Vào nội dung chính
NGA - KINH TẾ

Nga : Khi nào kinh tế thoát được khủng hoảng ?

Bắt đầu từ mùa hè năm 2014, giá dầu thô trên thế giới rớt thảm hại đã khiến nền kinh tế Nga mất 5,5% tài sản. Tổng thống Vladimir Putin phải đối mặt với một thách thức lớn : phục hồi tăng trưởng kinh tế dựa trên mọi lĩnh vực khác, trừ xuất khẩu khí đốt.

Dân Nga vẫn tin tưởng vào tổng thống Vladimir Putin để phục hồi nền kinh tế.
Dân Nga vẫn tin tưởng vào tổng thống Vladimir Putin để phục hồi nền kinh tế. REUTERS/Eduard Korniyenko
Quảng cáo

Phân tích thực trạng trong bài viết : « Liệu nền kinh tế Nga chìm trong khủng hoảng có hồi phục được không ? », thông tín viên của Le Figaro, Pierre Avril, đánh giá tăng trưởng kinh tế Nga phụ thuộc vào giá « vàng đen ». Thế nhưng, trong vòng hai năm trở lại đây, giá dầu thô giảm xuống hơn một nửa đã gây ra nhiều hệ quả xấu.

Trước hết, đồng rup mất giá so với đồng đô la. Thứ hai, đằng sau tỉ lệ thất nghiệp có vẻ vẫn hạn chế ở mức 6,3% (theo thống kê của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế) là hiệu suất lao động kém và tình trạng sa thải tại các doanh nghiệp lớn đang bị che giấu. Thứ ba, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga cũng liên tục tuột dốc : GDP giảm 3,7% vào năm 2015 và được dự báo hạn chế ở mức 1,2% vào năm 2016, trước khi có thể dần dần hồi phục từ các năm 2017 và 2018. Cuối cùng, cuộc khủng hoảng hiện nay còn kéo theo việc chảy máu nguồn vốn và giá dầu giảm cũng khiến nguồn vốn dự trữ giảm theo.

Thực vậy, thời kỳ vàng son của dầu mỏ từ năm 2000-2008 đã giúp Cục Dự trữ Nga, được thành lập vào năm 2008, trữ được 49 tỉ đô la. Đến đầu tháng 06/2016, khoản dự trữ này còn 38,6 tỉ đô la. Nếu giá dầu thô không ổn định ở mức 50 đô la/thùng, thì Cục Dữ trữ Nga có thể sẽ bị rỗng ruột ngay năm 2017, vì gần một nửa ngân sách nhà nước Nga phụ thuộc vào thu nhập từ khí đốt và dầu mỏ. Dù Nga xuất khẩu loại chất đốt này nhiều hơn vào sáu tháng đầu năm 2016, nhưng doanh thu vẫn lần lượt giảm 29% và 36% vào các tháng Giêng và tháng Tư năm 2016 so với cùng thời điểm năm 2015.

Nguồn « vàng đen » từng giúp Nga làm giàu nhanh chóng trong thập niên 2000 bắt đầu kiệt sức. Matxcơva đang tìm cách phục hồi nhờ đầu tư, như phát triển cơ sở hạ tầng, ủng hộ các doanh nghiệp xuất khẩu không nằm trong lĩnh vực dầu mỏ và ủng hộ các nhà đầu tư nước ngoài…

Chính quyền Nga đang lên chương trình cổ phần hóa một phần tập đoàn dầu khí Rosneff và Alrosa, tập đoàn nhà nước hàng đầu về kinh doanh kim cương. Lĩnh vực ngân hàng Nga đang trên đà phục hồi. Từ một năm rưỡi nay, Ngân hàng Trung ương đã rút giấy phép kinh doanh của 137 ngân hàng hoạt động thiếu hiệu quả. Hoạt động vay tín dụng ngân hàng đang từng bước phục hồi nhưng vẫn còn rụt rè do lãi suất cao, thêm vào đó là những biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với các hoạt động tài chính của các tập đoàn lớn của Nga.

Thế nhưng, theo thống kê của viện nghiên cứu Rosstat, các lĩnh vực độc lập và ngành sản xuất không thuộc lĩnh vực dầu mỏ chỉ chiếm 10% GDP của Nga. Những lời kêu gọi hiện đại hóa và đa dạng hóa nền kinh tế từ thời tổng thống Medvedev đã không được lắng nghe. Giới chuyên gia theo khuynh hướng tự do được kêu gọi sát cánh cùng tổng thống Vladimir Putin để lập kế hoạch kinh tế cho nhiệm từ thứ tư (2018-2024) của người đứng đầu điện Kremlin hiện nay dự kiến mức tăng trưởng 4% với điều kiện phải cải tổ cấu trúc. Thế nhưng, tiếng nói của họ vẫn không có trọng lượng trước phe bảo thủ hiện nắm quyền trong các tổ chức an ninh có nhiệm vụ củng cố chế độ.

Theo phân tích của ông Vladislav Inozemtsev, thuộc Quỹ Jamestown, việc các chuyên gia theo khuynh hướng tự do xuất hiện gần đây trong những cuộc tranh luận quần chúng « chỉ phản ánh nhu cầu của chính phủ sử dụng các chiến thuật tinh vi hơn nhằm bảo vệ toàn vẹn chế độ hiện nay ». Vì vậy, mối nghi ngờ về khả năng cải tổ và hồi phục của Nga vẫn còn đó, phóng viên của Le Figaro kết luận.

Nga : Người nghỉ hưu phải thích ứng với thời buổi suy thoái

Nước Nga đang trải qua một thời kỳ suy thoái kinh tế nghiêm trọng, do giá dầu thế giới giảm mạnh và do các lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào nước này. Từ lâu được tổng thống Nga chăm chút, những người hưu trí giờ buộc phải thích ứng tình hình một cách vất vả do sức mua của họ đã bị tụt giảm mạnh.

Phóng sự của nhật báo công giáo La Croix tại Saint-Petersbourg cho thấy hậu quả của những nguyên nhân nêu trên là giá cả các mặt hàng trong năm tăng 13%, nhất là các loại thực phẩm. Trong khi đó, sức mua của người hưu trí tại Nga lại sụt giảm trung bình đến 10%. « Những người tương đối khá giả đã ngừng đi du lịch ở nước ngoài, tầng lớp trung lưu thì đang gặp khó khăn và số lượng người nghèo đã tăng lên một cách đáng lo ngại », theo nhận định của một nữ nghị sĩ với nhật báo công giáo.

Với đồng lương hưu ít ỏi (từ 150 đến 200 euro), để có thể cầm cự đến cuối tháng, nhiều người già về hưu phải chấp nhận làm thêm những công việc trả lương thấp như bồi bàn, quản lý nhà người già… Họ tiết kiệm chi tiêu bằng cách hy sinh một phần khoản chăm sóc sức khỏe, như từ chối làm xét nghiệm, chữa bệnh khi không có tiền.

Khủng hoảng kinh tế đã làm sống lại những thói quen dưới thời Xô Viết cũ. Để không bị chết đói, nhiều người đã tự sản xuất, trồng rau củ trên nóc các tòa nhà, vào mùa đông thì tiêu thụ rau củ và trái cây đóng hộp.

Nhưng suy thoái kinh tế cũng làm cho những người hưu trí càng thêm chán ghét chủ nghĩa tư bản. Tình hình hiện nay gợi nhắc lại sự chuyển đổi đột ngột của nước Nga dưới thời ông Boris Eltsine, lạm phát tăng vọt và đồng rúp mất giá kèm theo đó là nạn khan hiếm lương thực trầm trọng.

Và hơn bao giờ hết, cuộc khủng hoảng này lại làm tăng thêm uy tín của tổng thống Nga Vladimir Putin ở những người hưu trí. « Năm 1991, chúng tôi phải hứng chịu cùng lúc vừa khủng hoảng chính trị, xã hội, tinh thần và kinh tế. Lúc này, chỉ là một cuộc khủng hoảng kinh tế thôi. Tôi tin tưởng vào tổng thống của mình để giúp đất nước vượt qua cơn nguy khó này », một nữ quân nhân về hưu bộc lộ với phóng viên La Croix.

Pháp : Đối thủ của Mỹ trên thị trường vũ khí

Pháp đã ký được hợp đồng thế kỷ với Úc. Dự án đóng 12 tầu ngầm loại Barracula với tổng trị giá lên đến 34,3 tỉ euro sẽ được tiến hành trong vòng 5 năm. Bài phóng sự của Le Monde : « Vũ khí "Made in France" cất cánh » nhận xét hợp đồng này khẳng định sức sống mới của lĩnh vực tuyển dụng đến 4% nguồn lao động trong lĩnh vực công nghiệp Pháp.

Nếu như hợp đồng với Úc được kí kết vào cuối năm 2016, doanh thu sẽ được tính vào năm nay và cho phép vượt con số kỉ lục của năm 2015 với 16,9 tỉ euro nhờ hai hợp đồng lớn : hợp đồng thứ nhất với Ai Cập gồm 24 chiến đấu cơ Rafale, 1 tầu chiến đa năng và hàng loạt tên lửa tầm ngắn và tầm trung ; hợp đồng thứ hai với Qatar gồm 24 chiến đấu cơ Dassault. Thêm vào đó, còn phải kể đến hợp đồng bán 36 máy bay Rafale cho Ấn Độ với trị giá 7,7 tỉ euro, hiện đang trong quá trình đàm phán.

Càng xuất khẩu được vũ khí, ngành công nghiệp quân sự Pháp càng tạo thêm được việc làm, khoảng 40.000 việc làm sẽ được tạo thêm từ nay đến năm 2018 và vượt qua ngưỡng 200.000 nhân công trong lĩnh vực này, theo thông báo của bộ Quốc Phòng Pháp.

Thế nhưng, Pháp, nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ tư trên thế giới, đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của các đối thủ mới nổi, như Hàn Quốc. Ngoài ra còn phải kể đến ba nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc Tất cả đều có mặt tại Triển lãm Vũ khí tại Villepinte, mở cửa từ ngày 13/06. Đây là dịp để Pháp tăng cường xuất khẩu do nhu cầu trong nước không còn đủ vì ngân sách quốc phòng bị hạn chế. Trong khi đó, chi phí dành cho quốc phòng của thế giới được thẩm định tăng thêm 1%, đạt mức 1.676 tỉ đô la, do cuộc chiến chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo và căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraina. Tác giả bài báo quên nêu căng thẳng tại Biển Đông buộc nhiều nước Đông Nam Á tăng nhu cầu trang bị vũ khí tối tân để đề phòng Trung Quốc.

Nợ của các doanh nghiệp Trung Quốc tương đương với 145% GDP

« Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế lo ngại về khoản nợ quá lớn của các doanh nghiệp Trung Quốc » là chủ đề thời sự châu Á được đề cập trên nhật báo kinh tế Les Echos.

Vấn đề này không có gì là mới, nhưng IMF lo ngại vì tổng nợ của các doanh nghiệp Trung Quốc đã chiếm đến 145% tổng sản phẩm quốc nội của nước này. Theo thẩm định của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, chỉ riêng các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc đã chiếm đến 55% tổng số nợ của các doanh nghiệp. Mức độ này cao hơn hẳn so với phần đóng góp của các doanh nghiệp Nhà nước, chỉ chiếm 22%, vào sản lượng chung của cả nước.

Trong cuộc hội thảo tại Thâm Quyến, trợ lý giám đốc thứ nhất của IMF đã yêu cầu chính quyền Bắc Kinh phải giải quyết ngay lập tức vấn đề trên bằng « cam kết tiến hành các biện pháp cải cách nghiêm túc ».

Ngoài ra, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế cũng lo ngại về việc các ngân hàng Trung Quốc ngày càng nắm nhiều khoản tín dụng đầy rủi ro. Một bản báo cáo mới nhất về bình ổn tài chính toàn cầu của IMF, được công bố vào tháng 04/2016, nhận định rủi ro mất các khoản tín dụng của các công ty Trung Quốc có thể tương đương với 7% GDP của quốc gia Đông Á này, có nghĩa là trên khoảng 8.100 tỉ đô la cho các doanh nghiệp vay, các ngân hàng Trung Quốc có nguy cơ mất đến 1.300 tỉ đô la.

Đối với IMF đã đến lúc phải hành động và « phải nhanh chóng hành động trước khi vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn » và tránh để trở thành "cơn sóng thần" quốc tế.

Orlando, giữa tang thương và tức giận

Thời sự quốc tế được đề cập nhiều nhất vẫn là vụ xả súng trong một hộp đêm tại Orlando, bang Florida. Vụ thảm sát kinh hoàng nhất trong lịch sử nước Mỹ đã khiến 49 thiệt mạng và 53 người bị thương.

« Orlando, giữa tang thương và tức giận » là dòng tựa lớn trên trang nhất của Le Monde cùng với hình ảnh hai người đàn ông đang an ủi trong vòng tay nhau. Bài xã luận của Le Monde trích dẫn lời phát biểu của tổng thống Obama rằng mục tiêu của vụ xả súng xuất phát từ « lòng thù hận » ; « một nỗi thù hận vô cùng đặc biệt » khi nhắm vào cộng đồng người đồng tính, bài viết nhấn mạnh.

Trang nhất của Le Figaro là hình ảnh người dân đến chia sẻ nỗi đau với các nạn nhân dưới dòng tựa : « Làn sóng sốc ». Người Mỹ bắt đầu nghiên cứu trách nhiệm dẫn đến thảm kịch này ngay trong bối cảnh chiến dịch tranh cử tổng thống bước vào giai đoạn quyết liệt. Đây cũng là nhận định của nhật báo kinh tế Les Echos trong bài viết : « Thảm kịch Orlando đánh dấu bước ngoặt trong chiến dịch tranh cử ». Còn theo La Croix, vụ thảm sát tại Orlando chứng tỏ « Một mối đe dọa khủng bố mới ». Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo có khả năng kích động những "con sói đơn độc" hay những thành phần tự cực đoan tiến hành các vụ thảm sát.

Luật lao động Pháp : Cuộc chiến giữa các nghiệp đoàn

Thời sự Pháp nổi bật trên các nhật báo số ra ngày hôm nay là cuộc tổng đình công phản đối dự luật lao động được thảo luận ngày hôm nay tại Thượng Viện theo lời kêu gọi của nghiệp đoàn lớn nhất của Pháp CGT. Le Monde nhận định trên trang nhất, qua cuộc biểu tình ngày hôm nay, « CGT muốn cứu vãn vị trí nghiệp đoàn hàng đầu tại Pháp của mình ». Thực vậy, hiện đang ngang ngửa với nghiệp đoàn CFDT, CGT muốn huy động phong trào biểu tình và đình công để duy trì vị trí số 1.

Le Figaro cũng có chung nhận định khi đánh giá « Phong trào phản đối luật lao trở thành cuộc chiến giữa các nghiệp đoàn », giữa một bên là các nghiệp đoàn phản đối mà đại diện là CGT và bên kia là các nghiệp đoàn cải cách.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.