Vào nội dung chính
ANH - BREXIT

Anh Quốc : Ở lại hay rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu ?

Cuộc trưng cầu dân ý ở lại hay rời khỏi châu Âu ở Anh Quốc, cuộc biểu tình đòi rút luật lao động ở Pháp, lãnh đạo Hồng Kông yêu cầu chính quyền Trung Quốc làm sáng tỏ việc một nhân viên nhà sách bị bắt, Rio bên bờ phá sản trước thềm Olympic, Ấn Độ đối mặt với thách thức về dân số ở các thành thị, căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và Philippine về vấn đề Biển Đông, hệ thống giáo dục Pháp mất điểm. Trên đây là một số nội dung nổi bật trên các nhật báo Pháp ra ngày thứ Năm 23/06/2016.

File d'attente devant un bureau de vote londonien, le 23 juin 2016.
File d'attente devant un bureau de vote londonien, le 23 juin 2016. REUTERS/Neil Hall
Quảng cáo

Hôm nay ngày 23/06/16 là ngày nước Anh tổ chức trưng cầu dân ý. 46.500.000 cử tri Anh Quốc đi bỏ phiếu ủng hộ nước Anh ở lại hoặc rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu.

Chủ đề Brexit xuất hiện trên trang nhất và chiếm nhiều trang trên các báo Pháp như Le Monde, Les Echos, La Croix, Le Figaro. Nhật báo Libération dành 16 trang cho hồ sơ Brexit. Tờ báo này phân tích 5 lý do nước Anh nên ở lại châu Âu và 5 lý do nước Anh nên rời khỏi châu Âu.

Theo Bruxelles, nước Anh cần ở lại châu Âu để đảm bảo sự cân bằng kinh tế cho khu vực đồng euro và cho cả nước Anh và tránh hiệu ứng domino trưng cầu dân ý sang các nước châu Âu khác đang mất niềm tin vào Liên Hiệp như Thụy Điển, Đan Mạch, Hungary, Phần Lan và tránh gây ra tâm lý e ngại châu Âu cho người dân các nước Pháp, Đức,Ý.

Lý do đầu tiên nước Anh nên ở lại châu Âu là để tránh một cuộc khủng hoảng kinh tế - chính trị lớn trong bối cảnh từ năm 2008 tới nay, các cuộc khủng hoảng cứ nối tiếp nhau ở châu Âu mà chưa tìm ra giải pháp lâu dài : khủng hoảng ngân hàng, kinh tế, khủng hoảng về khu vực đồng euro, khủng hoảng di dân, … Người ta e ngại về một tương lai không chắc chắn của châu Âu, mối quan hệ giữa Anh Quốc và Liên Hiệp, đầu tư bị đóng băng, thị trường tài chính và tiền tệ bị xáo động,….

Lý do thứ hai là để tránh làm suy yếu sức mạnh điạ chính trị và thương mại của châu Âu.

Lý do thứ ba là nhằm buộc châu Âu phải cải cách. Hiện nay, Anh Quốc đang ở thế « một chân trong, một chân ngoài » Liên Hiệp mà rất nhiều nước châu Âu khác như Hungary, Ba Lan, Slovakia và Cộng hòa Séc mơ ước : nước Anh không phải là thành viên khu vực đồng euro, không nằm trong khối Schengen, không tham gia chính sách an ninh và nhập cư của Liên Hiệp Châu Âu, chỉ đóng góp một phần vào ngân sách chung, … Tại sao Anh Quốc được hưởng những điều này mà các nước khác lại không ?

Lý do thứ tư : tránh cho châu Âu trở thành một khu vực khép kín. Không có nước Anh thì châu Âu đã không trở thành một châu lục theo chủ trương tự do mậu dịch. Anh đã tìm thấy các đồng minh trung thành trong Ủy ban châu Âu, các nước Bắc và Đông Âu để mở rộng biên giới châu Âu. Anh cũng là nước rất tích cực trong việc mở rộng Liên Hiệp Châu Âu sang khu vực Đông Âu. Nếu không có nước Anh thì đã không có việc mở rộng Liên Hiệp năm 2004. Và không phải vô cớ mà các nước Balcan đều muốn gia nhập Liên Hiệp, Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn duy trì vị trí của mình trong Liên Hiệp Châu Âu.

Và lý do thứ năm, Libération nói một cách hài hước là để « thêm gia vị » cho mối quan hệ giữa Anh và Pháp. Trên thực tế, một cách kín đáo, nhiều người Pháp muốn Anh Quốc rời khỏi châu Âu để Pháp lấy lại vị thế trung tâm trong Liên Hiệp Châu Âu. Nước Anh ở lại sẽ làm tiêu tan giấc mơ của người Pháp : sẽ không có châu Âu theo đường lối xã hội và đánh thuế cao, không có chính sách công nghiệp chung, không tăng ngân sách chung và sẽ có chính sách cạnh tranh tự do. Nước Anh ở lại cũng sẽ khiến các nước không muốn Pháp – Đức thống trị Liên hiệp thở phào nhẹ nhõm.

Tuy nhiên Brexit cũng không khiến Bruxelles giận dữ vì khi thoát khỏi những cản trở thường xuyên từ Londres, Bruxelles sẽ đưa Liên Hiệp Châu Âu.

Lý do đầu tiên Anh Quốc nên rời châu Âu là để không gây nguy hiểm cho Liên hiệp : không một nước Đông Âu, Tây Âu nào muốn rời châu Âu và các cuộc trưng cầu dân ý xuất phát từ ý tưởng của người dân về việc ở lại hay rời châu Âu cũng không được phép diễn ra ở bất cứ nước nào. Các nước Trung Âu vốn hoài nghi cũng sẽ muốn ở lại không muốn từ bỏ khoản tiền nhận hàng năm từ ngân quỹ châu Âu tương đương với 4% Tổng sản phẩm quốc nội của mỗi nước.

Lý do thứ hai là những khó khăn, thiệt hại mà nước Anh sẽ phải đối mặt sau Brexit sẽ là bài học nhãn tiền cho các nước không muốn ở lại Liên Hiệp Châu Âu.

Lý do thứ ba : Brexit sẽ cho phép phát triển Liên Hiệp. Các chính phủ sẽ phải thỏa hiệp và hoàn thành việc xây dựng khu vực đồng euro, cung cấp cho khu vực này các phương tiện để tự vận hành và thiết lập sự kiểm soát của Quốc hội đối với các quyết định của khu vực này. Sau Brexit, Liên Hiệp cũng sẽ thoát khỏi sự kìm kẹp của Londres khiến các việc thay đổi hiệp ước 28 nước về các vấn đề thách thức của thế kỷ XXI như quốc phòng, chính sách ngoại giao, nhập cư, an ninh Liên Hiệp sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Lý do thứ tư là Brexit sẽ cho phép Bruxelles nhìn nhận lại vấn đề mở rộng châu Âu. Thời kỳ ký kết các hiệp ước tự do mậu dịch với mọi quốc gia và việc mở rộng Liên hiệp mà thiếu sự chuẩn bị kỹ càng đã qua.

Và lý do cuối cùng là để các công dân châu Âu xích lại gần nhau hơn : trên thực tế, rất nhiều vấn đề của châu Âu khi đưa ra thảo luận đã bị Londres phản đối. Sau Brexit, châu Âu sẽ tiến xa hơn nữa vì không phải lo ngại sẽ vấp phải sự bác bỏ lần thứ n từ Londres.

Thông tin rối loạn từ phía chính phủ Pháp trong việc cấm rồi lại cho phép biểu tình

Ngoài cuộc trưng cầu dân ý tại Anh về việc nước này ở lại hay ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, tất cả các báo chí Pháp ngày hôm nay đều đưa lên trang nhất cuộc biểu tình đòi rút luật lao động và thông tin rối loạn từ phía chính phủ trong việc cấm rồi lại cho phép biểu tình.

Báo Le Monde ra từ chiều qua, chưa thể cập nhật, chạy tựa « Cấm biểu tình : (thủ tướng) Valls lựa chọn giải pháp đọ sức ». Quả thực là sáng hôm qua, sở cảnh sát Paris đã thông báo cho giới công đoàn lệnh cấm biểu tình vào hôm nay, với lý do an ninh. Ngay lập tức, lãnh đạo hai công đoàn lớn là CGT và Force Ouvrière đã yêu cầu được gặp bộ trưởng Nội Vụ để thương lượng.

Và sau cuộc gặp này, chính phủ lại cho phép biểu tình, nhưng rút ngắn hành trình tuần hành tại Paris.

Thái độ chập chờn, không dứt khoát này của chính phủ đã bị tờ báo thiên tả Liberation mỉa mai : « Một bước tiến hai bước lùi » và nhận định, cuối cùng thì những người chống lại luật lao động đã thoát được lệnh cấm biểu tình : Hôm nay, tại Paris, họ được phép đi biểu tình và tuần hành, nhưng chỉ xung quanh khu vực quảng trường Bastille mà thôi. Tuy giữ được thể diện nhờ có thỏa hiệp của bộ trưởng Nội Vụ, nhưng uy tín của chính phủ không hề gia tăng. Gần như dưới dạng sự ký, trong bài « Tám ngày để tự hủy hoại », Liberation đã tường trình lại những các sự kiện và cuộc đọ sức giữa công đoàn và chính phủ trong việc cấm hay cho phép biểu tình phản đối luật lao động.

Theo phân tích của Liberation trong bài : « Hollande lưỡng lự lúng túng », thì việc tổng thống Pháp François Hollande thay đổi thái độ, lúc đầu ủng hộ cấm biểu tình, sau lại cho phép, minh họa cho những mâu thuẫn về chính trị và tâm lý của ông.

Trước tiên, tờ báo đặt ra một loạt câu hỏi : Ông Hollande đang chơi trò gì vậy, ông muốn gì ? Ông muốn chia rẽ cánh tả hay lại muốn tái đắc cử vào năm 2017. Tối thứ Ba, 21/06, ông đã đồng ý về nguyên tắc cho phép sở cảnh sát Paris cấm biểu tình phản đối luật lao động vào hôm thứ Năm và nếu như vậy, ông sẽ đi vào lịch sử với tư cách là tổng thống Pháp đầu tiên, kể từ năm 1948, ra lệnh cấm một cuộc biểu tình do giới công đoàn tổ chức. Thế nhưng, vào trưa hôm qua, ông lại lùi bước và chấp nhận để cho bộ trưởng Nội Vụ thỏa hiệp với giới công đoàn, cho phép biểu tình tại Paris.

Liberation nhận định, những gì xẩy ra trong hai ngày qua đã phản ánh rõ tính chất khập khiễng hoặc chập chờn trong thái độ, suy nghĩ của ông Hollande. Vào gần cuối nhiệm kỳ tổng thống, ông Hollande đã vướng mắc vào hai mâu thuẫn. Mâu thuẫn thứ nhất là về mặt tâm lý, thần kinh. Trong các cuộc nói chuyện riêng tư, ông luôn đề cập đến sự cần thiết phải thể hiện uy quyền Nhà nước trong công luận, nhưng ông lại bất lực, không thực hiện nổi. Tờ báo nêu ra mối quan hệ giữa tổng thống với thủ tướng. Nhiều người thân cận khuyên nhủ tổng thống Hollande phải giữ một khoảng cách nhất định với thủ tướng Valls, thế nhưng, ông Hollande không làm nổi. Ông dường như lúc nào cũng dính chặt với thủ tướng và tạo cảm giác là trong nhiều vấn đề, tổng thống Pháp bám theo lập trường của thủ tướng, thay vì phải là người chỉ đạo, đi trước để dẫn dắt chính phủ. Một cố vấn thân cận thừa nhận : đó là điểm yếu của ông Hollande. Ông sợ nếu có bất đồng thì thủ tướng từ chức. Trong khi đó, thủ tướng lại liên tục nhấn mạnh là ông trung thành với tổng thống, do vậy ông Hollande rơi vào thế kẹt.

Mâu thuẫn thứ hai của ông Hollande, theo Liberation, đó là quan hệ của ông với cánh tả, hay đúng hơn là với các phe phái trong cánh tả. Hiện nay, các phe phái này mâu thuẫn với nhau và ngay cả trong nội bộ đảng Xã Hội. Để có cơ may tái đắc cử, ông Hollande cần có được sự ủng hộ của toàn bộ cánh tả. Thế nhưng, ông lại đi theo « thuyết » của thủ tướng Valls, cho rằng có hai phe trong cánh tả không thể dung hòa được với nhau. Câu hỏi đặt ra là cần xát định biên giới giữa hai phe cánh tả này. Thủ tướng Valls cho rằng đường biên giới ngăn cách này nằm trong đảng Xã Hội, còn ông Hollande thì muốn đặt đường biên giới ở bên ngoài, tức là muốn tập hợp đảng Xã Hội. Và cho đến này, thái độ của ông Hollande cũng chưa rõ ràng trong vấn đề này.

Vẫn liên quan đến thái độ chập chờ của chính phủ đối với cuộc biểu tình của giới công đoàn, báo Le Figaro, thiên hữu, đương nhiên chạy trên trang nhất tố cáo tổng thống « Hollande : biểu hiện yếu kém ». Việc chính phủ quay ngoắt 180 độ, cấm rồi lại cho phép biểu tình đã gây ra nhiều điều khó hiểu và những lời diễu cợt.

Chủ đề kinh tế trong cuộc vận động tranh cử ở Hoa Kỳ

Nhật báo Les Echos có bài phân tích về năng lực điều hành kinh tế của hai ứng viên Hillary Clinton và Donald Trump. Theo kết quả của một cuộc khảo sát mới nhất, người Mỹ đánh giá ông Donald Trump có năng lực hơn bà Hillary Clinton trong các vấn đề kinh tế. Họ cho rằng nếu bà ứng viên Đảng Dân Chủ thắng cử, bà sẽ mang lại « thảm họa »« suy thoái ». Người Mỹ cũng đặt nhiều niềm tin vào ông Donald Trump hơn trong việc tạo công ăn việc làm. Bà Clinton gặp bất lợi vì hình ảnh của bà gắn với những năm cầm quyền của ông Obama và cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ diễn ra năm 2008.

Thứ Tư 22/06/16, ông Donald Trump đã có một phát ngôn gây sốc : « Bà Hillary Clinton giàu lên bằng cách làm cho các bạn nghèo đi ». Ông đã nói tới sự bùng nổ số người nghèo, nợ công và sự suy giảm thu nhập bình quân của các hộ dân. Lo sợ kết quả bất lợi các cuộc khảo sát, bà Clinton tìm cách cho người dân Mỹ thấy « sự điên rồ » trong các chương trình kinh tế của ông Donald Trump. Bà nói rằng dự án về ngân sách của ông Donal Trump (giảm các loại thuế, tăng trợ cấp cho các cựu binh, củng cố các phương tiện kiểm soát biên giới, … sẽ khiến nợ công tăng thêm 30.000 tỉ USD trong vòng 20 năm tới. Theo một báo cáo mới đây, nếu ông Donald Trump thực sự theo đuổi chương trình kinh tế mà ông đề ra, kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái và 3.5 triệu người có thể sẽ mất việc làm.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.