn bị sẵn 20 giờ làm việc liên tục trong một cuộc đấu xã hội đầy hào hứng giữa hai xu hướng "Brexit" – tức là rút khỏi EU, và "Remain" – tức là ở lại với EU. Hiện tại thì bất kể là kết quả như thế nào, chính trường nước Anh đã đảo chiều hoàn toàn trong thời gian qua, khi mà bản thân trong đảng cầm quyền có trên 130 nghị sĩ bỏ phiếu chống ở lại, bao gồm cả 17 bộ trưởng. Cuối cùng thì thủ tướng David Cameron chỉ còn được hậu thuẫn từ bên phía đối thủ là hẩu hết toàn bộ đảng đối lập, và đặc biệt là cái chết thương tâm của nghị sĩ Jo Cox bên Công Đảng đã làm giảm bớt số người kiên quyết muốn rút khỏi EU.

Cũng cần nói thêm là đây là lần thứ hai người dân Anh đi bỏ phiếu liên quan tới tư cách thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu, mà lúc đó còn tên là EEC, tức là Cộng Đồng Châu Âu hay còn gọi là Thị Trường Chung Châu Âu, vào năm 1975. Trước đó, phải đăng ký tới lần thứ ba (1973) thì nước Anh mới được nhận vào EU, vì hai lần trước đó (1963, 1967), đề nghị của Anh bị tổng thống Pháp Charles de Gaulle phủ quyết.

Điều khoản số 50 của Hiệp Ước EU qui định trình tự để một quốc gia đàm phán và thu xếp đường ra khỏi khối có thể là một giải pháp tình thế, nếu thủ tướng David Cameron muốn kéo dài thời gian, trong trường hợp đa số ủng hộ Brexit". 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.